Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 23 / Hà Nội trong mắt tôi

Hà Nội trong mắt tôi

- Vũ Hồng Nam — published 01/04/2011 01:50, cập nhật lần cuối 26/04/2011 18:15

bút


Hà Nội trong mắt tôi

Vũ Hồng Nam

 

Tôi sinh ở Thăng Long một năm Hợi. Chẳng hiểu rồng và lợn ra giống gì mà cuộc đời tôi phiêu bạt. Rời Hà Nội năm 54 vào Nam, rồi tây du, để rồi trở thành tây con (chứ không phải con của tây). Gần 40 năm sau, một nửa đời người, tôi trở về thăm Hà Nội, làm sao không nao nức hồi hộp. Cả tháng trước tôi thao thức khó ngủ, có đêm nằm mơ đến bố tôi đã mất hơn 30 năm nay. Đã có dịp đi đó đây, nhưng lần đầu tiên tôi nghĩ đến làm di chúc trước khi đi, để lại ít tài sản và xin được hoả táng?

Khi chiếc máy bay lượn cánh trên vùng trời Hà Nội, nhìn cảnh đồng quê xanh tươi, ngăn nắp, với những làng mạc xinh xắn, những bụi tre mát rượi, tôi vô cùng xúc động. Quê hương mình đẹp lắm, nhìn sông Hồng từ trên cao, tôi nghĩ ai khéo ghép hai chữ Đất và Nước. Nhiều bè bạn tôi kể lại rằng không cầm được nước mắt khi nhìn lại quê hương lần đầu tiên từ trên không. Nhưng tôi không khóc, hay tim mình đã thành đá?

Nhiều người chê bai phi trường Nội Bài là nhỏ bé nghèo nàn. Tôi thấy nó giản dị, và tôi đã đến những phi trường còn bê bối hơn nữa. Lẽ dĩ nhiên, trong tương lai, chắc chắn phi trường của thủ đô sẽ phát triển thêm. Nhưng điểm chính ở sân bay là thủ tục hải quan. Tôi thấy năm nay ở Hà Nội, hải quan làm việc nhanh nhẹn và nhã nhặn. Tôi cũng bị xét, nhưng các anh hải quan bình tĩnh và lịch sự. Đắc chí tôi tự ý biếu họ vài bao thuốc lá Mỹ. May là không bị buộc tội hối lộ cán bộ. Tôi thấy thủ tục hải quan ở Nội Bài kỳ này có phần nhanh nhẹn hơn cả New York, Francfort hay cả Paris...

Cái cảm tưởng đầu tiên ở đường phố, Hà Nội là một thành phố sống động: tấp nập nhiều xe đạp, xe máy, bấm còi inh ỏi. Xe ô tô còn tương đối ít, phần lớn xe Nhà nước (bảng xanh hay bảng đỏ), nhưng cũng bắt đầu thấy vài xe tư nhân (bảng trắng). Phần rất lớn xe ô-tô là xe Nhật. Cũng may là Hà Nội còn ít xe ô-tô, chứ không làm sao giải quyết vấn đề di chuyển giữa biển xe đạp và xe gắn máy, hay vấn đề đậu xe? Nói đến biển xe máy, không thể không nói đến các surfers Hà Nội! Kinh khủng, chẳng có luật lệ tay phải tay trái, trước ngay mắt của các công an (thỉnh thoảng huýt còi phạt chơi vài ngàn đồng... bỏ túi). Tôi không dám mượn xe đạp di chuyển ở Hà Nội. Vậy mà thỉnh thoảng lắm mới gặp tai nạn, nhưng không chết người vì là xe đạp, xe máy. Cảnh đua xe ở đường phố chứng tỏ đời sống có phát triển. Phần lớn các gia đình ở Hà Nội đều có phương tiện di chuyển. Tôi được biết tàu điện Hà Nội đã vào bảo tàng (trong lúc ở bên Âu châu, ở các tỉnh lớn, tàu điện đang được phục hồi vì ít ô nhiễm môi trường). Ngoài ra tôi không thấy xe buýt công cộng, phải chăng vì đông xe xích-lô khá tiện nghi và rẻ (4000 đồng = 2F5O). Tôi bắt đầu thấy vài xe taxi màu vàng khè.

Hà Nội 93, trăm hoa đua nở trên vỉa hè. Đâu đâu cũng cửa hàng, quán ăn, quán nước, tiệm bán quần áo, sách, mũ, máy ảnh, truyền hình, quạt điện... La liệt vỉa hè, ngay trong những ngõ hẻm. Nghe nói nhiều người Nga đi mua bán ở Hà Nội tỏ vẻ rất thèm thuồng các mặt hàng, nhiều chuyên viên Nga, chẳng hạn trong ngành dầu lửa, cũng chạy đút lót để hợp đồng làm việc ở Việt Nam được gia hạn. Cộng vào đấy nhiều hàng bán rong, món ăn, hoa quả, lắm khi chỉ thấy bán một vài chai nước ngọt, vài bao thuốc lá. Tôi không biết trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh này những người bán rong kiếm được bao nhiêu một ngày, nhưng họ vẫn tươi cười đón khách suốt ngày. Sự cạnh tranh cũng thúc đẩy các cửa hàng quốc doanh đổi mới = nhiều mặt hàng hơn, trình bày đẹp hơn, người bán niềm nở hơn. Nghe nói nhiều cửa hàng quốc doanh cũng có chính sách khoán.

Đời sống người dân Hà Nội có tiến bộ nhờ chính sách đổi mới kinh tế, đặc biệt từ hai ba năm nay. Nhiều gia đình có máy truyền hình màu, máy audio-cassette, máy vidéo-cassette (phim Hồng Kông, hay phim nhạc Việt kiều ở Pháp hay Mỹ rất được hâm mộ...không lấy gì là cao siêu lắm). Ở nhà thường có tủ lạnh, có quạt điện. Nhiều nhà tư nhân bây giờ đặt máy lạnh. Giữa tháng tám, nằm ngủ ở Hà Nội phải đắp chăn, có phải đúng là Cách mạng tháng tám không? Từ khi nhà máy điện Hoà Bình chạy, điện ở Hà Nội bây giờ không thiếu, dân Hà Nội thắc mắc rằng khi đường dây điện vào Nam được khánh thành (năm 1994?) liệu Hà Nội còn thừa điện nữa không?

Bữa cơm gia đình có cơm trắng, thịt thà, rau, quả, khá đầy đủ. Phần đông các gia đình có một hai chiếc xe đạp hay xe máy, là những đồ quí giá, phải giữ gìn cẩn thận trong nhà. Nhờ đó, có bao nhiêu người sống nhờ việc trông xe ở ngoài đường, sửa xe, bơm lốp xe, hay bán lẻ xăng (từng chai 1 lít). Tôi vui mừng vì ít gặp, ở trung tâm Hà Nội, những người rách rưới, những người ăn mày, hay những người tàn tật. Tôi không gặp cảnh đau đớn của các em bé chen nhau dành bữa ăn thừa trong các quán ăn.

Đổi mới trên vỉa hè cũng là đổi mới trong suy nghĩ của người Hà Nội. Bây giờ ai cũng mong muốn làm ăn, làm giàu, đòi lại nhà cửa để kinh doanh. Làm việc cho chính phủ lương tháng không đủ ăn, ai nấy đều phải làm thêm. Cô giáo viên mở lớp dạy học tư (các em học sinh thi đua học tư hay học ngoại ngữ, các lớp học tư bắt đầu từ 6 giờ tối, kể cả chủ nhật). Anh cán bộ nghiên cứu làm thêm giám đốc cho một công ty có hợp đồng với ngoại quốc, đi xoàng xoạch khắp các tỉnh, chứ thời gian nghiên cứu rất có hạn. Anh cán bộ làm việc ở lăng Bác Hồ, sau giờ làm việc chính thức, làm thợ điện. Anh lái xe cho Bộ có thể mượn xe (bảng xanh) mang du khách đi chơi, lắm khi mấy ngày liền. Tất cả cái kinh tế ngầm này là sức sống của người Hà Nội, làm việc từ 5-6 giờ sáng đến khuya. Ngày chủ nhật ở đây đường phố nhộn nhịp, các cửa hàng buôn bán như ngày thường. Tôi rất cảm phục, họ làm việc nhiều hơn bên Pháp. Mặt trái của nền kinh tế ngầm này là chính phủ khó kiểm soát và khó thu thuế. Nhưng đây chưa thấm gì với nạn buôn bán đồ lậu, đặc biệt là từ Trung Quốc hay Thái Lan. Các mặt hàng ngoại quốc tràn ngập thị trường Việt Nam đang có nhu cầu tiêu thụ, nào là đồ ăn, nước uống, đồ may mặc, giày dép, máy điện, máy điện tử... với giá rẻ mạt so với mặt hàng sản xuất trong nước, làm cho nền kinh tế sản xuất Việt Nam điêu đứng!

Hà Nội đổi mới trong nhà cửa. Phần lớn các nhà cửa được sơn lại khá đẹp đẽ, hình ảnh một Hà Nội u ám một màu đen không còn nữa. Nhiều nhà được sửa sang lộng lẫy, chắc để cho ngoại quốc thuê. Nhiều nhà tư nhân được xây cất thêm tầng, tôi không hiểu vấn đề nền móng nhà có được nghiên cứu kỹ lưỡng không. Tôi đọc báo biết chuyện một khách sạn cao tầng sụp đổ ở Thái Lan, và nghe nói tỉnh Bangkok đang lún dần dần như Venise! Nhiều khách sạn đang được xây cất, nhiều khu siêu-thị lớn đang được vẽ trên dự án, nhiều tin đồn về địa ốc làm dân Hà Nội bàn tán rất nhiều. Điều chắc chắn là dân Hà Nội sửa sang nhà cửa, xây cất nhà mới, đặc biệt ở các vùng ngoại thành (như Hồ Tây), 10 giờ đêm các thợ sơn, thợ mộc, thợ điện còn làm việc. Tiền đất Hà Nội còn đắt hơn ở Lyon. Có nhiều nhà mới xây rất lộng lẫy, có nơi hơi lố bịch nữa, với nhiều chòi như các lâu đài ở Âu châu (chắc của một tư nhân làm giàu ở Đông Âu).

Nói đến Hà Nội, không thể không nói đến món ăn Hà Nội. Quán ăn bây giờ mọc ra như nấm, tiệm phở, tiệm bún...Việt kiều về đây ăn vừa ngon lại vừa rẻ, một bát phở Hà Nội giá 3000 đồng (≈ 1F80). Cách đây hai năm, có anh bạn về ăn phở ở Hà Nội chê là nước không ngon (vì nhiều bột ngọt) và lèo tèo vài miếng thịt. Nghĩ lại, cách đây chẳng bao lâu, dân Hà Nội còn phải ăn giấu, chẳng hạn mua con gà về làm giỗ cũng phải giấu giếm người hàng xóm! Phở bò, phở gà, bún ốc, bún thang, cháo lòng, cháo cá... lần sau có thể trở lại Hà Nội làm chuyến du lịch thực (tourisme gastronomique). Tôi cũng phải đi ăn bữa thịt chó cổ điển, ở làng Nhật Tân ngoại thành Hà Nội. Rất đặc biệt và ngon. Nghe nói bây giờ có thể được mớm ăn thịt chó nữa, đó là món thịt chó ôm. Kể cũng thú vị hơn là cảnh về già ôm chó, như ở bên Pháp này!

Nói chuyện chó, tôi không quên kể đến kinh doanh nuôi chó giống, chó Nhật, chó Bắc Kinh... để xuất cảng sang Trung Quốc. Nghe kể một con chó giống như vậy có thể trị giá bạc triệu (mấy trăm dollars!). Chó phải nuôi rất kỹ lưỡng, tuy bé nhỏ xinh xinh, nhưng giống chó này rất hâm mộ trứng vịt lộn. Tôi nghĩ đến một truyện ngắn nổi tiếng Việt Nam. Nhưng thôi, cũng là một thị trường cho các nông dân Việt Nam nuôi vịt, cho các người bán rong trứng vịt lộn trên đường phố Hà Nội, và cho các bác sĩ thú y. Nhà cửa ở Hà Nội rất chật hẹp nhưng chó phải nuôi trong nhà, vì nghe nói có nhiều vụ bắt cóc chó giống ở đường phố. Một mặt lạ của kinh tế thị trường, nhưng nếu Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc được mặt hàng, thì cũng quí.

Hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội là các cô gái. Trong mắt tôi, họ rất đẹp, nụ cười kín đáo, mắt hơi buồn buồn, giữa mùa hè làn da vẫn trắng và mát. Họ đi xe đạp, xe máy, cũng dữ như bà Triệu cưỡi voi, nhưng tôi thấy họ nhẹ nhàng thướt tha như đàn bướm. Quả đáng tội, tìm mãi mới bắt gặp một người mặc áo dài cổ truyền Việt Nam (nghe nói trong năm học, một hai lần mỗi tuần, các cô học sinh mặc áo dài trắng để làm nghi lễ chào cờ). Nhưng không sao, mặc áo đầm (kín đáo theo kiểu mẫu những năm 1950), hay áo ngắn tay, nhiều màu hay trắng, họ vẫn đẹp. Tóc búi cao, hay tóc dài trên lưng, tôi ngắm họ không chán. Và khi được nghe họ kể chuyện những năm đau khổ, những năm chiến tranh, chạy bom, đi sơ tán, đạp xe cả giờ đi làm. Và ngày hôm nay, vừa làm việc chính thức, vừa chăm lo gia đình, vừa làm việc phụ. Tôi thương mến họ và cảm phục họ. Nước Việt Nam may mắn có các đàn bà Việt Nam, vừa đẹp lại vừa đảm đang. Chứ nam giới chúng mình chỉ giỏi đánh nhau, giỏi nhậu nhẹt, và nói khoác (tôi nghe trong nước gọi Việt kiều là tây còi, có lẽ vì chúng ta thích nói khoác, khoe bằng này, bằng nọ, và tăng tiền lương tháng 10-20 lần!).

Hà Nội trăm hoa đua nở. Tôi mong rằng đất nước không đi lại con đường cũ năm xưa. Và vườn hoa Việt Nam thêm hoa, không chỉ trên vỉa hè, trước thềm nhà, mà trong tư duy, trong không khí, trong các bài báo và các tác phẩm nghệ thuật. Các em bé không phải bỏ học để phục vụ kinh tế thị trường. Các người ốm đau, tàn tật không bị bỏ rơi một xó. Các cô gái Việt Nam không phải bán thân cho du khách hay bán thân sang Trung Quốc (bị nạn thiếu đàn bà vì chính sách trừ đẻ quá ác nghiệt). Kinh tế thị trường đẻ ra của cải, đẻ ra tiền, cạnh tranh là lành mạnh, nạn tham nhũng khó tránh được trước sức mạnh của đồng tiền, xem như ở Ý, Pháp, Nhật... Nhưng một xã hội tiên tiến cần có luật lệ, có sự kiểm soát của một Nhà nước chân chính được dân chúng bầu ra và tín nhiệm, một nền dân chủ thực sự. Nếu không Hà Nội sẽ trở thành một xã hội rừng với nhiều tầng lớp dân chúng bị loại ra khỏi thị trường, một xã hội không tử tế.

Lyon , 9-1993

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss