Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / HOÀNG MINH CHÍNH (1920-2008)

HOÀNG MINH CHÍNH (1920-2008)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 27/02/2008 15:10, cập nhật lần cuối 28/02/2008 11:29


Bi kịch Hoàng Minh Chính


Nguyễn Ngọc Giao


Ông Hoàng Minh Chính, nhân vật đối lập dân chủ, đã từ trần vào đúng ngày tết Mậu Tý 7.02.2008 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Lễ tang ông đã được cử hành sáng thứ bảy 16-2 với sự có mặt của hơn 500 người (AFP). 

Tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, ông sinh năm 1920 tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Hoạt động cách mạng từ tuổi 17, gia nhập Đảng cộng sản năm 1939. Năm sau, bị thực dân bắt  và kết án 10 năm tù, giam tại nhà tù Sơn La. Năm 1943, vượt ngục trên đường đi đầy Côn Đảo, tiếp tục hoạt động. Năm 1945, tham gia Hội nghị quốc dân Tân Trào và được ĐCS cử làm tổng thư kí Đảng Dân chủ để tập hợp giới tư sản và trí thức (Đảng dân chủ được thành lập năm 1944, tổng thư kí đầu tiên là ông Dương Đức Hiền. Năm 1988, bị ĐCS giải thể cùng lúc với Đảng Xã hội). Kháng chiến bùng nổ, ông tham gia quân đội, năm 1947 lãnh đạo trận đánh sân bay Gia Lâm (chỉ huy quân sự là Lê Minh Nghĩa, sau này là đại tá cục trưởng Cục tác chiến Bộ tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và năm 1967, cả hai sẽ bị bắt giam trong vụ "xét lại - chống đảng"). Bị thương, ông trở lại công tác đoàn thể (Đảng Dân chủ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam).

Năm 1957, được cử sang Liên Xô theo học Trường Đảng cao cấp. Năm 1960, về nước, được bổ nhiệm viện trưởng Viện Triết học (thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội). 

Đối với ĐCSVN, đây là thời kì "nóng bỏng" : làm thế nào để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong bối cảnh cuộc xung đột Xô-Trung ? Một bên, Liên Xô chủ trương "chung sống hoà bình", lo ngại một cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam có thể dẫn tới chiến tranh thế giới. Bên kia, Trung Quốc lớn tiếng "cách mạng", tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô, nhưng thực chất là "người (Hoa Kỳ) không đụng đến ta (Trung Quốc), ta không đụng đến người", chỉ ủng hộ đấu tranh vũ trang ở miền Nam ở một mức hạn chế, không hề muốn thấy một nước Việt Nam thống nhất (đây là một hằng số nhất quán trong chính sách của Bắc Kinh, từ Mao đến Đặng, từ 1954 đến 1975). Với "nghị quyết 9" (tháng 12-1963 / tháng 1-1964), lên án "chủ nghĩa xét lại", đồng thời cảnh giác "chủ nghĩa giáo điều", lãnh đạo ĐCSVN chọn thế đứng "đứng giữa" : bên ngoài, không ngả về bên nào để tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của cả hai bên, bên trong, thi hành chính sách "không mao-ít cũng mao nhiều". Sự chọn lựa này đặt "nhóm xét lại" (mà ông Hoàng Minh Chính là một thành viên) vào thế kẹt : họ có lí trong việc kiên quyết chống lại chủ nghĩa Mao, nhưng về thực chất, họ không đề ra được một đường lối chiến lược nào khác để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các nhân vật chủ chốt (Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng...) đã nhanh chóng và âm thầm bị gạt ra khỏi các chức vụ của họ, theo dõi chặt chẽ và vô hiệu hoá. Với cuộc "đại cách mạng văn hoá vô sản" năm 1966, Trung Quốc của Mao trở nên một đồng minh cồng kềnh nếu không nói là nguy hại (chỉ chi viện được lương thực và vũ khí nhẹ, lại ngăn chặn đường chi viện vũ khí nặng của Liên Xô, nhất là tên lửa phòng không). Để chuẩn bị cho cuộc tổng công kích dự trù vào năm 1968 (năm bầu cử tổng thống Mĩ), lãnh đạo ĐCSVN đã "cân bằng hóa" quan hệ với "anh hai và anh ba", xích lại gần Liên Xô hơn (điều này trở thành dễ dàng từ khi ông K., "trùm xét lại", bị Brejnev lật đổ, Liên Xô ủng hộ tích cực hơn, ít nhất để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc) : trong bài diễn văn kỉ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga, ông Lê Duẩn không ngần ngại tuyên bố : "đối với người cộng sản Việt Nam, Liên Xô là tổ quốc thứ nhì". Hệ quả đối nội của sự điều chỉnh đường lối đối ngoại này, mỉa mai thay, lại đổ lên đầu "nhóm xét lại" đã bị gạt ra khỏi quyền lực từ ba năm về trước : tháng 8-1967, hàng chục cán bộ cao cấp bị biệt giam không xét xử trong 6 năm trời (cho đến sau khi kí Hiệp định Paris), rồi quản chế thêm 3 năm (cho đến 1976). Bên cạnh nguyên nhân "biện chứng" này, còn có những mưu toan quyền lực khác : (1) ý đồ loại trừ đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cách vu cho tổng tư lệnh những quan hệ bất chính với Krushev (đó là lí do giải thích việc bắt giữ đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng cục 2, đại tá Lê Minh Nghĩa, cục trưởng cục tác chiến, trong bộ tham mưu của tướng Giáp) ; (2) đối với nhiều người liên quan, việc phần lớn những người bị bắt giam đều là bạn tù Sơn La với ông Lê Đức Thọ, là dấu hiệu chứng tỏ ông trưởng ban tổ chức và phụ trách ban "chuyên án" muốn triệt hạ những chứng nhân của một quá khứ không hoàn toàn vinh quang... Bên cạnh kích thước thanh trừng nội bộ, "vụ án xét lại" còn để lại những hậu quả tinh thần nghiêm trọng : 10 năm sau vụ Nhân văn Giai phẩm, đây là một vụ đàn áp tự do tư tưởng, đè nặng lên đời sống trí thức và tinh thần của toàn bộ xã hội (một hậu quả nhãn tiền là đường lối giáo dục, nhất là ở đại học, từ khi những chủ trương của ông Tạ Quang Bửu bị gạt bỏ).

Sau 6 năm bị biệt giam không xét xử, ông Hoàng Minh Chính bị quản chế ở Sơn Tây từ 1973 đến 1976. Ra tù, ông nhiều lần đòi minh oan và tố cáo hành động của ông Lê Đức Thọ.Cũng như các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh..., với sự ủng hộ của ông Nguyễn Trung Thành, phụ tá của ông Lê Đức Thọ trong cuộc điều tra. Phản ứng của lãnh đạo Đảng cộng sản là khai trừ ông Nguyễn Trung Thành (và ông Lê Hồng Hà, cán bộ công an, đã hưởng ứng việc làm của ông Thành), gạt bỏ yêu cầu của các nạn nhân vụ đàn áp. Không những thế, năm 1995, ông Hoàng Minh Chính còn bị kết án 1 năm tù vì tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội và của công dân". Tổng cộng từ nhà tù của thực dân Pháp đến trại giam của nhà nước mệnh danh "xã hội chủ nghĩa", ông Hoàng Minh Chính đã bị 12 năm tù, 9 năm quản chế.

Hoàng Minh Chính do đó đã trở thành một biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ hoá đời sống chính trị ở Việt Nam. Với tất cả hạn chế của một biểu tượng : những năm tù đày, kìm kẹp đã cắt đứt ông với thế giới bên ngoài, những tuần lễ ngắn ngủi khi ông sang Mỹ chữa bệnh (mùa hè năm 2005) chỉ làm lộ rõ những ảo tưởng của ông về chủ nghĩa tư bản, không khác những ảo tưởng xưa kia của ông về chủ nghĩa Mác-Lê. Bi kịch Hoàng Minh Chính cũng thể hiện trong một số việc làm cuối đời của ông như việc cử người đại diện ở trong nước và ngoài nước cho một "phong trào" chưa tồn tại, hay việc "phục hoạt" Đảng Dân chủ Việt Nam. Điều đó càng vạch rõ sự nhỏ nhen và thô bạo thảm hại của nhà cầm quyền trong việc tổ chức côn đồ tại ngõ 21 Lý Thường Kiệt (nơi ông ở) hay việc ngăn cấm người đi dự đám tang ông ở Thanh Nhàn.

Bất luận thế nào, người ta sẽ ghi nhớ Hoàng Minh Chính như một người Việt Nam suốt đời thiết tha với vận nước. Và cùng ông, suy ngẫm về ba điều làm cho ông day dứt, như ông viết trong tâm thư đề ngày 17-1-2008 gửi "quý vị lãnh đạo Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và "các bạn đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam" :

«  Trước hết là việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hiện nay tôi thấy cách giải quyết của quí vị đang có vấn đề. Quí vị không nên giấu giếm việc này nữa. Đây là việc hệ trọng của quốc gia cần phải được công khai, thông tin đầy đủ, rộng rãi, và càng không nên cấm đoán hay ngăn chặn các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối nạn ngoại xâm. Việc phải bảo vệ lãnh thổ, chống ngoại xâm là trách nhiệm chung của toàn dân.

Kế đến, tình trạng dân oan ngày càng nghiêm trọng. Mục tiêu “độc lập - tự do - hạnh phúc” chưa được thực hiện về cơ bản, cho dù đã thành tiêu đề trên các văn bản từ hơn nửa thế kỷ nay. Nước nhà đã độc lập nhưng nhân dân chưa có tự do thì làm sao có được hạnh phúc?! Người dân và các giáo hội đã phải khổ sở trước việc bị chính quyền chiếm dụng tài sản một cách phi pháp. Quốc nạn tham nhũng, lạm quyền, bắt người lấy của trái phép đã tạo ra tầng lớp dân oan và các cuộc biểu tình hiện nay. Tôi hy vọng rằng quí vị sẽ sớm giải quyết vấn đề này.

Và sau cùng là việc đoàn kết dân tộc để xã hội phát triển toàn diện và bền vững. Quí vị đã có nghị quyết kêu gọi đoàn kết dân tộc. Chiều hướng thì tốt, nhưng công việc cụ thể thì chưa đáp ứng. Nhà nước cần phải thật tâm trong việc này thì mới đạt kết quả. Kêu gọi đoàn kết mà thiếu dân chủ thì khó thành. Hơn nữa, Tổ quốc không phải của riêng ai hay riêng đảng phái nào, chủ trương độc đảng tức giữ độc quyền chính trị cho một đảng thì làm sao đoàn kết dân tộc! Quí vị đã hòa với các nước cựu thù, thì sao lại chưa hòa với các chính đảng cùng là người Việt Nam ? »

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss