Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (2)

Cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 16/06/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Duy tân yểu mệnh cùng triều đình chính biến lần thứ ba [1890-1899]


Cải cách duy tân của
Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (2)


Hồ Bạch Thảo



 

Chương hai

Duy tân yểu mệnh cùng
triều đình chính biến lần thứ ba

[1890-1899]


khv

Khang Hữu Vi [1858-1927]


1. Bức thiết yêu cầu biến pháp


Chính sách đổi mới của Trung Quốc trong 30 năm, lấy sự phòng biển làm trung tâm ; phần lớn cho rằng nếu không chống được các nước lớn Tây phương, thì cũng có thể địch lại Nhật Bản ; nhưng sự thực chứng minh không được như vậy. Trước đó cũng có người nhận ra rằng cần phải cải tiến chế độ chính trị, nên ra sức đề xướng. Thậm chí kẻ coi trọng việc binh cho là gốc của nước như Lý Hồng Chương, cũng bảo rằng các hạng chính trị của Nhật Bản mỗi ngày một mới, Trung Quốc cũng nên ra sức ; nhưng đương thời Lý Hồng Chương có quyền, cũng không làm được gì lớn.


Ông Đồng Hoà là cận thần của vua Quang Tự, đối với tân học và chính trị Tây phương không biết nhiều, nhưng có tấm lòng, ra sức mở đường cho vua Quang Tự về quan niệm chính trị. Năm Quang Tự 19 tuổi [1889] Ông thuyết về thành tích trị nước của thánh hiền không rập khuôn giống nhau ; rồi dâng quyển sách Hiệu Bân Lư kháng nghị 1 của Phùng Quế Phân, cho rằng quyển sách rất thích hợp với thời thế và lưu tâm đến Tây dương. Năm 1891, Quang Tự bắt đầu học Anh văn ; Ông tiếp tục dâng lên vua những sách nổi tiếng chủ trương canh tân biến pháp của các tác giả trong nước, Ông khen Quang Tự thông minh. Ông tiếp xúc không ít với những nhân vật chủ trương duy tân, thừa nhận biến pháp là điều tất yếu.


Lúc bấy giờ Trương Chi Đỗng đã thay Lý Hồng Chương làm lãnh tụ tân phái, lập trường của Trương tuy trung dung, nhưng cũng chủ biến. Trương chủ trương luân lý, thánh đạo, tâm thuật không thể biến ; nhưng pháp chế, công nghệ, khí giới thì nên biến ; lấy tinh hoa cựu học làm căn bản, dùng kỹ thuật Tây phương để cải tiến.


Từ năm 1895-1897, chiếu dụ liên quan đến tân chính sách mấy lần ban ra, bao gồm : luyện tân quân, thiết lập học đường tại địa phương, học đường tại kinh sư ; thư viện, viện bảo tàng, cục phiên dịch, báo quán, tuyển người tham quan du lịch, liệu biện mỏ khoáng, mở mang thêm các xưởng dệt, lập đặc khoa về kinh tế. Những việc thực thi thấy được như Viên Thế Khải biên chế huấn luyện tân lục quân, Trương Chi Đỗng biên luyện tự cường tân quân, Thịnh Tuyên Hoài sáng lập Thiên Tân Trung Tây học đường. Riêng Khang Hữu Vi trong 10 năm chăm chỉ hoạt động về biến pháp không ngưng nghỉ.


Nước Đức chiếm cứ Giao Châu Loan [Jiaozhou bay, Sơn Đông], gây nên sự phẫn khích khắp nơi tại Trung Quốc sau điều ước Mã Quan với Nhật. Một tháng sau, Khang Hữu Vi tái tục triển khai hoạt động, dâng thư trình bày thời cuộc nguy hiểm, cùng sự cấp bách của biến pháp không thể hoãn. Cho rằng 30 năm nay các nước Tây phương đều muốn qua phân Trung Quốc, nước Đức đoạt Giao Châu Loan là bước mở đầu, cần phải ban chiếu chứng tỏ sự phát phẫn, minh định điều phải làm, tận trừ cựu tục, một lòng duy tân “ Nếu chần chờ nghi ngờ, lần lữa thủ cựu, thì đất đai ngày mỗi bị cắt ; muốn ở yên trong một góc cũng không được.”


Ông Đồng Hoà đích thân giao thiệp với Đức về vụ Quảng Châu Loan, có cùng cảm nghĩ như Khang. Cấp sự trung Cao Biến Tăng tâu xin triệu Khang Hữu Vi đến gặp, Ông cũng trình bày lên Quang Tự về tài thức của Khang. Ngày 16/1/1898, vua Quang Tự cùng Quân cơ đại thần bàn về biến pháp, ý muốn đích thân gặp Khang Hữu Vi, nhưng Cung Thân vương mặc nhiên không có ý kiến, nên cải cho Tổng thự gặp để phỏng vấn. Ngày 24 Khang Hữu Vi cùng Ông Đồng Hòa, Lý Hồng Chương, Vinh Lộc, Liêu Thọ Hằng, Trương Âm Hoàn tại dinh Tổng thự. Vinh Lộc là người thân cận của Từ Hy nói phép của tổ tông không được biến, Khang đáp “ lãnh vực này về mặt ngoại giao, không phải là phép của tổ tông ”. Liêu hỏi biến pháp ra sao ? Khang đáp “ pháp luật quan chế trước tiên ” Lý hỏi 6 bộ và luật lệ phép tắc, có thể triệt bỏ hết không ? Khang đáp nhất thời không thể cải bỏ hoàn toàn, cần châm chước theo tình hình, rồi lần lượt sẽ làm. Lại trình bày các việc đáng cải cách, bảo rằng Nhật Bản duy tân, chế độ rất hoàn bị, dễ mô phỏng để thi hành. Cùng trong ngày, mệnh vua đem các sách của Khang trước tác như Nhật Bản biến chính ký, Nga Bỉ Đắc biến chính ký2 đệ trình ; từ nay trở về sau điều trần của Khang được trình lên trong ngày và cho phép cận thần quyền phát ngôn lại lời phán của Hoàng thượng. Ông Đồng Hoà đem những lời bàn bạc tại Tổng thự vào tâu và xin phá lệ dùng Khang Hữu Vi.


Sau khi vua Quang Tự hạ lệnh Khang Hữu Vi điều trần về biến pháp, vào ngày 29/1, Khang dâng Ứng Chiếu Thống trù toàn cục sớ, cho rằng các nước trên thế giới đều nhờ biến pháp trở nên mạnh, riêng thủ cựu đi đến suy vong. Biến pháp trước tiên cần làm 3 điều : Thứ nhất, tập trung quần thần cùng tuyên thệ trừ bỏ cũ đổi mới ; thứ hai, thiết lập Thượng thư sở, cho phép sĩ dân dâng thư, nếu như nội dung có thể dùng được, thì triệu đến dùng ; thứ ba, lập Chế độ cục, chọn người tài giỏi chủ trì, Hoàng thượng mỗi ngày đích thân bàn bạc thi hành ; Chế độ cục là đầu mối của biến pháp, gồm 12 cục : pháp luật, thuế kê, học hiệu, nông thương, công vụ, thiết lộ, bưu chính, khoáng vụ, tạo tệ 3, du lịch, xã hội, vũ bị. Mỗi đạo tại các tỉnh thiết lập Dân chính cục, tuyển người đốc biện, mỗi huyện thiết lập Dân chính phân cục, do quan kiêm nhiệm ; cử hành địa phương tự trị ; các điều nêu trên cần được đưa vào hiến pháp. Ngoài ra còn có các điều khác đáng làm như sai Thân vương, Đại thần du lịch ; dịch nhiều sách Tây phương, du học ngoại quốc, tăng bổng lộc, cải biến khoa cử, lập ngân hàng, dùng tiền giấy, tem thuế, lập học đường khắp nơi, mua thiết giáp hạm, luyện dân binh ; xem cách thức của Nhật Bản để biến pháp. Lại xin điều động các nhân sĩ đến kinh đô, như Lâm Húc tại Phúc Kiến, Chu Bá Lỗ tại Thiểm Tây, Dương Nhuệ tại Tứ Xuyên, Dương Thâm Tú tại Sơn Tây.


Sau đó 2 tháng, các nước áp bách càng mạnh, Quang Tự càng kiên định quyết tâm biến pháp, bảo Ông Đồng Dược rằng muốn đọc Nhật Bản quốc chí, có ý theo cách của Minh Trị Thiên Hoàng. Khang đối với vấn đề Lữ Thuận, Đại Liên bị Nga chiếm, muốn liên minh với Anh, Nhật chống Nga ; Lương Khải Siêu lại tái họp với các Cử nhân dâng thư, có thể nói đây là đệ nhị thứ Công xa thướng thư. Tháng 4 Khang Hữu Vi cùng Lương Khải Siêu lập Bảo quốc hội chủ trương bảo vệ nước, bảo vệ giống nòi, bảo đảm giáo dục biến pháp, hiệu triệu cứu quốc tự cường ; các tỉnh có Tự bảo hội kế tục thành lập. Nói tóm lại động cơ biến pháp duy tân là tự bảo vệ đối với ngoại quốc ; phái thủ cựu tuy đả kích, nhưng vua Quang Tự bảo rằng “ Có thể bảo vệ quốc gia, như vậy không tốt hay sao ! ”



2. Một trăm ngày duy tân


Do phái Duy Tân cấp bách yêu cầu, lại được sự chi trì của Ông Đồng Hòa và đồng tình của vua Quang Tự nên thanh thế có vẻ mạnh, nhưng gặp trở lực cũng không nhỏ. Vinh Lộc và Quân cơ đại thần Cương Nghị ghét Khang, người có uy tín là Cung Thân vương thì tỏ thái độ tiêu cực ; Ông Đồng Hoà thường bị hặc hỏi nên cũng không dám chủ trương tích cực. Ngày 29/5, Cung Thân vương mất ; Khang thúc dục Ông kịp thời thi hành ; Ông ngược lại xin ra khỏi kinh thành, để tránh người khác nói đến. Khang tiếp tục nỗ lực, Ngự sử Dương Thanh Tú, Thị độc học sĩ Từ Trí Tĩnh tâu xin minh định chính sách trọng đại, ra sức thi hành duy tân. Vua Quang Tự hạ quyết tâm, bèn nói với Khánh Thân vương Dịch Khuông rằng “ Nếu như Thái hậu không cho ta quyền này, thì ta nguyện thoái nhường chức, không muốn làm vị vua mất nước ”, Thái hậu hứa không hỏi đến. Ngày 10/6/1898 vua Quang Tự mệnh Ông Đồng Hòa nghĩ soạn Quốc thị chiếu 4, ngày 11 chính thức ban bố ; nội dung có những điểm như sau “…Trẫm duy chính sách lớn của quốc gia chưa định được, thì hiệu lệnh không thi hành, gây ra mối tệ, nhà nhà đều phân vân… Nay dùng nghĩa lý của thánh hiền làm căn bản, lại thu thái rộng Tây học gồm lãnh vực có ích cho thời vụ, thực lực giảng cầu… mong biến hoá vô dụng thành hữu dụng, đua tài thành công trong việc kinh bang tế thế ”. Đó là bước mở đầu của “ một trăm ngày duy tân.”


Quốc thị chiếu vừa ban bố, phái duy tân hoan nghênh nhiệt liệt. Vào ngày 16/6, lần thứ nhất Khang Hữu Vi gặp vua Quang Tự ; vua tôi đều nhất trí nhận xét rằng không triệt để biến pháp duy tân, không thể tự cường. Khang bảo rằng gần đây không phải không nói đến biến pháp, nhưng chỉ biến cục bộ, như vậy chỉ biến từng việc, chứ chưa phải là biến pháp. Biến pháp cần phải đem chế độ, pháp luật canh cải, 3 năm có thể tự lập. Đối với Đại thần thủ cựu không cần cách chức, chỉ cần phá cách cất nhắc quan nhỏ để dùng. Những điều liên quan đến biến pháp, ghi rõ trong chiếu thư, khiến các quan thủ cựu không thể bác bỏ. Mối lo lớn của Trung Quốc là dân trí không mở mang, lối thi bằng văn bát cổ cần phải phế trừ ; lại bàn đến các việc như xây đường, luyện binh, hưng việc học, dịch sách. Quang Tự muốn trọng dụng Khang, nhưng do Cương Nghị 5 chèn ép, nên cho giữ chức Tổng thự Chương kinh thượng hành tẩu 6, khiến Khang không khỏi thất vọng.


Qua sự sách động của Khang, trong vòng 100 ngày có nhiều tờ tâu về biến pháp dâng lên, hoặc dụ vua ban ra ; có thể chia làm 4 loại :


- Thứ nhất, phái duy tân hết sức chú ý đên giáo dục và học thuật. Ngày Quốc thị chiếu ban bố, bắt đầu mệnh lập Đại học đường tại kinh sư ; phái Tôn Gia Nãi quản lý tiết chế học đường tại các tỉnh. Các thư viện, từ miếu, nghĩa học, xã học đều được đổi thành học đường Tây học, trung học ; các tỉnh hội thiết lập Cao đẳng học đường, quận thành lập Trung đẳng học đường, châu, huyện thiết lập Tiểu học ; tưởng lệ tư nhân và Hoa kiều mở trường. Lập cơ sở phiên dịch, mở các trường về y học, thương học, giao thông, mỏ khoáng, trà, tằm tang, nông vụ ; phái Tôn thất du lịch, tuyển học sinh đến Nhật Bản du học. Bỏ lối văn Bát cổ ; bỏ các kỳ thi Hương, Hội ; cải thi về lịch sử, chính trị, thời vụ, cùng Tứ Thư, Ngũ Kinh để giảng cầu thực học, thực chính. Lập cục dịch sách, giao cho Lương Khải Siêu liệu biện. Ban chương trình tưởng lệ kẻ viết sách, hoặc phát minh ; mệnh tiến cử các chuyên viên và nhân tài về khoa học, ấn hành sách Hiệu Bân lư kháng nghị của Phùng Quế Phân, và Khuyến học thiên của Trương Chi Đỗng.


- Thứ hai là phát triển kinh tế. Khang thường bảo người Tây phương “ lấy buôn bán diệt người, người mất thì nước cũng mất theo ”, Trung Quốc cần có phương pháp dưỡng dân, làm giàu nước, lấy công thương lập quốc. Các xí nghiệp trước đây do quan phụ trách, có nhiều tham nhũng lạm dụng, lừa dối hình thức ; nay “ buông cho dân làm ”. Với nguyên tắc này, chiếu mệnh thiết lập Tổng cục thiết lộ, khoáng vụ ; Tổng cục công, nông, thương, các tỉnh lập phân cục. Mở rộng nông hội, lập báo chí tập san về nông, mua nông khí, tưởng lệ thành tích nông nghiệp, biên dịch các sách ngoại quốc về nông học ; thu dùng các phương pháp Trung, Tây để thiết thực khai khẩn. Ban chế khí, chấn hưng và tưởng thưởng chương trình công nghệ, thiết lập công xưởng tại các nơi có nguyên liệu sản vật. Tại các tỉnh lập thương vụ cục, thương hội, bảo hộ thương vụ, mở rộng cửa khẩu bến tàu. Bỏ lệnh cấm quân Bát kỳ 7 kinh doanh, mệnh tập sĩ, nông, công, thương. Khai đồn điền, di dân ; lập chương trình mới, căn cứ nhân khẩu, nhận ruộng canh tác.


- Thứ ba là quân sự, luyện quân theo phương pháp Tây phương, chọn giữ thành phần tinh tráng. Tiết kiệm lương hướng quân nhu, thi hành đoàn luyện, tài giảm quân Lục kỳ 8, chuẩn bị dùng dân binh, định hưng tạo pháo súng, trù tính lập Đại học vũ bị ; về vũ khoa đình chỉ thi bắn tên, cửi ngựa, đánh kiếm, cải sửa môn học.


- Thứ tư về chính trị, tối trọng yếu là biến đổi cơ cấu, đề cao hiệu suất, mở rộng đường ngôn luận. Triệt bỏ các cơ quan như Chiêm sự phủ, Thông chính ty, Quang lộc tự, Thái bốc tự, Hồng lô tự, Đại lý tự ; cùng các Tuần phủ Hồ Nam, Quảng Đông, Vân Nam và Tổng đốc Đông Hà 9. Đặt Khanh học sĩ tại kinh đô để tập trung tư tưởng mở rộng lợi ích, Đô sát viện nhận được điều trần lập tức để nguyên phong bì tiến trình. Chuẩn cho ty phiên [Bố chánh], Ty niết [Án sát], đạo, phủ được tâu thẳng lên triều đình ; riêng các châu, huyện, cho Tổng đốc, Tuần phủ tâu thay ; sĩ dân dâng thư do đạo, phủ thay mặt trình lên. Cải Thời vụ báo tại Thượng Hải làm quan báo, sáng lập báo quán tại kinh sư ; cho báo chí trình bày điều hay, dở ; cứ sự thực phát ngôn, đều được nhất luật trình xem. Mỗi năm xuất khoản, nhập khoản, từng loại lập biểu ; hàng tháng đăng lên báo.


Trong thập niên 1890, liệt cường tại Trung Quốc đã có thành quách cơ sở rõ ràng, vì quyền lợi họ phải liên kết ; chỗ nào cần đề phòng, chỗ nào nên giao thiệp đáng phải chọn lựa. Anh, Nhật lập trận tuyến chống lại Nga, Pháp, Đức chưa yên ổn, nên những nước này tìm cách liên kết với Trung Quốc. Sau khi Đức chiếm Giao Châu Loan, Anh, Nhật thay phiên cho người đến gặp Lưu Khôn Nhất, Trương Chi Đỗng để thuyết phục. Trong vòng 2 năm nay, ảo tưởng của Lưu, Trương đối với Nga đã mất hết ; cho rằng Anh, Nhật có cùng chung lợi hại nên cần liên kết. Đầu năm 1898, một võ quan Nhật đến thăm Trương Chi Đỗng, ra sức nói về điểm trọng yếu Trung Quốc nên liên kết với Anh, Nhật. Lại thuyết Đàm Tự Đồng, Đường Tài Thường rằng Trung Nhật răng môi tương y, nếu Trung Quốc mất Nhật cũng không thể tồn tại một mình, rất hối hận về việc trước đây giao chiến ; nguyện cùng Trung Quốc liên kết, cứu Trung Quốc, để tự cứu. Nếu như Trung, Nhật liên minh, lại dẫn nước Anh tương trợ ; có thể át được âm mưu xâm lược của Nga. Người Nhật lập Hưng Á hội, mở một bữa tiệc tại Thượng Hải mời các kẻ sĩ nỗi tiếng, bảo rằng người da trắng “ thu vén thiên hạ, chú ý đến các nước Á Đông ; Ấn Độ, Miến Điện, An Nam lần lượt bị diệt ; đến hôm nay làm cột trụ trong cơn phong ba… giúp cho Á Châu bĩ cực đến hồi thái lai, nếu không có Trung Quốc, Nhật Bản thì biết theo ai ! ”. Những người nghe, không ai là không cảm khái, muốn cùng Nhật Bản bỏ oán để kết thân.


Ý kiến của phái duy tân về việc liên kết với Anh, Nhật lúc đầu không đồng tình ; sau khi xẩy ra vụ Lữ Thuận thì bắt đầu nhất trí. Khang Hữu Vi đầu tiên đưa lời nói với Ông Đồng Hòa, kế đến hai Ngự sử dâng sớ cho rằng Anh là nước giúp người, Nhật muốn tương trợ, cũng đều chân tình. Lại soạn Liên Anh Nhật sách bố cáo khắp nơi, chủ trương mở cửa Lữ Thuận, Đại Liên, mời ngoại quốc vào buôn bán. Công sứ Nga cảnh cáo Lý Hồng Chương rằng nếu không thỏa mãn yêu cầu về Lữ Thuận và Đại Liên, sẽ phế bỏ Trung Nga minh ước. Khang bàn với Ông Đồng Hòa, cho rằng liên kết Anh, Nhật để chống lại Nga sẽ không gây ra mối hại. Vua Quang Tự trách Cung Thân Vương cùng Lý Hồng Chương “ Các ngươi nói rằng Nga có thể dựa được, sau khi định ước sẽ thâu lợi lớn ; nay chưa đầy nửa năm lại để cho người [Đức] chia cắt, rồi thay đổi điều ước đòi đất, điều ước như vậy ư ! ”. Lý và Cung Thân vương tâu “ Nếu trao cho Lữ Thuận, Đại Liên, thì điều ước vẫn như cũ ”. Riêng Từ Hy đối với Quang Tự sử dụng áp lực ; phái Duy Tân chủ trương thân Anh, Nhật trở nên rõ ràng.



3. Hai phái tân cựu công khai hoặc ngấm ngầm tranh đấu


Khang Hữu Vi với tấm lòng nhiệt thành dùng ngôn ngữ biến đổi lòng người, quyết vươn lên, cho rằng chỉ cần Hoàng đế tín nhiệm rồi độc đoán thi hành sẽ đạt được chí nguyện. Khang không phải không hiểu rằng Quang Tự thiếu quyền lực, nhưng địa vị đứng đầu một nước, Từ Hy không khỏi không chiếu cố đến. Căn cứ vào đang án lưu trữ tại nội cung, Quang Tự mỗi khi nhận được tấu chương của nhóm Khang Hữu Vi về biến pháp, đều cho sao nguyên văn toàn bộ, hoặc những phần quan trọng, gửi đến Tây cung ; như vậy biến pháp diễn tiến ra sao Từ Hy đều biết rõ. Tuy nhiên thực tế mâu thuẫn giữa Từ Hy và Quang Tự quá sâu, vào năm 1895 Quang Tự cách bỏ viên Quân cơ kiêm Tổng thự Đại thần thân tín của Thái hậu là Tôn Dục Văn, Từ Hy bèn cách bỏ Tổng thự Đại thần Uông Minh Loan, Trường Lân, người từng ủng hộ vua ; năm sau lại đưa Ông Đồng Hòa ra cung Dục Khánh, khiến vua tôi không được thường xuyên gặp nhau. Từ Hy tuy không có lập trường chính trị, nhưng lại ưa nắm quyền ; hiện tại Quang Tự tranh đấu đòi tự chủ ; nên ngoài mặt Từ Hy tỏ vẻ nhẫn nại, nhưng trong lòng thì rất công phẫn. Sau khi Quốc thị chiếu ban hành được 4 ngày, Ông Đồng Hòa bị cách chức, phái Vinh Lộc quyền Tổng đốc Trực Lệ Bắc dương Đại thần ; ngày hôm sau sai Thượng thư bộ hình Sùng Lễ kiêm quyền Thống lãnh quân bộ, chưởng áp quân trú đóng tại kinh sư, khống chế thủ đô.


Các phái tân cựu xung đột là chuyện thường trong lịch sử, nhưng hiện tại Trung Quốc mối xung khắc quyết liệt xẩy ra như nước và lửa. Những kẻ sĩ tự cho là bảo vệ đạo, chỉ trích sách Tân học ngụy kinh khảo của Khang là lừa đời dối trá. Tỉnh Hồ Nam thực hành tân chính sớm hơn, Nam học hội tại tỉnh này và Thời vụ báo bị phái bảo thủ đả kích là loạn luân thường “ vô phụ, vô quân ”. Có kẻ đả kích rằng Khang lôi cuốn đám đông gây sự, mưu làm loạn ; hoặc chủ trương địa phương tự trị khiến quốc gia bị phân liệt. Sau khi Quốc thị chiếu ban bố được 9 ngày, Ngự sử thuộc tân phái đàn hặc Thượng thư bộ lễ Hứa Ứng Quí cản trở tân chính, Hứa chỉ trích lòng dạ Khang Hữu Vi bất trắc. Ngự sử cựu phái cho rằng biến pháp có xu thế dẫn đến loạn ; bầu quốc hội để bảo vệ Trung Quốc nhưng không bảo vệ triều Thanh ; đây là những điều hai phái tân cựu công khai đấu tranh.


Một điều đại sự của biến pháp là bỏ văn bát cổ 10, dẫn đến sự phản dối kịch liệt. Nếu như bát cổ bị trừ bỏ sẽ xúc phạm đến “ hàng mấy trăm Hàn lâm, hàng mấy ngàn Tiến sĩ, hàng vạn Cử nhân, mấy chục vạn Tú tài, hàng trăm vạn thư sinh ”, tức dẹp bỏ tiền đồ quan chức của chính họ, và lũ con cháu sau này ! Về việc lập các cục mới cũng không được hưởng ứng, vì phần lớn các viên chức sợ các cơ cấu cũ như 6 bộ và các cơ quan địa phương bị hủy bỏ, ảnh hưởng tới địa vị của họ ; nên vua Quang Tự phải ban những chỉ dụ thúc dục răn đe.


Khang Hữu Vi cho rằng biến pháp tiến hành bị trở ngại, nên ngày 28/8/1898 dâng tấu triệp mấy ngàn chữ, cực lực trình bày biến pháp cấp bách. Quang Tự dùng chính sách xúc tiến nhanh, ngày 30/8 ban chiếu triệt bỏ Chiêm phủ sự và Tuần phủ thuộc 3 tỉnh, cách chức quan lại tham nhũng, nên nhiều người bị mất chức quan, xin Từ Hy Thái hậu che chở. Ngày 4/9 Thượng thư Hoài Tháp Bố, Hứa Ứng Quí cùng 4 Thị lang cản trở viên Chủ sự Vương Chiếu dâng thư, đều bị cách chức, quan trong triều rất lấy làm kinh ngạc. Ngày 5/9, thưởng phẩm hàm cho các thành viên tân phái như Dương Nhuệ, Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Đàm Tự Đồng ; phái làm Quân cơ xứ Chương kinh, nắm thực quyền về chính trị. Tuy nhiên tình thế đối với đảng Duy tân có nhiều điều bất lợi, Khang Quảng Nhân, em Khang Hữu Vi có nhận xét như sau “ Đề cập quá rộng, chí khí quá nhạy bén, bao biện quá nhiều, đồng chí quá ít, cử sự quá lớn ; nhưng những kẻ bài bác, cố kỵ, ngăn trở thì đầy khắp các ngõ ngách, mà vua thì không có quyền, làm sao mà thành được ! ”



4. Chính biến lần thứ ba của Từ Hy Thái hậu


Từ Hy có sẵn định kiến trong lòng, chuẩn bị bộ hạ, chờ cơ hội để hành động. Quyết định cho Ông Đồng Hoà thôi việc, đưa Vinh Lộc ra làm Tổng đốc Trực Lệ là những biểu hiệu dễ thấy. Ngoài ra Quân cơ xứ giao cho Cương Nghị lãnh đạo, Tổng thự vẫn để cho Khang Thân vương Dịch Khuông chủ trì ; Trương Âm Hoàn, người thường tiếp xúc với phái Duy tân, bị đàn hặc. Ngày 24/8/1898 dụ tuyên bố vào ngày 19/10 Từ Hy và Quang Tự đến Thiên Tân duyệt binh ; tin đồn đến ngày đó sẽ thi hành việc phế lập. Cựu phái lãnh ý Từ Hy, mật bàn với Vinh Lộc ; tân phái ngày đêm lo lắng, nhưng thiếu võ lực. Khang xin phỏng theo qui chế của Nhật Bản, tuyển dõng sĩ và những vị quan không hai lòng, lập tham mưu bản bộ, nhưng tình huống không cho phép.


Viên Thế Khải từ ngày tại Triều Tiên trở về, được Lý Hồng Chương sai liệu biện lương tại vùng tiền tuyến Liêu Đông. Sau chiến tranh Trung Nhật, Viên đề xuất với Quân cơ xứ kế hoạch luyện binh. Tháng 2/1895, được Lý Hồng Tảo và Vinh Lộc chi trì, phụng mệnh luyện binh tại Thiên Tân. Năm sau bị đàn hặc, nhờ có Vinh Lộc giúp nên vô sự ; có thể thấy sự liên hệ giữa hai người không phải là sơ giao. Viên cũng có lúc đến gặp Ông Đồng Hòa ; thời gian bắt đầu 100 ngày duy tân, Viên luận đàm thời cuộc với Ông, tỏ ra khẳng khái ngang tàng, một lòng vì nước ; lúc này Viên giữ chức Án sát sứ Trực Lệ. Khang Hữu Vi cho rằng Viên cũng biết về đối ngoại, lại từng tham gia Cường học hội, nên cho người liên kết ; Viên biểu thị rất kính phục Khang, lại có lời bất mãn về Vinh Lộc. Khang tin là đúng, bàn với vua Quang Tự triệu Viên đến kinh đô để trù liệu việc bất trắc.


Về việc thi hành tân chính, Quang Tự bị Từ Hy gây khó khăn ; Quang Tự từng hạ mật chiếu cho Dương Nhuệ rằng Thái hậu kiên quyết không chịu biến pháp, riêng mình quyền không đủ “ Nếu như thi hành gấp, thì địa vị của Trẫm không giữ được, huống hồ là việc khác. Trẫm nay hỏi các ngươi có sách lược gì hay khiến cựu pháp có thể tận biến, bãi truất hết bọn Đại thần già nua hôn ám, lại cất nhắc dùng những người thông minh để lo việc chính trị… nhưng lại không trái với ý Thánh [Từ Hy]... Các ngươi cùng Lâm Húc, Đàm Tự Đồng, Lưu Quang Đệ và những đồng chí khác hãy cấp tốc trù tính... đợi Trẫm suy nghĩ chin chắn thẩm xét sẽ đưa ra thi hành ”. Ngày 16/9 triệu Viên Thế Khải đến, thăng chức Thị lang, chuyên luyện binh. Ngày 17 lại triệu Viên đến 2 lần, mệnh cùng Vinh Lộc liệu biện các việc, ám chỉ không cần chịu sự tiết chế của Vinh Lộc. Cùng ngày phái Khang Hữu Vi đến Thượng Hải quản đốc Quan báo cục, để tránh mục tiêu phản đối ; lại mật dụ rằng việc phái cử này là điều khổ tâm bất đắc dĩ. Ngày 18, Khang cùng Lâm Húc, Đàm Tự Đồng, Lương Khải Siêu cùng thương nghị, quyết định cử Viên Thế Khải làm chính biến. Ngay chiều hôm đó Đàm Tự Đồng đến gặp Viên, bảo giết Vinh Lộc, vây vườn Di Hòa, bảo vệ Hoàng thượng, thăng Viên làm Tổng đốc Trực Lệ. Viên đáp ứng rằng tương lai Quang Tự đến Thiên Tân duyệt binh, sẽ giết Vinh Lộc vào lúc đó ; Đàm mãn ý từ biệt.


Giáo sĩ người Anh Timothy Richard [Lý Đề Ma Thái] từng khuyến khích Khang Hữu Vi mời cựu Thủ tướng Nhật, Y Đằng Bác Văn, làm Cố vấn chính phủ. Vào trung tuần tháng 9 Timothy Richard cùng Y Đằng Bác Văn trước sau đến Bắc Kinh. Có người xin Quang Tự triệu kiến, tuyên thị con đường hòa mục giữa hai nước Trung Nhật ; nhân có lời đồn rằng Y Đằng sẽ đảm nhiệm Quân cơ đại thần hoặc Cố vấn đại thần, khiến đảng cựu càng thêm lo sợ. Ngự sử Dương Sùng Y mật tâu Từ Hy Thái hậu như sau “ Nghe tin đồn rằng viên cựu Thủ Tướng Đông Dương [Nhật], Y Đằng Bác Văn sẽ nắm quyền chính trị. Nếu như dùng Y Đằng, tức đem sự nghiệp truyền đời của tổ tông giao cho thiên hạ ! ”


Cùng ngày với Đàm Tự Đồng đến gặp Viên Thế Khải, Khang Hữu Vi cũng gặp Timothy Richard để nhờ giúp đỡ, Timothy chủ trương liên bang, đề nghị Trung, Nhật, Mỹ, Anh hợp làm một. Tiếp theo vào ngày 20/9 Dương Thâm Tú dâng thư tâu rằng xin nhân cơ hội Y Đằng tại kinh đô, nên sớm định kế, để đoàn kết Trung Nhật Anh Mỹ thành một liên bang ; trong thư có đoạn “ Thần hết sức nguyện Hoàng thượng sớm định đại kế, cố kết với 3 nước Anh, Mỹ, Nhật ; đừng tị hiềm hợp bang 3 nước là không tốt ”. Ngự sử Tống Bá Lỗ tấu xin phái Lý Hồng Chương, Khang Hữu Vi cùng Timothy và Y Đằng thương lượng.


Về việc vũ trang của tân đảng còn đợi ngày giờ, kế hoạch hợp bang cũng chờ để thương lượng ; riêng phái cựu đã quyết định hành động trước. Ngày 18/9, Ngự sử Dương Sùng Y xin Thái hậu huấn lệnh. Ngày 19, Từ Hy từ vườn Di Hòa trở về cung, Vinh Lộc ra lệnh Đổng Phúc Tường mang quân vào kinh đô, Nhiếp Sĩ Thành tập trung quân tại Thiên Tân. Trước 12 giờ trưa ngày 20, Quang Tự gặp Viên Thế Khải lần thứ 3 ; buổi chiều tiếp kiến Y Đằng Bác Văn. Quang Tự bảo Trung Nhật cùng một châu, gần gũi nhau, hai nước đáng thân mật giao tiếp ; lại hỏi ý kiến đối với việc cải cách tại Trung Quốc. Y Đằng đáp rằng ý của Thiên hoàng Nhật Bản cũng tương đồng, xin được cùng với các Đại thần thương nghị ; những lời này đều được Từ Hy nghe đằng sau vách. Ngày 21 Từ Hy tuyên bố huấn chính, u cấm Quang Tự, hoàn thành cuộc chính biến lần thứ 3 của bà.


Những người tiên phong trong cuộc chính biến, phần đông đều nói do Viên Thế Khải mật báo. Cứ theo lời Viên tự thuật, vào buổi chiều ngày 20/9 trở về Thiên Tân đem nội tình trình với Vinh Lộc cùng bảo rằng Hoàng thượng có hiếu với Thánh [Từ Hy], không có ý gì khác ; chỉ do bọn tiểu nhân kết đảng làm loạn, mưu làm nguy xã tắc. Nếu đúng như lời của Viên, thì lời trình báo trong buổi chiều ngày 20, đủ thời gian cho Vinh Lộc hỏa tốc báo về kinh sư cách đó 140 km, để Từ Hy kịp ra tay trước, làm cuộc chính biến vào buổi chiều ngày 21.


Ngoài ra Viên Thế Khải là người cơ trí cảnh giác, tự biết nên bỏ, nên theo phe nào. Binh lực của Viên chỉ có 7 000 tại Thiên Tân, trong khi đó binh lực của Vinh Lộc có đến mấy vạn người, hoàn toàn nắm giữ Thiên Tân và Bắc Kinh ; không những quân của Viên Thế Khải không có khả năng đến được Bắc Kinh, túng sử ra tay tại Thiên Tân lúc duyệt binh cũng khó có thể tranh thắng. Huống gì uy nghiêm của Từ Hy vẫn còn, từ trung ương cho đến địa phương Thiên Tân, hầu hết do đảng cựu nắm ; như vậy một ông vua không có quyền, với một kẻ tay không ưa đàm luận như Khang Hữu Vi làm sao có thể đối kháng với họ được. Viên tính lợi hại cho bản thân, không những không nghe lời bàn của tân đảng làm cuộc mạo hiểm, mà lại còn thừa dịp lập công. Từ Hy thi hành chính biến ngay sau khi Quang Tự gặp Viên lần thứ 3, cùng Y Đằng chiều hôm đó, để nắm chắc rằng nếu Viên có hành động cùng Anh, Nhật lập mưu lược gì, thì cũng không kịp trở tay.


Sau khi chính biến, ngoại trừ Quang Tự bị u cấm, Từ Hy còn làm 2 việc : trừng trị tình địch và lật đổ tân chính. Bà không cam tâm về việc trước khi chính biến một ngày Khang Hữu Vi ra khỏi kinh đô, rồi được Timothy Richard cùng Lãnh sự Thượng Hải trợ giúp, đưa xuống Hương Cảng phía nam. Tuy nhiên lời Từ Hy kể tội Khang trong Thanh Thực Lục cũng không quá nặng nề “ Dụ các Quân cơ đại thần : Chủ sự bộ Công Khang Hữu Vi kết đảng tư lợi, dùng lời sàm làm loạn việc chính trị, mấy lần bị đàn hặc, nay cách chức, lệnh Bộ quân Thống lãnh nha môn truy nã y cùng với em là Khang Quảng Nhân, giao cho bộ Hình chiếu theo luật trị tội.”


Riêng Lương Khải Siêu, Vương Chiếu được Công sứ Nhật Bản Lâm Quyền cùng Y Đằng Bác Văn trợ giúp, đưa sang Nhật Bản. Đàm Tự Đồng tự nguyện vì chủ trương hy sinh, cùng với Dương Thâm Tú, Lưu Quang Đệ, Dương Nhuệ, Lâm Húc, Khang Hữu Nhân, Trương Âm Hoàn bị bắt. Riêng Trương được Công sứ các nước Nhật, Anh cứu ; do Lý Hồng Chương trình riêng với Từ Hy, nên bị đày làm lính tại Tân Cương. Số còn lại 6 người bị giết vào ngày 28, sau này được gọi là “ Mậu Tuất lục quân tử ” ; ngoài ra còn nhiều người khác bị tội.


Vinh Lộc, người sách hoạch chính biến, sau đó được giữ chức Quân cơ đại thần, nhưng vẫn tiết chế các quân Bắc dương, nắm trọng quyền cả quân sự lẫn chính trị. Những người bị Quang Tự cách chức như Hoài Tháp Bố đều được cất nhắc dùng lại. Khôi phục văn bát cổ, đình chỉ đặc khoa cải cách về kinh tế, cấm dâng thư, kết hội ; triệt bỏ các hội công thương.


Trong thời gian một trăm ngày duy tân, Anh, Nhật đối lập với Nga ; sau khi chính biến nước Nga là kẻ thắng lợi. Ngày 27/9 Công sứ các nước họp tại sứ quán Nga, riêng Công sứ Anh, Nhật không dự. Nghị sĩ Anh, Charles Beresford, đến Trung Quốc, từng nói chuyện với Khang Hữu Vi tại Hương Cảng ; ngày 4/10 đến Thượng Hải hội đàm với Y Đằng Bác Văn 3 lần về việc Anh, Nhật, Mỹ, Đức liên minh. Sau khi lên phương bắc, gặp Khánh Thân vương Dịch Khuông, Vinh Lộc, Lý Hồng Chương ngỏ ý muốn đưa tướng sĩ đến huấn luyện lục quân ; họ đồng ý để cho Trương Chi Đỗng liệu biện tại phương nam để tránh sự xung đột với quân Nga tại Hoa Bắc. Rồi Charles đến Thiên Tân gặp Viên Thế Khải ; cuối cùng biên thư cho Quốc vụ khanh Mỹ John Hay, chủ trương Anh, Mỹ hợp tác tại Trung Quốc. Y Đằng cũng gặp Trương Chi Đỗng, Lưu Khôn Nhất ; cũng không ngoài việc đề phòng Nga.


Sau khi chính biến, mưu đồ phế lập càng gấp, tin phao truyền rằng Quang Tự đã bị Khang Hữu Vi cho uống thuốc độc ; rồi lại bảo rằng bị bệnh ; trong ngoài loan truyền rằng vua không còn trên cõi đời. Lưu Khôn Nhất bảo Dịch Khuông rằng không thể võng động, nếu không “ thì lòng người đáng sợ, ngoại quốc dòm ngó, không tránh được mối binh đao ” ; đó là lời cảnh cáo từ trong nội bộ. Công sứ Anh, Sir Claude Maxwell MacDonald [Đậu Nạp Lạc], cũng bảo rằng nếu như Quang Tự lúc này đã chết, thì ngoại quốc sẽ không lượng thứ, hậu quả thật nghiêm trọng ; đó là lời cảnh cáo nặng nề từ bên ngoài. Dịch Khuông hết sức cải chính, rồi cho phép một Y sĩ người Pháp từ sứ quán vào chẩn bệnh, và xác nhận rằng Quang Tự thân thể hư nhược, chứ không có bệnh nặng ; tuy thế nhưng âm mưu phế lập không chấm dứt. Tháng 12, đem 4 đạo quân trú trát tại kinh kỳ dưới quyền Nhiếp Sĩ Thành, Đổng Phúc Tường, Tống Khánh, Viên Thế Khải, cùng đạo quân Vũ vệ mới lập, đều nằm dưới quyền tiết chế của Vinh Lộc. Đến đầu năm sau vẫn tiếp tục tuyên bố bệnh tình Quang Tự chưa thuyên giảm, lại do Vinh Lộc thăm dò thái độ của Lưu Khôn Nhất, Lưu nói “ cái nghĩa vua tôi đã định, dư luận trong và ngoài nước khó phòng ” xin suy nghĩ kỹ ; nên Từ Hy không thể không tạm hoãn.


Lương Khải Siêu sau khi đến Nhật Bản, phát hành Thanh Nghị báo, đả kích Từ Hy. Tháng 7/1899, Khang Hữu Vi tại Gia Nã Đại, tổ chức hội Bảo Hoàng, ca tụng Quang Tự ; Từ Hy giận nhập xương cốt, chỉ muốn phế trừ Quang Tự ngay. Tháng 12, triệu Lưu Khôn Nhất đến kinh đô, bảo không được tiếp tục cản trở. Lý Hồng Chương cũng không cho việc phế lập là đúng, bảo rằng tội của Quang Tự chưa rõ, nếu cứ làm tràn thì tất nhiên các nước sẽ kháng nghị ; vậy nên lập Thái tử trước, chờ đợi cơ hội ; Từ Hy thâu nạp ý kiến này. Ngày 24/1/1900 lập con trai của Đoan Quận vương Dịch Y là Phổ Tuấn làm con của Đồng Trị, Mãn Châu gọi là Đại A Ca ; định cải nguyên vào năm Canh Tý [1900]. Sau khi chiếu chỉ truyền ra được một ngày, các thân sĩ, thương gia tại Thượng Hải như Kinh Nguyên Thiện, Chương Bỉnh Lân, Đường Tài Thường, Thái Nguyên Bồi gồm hơn 1200 người gửi điện phản đối ; trong nước, ngoài nước rầm rộ tranh luận. Các nước tuy không công khai ý kiến, nhưng nước Anh đã cản trở việc đòi bắt Kinh Nguyên Thiện ; riêng việc triều Thanh tầm nã Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu thì hoàn toàn không có khả năng thực hiện được.


Hồ Bạch Thảo



1  Hiệu Bân lư kháng nghị : tập sách kiến nghị về thời cuộc của Hiệu Bân lư tức Phùng Quế Phân.


2  Nga Bỉ Đắc biến chính ký : biến chính thời Đại đế Bỉ Đắc [Peter the Great] nước Nga.


3  Tạo tệ : chế tạo tiền tệ.


4  Quốc thị chiếu : chiếu chỉ về việc trọng đại biến pháp.


5  Cương Nghị : người Mãn, cận thần của Từ Hy Thái hậu, chủ trương chống lại biến pháp.


6  Tổng thự Chương kinh thượng hành tẩu : chức dưới quyền Tổng thự Đại thần.


7  Bát kỳ : biên chế quân đội Mãn Thanh có 8 màu cờ.


8  Lục kỳ : dưới thời nhà Thanh, lính gốc Mãn Châu biên chế thành Bát kỳ, lính Hán biên chế thành Lục kỳ, hiệu cờ màu xanh.


9  Đông Hà : Đông Hà tức đường sông tại các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam.


10  Bát cổ : lối văn đối ngẫu xưa, văn bài chia làm 8 vế gồm : phá đề, thừa đề, khởi giảng, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, thúc cổ, đại kết.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss