Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Phôi pha

Phôi pha

- T.TK — published 10/02/2011 01:05, cập nhật lần cuối 05/03/2011 23:37

Bạn đọc viết


Phôi pha

T.TK

Em đã đến quê hương một mình
Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm
Trịnh Công Sơn
“Người con gái Việt Nam da vàng”

 

Tôi đã đi quá xa vào quá khứ; đã hụt hẫng, đắm chìm, níu kéo một cách dại cuồng; nên bây giờ, tôi lạc lối. Hôm nay, một tháng sau ngày trở lại Paris, tôi vẫn đi về trong cảm giác bềnh bồng, nửa mê nửa thực.

Đã từ lâu tôi muốn quên. Tôi bình yên, thanh thản chấp nhận chốn tạm dung. Để trả lời bạn bè những câu hỏi gần như thường xuyên được đề cập đến: “ khi nào về?”, tôi đã mạnh dạn bông đùa: “ Quên! quên hết rồi! nơi nào em đến, nơi đó là thiên đường (1). Xin nhận quách nơi này làm quê hương!”. Nói thì lúc nào cũng giản đơn là vậy...

Chẳng hiểu điều gì đã khiến tôi chuyển từ ý định đi New York sang Sài Gòn? Có thể vì cái giá vé phải chăng đập vào mắt? Cũng có thể cái giá buốt của mùa đông Paris làm ly khách thấy thèm chút nắng ấm nhiệt đới? hay giản dị hơn, chỉ là nỗi nhớ nhà! Ngồi trên máy bay, tôi lẩm nhẩm mục đích chuyến đi (thật ra, chỉ mới nảy sinh trong đầu, sau khi cầm tấm vé trong tay): thăm mẹ – thăm nơi tôi chào đời – thăm mộ P.L. – thăm trại tù cũ (nơi đầu tuổi hai mươi, tôi đi học làm người). Nao nao khi thấy quá khứ ủ ê hiện về. Có ai trở về chốn cũ bằng cái trĩu nặng tôi đang mang không nhỉ?

Tôi đã chọn lớn lên khi cuộc chiến tàn. Tôi nhớ mãi hình ảnh ba tôi mỗi lúc từ trại về, cởi quăng mạnh bộ áo lính lên nóc treo, và thở dài... Tiếc rằng ba tôi đã không được tiếp tục sống để thấy ngày mà hàng ngàn hàng vạn bộ quân phục đã đồng loạt được chùng lén quăng khắp các nẻo đường đất nước, trong cuộc tan tác. Nếu ông còn sống, có lẽ mẹ tôi đã chẳng phải chan hoà nước mắt chấp nhận ở lại “bỏ mộ ba đi sao đành!” và sau đó lũ chúng tôi cũng chẳng phải lận đận gieo neo, vào tù ra khám theo chuyện vượt biên; đi tìm cái sống từ cái chết. Nghĩ lại, tôi chẳng thấy tiếc, thấy giận, thấy buồn. Đôi lúc còn cảm thấy tự hào, đã sống đủ! Nỗi nhớ nào rồi cũng qua. Với thời gian, trí óc gạn lọc dần những phiền nhiễu. Tiềm thức âm thầm giữ lại vài hình ảnh vuông tròn, chút hương dịu dàng, chút nắng kỷ niệm. Và đó cũng là mơ ước của chính tôi khi đặt chân xuống miền đất xưa, sau hơn mười năm xa cách.

Sài gòn tháng ba, thật nhiều nắng. Tôi buồn cười khi nghĩ đến vài bông tuyết bay bay ngoài cửa sổ khi máy bay tung cánh rời Roissy. Tôi chợp mắt, nhìn quanh phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tự vấn: “Vui không? cảm động không?” và ngạc nhiên với sự dửng dưng của chính mình. Chẳng vui, chẳng buồn, chẳng náo nức; chỉ thấy lo lo với hàng rào hải quan đang chờ đợi. Hơi nhói lòng khi chợt bắt gặp khuôn mặt lạnh lùng của người công an áp tải, đong đưa theo xe khách. Cách đây hơn mười năm, có lẽ cũng là khuôn mặt này, đã đưa chúng tôi âu lo trong chuyến xe bít bùng thẳng vào “chấp pháp”. Có cái gì bất an chợt dâng lên trong tôi. Nhớ nụ cười rất duyên dáng của các cô tiếp viên hàng không Việt Nam lúc rời máy bay, tôi thấy mình thật sự đang bước vào một thế giới khác.

Vậy rồi cũng xong, tôi rơi vào lòng Sài Gòn, yên lành.

Mẹ tôi đã không vào đón tôi! Cái phút giây tưởng sẽ là êm đẹp, mà tôi đã vẽ ra trong đầu trong suốt cuộc hành trình, chợt tan. Điều duy nhất mẹ tôi đã vội vàng làm khi nhận được tin tôi về, là gởi cấp tốc vào nhà người bà con tấm thẻ chứng minh nhân dân cũ, dăm ba cái giấy đi đường thời tôi còn ngược xuôi làm sinh viên, kèm lời dặn: ăn mặc thật giản dị, mượn túi xách nội địa, mượn người đi mua vé giùm để khỏi trả theo giá “Việt kiều” và đừng mua giường nằm “kẻo người ta để ý!” Giá Việt kiều là giá dành riêng cho người Việt về thăm nhà, áp dụng cho mọi phương tiện di chuyển và ăn ở. Cứ lấy giá dành cho người trong nước nhân lên gấp ba hoặc gấp năm, tuỳ theo hậu hĩ của các cấp chính quyền, thì ra giá mình phải trả. Thu mình trên chiếc ghế “ngồi mềm” – khá tiện nghi và thoải mái so với những chuyến tàu Thống nhất trong những năm đầu “giải phóng” – tôi bâng quơ đếm nhịp tàu. Đêm quê hương lành lạnh. Thỉnh thoảng là vài ngọn đèn lấp lánh, thỉnh thoảng là sông lạch, thỉnh thoảng là ruộng đồng, trầm tư. Tôi phập phồng chờ được soát vé. Rồi cũng qua! Dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn vàng vọt giữa toa xe, vào lúc giữa đêm, người soát vé nhanh chóng kiểm tra, không buồn nhìn khuôn mặt người cầm vé. Tôi vẫn thấy buồn, sau khi nỗi lo tan biến. Mười năm trước đã lén lén chui chui trên những chuyến tàu, tránh bắt nghĩa vụ quân sự; nay lại tiếp tục chùng chùng giấu giấu – đúng ra chỉ để làm vui lòng mẹ tôi. Xã hội phương Tây đã dạy cho tôi thói quen ngẩng cao đầu không chút mặc cảm tự ti. Nay, tôi cúi đầu, nhắm mắt trên quên hương tôi để tránh hai tiếng “Việt kiều”. Có lẽ đã đến lúc tôi phải tìm cho mình một chỗ đứng.

Vậy rồi tôi gặp lại mẹ tôi, trong căn nhà cũ. Mười mấy năm sống đơn độc giữa đám cháu chắt, mẹ tôi đã quên mất thói quen xưng bằng mẹ. Ngày đầu tiên, trong câu chuyện, lúc xưng cô, lúc lại dì. Tôi đo lường ra khoảng cách thời gian qua mái tóc mẹ tôi và cách xưng hô lung tung đó. Tôi thấy lạc lõng hơn bao giờ hết, ngay trên chính vùng kỷ niệm xưa. Tháng năm không thể nào đưa con người lại gần nhau hơn. Cách nhìn khác, suy nghĩ khác, biểu lộ tình cảm khác; mẹ tôi đi từ nước mắt sang câm nín. Tôi chìm đắm sâu hơn vào thế giới của mình. Chiều đầu tiên, tôi tìm ra biển, trở lại ngay địa điểm lần khởi hành sau cùng. Bãi biển vắng, mênh mông và nhiều sóng. Còn tôi, buồn mênh mang. Sóng thời gian đã đưa tôi về vị trí cũ mau hơn dự định. Nhớ lại đêm đầu tiên, phía bên kia bờ đại dương, sau mười ngày lênh đênh cùng bao bất trắc, tôi đã nhắm mắt thì thầm: “ Vậy là xong! thoát thật rồi! Chấm dứt từ đây những tháng ngày ngược xuôi Trung, Nam; vào tù ra khám!” Cái cảm giác bình an ngày xưa, nay thay bằng nỗi buồn và trống trải, nơi điểm hẹn cũ. Tự hỏi thâm sâu những mất, còn; sau những phiêu lưu? Và trả lời tôi chỉ có sóng – cơn sóng lòng.

Tôi theo mẹ tôi về quê, lòng trĩu nặng. Hình ảnh thằng bé con gầy guộc, bám vào thành xe, nài nỉ khách đi lại mua giùm ít đậu phộng rang cứ ám ảnh theo tôi mãi. Biết đến bao giờ tuổi thơ đất nước tôi hết phải nài van, cầu khẩn? Thế hệ cha anh đã giựt mình thức giấc theo tiếng đại bác, thế hệ hôm nay hoảng hốt ngái ngủ vùng lên theo chuyến xe về bến để cùng tranh sống. Tôi nhìn quanh, thấy thương dân mình hơn bao giờ hết và thấy món nợ với quê hương chợt nặng lòng... Tôi cảm xúc nhìn lại căn gác gỗ, nơi tôi chào đời. Người chủ nhà nhìn chúng tôi với ánh mắt nửa âu lo, nửa nghi hoặc. Bà vừa được cơ quan phân cho căn nhà này chỉ mới hơn hai tháng nay. (Tôi đọc trong đôi mắt in lại trên cuộn băng video quay vội tất cả nghĩ suy: “Việt kiều về thăm lại nhà cũ. Điềm chẳng lành!”). Rời xa những địa danh bình an: Hoà Xuân, Sơn Thành..., tôi giữ lại màu xanh của lúa, và rất nhiều nụ cười “dù nghèo mà vui”. Mọi sự đều bé nhỏ và ít hào nhoáng hơn hình ảnh trong ký ức. Vườn hoa mênh mông ngày xưa, nơi tôi đã khóc nhiều lần đi lạc; nay chỉ là khoảng công viên nhỏ, lơ thơ vài khóm cây. Xe chạy ngang Đại Lãnh – nơi nhiều lần tôi đã say mê mô tả cái diệu vợi cho đám bạn ngoại quốc – nay chen chúc cửa nhà. Cái hồ thiên nhiên cách biển chừng năm mươi thước được “cải thiện” thành “cầu cá” cho cả xóm. Giữa rừng thông mọc lên một khách sạn, có vẻ quy mô lúc ban đầu, nay bỏ lỡ giữa bước khởi công, trông xa như phong cảnh tiêu huỷ sau chiến tranh. Tôi chợt nhận ra khả năng phá hoại của một nhóm người nấp dưới chiêu bài xây dựng.

Chưa bao giờ tôi có dịp thăm nhiều nghĩa trang trong một thời gian ngắn như vậy. Tôi nhớ lời bà chị họ than vãn: “Mười năm, chẳng có nghĩa gì với lịch sử của một dân tộc, nhưng quá dài so với một đời người!” Tôi lang thang vào thế giới của người đã khuất, tìm trong vài giòng chữ tạc ghi, một dáng người. Người Việt có thói quen xem cõi chết như một chốn an nghỉ bình yên. Người sống tiếp tục thường xuyên lui tới tâm tình với người khuất mặt và tin ở sự che chở, sẻ chia. Cái biên giới giữa sự còn, mất; gần như vô định. Điểm lại thấy mất mát thật đáng kể, to tát.

Mặc cho sự cản ngăn của cả gia đình, tôi vẫn lì lợm trở lại M.P. Kỷ niệm nơi này đã chẳng đeo đuổi tôi vào tận giấc mơ sau hơn mười năm lạc xứ? Có những điều, dù muốn, cũng không thể quên và tôi đã chọn giải pháp trực diện với sự thật; với hy vọng sẽ được bình yên hơn, sau đó. Con đường về chốn cũ không chút đổi thay. Vụng về hỏi han, được biết trại cải tạo xưa vẫn còn hoạt động. Người trai trẻ chỉ đường hỏi bâng quơ: “Anh đi thăm nuôi hả?” Tôi đáp vâng. Có lẽ cũng là thăm nuôi cho sự bình an của chính tâm hồn mình.

Tôi đi ngang giòng sông, nơi tôi đã liều lĩnh kéo D. vào bờ một sáng qua đò bị đắm. Sau này, nó vẫn nheo mắt cười mỗi lúc khó khăn: “ Số tui lớn lắm! Lần đó mà chưa tiêu thì lần này ăn thua gì!” Qua cánh đồng bàng rõi tiếp tới hàng khóm; tôi khích động, ngây ngất như tìm ra người bạn cũ. Nơi này đây, sáng sáng năm giờ phải lội ngang lạch nước lạnh căm. Nơi kia là những tảng đất đội ngang bãi sình lầy để đắp thành con đường tôi đang đứng...

Tôi khoát nhẹ mặt kênh, thấy lại bao bóng hình “đồng đội”. Mặt trời vẫn đỏ sau hàng rào kẽm gai. Vẫn hoàng hôn đó cho tôi mơ thoát ra ngục tù, đến những chân trời xa rộng, ngày xưa; nay, giấc mơ đã thành đạt; và tôi lại tiếc tháng ngày qua. Nhân vật trong “trại đằm đùn” đã trở lại chốn xưa để nguyền rủa. Tôi chỉ đào bới lại kỷ niệm cũ, để nhớ. Hàng tràm do tự tay chúng tôi trồng, không lâu trước ngày rời trại, nay đã cao nghệu, che kín khuôn viên trại giam, chỉ còn để lộ ra vài mái lá. Tất cả chìm trong một sự im lặng lạ lùng, bí mật. Lúc tôi quay lưng đi, một thằng bé trên bờ kinh hối hả giựt nhanh cần câu. Hình ảnh con cá quả vùng vẫy bất lực in đậm trên nền đỏ chữ vàng “Trại cải tạo M.P.” của bảng chỉ dẫn, như nói lên tất cả nỗi niềm trong tôi: vết thương đã không lành và sẽ chẳng bao giờ lành!

Đến cuối cuộc hành trình, tôi vẫn chưa tìm ra được cho mình một chỗ đứng yên ổn. Cái lạc lỏng càng in sâu khi chợt nhận ra mình đang đi ngược đường. Tôi đi tìm quá khứ, chung quanh tôi đi tìm tương lai. Điều bất hạnh, ai cũng muốn quên; và đó cũng là nguyên lý chung trong cuộc sống còn. Tôi đã tự chọn cho mình trong quá khứ, chỗ đứng ngoài cuộc; giờ đây, tôi không có quyền đòi hỏi tham dự. Điều thuận lý nhất có lẽ là hãy để người trong cuộc tự chọn lấy con đường của họ. Nếu họ có hạnh phúc, điều đó là đáng mừng. Tôi tin ở khả năng và trí óc của con người. Tôi nguyện cầu.

Máy bay cất cánh. Lần đầu tiên nước mắt tôi tuôn ra. Có lẽ, khóc cho chính thân phận mình. Nhìn quê nhà chìm dần trong khói trời, tôi biết, mình đã mất tất cả. Nói như một nhà văn, tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ được tắm lại hai lần trên cùng một giòng sông. Cho dù chậm, thời gian luôn kéo theo những đổi thay và kỷ niệm, sẽ mãi mãi là vùng “đất hứa”.

Tôi chỉ vừa đi qua một cơn mơ, tôi tin chắc như vậy. Hành trình của tôi rời rạc, hư ảo, không âm thanh, không bóng người. Tôi ngẩn ngơ, tôi ngờ nghệch như một người say vừa tỉnh rượu, tự hỏi mình đang ở chốn nào?

Phố phường Paris thay áo. Trời tháng năm ấm áp lại dần. Cây cỏ đâm chồi, nẩy lộc. Tôi buồn cười nhận ra cái nghịch đảo nơi vùng đất này, giữa cây cối và con người. Lá càng dày, càng xanh thì áo quần khoác trên người các cô bé tóc vàng càng thưa, càng mỏng dần; và ngược lại.

Khép cuốn album, đóng chặt cửa phòng, tôi bước ra ngõ. Nắng làm tôi chói mắt, nheo nheo tự hỏi nên nhập vào giòng đời theo hướng nào? Ngã nào cũng xong, miễn là con đường đi tới.

Thật vậy miễn là con đường đi tới.

Paris , tháng 5 năm 1993

T.TK

 

(1) Mượn ý của Mark Twain trong “Adam and Eve”.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss