Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Cục An ninh thẩm vấn nhà báo & nhà văn Trang Hạ suốt 12 giờ

Cục An ninh thẩm vấn nhà báo & nhà văn Trang Hạ suốt 12 giờ

- Phong Quang — published 24/12/2007 01:00, cập nhật lần cuối 24/12/2007 09:31
Trái núi : "tán phát đề-can phản động". Đẻ ra con chuột : phạt "cảnh cáo" vì không mang theo chứng minh thư nhân dân. Một ngày dài ở Hà Nội, 22-12-2007. Có ai nhớ ngày đó, 63 năm về trước, là ngày gì không ?


Trấn áp biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn hải đảo


Công an tra hỏi nhà báo
Trang Hạ suốt 12 giờ


phap
Sinh viên biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Paris trưa thứ bảy 22-12-2007

Ngày thứ bảy 22.12.2007, hơn 200 sinh viên Việt Nam đã biểu tình tại đại lộ George V, Paris (cách đại sứ quán Trung Quốc khoảng 200 mét), phản đối Trung Quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cuộc biểu tình diễn ra từ 11g đên 13g, do hội adevf  chủ xướng và đã được Sở cảnh sát Paris cho phép. Vài giờ sau đó, tại Hà Nội (khu phố Hoàng Diệu - vườn hoa Chí Linh) và Thành phố Hồ Chí Minh (đường Phạm Ngọc Thạch và đường Alexandre de Rhodes), chung quanh đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Trung Quốc, công an Việt Nam đã ngăn chặn và giải tán mọi mầm mống biểu tình.

dieucay
Nhà báo Điếu Cầy ít phút trước khi bị công an cưỡng bức lên xe (23-12-2007).

Nghiêm trọng hơn, công án đã cưỡng dẫn phóng viên Hoàng Hải (tức là nhà báo tự do Điếu Cầy) trên vỉa hè Diamond Plaza (đường Phạm Ngọc Thạch, đằng sau Nhà thờ Đức Bà), trước mặt bạn bè và nhiều nhân chứng, sau khi Hoàng Hải (cựu chiến binh Sư đoàn Sao vàng) từ chối không chịu đến đồn Công An vào một sáng chủ nhật theo một "giấy mời" (lí do : "làm việc" về việc Hoàng Hải viết đơn tố cáo công an đã bắt anh trái phép trên đường phố chiều ngày chủ nhật trước đó) : xem chứng từ trên blog của Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Theo đài  BBC, công an cũng ra lệnh cho nghệ sĩ Hà Vũ Trọng, kiều bào Canada, phải ra khỏi Việt Nam trong vòng 10 ngày (Hà Vũ Trọng có mặt trong cuộc biểu tình ngày chủ nhật 16-12 và đã được dẫn về đồn công an thẩm tra mấy tiếng đồng hồ).

Nghiêm trọng hơn cả và càng không thể biện minh là việc nhà báo, nhà văn Trang Hạ ở Hà Nội bị gần mười công an thay phiên nhau thẩm tra trong hơn 12 giờ đồng hồ, ngày thứ bảy 22-12-2007 (từ 10 giờ sáng đến 11g giờ tối). Trang Hạ là phóng viên báo Tiền Phong, hiện nay sống và làm việc luân phiên giữa Hà Nội và Đài Loan, nơi chị đang hoàn tất bằng thạc sĩ để chuẩn bị làm luận án tiến sĩ. Trang Hạ được biết qua những bản dịch tác phẩm văn học Trung Quốc, công bố trên mạng hay/và xuất bản thành sách in (nổi tiếng nhất là cuốn Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Tào Đình (Bào Thê), Nhà xuất bản Hội nhà văn). Nhưng đối với "cộng đồng cư dân mạng" người Việt ÷ ở trong nước và khắp thế giới ÷ Trang Hạ trước tiên là tác giả blog trangha đến nay đã có 2,7 triệu người vào đọc (Diễn Đàn đã có đôi lần giới thiệu bài của chị trong mục Thấy trên mạng, thí dụ như bài :  Lên Bạch Mai chống độc). Trên những trang nhật kí điện tử này, xen kẽ với những bản dịch văn học, những sáng tác bằng tiếng Việt hay/và Hoa ngữ, độc giả được đọc những chứng từ về nỗi gian truân của nữ công nhân Việt Nam và những cô dâu Việt trên đất Đài Loan, những hướng dẫn cụ thể cho sinh viên Việt Nam sang du học ở Đài Bắc... Trang Hạ ít khi đề cập tới những vấn đề chính trị, bài viết của chị trước tiên và chủ yếu là ghi chép của một nhà văn, một nhà báo, một công dân trước những vấn đề xã hội.

trangha
Trang Hạ và con gái đi biểu tình ở Hà Nội sáng chủ nhật 16-12

Sáng chủ nhật 16-12-2007, công dân Trang Hạ cùng con gái đã đi tuần hành trên đường phố Hà Nội để phản đối chính sách bành trướng và thái độ ngang ngược của chính quyền Bắc Kinh (xem hình bên). Thứ sáu 21-12, chị thông báo trên mạng là sáng thứ bảy 22-12, từ 10g đến 11g, chị sẽ ký tặng sách trước hiệu sách Ngân Nga, 7 phố Đinh Lễ (với phiếu khuyến mãi giảm 20% của một công ti phát hành), và tặng miễn phí 100 "đề-can" mang dòng chữ "Hoàng Sa Trường Sa là của VIỆT NAM" để dán trên mũ an toàn (như trên mũ của nhà báo Hoàng Hải, hình trên ÷ từ ngày 15-12, việc đội mũ an toàn trở thành bắt buộc ở Việt Nam đối với mọi người đi xe gắn máy).

Như Trang Hạ kể lại (xem bài Quà giáng sinh ở dưới), mọi sự đã bắt đầu bình thường vào lúc 10g sáng thứ bảy ở phố Đinh Lễ. Trang Hạ ký sách và trao tay cho khách hàng (chủ yếu là sinh viên) những tấm "đề-can" : « Mọi sinh viên chỉ đề nghị tôi cho đề-can và mang về. Riêng một anh cứ nằng nặc đòi tôi phải tự tay dán đề-can lên mũ cho anh, tôi đành chiều ý anh, và anh bắt tôi ngay. ». Thế là nhà văn và "tang vật" ÷ chữ "tang" có lẽ phải hiểu theo nghĩa tang tóc cho dân tộc tang thương này ÷ bị đưa về đồn công an quận Hoàn Kiếm, bắt đầu một cuộc "thẩm vấn" có tính "hội đồng" kéo dài hơn 12 giờ.

Vì vào mạng Trang Hạ rất khó (đợi lâu, và nhiều khi không được ÷ không hiểu vì quá nhiều người vào đọc hay vì lí do "kĩ thuật" nào khác), chúng tôi đành mạn phép tác giả sao chép lại những đoạn nhật kí mà Trang Hạ viết trong đêm thứ bảy và đêm chủ nhật (bình thường, chúng tôi chỉ giới thiệu địa chỉ mạng để bạn đọc bấm vào, sẽ được nối kết thẳng vào blog của tác giả). Trước mắt, chỉ xin tóm tắt những sự việc không thể chấp nhận được trong hành xử của công an một chế độ mà khẩu hiệu vẫn được đề cao là "dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, dân chủ") :

* Nhà văn bị đưa về đồn công an vì phổ biến "đề can phản động" : "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam" là phản động ? Thế ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ ngoại giao, hàng tuần vẫn nói ngược lại à ? hay là ông Lê Dũng nói như vậy thì đúng lập trường, còn người dân nói như vậy là "không được phép", là "phản động". Dân ca vỉa hè vốn có câu : Ta có lập trường của ta, Đứa nào nói khác nó là Việt gian. Phải chăng cần đổi lại theo bút pháp Bút Tre : Chỉ ta nói lập trường ta, Đứa nào cũng nói nó là phản đông ?

* Trang Hạ không được phép về đón con gái, phải bỏ mặc cho cháu ở trong nhà suốt thời gian ấy. 

* Công an nghe trộm mọi tin nhắn trong điện thoại di động của chị, chép tất cả các số điện thoại ghi trong máy và đã gọi thẩm tra rất nhiều người chủ số điện thoại, thậm chí giả danh Trang Hạ để lừa người nghe.

* Cuối cùng, "tội" duy nhất của nhà văn, nhà báo, bà mẹ "phản động" đó là : ra đường không mang theo "chứng minh nhân dân". Hình phạt : cảnh cáo.

Không tin, xin mời đọc những trang nhật kí dưới đây :

Quà Giáng Sinh

Sau khi mười mấy cảnh sát thường phục áp giải tôi về trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm vào hồi 10h5' sáng qua, tôi bị buộc phải cầm mọi thứ trong túi xách bầy lên bàn. Cả gói băng vệ sinh phụ nữ.

Một cảnh sát được cử giữ riêng điện thoại để tránh trường hợp tôi xoá mọi dấu tích các cuộc gọi quan trọng. Cuộc đấu tranh giữa cảnh sát và người bị bắt được nửa tiếng thì tôi đề nghị:

- Con tôi tan học lúc 11h trưa, tôi muốn về đón con!

Lúc 11h kém 10 tôi quá bức xúc nên yêu cầu được cho gọi điện cho người nhà, để đón con tôi về.

Họ đồng ý cho gọi điện về nhà. Bố cháu giúp tôi đón cháu, chở con về nhà, cho con vào nhà, khoá cửa đi. Con gái tôi gọi điện nói, mẹ ơi, con vào trong nhà rồi nhưng con không có chìa khoá vào phòng đâu mẹ ạ.

Nhà tôi là một công trình đang xây dở 4 tầng, chỉ có 1 phòng duy nhất có thể để đồ đạc và ngủ, còn lại toàn sửa dở, trống trải bẩn thỉu. Làm sao lại để cho một đứa trẻ lớp 2 ngủ giữa công trình xây dựng vắng vẻ được? Tôi an ủi con và nói, con kiếm một góc giường chiếu nào ngủ đi. Ngủ dậy mẹ sẽ hôn để đánh thức con nhé. Nghe tiếng con gái là lúc đầu tiên tôi chảy nước mắt tại Công an Hoàn Kiếm. Họ doạ, nạt, vặc, mắng, nghiến răng, lườm, trợn, chòng chọc, cau, tôi không thấy đáng sợ bằng cảm giác êm ái khi nghĩ đến con và giấc ngủ trên nền chiếu cứng trưa nay của con. Vì tôi là một người mẹ.

Họ lần lượt đi ăn, chia ca đi ăn còn lại ngồi thẩm vấn tôi liên tục. Tôi đói lắm. Nhưng cho đến sau 2 tiếng mọi người ăn nghỉ xong mới phát hiện tôi vẫn bị bỏ đói (và khát chỉ mình tôi biết), họ vội vã đi mua 1 cái bánh mì nguội. Tôi rất tự ái và cũng nói thật với họ là tôi không tài nào nuốt nổi. Tôi chỉ nghĩ con tôi thế trưa nay ăn gì? Gia đình tôi hơi khác các gia đình khác nên tôi cố gắng để con tôi được nhiều chăm sóc hơn.

Họ ăn xong bữa trưa rồi ăn đến bánh kẹo bữa lỡ, vỏ bánh kẹo khỏi tay là vứt bừa xuống gậm bàn. Tôi đói lắm.

Tôi nghĩ nếu không được về với con tôi sẽ tuyệt thực và cũng không uống nước để phản đối. Lúc đó các anh phóng viên trong Sài Gòn cũng như phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội đều gọi điện động viên tôi, nói, tại sao em không phản ứng dữ lên, nói tình cảnh gia đình của em ra, yêu cầu họ phải cho em về, thích làm việc thì đúng giờ hành chính tôi sẽ lên làm việc với anh, còn tôi phải về với con tôi. Tôi nói, em đã nói hàng chục lần từ mấy tiếng đồng hồ nay, nói với tất cả mọi người. Họ vô cảm trơ trơ như đá. Những cú điện thoại lúc ấy là những động viên vô giá với tôi. Khi phát hiện ra, công an tước luôn máy và không cho nghe mọi cuộc gọi, họ tự mở đọc mọi tin nhắn lúc đó, tự gọi lại, thậm chí hôm nay 1 người bạn tôi nói, thật may, họ gọi cho anh nói, anh ơi hãy đến đây giúp đỡ Trang Hạ. Anh ấy hỏi đây là đâu thì họ không nói rành mạch, anh không đi vì anh ấy biết là tôi không bao giờ cầu cứu ai kiểu đó.

Bắt đầu từ 2h chiều, tôi bắt đầu nổi nóng.

Tôi nhớ khi miêu tả tâm lý những người đi tù lâu, nhà văn thường kể giai đoạn đầu mới vào tù sẽ gào thét đập phá, rồi sẽ khóc lóc nức nở. Giai đoạn sau năn nỉ, hiền lành, lý lẽ mềm dẻo cam chịu, hy vọng tranh thủ được tí cơ hội nào. Còn giai đoạn tù lâu năm, người tù sẽ buông xuôi đờ đẫn, ngày tự do mở cửa, có người tù còn chả buồn bước ra.

Tôi thấy tôi vừa vào Công an quận Hoàn Kiếm mấy tiếng, tôi đã có triệu chứng đờ đẫn của một người đã bị tù hãm lâu. Tôi sợ quá. Tôi muốn phá tan sự bất bình thường đó, nên bắt đầu gào. Tôi nhớ là tôi hét hai lần với một con trinh sát nghe trộm điện thoại của tôi: TỔ SƯ CON MẶT LỒN NGHE TRỘM ĐIỆN THOẠI TAO!

Họ bèn lôi tôi sang phòng khác.

Lúc đó là khoảng 3h chiều. Tôi nói trong nước mắt, các anh chị cũng là bố mẹ, các anh chị cũng phải nuôi dạy con cái, đẻ con ra ai cũng phải có trách nhiệm với nó, cho nó ăn nó ngủ, cho nó học hành. Chẳng lẽ chỉ có các anh chị có con thôi còn người khác thì không hay sao? Họ bảo, chị chưa xong, chị cứ ngồi đây. Lúc đó có một bản lời khai mới của người mới bị bắt, họ mang sang và thẩm vấn lại tôi, vì sao tôi giấu không nhắc tới một người tên là X., vì sao tôi quen anh ta, tại sao người kia nói quen tôi ở A mà tôi lại nói mới gặp hôm đi biểu tình ở B? Vậy lần đầu tiên gặp X tôi đã uống một chén trà hay một chén cà phê?

Tôi khai xong một bản bổ sung, và đề nghị, bây giờ đã gần 5h, hãy để tôi về.

Tôi muốn về vì bây giờ là 5 giờ. (Không ai hỉểu 5h chiều ngày thứ Bảy này quan trọng với tôi hơn bất cứ lúc nào. Vì tôi là một người mẹ.)

Họ bắt đầu ăn tối.

Tôi đói lắm. Tôi không uống nước nên tôi cũng không đi tiểu được.

Họ ăn mì tôm, họ ăn bánh mì, họ ăn sắn luộc, họ ăn ngô luộc, họ hỏi tôi có ăn bánh mì không? Tôi lắc đầu. Tôi đói thứ khác, như thể đói tình người. Chắc gì giờ này con tôi có gì vào bụng chưa? Có người mẹ nào nuốt nổi không?

Một anh công an ân cần giới thiệu cho tôi cái bánh mì suất trưa của tôi vẫn trước mặt, tôi buồn bã mách cho anh biết: Nó thiu rồi anh ạ.

Họ ăn xong họ uống. Họ hỏi tôi có uống sữa không. Tôi nức nở nói:

- Tôi không cần uống sữa đâu, nhưng con tôi đang cần uống sữa!

Họ im lặng. Vì có thể các công an viên cũng không có quyền quyết định thả tôi.

Họ kéo tôi sang phòng khác. Cứ mỗi lần tôi khóc họ lại kéo tôi sang phòng khác. Ở đây tôi gặp một bạn blogger vô tình bị giữ cùng, dù bạn chưa bao giờ biểu tình, blog không một chữ HS-TS. Bạn cũng không xin chữ ký của tôi, không mua sách của tôi. Nhưng số máy của bạn nằm trong số những cuộc gọi gần đây của tôi. Bạn bị giữ từ khoảng gần 11h đến giờ chưa ra.

Tôi phát hiện ra, Trường Sa Hoàng Sa là đau đớn nóng hổi tràn ngập đầu óc trí thức và thanh niên thì ở quanh tôi lúc này, chữ Hoàng Sa Trường Sa nó chỉ xuất hiện trong tang vật bị niêm phong, trong biên bản, trong những thứ thuộc về đối tượng bị giữ, biểu tượng cho những gì họ cần ngăn chặn. Nó cũng xuất hiện trên cái mũ bảo hiểm duy nhất tôi dán để ở góc bàn, tượng trưng cho sự lật mặt, phản trắc. Mọi sinh viên chỉ đề nghị tôi cho đề-can và mang về. Riêng một anh cứ nằng nặc đòi tôi phải tự tay dán đề-can lên mũ cho anh, tôi đành chiều ý anh, và anh bắt tôi ngay.

Tôi sang phòng mới và một anh mới giữ tôi. Tôi đã dặn mình không được nghĩ đến con nữa vì nó làm tôi mềm lòng. Nhưng sự tức giận bùng nổ từ tận đáy lòng thì không làm sao kiềm chế được. Tôi sừng sộ nói tôi cần về, con tôi đang cần tôi.

Anh cảnh sát mới mỉa mai:

- Tôi cũng có gia đình đây này. Nhưng giờ này tôi cũng phải đi làm vì các chị.

- Nhưng các anh được trả lương cho ngày hôm nay, đây cũng là công việc, sự nghiệp của anh.

- Tức là chị muốn được trả tiền chứ gì, hờ hờ

- Tôi nói cho anh biết, không có tiền bạc nào mua được những thời gian tôi chăm sóc con tôi. Anh không hiểu sao?

Chuông reo. Anh rút máy di động trong túi ra, nói với đầu kia dịu dàng: Mẹ, mẹ cứ ăn cơm đi nhé, mẹ ơi mẹ, vâng mẹ ạ.

Mẹ công an mới cần tình người. Mẹ của con tôi thì không cần.

Tôi chỉ muốn nói tới tất cả những người nào còn nghe được giọng nói bé nhỏ của tôi lúc đó, hãy trả mẹ cho con gái tôi! Làm ơn đấy, hãy trả mẹ cho con tôi!

Cho dù thời điểm 5h chiều nay đã qua rồi!

Trận bóng đá trên tivi buổi tối qua hết từng hiệp một, tôi vẫn phải trả lời một số vấn đề. Viết cam kết.

Bây giờ tôi có triệu chứng của người đã ở tù giai đoạn hai. Tôi chỉ muốn về, rồi muốn ra sao thì ra.

Hết trận cầu, họ kéo tôi quay lại phòng trực ban. Tôi nói với ông C. trực lãnh đạo công an quận:

- Bây giờ là 10h kém 15, tôi muốn gọi điện về nhà, bây giờ là giờ ngủ của con tôi, tôi muốn biết có ai đang ở nhà không, tôi phải giải thích với nó.

- Không, không gọi đi đâu hết.

- Tôi gọi bằng máy cơ quan anh, số nhà tôi các anh thẩm vấn có hết rồi.

- Không.

Tôi lại trào nước mắt:

- Xin lỗi anh, tôi chưa bao giờ van vỉ ai cái gì. Chẳng qua vì bây giờ là lúc tôi cần gọi điện thoại về cho con tôi, tôi mới yêu cầu. Ai cũng làm cha làm mẹ, nghề gì cũng chỉ là để kiếm sống nuôi gia đình, đâu phải đi làm là để vô cảm đánh mất tính người?

Ông C. dán mắt vào ti vi.

Lúc đó thì tôi sụp đổ.

Vì tôi là một người mẹ.

Tôi đã hứa đón cháu đi học về. Tôi đã hứa chiều nay có một bữa ăn nhỏ chiều thứ Bảy dành cho hai mẹ con ở riêng Quán cá Thùy Linh gần nhà nhân dịp Noel. Ngày nào cháu cũng đi học qua đó mà chưa một lần nào cháu được bước vào. Tôi đã hẹn ông già Noel mang quà đến nhà hàng lúc 5h để cháu được bất ngờ. Tôi đã mua một món quà nhỏ nhoi chỉ có giá khiêm tốn 50.000 đồng để ông già Noel đúng giờ mang đến. Con tôi là một đứa trẻ thiệt thòi (thiếu thốn những thứ vô hình) rất nhiều so với những đứa trẻ khác nên tôi chỉ cố gắng để cháu không phát hiện ra điều đó. Giờ đó đã qua, chắc ông già Noel đến nơi đã không tìm thấy chúng tôi, chắc ông đi về. Món quà giá trị quá nhỏ, thật sự là quá nhỏ không đủ lợi nhuận để ông đi đưa quà hai lần.

Khi ra khỏi đồn công an, tôi đi bộ dọc vỉa hè và đến giữa Nhà Thờ Lớn, đôi mắt tôi đẫm nước mắt nhìn ra thế giới. Không phải sự tàn ác lạnh lùng mất nhân tính của thế giới này có thể làm tôi rơi nước mắt, mà là những tình cảm con người vẫn còn trong tôi đang giày vò tôi.

Trước đây tôi là một người cộng-sản-ngoài-đảng, hoàn toàn vô thần, tích cực. Giờ có lẽ tôi sẽ ngược lại, biết đâu. Và biết đâu tôi sẽ tin vào Chúa. Bởi tôi không còn tin vào người sống.

Tôi đi bộ tiếp về phố Hàng Bông. Mưa bắt đầu đổ xuống gió rét.

Khi về đến nhà mới biết, chồng tôi chở con gái ra đứng ở cổng công an quận từ chiều đến gần 10h đêm nhưng họ không cho vào cũng không cho tin tức. Rất bất ngờ là cả nhà chồng tôi đã đứng chờ cho đến tối khuya ở công an quận. Tôi hỏi, mẹ bị bắt con có sợ không con? Con không sợ đâu, con chỉ lo cho mẹ. Ừ mẹ cũng thế, mẹ chẳng sợ, mẹ chỉ lo cho con. Ơ mẹ ơi, hai mẹ con mình giống nhau nhỉ!

Con gái ơi, con ngoan lắm, ông già Noel năm nay chả có quà cho con đâu con ạ, vì mẹ hư. Mà ông già Noel cũng không có thật đâu con ạ. Đối với mẹ thì Chúa đã chết trên trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm rồi. Nữa là quà Giáng sinh, cho con.

24.12.2007 (01:28)

TRANG HẠ

nguồn : http://blog.360.yahoo.com/blog-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1

Entry for December 23, 2007

Cảm ơn tất cả các cú điện thoại và mọi quan tâm của các bạn nhưng bây giờ tôi không đủ sức đọc comment và mở máy điện thoại ra nữa vì sẽ hàng trăm cuộc gọi nhỡ. Tôi muốn đi ngủ sau cả một ngày bị dày vò về tinh thần và tình cảm, về đến nhà 11h30 vừa ướt vừa đói khát.

Tôi chỉ thuật trước là Công an, Tổng cục An ninh và An ninh văn hoá 2 lần thu giữ máy ảnh (ko có ảnh), tịch thu điện thoại ngăn chặn các cuộc gọi đến tôi sau khi họ phát hiện có quá nhiều lãnh đạo báo chí trung ương và từ SG gọi điện ra hỏi thăm, đồng thời các trí thức bắt đầu liên hệ hỏi thăm tình hình, nhất là sau khi tôi chửi tục ầm lên một con chuyên nghe trộm điện thoại của tôi và đọc trộm tin nhắn.

Đầu tiên họ ghi chép lại toàn bộ các cuộc gọi đến, gọi đi, gọi nhỡ còn lưu trong máy di động của tôi, tiến hành kiểm tra thông tin quanh các thuê bao đó và khoảng sau 1-1h30 phút họ đã có toàn bộ thông tin như họ tên, số nhà, năm sinh ghi theo thuê bao, thậm chí ngay cả tôi cũng không biết những người đó tên họ là gì. Sau đó họ sao chép toàn bộ các tin nhắn trong máy, cuối cùng sao chép toàn bộ danh bạ điện thoại, chả rõ để làm chi.

Vì vậy tất cả những bạn nào không muốn bị phiền hà có thể delete số máy của tôi đi hoặc số máy của bạn đi để tránh những rầy rà không đáng có.

Tôi chỉ có thể nói rằng: Số điện thoại của tôi là 0902264060 (Tôi biết bị nghe trộm từ lâu rồi-thông tin đó bài sau tôi sẽ cung cấp) và cho dù bất kỳ tôi gọi đi đâu, gọi cho ai tôi cũng sẽ chỉ dùng số điện thoại đó. Bất kỳ cuộc gọi nào lấy danh nghĩa tôi, từ bất kỳ số máy nào hoặc số máy không hiển thị số, đều không thuộc trách nhiệm của tôi.

(Vô cùng xin lỗi các bạn đến xin chữ ký trên sách tặng bị bắt cùng một lúc, báo tin vui với bạn là chỗ sách các bạn mua đó các anh chị công an đọc liên tục từ chiều đến tối, lại còn khen hay, hỏi tôi bao giờ cuốn mới ko?.)

Tôi đã được gợi ý ký cam kết không đi biểu tình ở Việt Nam, vì thế tôi có thể yên tâm bắt tay vào chuẩn bị phong trào kháng nghị tại Đài Loan rồi.

Sunday December 23, 2007 - 02:00am (CST)

http://blog.360.yahoo.com/blog-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1&p=14494

Ngồi đợi giấy mời Yêu Nước

 
Trích thuật một đoạn đối thoại đêm qua, sau cả ngày đôi co :

Ban đầu họ yêu cầu mình ký giấy cam đoan không tham gia tụ tập đông người.
Mình bảo, - Thế tôi đi họp phụ huynh có được không ?
Vội nói, - tôi chưa nói rõ, tức là không tụ tập biểu tình khi chưa được phép. Mà họp phụ huynh cũng cần phải có giấy mời!
Nói luôn, - tôi chưa bao giờ biểu tình !
Nó liền trợn mắt lên.
Mình bảo tiếp, - mà tôi chỉ tham gia xuống đường tuần hành.
Nó bảo, thì công an chúng tôi dùng từ biểu tình, khác gì nhau, chị có viết không thì bảo?
- Tôi chỉ có thể cam đoan rằng tôi không bao giờ biểu tình nếu nó tổn hại đến quyền lợi của dân tộc, có tác động xấu đến xã hội. Còn nếu đó là tự tôi ý thức rằng tôi có lẽ phải, tôi làm đúng, thì anh không ngăn được tôi đâu.
- Sao chị cứng đầu thế nhỉ. Chúng tôi đã giải thích cho chị suốt từ sáng đến giờ này mà chị vẫn còn khăng khăng cố chấp như thế thì tôi e là nhận thức của chị có vấn đề và chị sẽ còn mắc phải những vấn đề lớn hơn sau này cơ. Và lúc đó thì blah blah... Chị cứ ghi rõ ra là không tham gia biểu tình tụ tập về vấn đề Trường Sa Hoàng Sa khi chưa được phép của chính phủ. Muốn tụ tập làm gì cũng phải làm đơn xin phép và được phép của Chủ tịch UBND, của Thành phố. Phải có cảnh sát mở đường cho đi v.v... (Lúc này tôi thấy buồn cười vì liên tưởng tới lời hứa hão của ông Nguyễn Thành Tài tại TPHCM lần trước).
- Tôi không cần phải viết đơn cam kết vì nếu chính phủ ra quy định cấm, tôi cũng tự giác chấp hành.
- Không cần chính phủ cấm, hôm nay tôi nói trực tiếp với chị thế này là tôi đã tuyên bố với chị rồi. Chị còn tham gia thì lần sau đừng trách.
- Cứ coi là thế đi, thì anh tuyên bố thế nào với hàng nghìn thanh niên sinh viên xuống đường? Anh không thuyết phục được một mình tôi thì liệu anh có thuyết phục được số lớn là quần chúng không?
- Chị chỉ cần biết là bản thân chị tự giác chấp hành và chị tuyên truyền trên mạng, trên Internet để mọi người làm theo.
- Trời, anh đánh giá cá nhân tôi cao quá.
- Chị viết đi, nào, TÔI CAM KẾT SẼ KHÔNG THAM GIA BIỂU TÌNH...
- Nhưng vấn đề đề-can không liên quan gì đến biểu tình, tại sao lại bắt tôi phải viết cả biểu tình vào cái cam kết?
- Thì tất cả cũng là một cả! đề can thì cũng có cả biểu tình. Nói chung là không tham gia vào tất cả những cái gì liên quan đến Trường Sa-Hoàng Sa. Bao giờ chính phủ tổ chức và mời chị thì chị mới được đi biểu tình.

Tôi sẽ ngồi đợi giấy mời yêu nước. Như anh Đặng Thiều Quang khuyên tôi hôm nay đó, viết trên mạng đủ rồi, khỏi ra đường (khỏi ra đời).


Tổng cục An ninh



Tin mới nhất : Người nhà, nội ngoại và bạn bè tôi hôm qua cho biết, sau khi tôi bị bắt và giữ điện thoại có một hoặc hai người đi cùng nhau đã đến tìm họ tận nhà, hoặc gọi điện thoại, tự giới thiệu là bạn Trang Hạ, đề nghị cho biết nhà mới TH ở đâu, tự giới thiệu là... chồng tôi (ha ha) đang hỏi thăm bạn bè cũ của vợ về các quan hệ cũ, tự giới thiệu là bạn thân đang tìm cách giúp TH nên đề nghị họ cung cấp thông tin v.v... Thậm chí có người bạn cũ từ bao năm trước chỉ trót có số điện thoại trong danh bạ máy tôi cũng bị gọi điện hỏi. Vì quá trùng hợp nên tôi buộc phải thông báo ngay cho các bạn biết. Xin hãy gọi điện trực tiếp cho tôi để biết rõ và từ chối bất kỳ mọi đề nghị nào mạo danh tôi đến từ người lạ.

Tôi giữ các ký lục và trao đổi của những lần Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công An đề nghị tôi cộng tác giúp đỡ họ để quản lý nắm tình hình các du học sinh, các tổ chức, các nhóm người Việt tại Đài Loan mà tôi đã từ chối thẳng thừng. Thậm chí ngày 16/3/2007 đích thân một ông tự xưng là Cục phó Cục phòng chống khủng bố của Bộ Công An đã cho xe tiễn tôi ra sân bay và thuyết phục hợp tác. Khi tôi từ chối vì tôi chỉ chuyên về nghiệp vụ báo chí, giúp đỡ di dân, phỏng vấn viết bài cho báo tôi, tôi không có nhiều thông tin được như những người "bám địa bàn" của họ tại Đài Loan, tôi cũng không thể làm nổi việc "Viết báo cáo" cho họ, thì họ cho biết, tất nhiên họ nắm thông tin nhiều hơn tôi, người của họ có ở khắp nơi, nhưng họ chỉ muốn tôi cộng tác để "chứng tỏ tính chất" của tôi, sau đó họ còn nói rõ rằng "Tất nhiên là thực ra họ cũng biết tôi không phải là người... nên mới tin cậy và thẳng thắn đề nghị cũng như tiết lộ nhiều thông tin sâu như thế cho tôi biết mà không sợ ảnh hưởng".

Bản thân tôi tin rằng sự từ chối cộng tác của tôi, việc trả lời phỏng vấn BBC tuần trước, việc tôi xuất hiện trong ngày xuống đường tuần hành ủng hộ chủ quyền Trường Sa Hoàng Sa 16/12, thì sự việc dán đề-can mũ bảo hiểm chỉ là giọt nước làm tràn ly và cái cớ. Đồng thời cũng để những bạn trẻ sẽ xuống đường sáng nay Chủ nhật 23/12 "tự hiểu", "tự cân nhắc".

Bởi trong ngày 22/12, cơ quan "phát hiện ra âm mưu dán đề-can phản động" (thực chất là việc ký tặng sách và giao lưu độc giả đã công khai trên blog, bất cứ ai cũng đọc được, kèm theo tặng phiếu giảm giá 25% của nhà sách BizSpace tại 164 Đội Cấn và dán đề-can yêu nước). Mà đề nghị bắt giữ tôi là P42 và An ninh văn hoá, trong số gần mười lượt người lần lượt thẩm vấn tôi thì chủ yếu vẫn là người của Tổng cục An ninh, và nội dung thẩm vấn có biên độ... vô kể. Thậm chí có những câu rất vô lý như: "Làm thế nào để hoạt động của Văn phòng Văn hoá Kinh tế Việt Nam và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc có thể có ảnh hưởng với người VN bên đó tốt hơn các tổ chức của ĐL?" "Các tờ báo Tiền Phong chị mang sang phát cho cô dâu, người lao động ra sao? (Thực ra là rất nhiều báo và tạp chí khác, không chỉ có các số chuyên đề của TP). Báo Tiền Phong được người VN ở bên đó đón đọc thế nào?"

Kết quả: 10h30 đêm hôm qua, họ tuyên bố phạt tôi vì tội ra đường không mang theo Chứng Minh Thư Nhân Dân, nên chỉ xử phạt hành chính tôi ở mức độ: cảnh cáo!

Đêm qua khi tôi được thả, còn một bạn tôi chỉ biết tên là Thành nhưng trong tờ nội dung xác minh các số điện thoại gần đây nhất lấy từ mobile của tôi mà tôi liếc qua thì bạn đó hình như họ Lê, không kịp thấy tên đệm, nhà ở 35 phố nào đó (ko kịp nhìn) còn bị giữ tại quận Hoàn Kiếm, trong túi bạn Thành thu được 200 đề-can dán mũ bảo hiểm như của tôi. Chủ nhà sách bị bắt giữ đã được thả sau vài tiếng, vài bạn sinh viên xin chữ ký buổi sáng bị giữ đến tận 7h tối. Tôi gặp bạn đó từ hôm xuống đường 16/12 vừa rồi. Hy vọng bạn ấy cũng chỉ mắc tội ra đường không mang theo Chứng minh thư nhân dân.

Bằng nhiều dấu hiệu từ 3-4 ngày nay, bắt đầu từ các tranh luận trên blog bạn Linh cho đến các diễn đàn, và qua một số nội dung tôi nghe được hoặc quan sát hôm qua thì tôi cho rằng, có thể Lực lượng an ninh bắt đầu sử dụng biện pháp phân tán nội bộ, tạo sự hiềm khích trong chính số thanh niên học sinh nhiệt tình xuống đường, cách ly hoặc tạo nghi kỵ với các cá nhân như anh Xuân Bình, tôi, một vài blogger phía Nam bằng lý lẽ "bọn cơ hội chính trị", thậm chí làm nhục danh tiếng hoặc một vài tiểu xảo để chia rẽ nội bộ.

Sunday December 23, 2007 - 09:21am (CST)

http://blog.360.yahoo.com/blog-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1&p=1443

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss