Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 21 / Thân phận tư doanh...

Thân phận tư doanh...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:43, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:43
...xin được làm người, không có phân biệt dân ngu khu đen và nhà quan có gang có thép, không bị đối xử như culi trong khi đặc huệ dành riêng cho người nước ngoài.

 
Thân phận nhà tư doanh bản xứ

 
Bùi Mộng Hùng

 

Vừa được hé cửa, tư doanh Việt Nam phát triển nhanh từ 1990. Năng động, trong khi cả khu vực hợp tác xã lẫn quốc doanh, nhất là quốc doanh địa phương, bị xiểng liểng vì không còn viện trợ Liên Xô, vì mất thị trường Đông Âu. Trong mọi khu vực, từ dịch vụ đến công nghiệp. Một phần không nhỏ – 50% tư doanh ở thành phố Hồ Chí Minh, 24% ở Hà Nội – sản xuất cho xuất khẩu (1).

Để đánh giá trọng lượng của khu vực tư doanh xin so sánh vài số liệu. Theo báo cáo số 63/TH ngày 23.2.93 của Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố : Về thương nghiệp, doanh số trong tháng 2.93 là 1006 tỷ đồng thì phần của tư thương gần gấp đôi phần của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán nhập chung lại. Về công nghiệp, giá trị sản lượng ngoài quốc doanh đạt 118,6 tỷ đồng, tròm trèm gấp đôi công nghiệp quốc doanh thành phố (60,2 tỷ đồng) và bằng 51,74% công nghiệp quốc doanh trung ương (229,2 tỷ đồng).

Hiệu quả hoạt động của tư doanh cao hơn quốc doanh. Vẫn theo Cục thống kê thành phố, trong năm 1992, về tích lũy trên vốn, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1,5% / tháng, so với 1,33% / tháng của công nghiệp quốc doanh trung ương và 1,08% của công nghiệp quốc doanh địa phương. Và với số vốn khoảng 1200 tỷ đồng – chỉ bằng 10% tổng số nguồn vốn trong công nghiệp – công nghiệp ngoài quốc doanh đã tạo nên giá trị sản lượng 1553 tỷ đồng, chiếm đến 30% tổng giá trị sản lượng công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong năm 1992, tuy nào là điện bị cắt hai ba ngày trong tuần, nào là hàng Trung Quốc ùa vào cạnh tranh ráo riết, sản xuất tư doanh tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng 12% so với 1991. Kinh doanh tư nhân hoạt động trên nhiều lãnh vực : công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, khách sạn nhà hàng, tin học, xuất nhập khẩu, nhưng tập trung nhất trong các ngành thương mại, may, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, xây dựng, cao su, nhựa... Họ mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị, tổng số lên đến khoảng 30 triệu US đôla trong hai năm 90 - 91 và 10 tháng đầu 92. Nhờ thế mà nhiều mặt hàng như quần áo, nhựa gia dụng, giày dép, xà bông thơm và dầu gội đầu, nệm cao su .... đã có sức cạnh tranh với hàng nước ngoài.

 
Ta cứ tưởng đâu người kinh doanh tư nhân bản xứ năng nổ, làm ăn có hiệu quả là nhờ có chính sách nâng đỡ, ưu đãi một thành phần xưa nay hầu như vắng bóng trong xã hội nước ta. Và chính quyền thấy rằng vai trò của họ trong công cuộc phát triển kinh tế là không thể thiếu được.

Hiến Pháp 1992 đã chẳng khẳng định : " Kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh " trong điều 21. Đã chẳng bảo đảm " Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mọi thành phần kinh tế..., đều bình đẳng trước pháp luật,... " trong điều 22 đó sao ?

Bình đẳng, cái từ nghe mới ngọt ngào làm sao ? Chắc nhà tư doanh bản xứ chẳng bao giờ có ý định xin cho mình được cái thế của công ty quốc doanh để có thể " xài tiền nhà nước như...nước ". Như tại một đơn vị chuyên doanh ngành da – hiện nợ trong và ngoài nước hơn 60 tỷ đồng trong đó có hơn 5 hiệu US đôla – ban lãnh đạo đã mua dư ra hai ba thiết bị trị giá 250 000 US đôla để chất trong kho, đã bỏ ra 4 triệu US đôla để mua một cái máy thuộc da mà một nơi khác mua về với giá 1 triệu. Như tại 42 xí nghiệp quốc doanh mà cuộc khảo sát của Vụ khoa học kỹ thuật của Bộ công nghiệp nhẹ cho thấy hầu hết 727 thiết bị và 3 dây chuyền công nghệ mới nhập khoảng thời gian 1986 - 1991 đều là đồ cũ, 76% từ thời 1950-1960, 36% thuộc dạng thanh lý, 52% là tân trang, chỉ có 10% còn nguyên trạng nhưng cũng đã có ít nhất là 5 tuổi đời ... Tiền nhà nước chảy ra xối xả ! Vê đâu, không phải là chuyện nói trong bài này.

Không. Nhà tư doanh chỉ xin được kinh doanh thật sự, lời ăn lỗ chịu. Và không bị phân biệt đối xử.
 

1 Thiếu vốn là một trở lực cơ bản. Một tài liệu điều tra của Viện khoa học lao động và các vấn đề xã hội, được công bố tháng 6.91, cho thấy rằng 50% trong số 85 doanh nghiệp nhỏ – 79 là tư nhân, 6 là hợp tác xã, thực chất là đã chuyển sang sở hữu của một chủ – ở hai huyện Thường Tín và Ứng Hoà (Hà Tây) nêu khó khăn nhất của họ là thiếu vốn (2).

Hiện nay đại đa số doanh nghiệp tư nhân chỉ trông vào vốn tự có để sản xuất kinh doanh. Theo một cuộc điều tra trong năm 1992 của Viện quản lý kinh tế trung ương, đó là tình trạng của 85 trên số 100 công nghiệp tư nhân ở Hà Nội và 68,5% trong số 200 doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh.

Vốn tự có là của người thân trong gia đình hoặc của bạn bè thân thiết xuất ra. Người góp vốn thường không tham gia quản lý doanh nghiệp. Mức lãi họ dược hưởng không cố định và không trả thường kỳ mà tuỳ theo kết quả hoạt động của doanh nghiệp (2).

Khi cần đến vốn, người buôn bán nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thường vay chủ họ (hụi). Với lãi suất từ 8% đến 15% / tháng. Ở Hà Nội, tại chợ Đồng Xuân nhu cầu về vốn lưu động mỗi ngày khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu do 48 hộ tư nhân cho vay lãi nặng cung cấp. Vay mượn đơn giản, thời gian cho mượn linh hoạt. Nhưng vì thế dễ xảy ra giật họ, vỡ nợ, trốn nợ. Đo đó các chủ cho vay hạn chế số tiền cho mượn, một chủ ở chợ Bưởi cho biết chỉ dám cho vay tối đa 5 triệu đồng mà thôi (2).

Rất ít doanh nghiệp nhỏ vay tín dụng ngân hàng – 3% trong số non 1000 làm đối tượng điều tra ở nội thành Hà Nội trước tháng 2.92 (2). Trong vài năm trước đây công ty quốc doanh được quyền vay ngân hàng với lãi suất nhẹ. Họ đem cho vay lại với lãi suất cao hơn, ngồi chơi hưởng chênh lệch lãi suất. Đấy là một nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp tư nhân vay mượn để làm ăn.

Từ cuối năm 1992, tư doanh đi vay ngân hàng được quyền hưởng lãi suất ngang với quốc doanh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng từ 10 đến 20% xí nghiệp tư doanh vay ngân hàng (1).

Trên thực tế vẫn có tình trạng phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Trần Đức Nam, giám đốc Công ty Sài Gòn may mặc xuất nhập khẩu, thì đến vay vốn ngân hàng phải qua nhiều thủ tục rườm rà, phải chịu lãi suất cao hơn quốc doanh nhưng thời hạn trả nợ ngắn hơn. Muốn mở thư tín dụng (lettre de crédit) để nhập máy móc phải nộp đủ tiền vào ngân hàng mới được thực hiện (3). Số tiền cho vay bị hạn chế ở mức tối đa là 10% số vốn tự có gởi ở ngân hàng. Thời gian chờ xét duyệt nhiều khi kéo dài đến nỗi khi được vay thì cơ hội đầu tư đã qua mất. Đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thời hạn cho vay tín dụng lại quá ngắn so với thời gian cần thiết để hoàn vốn.

Ông Tăng Minh Phụng, tổ trưởng tổ sản xuất Minh Phụng cho rằng một số chính sách tài chính làm cho doanh nghiệp tư nhân mất cơ hội phát triển, và có đề nghị : a) khi vay vốn cố định, ngân hàng nên cho vay theo từng phương án khả thi, có thế chấp 120% tài sản, b) khi vay vốn lưu động nên cho vay theo từng doanh vụ có hợp đồng và kế hoạch cụ thể (3).

 
2 Chính sách thuế chẳng những có điểm chưa hợp lý lại không công bằng giữa người đầu tư trong nước và người nước ngoài.

Công ty nước ngoài chỉ chịu thuế lợi tức tối đa là 25%. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân trong nước phải đóng cả thuế doanh thu lẫn thuế lợi tức.

Thuế doanh thu đánh trên mỗi khâu, thuế chồng lên thuế khi mặt hàng trải qua nhiều khâu sản xuất. Thuế suất lại quá cao đối với một số ngành : sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử phải đóng 8%, sản phẩm hoá chất 6% ....

Theo qui định của Luật thuế thì hàng xuất khẩu được miễn thuế doanh thu. Nhưng cơ quan thuế lại không miễn thuế cho nguyên liệu dùng làm hàng xuất. Vừa qua, giám đốc Công ty Sài Gòn may mặc xuất khẩu thuyết phục được khách hàng dùng vải nội địa để may áo sơ-mi bán một khối lượng lớn sang Panama và Úc. Vải sản xuất trong nước dùng để may hàng xuất khẩu không được miễn thuế, giá vải quá cao, hợp đồng đành phải bỏ.

Mức thuế lợi tức đánh trên tư doanh bản xứ cao hơn mức mà tư bản ngoại quốc phải chịu. Đối với các ngành điện năng, khai thác mỏ, luyện kim, cơ khí, hoá chất cơ bản, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến lâm thuỷ sản thuế suất là 30% ; các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm là 40% (3).

Công ty nước ngoài đầu tư vào một số ngành được miễn thuế lợi tức tối đa là 4 năm đầu. Nếu dùng lợi nhuận đầu tư vào máy móc, công trình mới để tái sản xuất thì Luật đầu tư nước ngoài cho phép họ được miễn thuế lợi tức. Người bản xứ đầu tư không hề được miễn thuế các năm đầu như tư bản ngoại quốc. Và khi mở rộng thêm nhà xưởng, đầu tư thêm vào thiết bị sản xuất thì cũng chẳng được miễn hay giảm thuế lợi tức như họ.

 
3 Doanh nghiệp tư nhân ở trong tình trạng phải chịu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp. Phức tạp đến nỗi khi có vấn đề, không biết cơ quan nào là chủ quản làm đầu mối để mà xin phân giải, xử lý.

Chưa kể là một số cán bộ thừa hành còn kỳ thị đối với kinh tế tư nhân. Khi có tư nhân làm ăn qui mô lớn còn hiện tượng " xầm xì ", đặt nghi vấn " chắc là có vấn đề ". Mà khi sinh ra đã phải chiu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp thì ai cũng đến " hỏi thăm sức khoẻ " được (3).

Tiếp cận thị trường, học tập các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, giao tiếp, mời gọi người nước ngoài hợp tác... là vô cùng cần thiết cho một doanh nghiệp muốn tìm chỗ đứng cho mình trong thị trường ngày nay. Tư doanh bản xứ thiếu điều kiện tối thiểu để thực hiện tốt những khâu nói trên.

Vì các nhà tư doanh bản xứ chưa được tạo điều kiện dễ dàng để đi ngoại quốc. Vì các tổ chức đại diện cho doanh nhân trong khu vực tư doanh chưa có vị trí pháp lý trong việc giao tiếp với doanh nhân nước ngoài. Chưa được các cơ quan chức năng của nhà nước coi như là một tổ chức tư vấn để tham khảo ý kiến trong việc xây dựng, triển khai các chính sách, luật pháp kinh tế.

Mới đây, ngày 2.4.93, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (PTMCNVN) đã tuyên bố tách ra khỏi Bộ thương mại để trở thành một hiệp hội, một tổ chức phi chính phủ của tất cả các nhà doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh.

Người lên làm chủ tịch là ông Đoàn Duy Thành từng là phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng kiêm bộ trưởng bộ ngoại thương. Hầu hết thành viên hội đồng quản trị đều là các nhà doanh nghiệp quốc doanh. PTMCNVN " mới " có quyền cấp chứng chỉ xuất xứ sản phẩm, đàm phán và xét xử tranh chấp trong ngoại thương và hàng hải, môi giới và xúc tiến các quan hệ mậu dịch với các nước kể cả các nước chưa có quan hệ ngoại giao, góp ý cho chính sách của nhà nước. . .

Tư doanh hầu như vắng bóng : trong tổng số 35 thành viên hội đồng quản trị của PTMCNVN chỉ có 4 nhà doanh nghiệp tư nhân...

 
Trong cuộc gặp gỡ các nhà tư doanh của thành phố Hồ Chí Minh tại dinh Thống Nhất ngày 7.2.93, thủ tướng Võ Văn Kiệt ước mong rằng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có nhiều nhà doanh nghiệp có tầm cỡ sánh vai được với những nhà doanh nghiệp các nước bạn bè.

Đó cũng là ước mong của mọi người thiết tha với tiền đồ của dân tộc. Muốn được thế phải có điều kiện tối thiểu. Đầu tiên là nhà tư doanh bản xứ được đối xử bình đẳng với các nhà kinh doanh khác, quốc doanh và ngoại quốc.

Dân tộc ta cam chịu hy sinh xương máu trong bao nhiêu năm chỉ để xin được làm người, không có phân biệt dân ngu khu đen và nhà quan có gang có thép, không bị đối xử như culi trong khi đặc huệ dành riêng cho người nước ngoài.

Độc lập thống nhất đã trên 15 năm, thế mà hình như vấn đề vẫn còn đó...

 
Bùi mộng Hùng (5.93)

   
(1) Adam Fforde , Viet Nam : Economic Commentary and Analysis (Việt Nam : Phân tích và bình chú kinh tế), số 1 tháng 4.92, tr. 38, số 2 tháng 11.92, tr. 23-27.

(2) Trần Thị Hạnh, Doanh nghiệp tư nhân huy động vốn như thế nào ? , Tạp chí Thị Trường Giá Cả, số 12, 1992.

(3) Giới công kỹ nghệ gia thành phố Hồ Chí Minh mong muốn điều gì ? và Kiến nghị của Đại hội Hiệp hội công kỹ nghệ gia lần thứ hai, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 11.3 đến 17.3.93.
 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss