Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Giáo sư Phan Huy Lê

Thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Giáo sư Phan Huy Lê

- Phan Huy Lê — published 24/11/2007 00:21, cập nhật lần cuối 24/11/2007 17:11
Nhà sử học Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu bảo tồn Hội trường Ba Đình, không xâm phạm Khu di tích Hoàng thành, và xây nhà Quốc hội ở một địa điểm khác.


Hội trường Ba Đình
cần được xếp hạng quốc gia
theo luật di sản văn hoá


Giáo sư Phan Huy Lê

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Chúng tôi đăng dưới đây toàn văn lá thư của Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thư này đã được công bố trên tạp chí Xưa & Nay (tháng 11-2007) cùng với thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (chủ tịch danh dự của HKHLS) mà Diễn Đàn đã công bố, và bài "Thư toà soạn" của ban biên tập Xưa & Nay. Như vậy là mặc dầu có lệnh cấm của Ban tuyên giáo Trung ương ĐCSVN, các báo Đại Đoàn Kết, Người Cao TuổiXưa & Nay đã đồng loạt công bố bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đáng chú ý là lập trường của nhà sử học Phan Huy Lê và Hội KHLS. Trong năm 2006, họ đã kiên trì yêu cầu xây nhà Quốc hội ở một địa điểm khác (cuối đường Hùng Vương). Đến khi Bộ chính trị (tháng 10-2006) rồi Quốc hội (tháng 4-2007) quyết định xây tại vị trí hội trường Ba Đình, họ đành chấp nhận với điều kiện toà nhà mới "xây trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay", không đụng tới khu di tích Hoàng thành (gồm các khu A, B, C, D trên bản đồ dưới đây). Nhưng trên thực tế, đã hơn một lần, các dự án đưa ra đều lấn, không ít thì nhiều sang các khu C và D, xâm phạm di tích 1300 năm lịch sử và phá vỡ cảnh quan toàn khu vực. Chính vì thế mà cuối cùng, Hội KHKS đã đặt rõ nhà cầm quyền trước trách nhiệm của mình : bảo tồn nguyên vẹn Khu di tích lịch sử, Hội trường Ba Đình và xét lại quyết định trước, xây toà nhà Quốc hội ở một địa điểm thích hợp.

Thái độ ôn hoà, hợp lý hợp tình của HKHLS mở cho Bộ chính trị ĐCS, và trước tiên, tổng bí thư Nông Đức Mạnh, một lối ra, tránh khỏi một sai lầm nghiêm trọng về mặt chính trị và một lỗi lầm lớn đối với lịch sử dân tộc. Mong rằng họ đủ bản lĩnh để, lần này, có một quyết định đúng đắn.

Diễn Đàn

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng (Công văn số 604/BXD-VP ngày 16/10/2007), tôi đã phát biểu một số ý kiến về phương án xây dựng Nhà quốc hội gửi trực tiếp cho Bộ Xây dựng. Nay tôi xin kính gửi Thủ tướng những ý kiến của tôi về vấn đề này.

1. Thời gian trưng bày là lúc tôi đang công tác ở nước ngoài. Tôi về nước ngày 18/9/2007 thì Phòng trưng bày đã đóng cửa từ ngày 15/9/2007. Rất tiếc tôi không được trực tiếp xem toàn bộ các phương án thiết kế tại phòng trưng bày. Tuy nhiên, tôi cũng đã cố gắng xem các ảnh chụp và băng hình do các bạn bè cung cấp và riêng phương án L787 được xếp loại A, tôi được Ban quản lý dự án chuyển cho hồ sơ đầy đủ.

phuongan

Phương án L787 sẽ lấn sang khu C của Di tích Hoàng thành và với chiều cao 30 mét, nó sẽ phá vỡ toàn bộ không gian lịch sử văn hoá của khu vực.

Trong 17 phương án trưng bày thì Hội đồng tuyển chọn đã chọn phương án L787 là phương án có giá trị nhất và xếp loại A. Tôi cho đó là cách nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn đúng vì phương án L787 tương đối nổi trội nhất, còn xếp loại A thì trong giới kiến trúc sư còn có ý kiến khác nhau.

Về phương diện chuyên môn, tôi dành sự phân tích và đánh giá cho các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng. Nhưng đứng về phương diện lịch sử và văn hoá, tôi thấy phương án L787 vẫn chưa đạt yêu cầu của toà Nhà Quốc hội đặt trong vị trí cụ thể và tương quan với các di tích và kiến trúc khác của Trung tâm chính trị Ba Đình.

Thứ nhất, tôi không nghi ngờ gì về tính hiện đại của phương án thiết kế này, nhưng về mặt kiểu dáng kiến trúc hay nói cách khác là nghệ thuật kiến trúc thì tôi chưa thấy thể hiện được tính dân tộc, tính Việt Nam. Ý tưởng Trời tròn/ Đất vuông đâu phải là biểu tượng riêng của Việt Nam. Đó là hình tượng phản ánh vũ trụ quan thô sơ và mối quan hệ lưỡng hợp Trời - Đất, Âm - Dương, Cha - Mẹ... của nhiều dân tộc, nhất là phương Đông. Tôi không nghĩ thô thiển là phải chắp vào kiến trúc hiện đại một mái đình hay mái chùa, mà phải dày công nghiên cứu và sáng tạo, phải chắt lọc từ trong di sản văn hoá Việt Nam những đường nét và kiểu dáng, những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình để khi nhìn vào mọi người đều nhận thấy đây là một kiến trúc rất hiện đại và rất Việt Nam. Đây là một yêu cầu tôi biết rất khó, nhất là thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm để tìm ra ý tưởng rồi xây dựng phương án thiết kế chỉ có khoảng ba tháng. Nhưng Nhà Quốc hội của nước Việt Nam không thể thiếu tính dân tộc, phải có sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn, tinh tế giữa tính hiện đại và tính Việt Nam. Nhà Quốc hội là một kiến trúc làm trụ sở cho cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân, có thể coi như một biểu trưng của đất nước, của dân tộc thì nhất thiết, theo tôi nghĩ, không thể thiếu tính dân tộc. Đó phải là một công trình kiến trúc bền vững với thời gian, không phải chỉ ở công nghệ thiết kế và xây dựng hiện đại mà cả ở giá trị nghệ thuật mang tinh hoa của văn hoá dân tộc. Ngay trên đất thủ đô Hà Nội của chúng ta, có không ít công trình khá hiện đại mà chỉ sau khi khánh thành một thời gian là nhiều người đã cảm thấy gần như không có giá trị nghệ thuật và không thể tồn tại trong sự trân trọng của cộng đồng.

Thứ hai, Nhà Quốc hội xây dựng trên khuôn viên của Hội trường Ba Đình ở trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh về phía đông nam là Đài liệt sĩ, hai bên phía bắc, phía đông là khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và tiếp đó là thành cổ Hà nội. Đây là những kiến trúc hoặc di tích kiến trúc rất khiêm nhường, nhưng là di sản văn hoá quý giá, thiêng liêng gắn liền với cả lịch sử truyền thống và cách mạng của Thăng Long - Hà Nội. Với phương án thiết kế L787, Nhà Quốc hội xây dựng trên diện tích khoảng 10.000m2, cao khoảng 30m trở thành một khối kiến trúc quá đồ sộ, lại rất hiện đại, làm phá vỡ toàn bộ không gian lịch sử văn hoá của khu vực. Trước đây tôi đã nhiều lần phát biểu, Nhà Quốc hội nếu xây dựng trong khu vực này, bên cạnh tính hiện đại, tính dân tộc thì tính hài hoà là một yêu cầu không thể thiếu được. Phương án thiết kế L787 chưa thoả mãn được sự hài hoà với cảnh quan, không gian lịch sử văn hoá của dân tộc.

lankhuc

Thông báo ngày 2/10/2007 của Văn phòng Chỉnh phủ chấp nhận để khu nhà Quốc hội lấn sang Khu C (màu hồng). Đối với giáo sư Phan Huy Lê và Hội KHLS, đó là điều "không thể chấp nhận được".

Do vị trí chật hẹp, công trình không có độ lùi nên Ban quản lý dự án đề nghị cho phép lùi về phía đông trên khu C theo sơ đồ khai quật khảo cổ học và tại Thông báo số 190/TB-V PCP ngày 2/10/2007 của Văn phòng Chính phủ cũng ghi nhận “Vị trí Nhà Quốc hội có thể lùi vào trong khu đất (khu C Lô D) một khoảng thích hợp để Nhà Quốc hội không quá gần đường Độc Lập và đường Bắc Sơn...”.

Với phương án thiết kế L787 hiện nay thì quy mô chiếm đất xây dựng Nhà Quốc hội lên đến khoảng 10.000/12.000m2 và do đó không có độ lùi cần thiết cho công trình kiến trúc, nhất là mặt đường Độc Lập và mặt đường Bắc Sơn. Nhưng đề nghị xử lý bằng cách lùi về phía đông, lấn sang khu C của khu di tích Hoàng thành Thăng Long thì không thể chấp nhận được. Xử lý như thế là không phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị (Thông báo số 62/TB/TW ngày 2/3/2007) cũng như Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội (Văn bản số 29/BC- CP ngày 15/3/2007) và Nghị quyết của Quốc hội khoá XI (tại kỳ họp thứ 11 ngày 2/4/1007) đều xác định “xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay”. Hơn nữa đẩy lùi hay mở rộng về phía đông trên đất khu C theo sơ đồ khảo cổ học dù ít hay nhiều, đều xâm phạm đến phạm vi khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích khảo cổ học này cùng với thành cổ Hà Nội đã được Chính phủ gửi thư đến UNESCO đăng ký Di sản Văn hoá Thế giới và hiện nay đang chuẩn bị xây dựng hồ sơ, cũng theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đang hoàn tất hồ sơ đăng ký Di tích quốc gia. Theo tôi, khi xác định quy mô xây dựng Nhà Quốc hội cần tính toán đầy đủ và nêu cao trách nhiệm toàn diện đối với toàn bộ các kiến trúc và di tích có liên quan, không nên chỉ vì độ lùi của Nhà Quốc hội mà làm ảnh hưởng đến một di sản quý giá mang tính giá trị của lịch sử và văn hoá nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

2. Trước đây, Hội Khoa học Lịch sử đã từng kiến nghị tìm một địa điểm khác trong quận Ba Đình để xây dựng Nhà Quốc hội (Kiến nghị số 52/HSH ngày 1/11/2006), như vậy vừa bảo tồn được toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long, vừa giữ được Hội trường Ba Đình. Khi Bộ Chính trị đưa ra kết luận “Xây dựng Nhà Quốc hội mang tên Hội trường Ba Đình mới” và “trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay” (Thông báo số 42/TB/TW ngày 2/3/2007) thì tôi đã bày tỏ sự hoan nghênh vì toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long được bảo tồn. Nhưng qua cuộc thi phương án thiết kế, thấy rõ xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình thì phải chịu nhiều khống chế về qui mô cũng như chiều cao và đòi hỏi sự kết hợp hài hoà về cảnh quan và không gian lịch sử, văn hoá của cả khu vực, rất khó thực hiện để có một toà Nhà Quốc hội xứng đáng tầm cỡ của công trình quan trọng này. Trong lúc đó thì một số vị lão thành cách mạng lên tiếng đòi phải bảo tồn Hội trường Ba Đình là một di tích cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh. Với tư cách Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tôi cũng nhận được ý kiến của nhiều nhà sử học và cán bộ lão thành yêu cầu Hội cần đề nghị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội xem xét lại chủ trương phá dỡ Hội trường Ba Đình. Qua gần nửa thế kỷ, Hội trường Ba Đình, là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong các hoạt động của Đảng và Quốc hội, nơi đã tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” do Hồ Chủ tịch chủ trì, nơi đã tiễn đưa Người về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các kỳ họp Quốc hội từ năm 1964 đến nay đều diễn ra tại đây. Hội trường Ba Đình xứng đáng là một di tích cách mạng có nhiều giá trị và ý nghĩa vô cùng quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh, cần được xếp hạng quốc gia theo Luật Di sản văn hoá. Vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội nên tham khảo ý kiến rộng rãi của các vị lãnh thành cách mạng, của cán bộ và nhân dân, của các nhà khoa học để tìm ra một giải pháp tốt nhất, vừa bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hội trường Ba Đình, vừa có một Nhà Quốc hội xứng đáng tại một vị trí thích hợp.

Hà nội, ngày 22 tháng 10 năm 2007.

PHAN HUY LÊ


NGUỒN : Tạp chí XƯA & NAY số 295, tháng 11-2007, tr 9-10

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss