Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Cuộc tranh cử tổng thống ở Pháp

Cuộc tranh cử tổng thống ở Pháp

- Nguyễn Quang — published 03/04/2007 23:58, cập nhật lần cuối 04/04/2007 17:11
phân tích tình hình chính trị Pháp tháng 4.2007


Cuộc tranh cử tổng thống năm 2007 tại Pháp



sarkolène ségozy
và người thứ ba


Nguyễn Quang



Như vậy mọi sự đã an bài kể từ ngày 18.3 : tổng cộng sẽ có 12 ứng viên nhăm nhe ngồi ghế tổng thống Pháp ngày 22.4 tới đây, trong đó có 7 người thuộc "phái tả", 4 phụ nữ (cả bốn đều "phái tả"). Thực ra, cuộc tranh cử đã khởi động từ lâu rồi, và mặc dầu chất lượng của cuộc vận động chẳng có gì đáng lạc quan, nhưng theo một cuộc điều tra mới đây, hơn 80% người Pháp say mê theo dõi cuộc chạy đua. Chẳng có tranh luận, ý kiến lại càng không, cuộc đua tranh diễn ra chủ yếu trên báo đài, và từ nhiều tháng nay, qua tràng giang đại hải những cuộc thăm dò ý kiến (trung bình mỗi tuần hai ba cái, từ đầu tháng 3 đến nay, ngày nào cũng có), người ta được theo dõi một thứ truyện dài đăng nhiều kì, nhan đề theo kiểu "Mối tình tay ba", "Sarko-Ségo, Ségo-Sarko và người thứ ba" đầy kịch tính nhưng thật ra kết cục đã được v(b)iết trước ?



Kì thị giới tính và chủ nghĩa Berlusconi luồn cúi


Tại sao lại v(b)iết trước ?  Tại vì ngay từ đầu, những người kì thị giới tính, tiếp theo là giới truyền thông -- báo in cũng như các đài truyền hình -- đã chọn phe của họ rồi. Xin lần lượt dẫn chứng. Khi Ségolène Royal đột hiện trên sân khấu chính trị toàn quốc, thì trong một thời gian nhất định, bà đã được "hưởng" quy chế "người đàn bà đầu tiên có thể trở thành tổng thống" : một khuôn mặt xinh xắn, một dòng họ nghe rất "vương giả" (Royal), một hành trình cá nhân xuất sắc, nhất là lại không hề từ bỏ nữ tính (khác hẳn mấy bà "nam nhi" phái hữu, như Thatcher hay Michèle Alliot-Marie), ăn nói khác hẳn văn bia của bọn chính khách... Nhưng, đến khi S. Royal thắng phiếu các đối thủ trong cuộc tranh cử nội bộ Đảng xã hội, sau một quá trình dân chủ gương mẫu, lại được một tỉ số cao trong dư luận và có nhiều khả năng thắng cử, thì bỗng nhiên người ta thấy rõ có một sự hụt hẫng. Hôm trước hôm sau, tuần "trăng mật" chấm dứt, các cuộc thăm dò dư luận tụt dù, bắt đầu một "lộ trình qua sa mạc". Báo đài không thèm nói gì tới các cuộc hội họp chuẩn bị ở cơ sở (6 000 cuộc thảo luận, nào có ít gì) của ứng viên Đảng xã hội, mà chỉ toàn nói tới Sarkozy, bộ máy tuyên truyền của Sarkozy và báo đài, bên tung bên hứng, nhịp nhàng ca khúc "Royal không có khả năng". Đúng là "Ségolène gà tồ" đã cung cấp cho "đội bắn tỉa" của đảng UMP cơ hội để chỉ trích những tuyên bố trật chìa hay đại khái chủ nghĩa -- "đội bắn tỉa" là tên gọi của một nhóm nhỏ do đảng của Sarkozy lập ra để làm những trò ma giáo, và trong đội này có vài ba "nữ ma đầu" -- nhưng cũng phải nói là chính "Super Sarko" cũng chẳng thua gì đối thủ trong tiết mục nói bậy (xem khung kèm theo). Phản ứng của báo đài rõ ràng là bên trọng bên khinh : ém nhẹm những tuyên bố sai sót của Sarkozy, trống chiêng ầm ĩ về những câu nói của Ségolène. Những chỉ trích ít nhiều có tính khinh thị "khả năng phụ nữ" (kể cả trong phái tả, nhất là trong Đảng xã hội) có lẽ đã gây ra ấn tượng lâu dài về "khả năng hơi bị hạn chế" của bà. Nhưng phải nói một cách nghiêm chỉnh : ai có thể hoài nghi khả năng của một nhà chính trị đã hoạt động từ hai hơn hai mươi năm nay, đã đảm nhiệm công vụ bộ trưởng, rồi chủ tịch vùng, và trong một nước vốn có truyền thống "luật salique" (truyền ngôi cho nam giới) đã đánh bại một loạt các đối thủ "voi già" của Đảng xã hội ? Còn khả năng lãnh đạo quốc gia, thì tiên thiên, đố ai dám tự nhận là mình có khả năng, nhất là ai đó lại là Sarkozy (xem ở dưới) ? Tâm lý coi thường phụ nữ ấy (kể cả trong giới phụ nữ (1)) thể hiện rất rõ trong những cuộc thăm dò ý kiến về Ségolène. Câu hỏi : "Ông/bà có thấy là các đề nghị của Ségolène Royal là tốt không ?" được 75% trả lời "Có", nhưng đến câu hỏi : "Ông/bà có nghĩ rằng Ségolène Royal có đủ tầm cỡ làm tổng thống không ?", thì chỉ còn 45% trả lời "Có". 

Nhưng tâm lí trọng nam khinh nữ không phải là nguyên nhân duy nhất. Cách đây không lâu, người Pháp vốn nổi tiếng là dân tộc "thông minh nhất trần gian về chính trị" đã ân cần "nhìn xuống" nước Ý và tự hỏi hà cớ gì mà một nước dân chủ lại có thể sa vào "chủ nghĩa Berlusconi" nghĩa là quyền bính về các phương tiện truyền thông, thông tin, giải trí và chính trị tập trung trong tay một cá nhân ? Ngày nay, họ có đặt câu hỏi về tình trạng ít nhiều "Berlusconi" đang xảy ra ở nước Pháp: trong tất cả các nhật báo, chỉ có tờ Libération là dám trực diện tấn công Sarkozy, trong các tuần báo, thì ngoại trừ Le Canard enchaîné (là tờ báo châm biếm), chỉ độc một Nouvel Observateur ? Còn toàn bộ các báo in đều thủ thế "trung lập", trung lập vì cảm tình hay vì thận trọng. Tình hình các đài truyền hình càng rõ nét hơn nữa : một bên là hỏa lực của toàn bộ các đài truyền hình, một bên là mấy phút biếm họa "Guignols de l'Info" (đài Canal+) chắc khác hạt đậu thổi ống xì đồng. Nói như vậy có ngoa ngoắt hay đa nghi "nhìn đâu cũng thấy địch" ? Chỉ xin kể vài ví dụ : các đài TV làm ồn ào về "Ségo thiếu khả năng" mà im lìm về Sarko ; báo đài nước ngoài ngạc nhiên là Sarko ra ứng cử mà cứ bám riết vào cái ghế bộ trưởng bộ nội vụ (2), báo đài Pháp không những tỉnh bơ mà còn để cho Sarko phát biểu gấp đôi, với tư cách bộ trưởng, rồi với tư cách ứng viên ; ngoại trừ tuần báo châm biếm Le Canard enchaîné, không tờ báo nào chịu điều tra về những nghi vấn chung quanh tờ khai thuế gia tài của Sarkozy, hay là việc công bố tài sản mà Sarkozy hứa hẹn từ mấy tháng nay mà cứ lần lữa trì hoãn... Chúng tôi không nghĩ là có sự kiểm duyệt, nhưng đúng là có tự kiểm duyệt ; cũng không phải là tuyên truyền có phối hợp, mà là một cuộc gây mê tập thể bằng chloroforme ; nếu không đồng lõa thì cũng đồng phục, một, hai, bước đều. Nói như Daniel Schneidermann, "des medias sans journalisme" (media mà không có nghiệp vụ báo chí), lấy bản tin nhanh của các hãng thông tấn thay thế điều tra và tinh thần phê phán, bình luận đua ngựa thay thế phân tích chính trị, và tồi tệ hơn nữa, biến nhà báo thành một thứ hoạt náo viên trong một trò chơi truyền hình... Cái "hay" ở đây là Berlusconi kiểu Pháp chẳng phải bỏ tiền ra mua các công cụ media. Chỉ cần "cánh hẩu" với chủ báo, với tổng biên tập, hay một nhân vật then chốt trong ban lãnh đạo, mà chuyện này thì Sarkozy quả là vô địch. Sổ địa chỉ đầy tên tuổi của giới kinh doanh và giới "show biz", Sarko xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với tư cách ứng viên, với tư cách bộ trưởng, với tư cách "pipol" --  có lẽ chỉ còn mục dự báo thời tiết là chưa thấy -- nói đủ thứ chuyện trên đời mà không thấy nhà báo nào đặt ra một câu hỏi gai góc, một đặt vấn đề hóc búa (3). Nếu thi thoảng ông ứng cử viên kiêm tổng thống tương lai gặp chuyện gì không vừa lòng thì ông lập tức nổi trận lôi đình và lộ rõ bản chất (xem ở dưới), chẳng hạn như đã làm mất chức tổng biên tập Paris-Match khi tuần báo này đăng trên trang bìa tấm hình Cécilia Sarkozy đứng với tình nhân, hay ngăn chặn một nhà xuất bản lớn ở Paris phát hành một cuốn sách "phạm thượng", hay điện thoại cho cổ đông số 1 của tờ báo Libération để chửi rủa ban biên tập và đe nẹt tờ báo, hay gần đây nhất, khi đến đài truyền hình FR3 phải đợi để có chỗ phấn sáp thì dọa "tống cổ ban giám đốc" khi (chứ không phải nếu) lên ngôi tổng thống... Tất cả những chuyện đó, không có đài truyền hình nào nói tới. Từ thời De Gaulle với chế độ bộ trưởng thông tin đến nay, chưa bao giờ ở Pháp có một nhân vật công cộng dám trơ tráo múa gậy vườn hoang đến như vậy.


Thùng rỗng kêu to



Xê Cô Xác Cậu

tám lạng nửa cân


* Đứng trên Vạn Lý Trường Thành, bà Ségolène Royal nhắc lại câu ngạn ngữ Trung Quốc "ai chưa đặt chân tới Trường Thành chưa thành hảo hán". Và nữ ứng viên Đảng Xã hội bèn dịch "sự hảo hán" bằng một danh từ không/chưa có trong từ điển tiếng Pháp : bravitude. Đây là một sự tạo từ "dễ thương", thêm vào danh từ "brave" (hảo hán) vĩ tố "itude" như trong "fortitude" (như nhà thơ Senghor đã từng tạo ra danh từ "négritude" (kiếp da đen) đã gia nhập từ điển trước khi Senghor được kết nạp vào Viện hàn lâm văn học Pháp, và tương tự nhà văn Nguyễn Tuân đã tạo từ "vietnamitude"). Ấy thế mà phái hữu và báo chí đã làm ầm ĩ, như là S. Royal không biết nói tiếng Pháp. Trong khi đó, Sarkozy bịa ra một chữ "héritation" rất chướng tai, thì chẳng ai nói gì.

* Cũng tại Trung Quốc, Ségolène nói một câu có thể hiểu là khen ngợi "hiệu lực" của ngành tư pháp Trung Hoa (phỉ thui !). Trong khi đó, chính phủ Pháp (mà Sarko là tổng trưởng, nhân vật số 2 của nội các, ngay sau thủ tướng) đã kí với Bắc Kinh một hiệp định dẫn độ (báo chí hoàn toàn im lặng). Một bên là một câu nói lẽ ra không nên phát biểu, một bên là một văn kiện chính thức theo đó Pháp có thể dẫn độ một người li khai về một nước chiếm kỉ lục về bỏ tù và xử tử hình (thậm chí còn bắt thân nhân trả tiền viên đạn), lỗi nào nặng hơn ?

* Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Ségolène nói nhầm con số tàu ngầm hạt nhân của Pháp (quả tang không nắm vấn đề nhé!). Vài tuần sau, trên cùng đài phát thanh, Sarko cũng nhầm luôn, lại còn cãi : "Câu hỏi này hơi có ác ý".

* Trong cuộc viếng thăm Liban, Ségolène không phản ứng khi một bộ trưởng thuộc đảng Hamas tấn công kịch liệt Israel (hình như người phiên dịch ngồi cạnh bà đã bỏ qua câu này).  Điều này không ngăn cấm chính quyền Israel nồng nhiệt tiếp đón Ségolène ở Tel Aviv, cũng không ngăn cản bà Alliot-Marie, bộ trưởng quốc phòng Pháp, lên án Ségolène đã gây nguy hiểm cho sinh mạng binh sĩ Pháp ở Liban chỉ vì không biết gì về tình hình Trung Đông phức tạp. Tình hình phức tạp như vậy, chỉ có Sarkozy mới nắm sát, bằng chứng là đối với ông ta, Chi-it và Sunnit là hai... chủng tộc khác nhau ! Vả lại, nếu Sarko làm tổng thống Pháp, thì có lẽ Pháp đã chiếm Irak trước cả Mĩ rồi !

* Trong bài diễn văn đọc tại Villepinte, Ségolène Royal trình bày cương lĩnh "100 điều đề nghị". Lập tức báo chí đòi phải tính tổng số phí tổn cho việc thực hiện 100 đề nghị ấy. Có điều, mấy tuần trước đó, khi Sarkozy hứa hẹn giảm thuế tới mức ngang 4% GDP, thì không tờ báo nào hỏi : "tiền đâu ?", cũng như khi Sarko hứa trợ cấp gia đình ngay từ đứa con đầu lòng (ước tính : từ 5 đến 9 tỉ), hay là hứa tăng 50% ngân sách nghiên cứu (đã quá !). Đến khi ê-kíp của Sarkozy đưa ra ước tính tổng cộng chỉ có 32 tỉ (cho 5 năm), thì không nghe thấy ai cười cả !

* Chính "tổ bắn tỉa" của Sarkozy tung ra tin cặp Hollande-Royal phải đóng thuế gia tài ISF. Đến khi có tin là chính Sarko cũng phải đóng thuế ISF và chuyện mua bán nhà cửa của đương sự có phần thiếu minh bạch thì ngài bộ trưởng lại nói đó là "tin đồn cống rãnh".  Cho đến nay, các ứng viên đã công bố tài sản của họ. Trừ hai người : Le Pen và... Sarkozy.

Báo đài cũng vẫn thụ động đồng loã khi phải (không) đánh giá thành tích của Sarkozy khi phụ trách hai bộ lớn : nội vụ (hai lần) và kinh tế tài chính. Sarkozy khoe khoang tự hào về thành tích này, nhưng thực ra chỉ là thùng rỗng kêu to. Thành tích của ông ta ở bộ tài chính là gì ? Là cái gọi là "sarkozette" cho phép những người khá giả (tất nhiên) được phép "cho trước" nhiều hơn và nhiều lần hơn để trốn thuế thừa kế. Là, dù khôn khéo tránh né tới đâu, ông ta vẫn là một nhân vật then chốt của một nội các đã làm tăng món nợ của nước Pháp, không ngừng gây thêm thâm thủng ngân sách. Thế là đủ, còn khả năng thì khỏi nói : nói gì nữa về một bộ trưởng kinh tế dám tuyên bố là 50% người Pháp có thu nhập hàng tháng tối thiểu (SMIC) còn thứ trưởng ngân sách thì khăng khăng cả quyết rằng thu nhập bình quân của người Pháp là 4000 € một tháng (4)? Nếu Ségolène Royal phát biểu như vậy, thử hỏi báo đài sẽ làm rùm beng như thế nào ?

Còn về thành tích ở bộ nội vụ, ông tổng trưởng khoe đi khoe lại là đã đẩy lùi tình trạng mất an ninh sau những "năm tai hoạ của thời Jospin". Đó chỉ là một cách nói lập lờ mà ngay cả những chuyên gia của chính phủ cũng không dám xác nhận, bởi vì nếu tình trạng phạm pháp chung đã giảm 9% từ năm 2002 đến nay thì đó cũng là xu thế chung ở châu Âu : thật ra, các vụ vi phạm tài sản (trộm cắp hay phá hủy của cải) -- chiếm 2/3 các vụ phạm pháp -- giảm đi là nhờ sự cải tiến và phổ biến hệ thống an toàn do các công ti bảo hiểm yêu cầu (cho xe hơi, nhà ở, cửa hàng...) chứ không phải nhờ cảnh sát có biện pháp gì đặc biệt. Các chuyên gia cho rằng đây là "sự hãm phanh tự động" trong các vụ xâm phạm của cải, và trong lãnh vực này, so với các nước chung quanh, Pháp đứng ở mức trung bình. Và trong lãnh vực các vụ xâm phạm nhân thân (gây hấn, thiếu ý thức công dân...) xu hướng chung là tăng vọt, thì Pháp cũng ở mức trung bình trong xu hướng tăng vọt ấy (tăng 16% trong thời gian Sarkozy phụ trách nội vụ, từ 2002 đến 2006). Sarkozy không chối cãi điều ấy, song lại khoe là đã cải tiến tỉ số vụ việc đã được làm sáng tỏ (từ 1/4 lên 1/3). Thì cứ cho là như vậy đi, song cũng cần nhấn mạnh là "văn hóa kết quả", đặt ra những chỉ tiêu về xét giấy, chận bắt... dẫn tới lối làm ăn nhằm thổi phồng những con số thống kê. Một số nhân viên cảnh sát thừa nhận là họ đã dùng những mánh lới như : ghi vào sổ "ghi chép" (main courante) mà không ghi vào sổ khiếu tố (không đúng nguyên tắc, nhưng như vậy không cần phải điều tra, xử lí gì nữa), "đi lượm ba cô gái điếm vì tội chèo kéo, thế là ghi vào thống kê 3 vụ phạm pháp, cả 3 đều được làm 'sáng tỏ'" (chứng từ của một sĩ quan đội cảnh sát hình sự)... Một điều tra mới đây của Tổng cục thống kê INSEE cho thấy con số các vụ phạm pháp thực sự gấp ba lần con số của bộ nội vụ, song cơ quan này cũng chỉ tỉnh bơ "ghi nhận" sự khác biệt. Chúng tôi không muốn tranh luận gì trên điểm này vì nghĩ rằng xu hướng gia tăng những vụ gây hấn, xúc phạm nhân thân cũng như xu hướng giảm thiểu các vụ xâm phậm tài sản không tùy thuộc lập trường chính trị của bộ trưởng nội vụ, hay định hướng hành động (hay không hành động) của công an, mà gắn liền với môi trường kinh tế - xã hội. Thất bại của Sarkozy ở cương vị bộ trưởng nội vụ, thực chất mà nói, là thất bại của chính sách "tất cả cho đàn áp" và đàn áp trên mọi lãnh vực (phạm pháp, ngoại ô, nhập cư...), nghĩa là một chủ trương "ý thức hệ" mà chính đương sự đã tóm tắt như sau : "Công an cảnh sát không phải là người công tác xã hội". Trong tiếng Pháp, công an gọi là "gardien de la paix", nghĩa là người gìn giữ an bình, còn ông cớm số 1 của nhà nước Pháp lại đẩy công an đi làm chiến tranh, lấy an ninh làm ưu tiên khẩn cấp, chọn lô gích đối đầu thường trực, mà quên rằng mục đích tối hậu của việc duy trì trật tự là bảo đảm sự an bình công cộng, gìn giữ mối liên đới xã hội. Ở đây không phải chỗ kết luận về cuộc tranh cãi thường trực giữa hai vế phòng ngừa và đàn áp, nhưng thử hỏi chủ trương an ninh trên hết của Sarkozy, huy động toàn lực bộ nội vụ vào ưu tiên an ninh đã mang lại kết quả gì ? Theo chính lời tuyên bố của đương sự, Sarkozy muốn tái lập pháp luật cộng hòa tại những "vùng vô pháp luật". Kết quả là những cuộc nổi loạn năm 2005, trong đó chính Sarko đóng vai lính cứu hỏa châm ngòi đám cháy và từ đó đến nay không dám đặt chân tới các khu ngoại ô. Rồi mục tiêu tiêu diệt "nền kinh tế ngầm", chủ yếu là nạn buôn ma túy ở "các khu đô thị nóng". Kết quả : vì đã giải thể các đồn công an "lân cận" nên không còn thông tin về mỗi khu phố, các "Đội can thiệp khu vực" (GIR, do chính Sarkozy thành lập) không xâm nhập các khu "nóng" nữa : bằng chứng gián tiếp là mức tiêu thụ ma tuý mạnh trong vòng 2 năm đã tăng 30%. Sarkozy nói muốn thiết lập trật tự cộng hòa trong một thành phần dân chúng nhất định. Kết quả : lực lượng cảnh sát công an phải làm những công việc không đúng với nhiệm vụ hàng đầu của mình, trở thành đối tượng của sự ngờ vực chưa bao giờ lớn như vậy, đến mức mỗi lần họ can thiệp là gây ra căng thẳng, mỗi vụ làm bậy (hay được cảm nhận là làm bậy) dễ dẫn tới bùng nổ (5). Như thế chưa đủ, vì những lí do thuần túy có mục đích tranh cử, Sarkozy còn tung công an đi săn lùng những người ngoại quốc không có giấy tờ hợp lệ. Chỉ thị "lập thành tích bằng con số" dẫn tới những tình huống phi lí (trục xuất những người Rumani "ở chui" thì mai kia họ sẽ "đàng hoàng" trở lại sau khi Rumani chính thức gia nhập Liên hiệp Âu châu !) hay khôi hài (năm 2006, khoe có 24 000 người tự nguyện ra đi hay bị trục xuất, trong khi số người không có thẻ cư trú ước lượng lên tới 400 000) trong khi cái giá phải trả cho cái trò ảo thuật chính trị này lại không nhỏ, về mặt tài chính (một chuyến bay charter tốn bao nhiêu, mà đằng nào họ cũng tìm cách quay trở lại : họ còn có con đường nào khác ?) và nhất là về hình ảnh chính trị của nước Pháp...  Quê hương của các quyền con người, mà công an cảnh sát lại đi săn lùng những người ở chui, bất luận nam phụ lão ấu, ở miệng hầm metro, ở nơi phát chẩn bữa ăn, ở cổng trường, thậm chí ở cả hành lang sở công an... trách sao có những công dân lo ngại rằng người chủ trương chính sách ấy có thể trở thành nguyên thủ quốc gia ?



Một sự chọn lựa mô thức xã hội


Sự lo ngại trở thành sâu sắc nhất là khi người ta có lí do hoài nghi cả về cá tính con người của ứng cử viên : một cái "ta" quá to, một sự hãnh tiến vô bờ bến, một con người không biết đắn đo thận trọng là gì, nói chi tới tầm cỡ và bản lĩnh chính trị. Không phải chỗ để liệt kê danh sách những cuộc phản bội và những trò ma giáo mà không ít chính khách chuyên nghiệp có liên can, song cũng nên đặt ra một câu hỏi về đạo lí : người ta có thể an tâm đặt vào vị trí lãnh đạo quốc gia một phần tử mị dân tuyệt đối không ? Mị dân trước hết là che đậy. Mặt nạ mới toanh của chủ tịch đảng UMP là mặt nạ của một nhà lãnh đạo quốc gia chăm chú, từ tốn, không dính dáng, tuyệt đối không dính dáng gì tới cái nhân vật thô bỉ vẫn xuất hiện trên màn hình TV, hôm nay thì cầm đầu một toán công an đi "săn quét đĩ điếm ở rừng Boulogne", ngày mai thì hò hét sẽ dùng thuộc tẩy trùng Kärcher để làm tuyệt nọc "giống cặn bã" ở ngoại ô. Khốn nỗi, cái nết đánh chết không chừa, chỉ cần lãnh tụ bị phật ý một chút là lập tức cơ bắp trên mặt lại giật liên hồi, giọng nói gằn giật, hung hăng, giống hệt con rối của chương trình Guignols (đài Canal+) phải dùng Lexomil để "thiền", để "cool"... Mị dân còn là một tên giả đạo đức trơ trẽn, vô liêm sỉ. Bởi phải vô liêm sỉ thì mới dám, trong cùng một tháng 11.2006, xua đuổi ra đường mấy trăm gia đình chiếm dụng nhà cửa để quảng cáo trước ngày đại hội đảng UMP, rồi sau đó vác mặt đến nhà thờ dự đám tang tu sĩ Pierre, ngồi hàng ghế dành cho quan khách (6). Một tên mị dân vô nguyên tắc, đó là cách lí giải duy nhất về con người Sarkozy với những hành động trái ngược nhau 180° : vừa hủy bỏ "án kép" (người ngoại quốc phạm tội bị kết án, thi hành án xong lại còn bị trục xuất), vừa hành hạ người nhập cư, bất kể hợp pháp hay bất hợp pháp, vừa chính thức thành lập Hội đồng thờ phụng Islam vừa lên đài truyền hình tố cáo việc "cắt tiết cừu trong bồn tắm" ; trích dẫn Jaurès và Blum, rồi đến khi cuộc vận động tranh cử coi mòi dẫm chân tại chỗ thì vội vàng xào xáo những khẩu hiệu của Le Pen đổ tội cho dòng người nhập cư đe dọa "bản sắc dân tộc".

Nhưng có một điều phải công nhận là Sarkozy hết sức trung thành và thành thực thiên hữu. Phe hữu đây không phải là phe hữu của De Gaulle hay của Chirac mà lá bài còn pha trộn với độc lập dân tộc hay "sự rạn nứt về xã hội". Sarko nhân danh một phe hữu "mới", một thứ tổng hợp chưa từng thấy ở Pháp : Bush và Thatcher về kinh tế - xã hội, Berlusconi về chính trị media, thêm vài giọt Le Pen về an ninh, mị dân. Khía cạnh Berlusconi (đã đề cập ở phần trên) có thể tóm tắt thành hai điểm :

* trắng trợn lạm dụng các phương tiện của Nhà nước (chính quyền và báo đài) để phục vụ cuộc vận động của ứng cử viên của đảng

* những mối quan hệ chặt chẽ giữa ứng viên và những người lãnh đạo các tập đoàn công nghệ nghe nhìn và báo chí, nghĩa là, với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, với những tập đoàn kinh tế lớn (cũng là một).

Còn khía cạnh Le Pen như ta đã thấy :

* dưới chiêu bài đấu tranh chống lại sự mất an ninh, tăng cường các đạo luật và biện pháp đàn áp, kiểm soát ngày càng chặt chẽ thêm nhiều tầng lớp dân chúng rộng lớn, tiên thiên bị coi là khả nghi

* lấy cớ kiểm soát sự nhập cư, tấn công cư dân nước ngoài, bất luận họ là những người cư trú bất hợp pháp (ruồng bố, trục xuất, không cho con cái đi học, loại trừ khỏi mạng lưới y tế...) hay cư dân hợp lệ nhưng tạm thời (cấp thẻ ngắn hạn, săn lùng hôn nhân "trắng", hạn chế tối đa đoàn tụ gia đình...). Không phải ngẫu nhiên mà Sarko đã "nhấn ga" trong cuộc chạy đua tranh cử bằng cách tung ra ý sẽ thành lập một bộ mới, "bộ nhập cư và bản sắc dân tộc", ghép hai từ ngữ đó với nhau, hàm ý nhập cư là mối đe dọa đối với bản sắc dân tộc.

Còn khía cạnh Bush-Thatcher thì tất nhiên biểu lộ qua chủ trương liberal cực đoan, nhưng cũng nên biết thêm vài chi tiết :

* huỷ bỏ bộ luật lao động (theo lời chủ tịch giới đại nghiệp chủ MEDEF, đó là nguyên nhân chính của nạn thất nghiệp ở Pháp !), thay thế nó bằng cách đặt ra một "hợp đồng duy nhất" theo kiểu hợp đồng CNE (hợp đồng tuyển dụng mới), nghĩa là người làm công không được bảo đảm an toàn về công ăn việc làm trong mấy năm đầu khi được tuyển dụng. Như thế có nghĩa là hợp đồng CPE (hợp đồng tuyển dụng lần đầu) mà thủ tướng Villepin bị phản đối dữ dội đã phải bãi bỏ -- từ đó mất uy tín -- sẽ được mang ra xài lại.

* hạn chế quyền đình công bằng cách buộc phải trưng cầu ý kiến nhân viên sau tám ngày xảy ra xung đột.

* tiếp tục phá bỏ các dịch vụ công cộng bằng cách mỗi hai người công chức về hưu, chỉ tuyển dụng thêm một người (trong cả ngành giáo dục cũng vậy).

* định mức đồng đều chi phí về ý tế, quá mức thì bệnh nhân phải trả.

* thiết lập một thứ "thuế trị giá gia tăng" TVA "xã hội", nói huỵch toẹt là chuyển 1/3 phần "đóng góp vào quỹ xã hội" sang hạng mục TVA, như thế là giảm bớt phần đóng góp của của doanh nghiệp vào quỹ xã hội, chuyển sang thuế TVA, nghĩa là mọi người tiêu thụ đều phải trả một cách đồng đều, bất luận giàu nghèo ra sao. Tóm lại, đây là một chủ trương phản xã hội, trái hẳn với cái tên gọi "TVA xã hội" : đó cũng là cung cách khá tiêu biểu của Sarkozy.

* không kèn không trống đặt lại chế độ 35 giờ làm việc hàng tuần bằng cách tăng chế độ làm thêm giờ và miễn thuế trả giờ phụ trội. Khẩu hiệu của Sarkozy là "làm việc nhiều hơn để kiếm tiền nhiều hơn". Nhưng với tỉ lệ thất nghiệp hiện nay ở Pháp, phải hiểu khẩu hiệu ấy như thế này mới đúng : "Hỡi những người làm công ăn lương, nếu muốn tăng lương, các người phải làm việc nhiều hơn, chứ những lợi nhuận do tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế không dành cho các người, đó là của những người có cổ phần".

* trong khi lợi nhuận của nhóm các đại công ti CAC 40 vẫn tăng như diều, còn mãi lực của người làm công vẫn đứng khựng từ ít nhất hai mươi năm nay (trung bình mỗi năm chỉ tăng 0,5%), thì Sarkozy chủ trương bãi bỏ thuế thừa kế và thiết lập một cái "lá chắn thuế khóa" ở mức 50%, thực chất là vô hiệu hoá (mà không cần phải bãi bỏ) thứ thuế liên đới đánh vào những gia tài lớn (ISF).

* các khoản thuế, trong vòng 5 năm sẽ giảm bớt tổng cộng khoảng 4% GDP. Muốn có một ý niệm về con số 4 "điểm" này, chỉ cần biết là nó lớn hơn cả các khoản thuế thu nhập, thuế thừa kế và ISF cộng lại. Nó tương đương với 4 lần ngân sách giáo dục và nghiên cứu, hay 50% chi phí về y tế. Để so sánh, nên biết trong nhiệm kì 5 năm vừa qua, Chirac chỉ giảm được 20% của riêng thuế thu nhập, còn Margaret Thatcher trong 10 năm giảm 2% GDP tổng số các loại thuế, chỉ có vậy thôi mà đã gây ra tình trạng bần hàn hoá giai cấp trung gian mà mọi người đều biết. Nói khác đi, Sarko tỏ ra tham vọng gấp 4 lần "người đàn bà thép" mà không hề cho biết lấy nguồn tài chính ở đâu để thực hiện những biện pháp nói trên !

Liệt kê như vậy cũng quá đủ. Với Sarkozy, không phải là "đoạn tuyệt nhẹ nhàng" mà là quay trở lại xã hội giai cấp đúng như ngôn ngữ mác-xít (mà nhiều người đã khai tử) mô tả. Theo xác tín của chủ nghĩa liberal, tự do kinh doanh là chìa khóa của tổ chức xã hội, nhưng tự do kinh doanh phải tuân thủ những phép tắc của nhà nước để bảo đảm sự hài hoà xã hội. Còn chủ nghĩa liberal cực đoan chỉ cần biết đến tối ưu của thị trường, sẵn sàng xóa bỏ mọi phép tắc nhà nước, với hệ luận tất yếu là khoét sâu bất bình đẳng (7), thủ tiêu sự liên đới, hủy hoại các riềng mối xã hội. Trong quá khứ cũng như trong nhiều cuộc bỏ phiếu (gần đây nhất là cuộc trưng cầu ý kiến về hiến chương Châu Âu), người Pháp đã chứng tỏ là họ bác bỏ mô hình liberal cực đoan. Lần này có sẽ như vậy không ? Câu trả lời không có gì chắc chắn cả, bởi vì trong khi yêu cầu bức thiết nhất là đẩy lùi nguy cơ Sarkozy, thì trong cử tri phái trung tả, thậm chí phái tả lại ỏng eo đòi... xôi gấc. Để ngăn chặn Sarkozy, có người tính đến một đường cơ bi-da 3 băng lắt léo, đặt kì vọng vào người thứ ba, thuộc phái trung tâm, được báo chí và các cuộc thăm dò dư luận đưa lên (8). Nhưng như thế có một cái gì không ổn. Hoặc là người ta tin vào các cuộc thăm dò, hoặc người ta không tin. Nếu tin, thì tại sao lại nhắm vào F. Bayrou, vì tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy vòng nhì là cuộc đấu tay đôi tả-hữu ? Còn nếu không tin, thì chẳng có lí do gì để tin vào những cuộc thăm dò tiên đoán chiến thắng ở vòng nhì của F. Bayrou, là người mà, vẫn theo các cuộc thăm dò, chỉ về hàng ba ở vòng đầu, nghĩa là bị loại, không vào được vòng nhì ? Đứng về đạo lí nghề nghiệp và trong tình hình hiện nay, có thể nói đây không còn là thăm dò mà là lèo lái dư luận. Trong khi mọi lá phiếu đều là cần thiết để tạo ra xung năng cho vòng hai, thật là vô trách nhiệm nếu người ta muốn chơi với lửa, lặp lại nguy cơ tái bản một tình huống "21 tháng tư 2002", mà lần này, phe tả đối lập sẽ biến mất ít nhất mười năm trong cảnh quan chính trị. Sai lầm, đã là người, ai chẳng có lần mắc phải. Nhưng sai đi sai lại, thì phải có ma đưa lối, quỷ dẫn đường, như một câu tục ngữ Pháp đã nói ("L'erreur est humaine, mais la persévérance est diabolique").


Nguyễn Quang

 


(1) Đây chỉ là một cảm nhận của người viết bài, dựa trên những tiếp xúc cá nhân.

(2) Tin giờ chót (26.3.2007), ngài bộ trưởng vừa từ chức để "dành 100%" tâm trí cho cuộc tranh cử. Nếu đúng như vậy thì quả là tin mừng, vì cho đến nay, ngài chỉ dành có... 200% thôi.

(3) Chỉ khi nào ra nước ngoài, Sarkozy mới bị nhà báo ngoại quốc đặt những câu hỏi cắc cớ. Lại nhớ đến một chương trình "Les Guignols", trong đó con rối đóng vai nhà báo Pháp xin lỗi Sarko vì sự "vô lễ" của các đồng nghiệp nước ngoài !

(4) Sự thật là gần 15% và 1500 €/tháng.

(5) Trong mấy ngày cuối tháng 3, đã nổ ra hai vụ ở giữa Paris : trường học phố Rampal, khi cảnh sát chận bắt một ông già (không có thẻ cư trú) đến trường đón cháu ; tại nhà ga Du Nord, cảnh sát bắt một người trốn vé, ẩu đả biến thành nổi loạn.

(6) Đây là vụ trục xuất những người chiếm nhà ở Cachan (ngoại ô Nam Paris) : Sarkozy đã để kệ trong nhiều năm, rồi đột nhiên quyết định trục xuất để gây ấn tượng. Cũng phải nói thêm : tại lễ tang tu sĩ Pierre, ông ta đã bị công chúng la ó, nhưng các đài truyền hình không hề đưa tin.

(7) Còn gì để nói khi mà tỉ lệ cách biệt giữa đồng lương thấp nhất và đồng lương cao nhất là 1:400 ? Đây là nói đồng lương, không dám nói tới thu tô tư bản. Ngay vào thời cực thịnh của chủ nghĩa tư bản hoang dại ở Mĩ, Henry Ford còn cho rằng 1:40 là tỉ lệ giới hạn, không thể "quá đáng" hơn được nữa.

(8) Nói đến thăm dò dư luận, xin lưu ý là kết quả thăm dò của các viện điều tra thường chênh lệch nhau ở một mức không bình thường chút nào (từ 4 tới 6%). Thăm dò dư luận là một bộ môn của thống kê học, tức là một khoa học chính xác. Căn cứ vào số người được thăm dò, thì "khoảng cách tin cậy" là 2% (nhiều người lầm tưởng rằng số người được thăm dò càng cao thì các ước tính càng chính xác ; thật ra, quá một mức nhất định, độ chính xác của các ước tính hầu như không được cải tiến). Vì vậy, sau khi thu thập được những số liệu "thô", các viện thăm dò phải "xào nấu" lại -- họ dùng mĩ từ "điều chỉnh" cho dễ nghe.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss