Miền Viễn Tây nước Úc
Hành
trình
về miền Viễn Tây nước
Úc
Trương Văn Tân
Khi nói đến châu Úc, hình ảnh nhà hát Opera House và gần đó cây cầu Harbour Bridge của thành phố Sydney sẽ là những biểu trưng của xứ kangaroo "miệt dưới" (down under). Về thiên nhiên, người ta liên tưởng ngay những bãi biển cát trắng dài hàng chục cây số hay dãy san hô nằm trong lòng biển dài hàng ngàn cây số của tiểu bang Queensland. Tất cả những biểu trưng và kỳ quan này đều nằm bên bờ Đông Úc Đại Lợi. Nhìn vào bản đồ châu Úc, bên bờ Tây có một "tiểu" bang rất to chiếm hơn 1/3 tổng số diện tích toàn nước Úc. Đó là Western Australia (WA). Nó tiếp giáp với Ấn Độ Dương, dồi dào tài nguyên nhưng không thu hút được nhiều chú ý, nằm im lìm như chìm trong quên lãng.
Chúng tôi bay từ Melbourne đến Perth. Perth là thủ phủ của miền Viễn Tây rộng lớn, được xây dựng hướng về Ấn Độ Dương lộng gió và dọc theo con sông Swan êm đềm. Tính theo tỷ số đầu người, có lẽ đây là một thành phố nhiều triệu phú và tỷ phú nhất nước Úc nhờ vào việc khai thác những tài nguyên thiên nhiên như kim loại và dầu khí. Nhưng mục đích của chúng tôi không phải để khám phá một thành phố khác do người Anh thuộc địa xây cất, mà lái xe từ Perth đi dọc theo bờ Tây tiến về phía Tây Bắc để tìm hiểu những kỳ quan và tài nguyên ẩn tàng trong một khu vực rộng lớn, một nơi thậm chí có rất nhiều người Úc chưa bao giờ đặt chân tới trong suốt cuộc đời của họ.
*
Quốc lộ số 1 là một con đường vòng vĩ đại dọc theo bờ biển toàn châu Úc dài hàng chục ngàn cây số nối kết các thành phố chính ven bờ. Dù được gọi là Quốc lộ số 1, nhưng con đường thiên lý dọc theo bờ Tây châu Úc đi ngang nhiều Vườn Quốc gia (National Parks) và những vùng cực kỳ hoang dã. Có những đoạn đường thẳng tắp dài hàng trăm cây số tưởng chừng như tiếp giáp với đường chân trời. Người lái chỉ cần cài bộ phận có chức năng "cruise control", giữ vững tay lái, cơ hồ có thể nhắm mắt chạy theo một đường thẳng.
Hình 1: Bảng đường cảnh báo.
Dọc hai bên đường là những bụi lau, các loại cây thấp mọc lưa thưa, tạo một cảnh quan đơn điệu giống nhau, lập đi lập lại một cách nhàm chán trên con đường chúng tôi đi qua gần 4000 cây số. Ở đây, không nhà cửa, không một bóng dáng con người. Thỉnh thoảng những con kangaroo to cao từ trong lùm bụi phóng chạy qua đường, đàn bò năm ba con đi hoang của một đồn điền chăn nuôi (cattle station) xa xôi nào đó, ngang nhiên đứng giữa lộ trố mắt nhìn trời, hay những con emu (đà điểu Úc) kiếm ăn lẩn quất, khi thấy bóng xe nhanh chân chạy thoắt vào bụi. Lại thêm những đám dê rừng lác đác hai bên đường. Những con dê này là hậu duệ của những đàn dê nhà đi lạc vào những thảo nguyên mênh mông dần dần biến thành dê rừng. Những cú thắng gấp để tránh những con vật đứng giữa xa lộ ngơ ngác nai vàng hay tùy tiện băng ngang đường, dù ngoài ý muốn nhưng cũng đủ làm giảm bớt cái đơn điệu của con đường thiên lý. Nhìn những xác chết của những con kangaroo hay con bò xấu số bị xe đụng và vết thắng của bánh xe in trên mặt đường đủ cho thấy cái nguy hiểm trên con đường độc đạo (Hình 1).
Vườn Quốc gia "Đỉnh tháp nhọn"
Trạm dừng chân đầu tiên cuả chúng tôi là Vườn Quốc gia "Đỉnh tháp nhọn" (The Pinnacles). Hàng chục ngàn đỉnh nhọn đá vôi "mọc" lên trong một vùng sa mạc cát vàng được hình thành bởi gió cát tạo ra sự mài mòn trong vài trăm triệu năm làm nên những cột đá với đường kính lớn nhỏ đủ kích cỡ, cao thấp khác nhau. Có cột cao hơn 5 m, có cột thấp hơn 5 tấc (Hình 2). Người ta có thể lái xe đi vào để chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc của thiên nhiên. Những cột đá thẳng đứng ngộ nghĩnh này hùng dũng chĩa thẳng lên trời làm tôi liên tưởng đến "linga", một biểu tượng linh thiêng của đạo Hindu trong quần thể Angkor tại Campuchia. Người Campuchia thời trung cổ từng đục đẽo hàng ngàn biểu tượng linga dưới đáy một dòng suối để tỏ lòng sùng bái "nguồn cội" của muôn loài. Dường như tạo hóa đã đặt "Đỉnh tháp nhọn" nhầm chỗ. Tại sao không phải ở xứ Ấn hay Campuchia mà lại ở xứ sa mạc cát vàng hoang vu không ai lui tới? Cứ tưởng tượng một rừng "linga" bằng đá thiên nhiên này nếu xuất hiện ở Ấn Độ chắc có lẽ sẽ có hội hè linh đình hằng năm như lễ tắm trên sông Hằng với các guru ngồi thiền huyền bí...
Hình 2: Cột đá "linga".
Di sản Thế giới "Shark Bay"
Càng đi về phía bắc cái nóng nhiệt đới dần dần thay thế và đẩy lùi hơi hướm mùa xuân của miền nam ôn đới. Các rặng núi đá với những phiến đá trầm tích có nhiều hình thù lạ mắt nhưng vô cùng hùng vĩ. Ở một địa điểm được gọi là cánh Cửa sổ của Thiên nhiên (Nature's Window) (Hình 3), xuyên qua một cấu trúc đá trầm tích người ta có thể nhìn thấy một dòng sông nhỏ ở vực sâu bên dưới, lững lờ chảy về biển xa xa mang màu xanh ngọc bích với từng đợt từng đợt những ngọn sóng bạc đầu. Cái hùng vĩ thiên nhiên mang thêm chất huyền bí khi các nhà địa chất học khẳng định cái lằn ranh đi ngang bờ vực đá đã từng là mặt nước của dòng sông nhỏ bé kia vài trăm triệu năm trước. Quay lại thời thái cổ xa xăm, dòng sông này quả thật to lớn, địa cầu của chúng ta đang dần dần mất nước hay là đã có cuộc Đại Hồng thủy dâng cao nước biển mà Noah đã phải gấp rút đóng thuyền?
Hình 3: Cửa sổ của thiên nhiên và dòng sông.
Cách địa điểm này vài trăm cây số là khu vực Di sản Thế giới "Shark Bay" (Vịnh cá mập) với những bãi biển cát trắng dài vô tận không một bóng người, được tiếp nối với những vách đá thẳng đứng, sừng sững với thời gian (Hình 4). Không biết cái tên "Shark Bay" từ đâu tới, nhưng vùng biển khơi hoang vu này không phải chỉ có loài cá mập mà còn là nơi tập hợp của những động vật biển khác như cá voi, cá heo, cá nược (dugong) sinh sống tìm mồi. Shark Bay là một cái vịnh đi sâu vào đất liền tạo thành một cái "đầm" khổng lồ. Vì vậy độ muối của biển trong vùng vịnh cao hơn nước biển bình thường. Những gì khác lạ hơn cái bình thường, thường đưa đến những hệ quả nhiều ngạc nhiên. Các loại vi khuẩn có tên chung là "cyanobacteria" của thuở khai thiên lập địa vài tỷ năm trước vẫn còn sinh sống trong vùng. Loại vi khuẩn này là sinh vật đầu tiên xuất hiện trên quả đất và những hoạt động sinh học của chúng đã tạo ra khí oxygen làm nên khí quyển. Đây là nơi duy nhất trên địa cầu còn mang dấu tích của loài vi khuẩn của một thời mông muội hoang sơ. Sự hiện diện của chúng là lý do chính mang đến cái vinh dự "Di sản Thế giới" cho vùng Shark Bay. Vi khuẩn tập hợp trên những tảng đá trên bờ biển làm nên những mảng rong đen đúa không một chút thẩm mỹ, có lẽ chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu sinh vật hay khảo cổ (Hình 5). Hình ảnh quả địa cầu của thời thái cổ vài tỷ năm trước được bao phủ bởi các mảng rong chứa khuẩn "cyanobacteria" đen xám xấu xí - tổ tiên của muôn loài - đến hình ảnh của quả địa cầu xanh tươi nhiều màu sắc và cực kỳ đa dạng ngày nay, không khỏi cho ta một cảm khái trước tài năng sáng tạo cuả Mẹ thiên nhiên.
Hình 4: Một vùng biển ở Shark Bay.
Hình 5: Mảng rong trên đá chứa vi khuẩn tồn tại từ thời tiền sử.
Chúng tôi qua đêm trong một Caravan Park ở thị trấn Carnarvon hiền hòa nằm bên bờ đại dương lộng gió. Một trăm năm trước, đây là một cái cảng nhỏ người Anh dùng để di chuyển gia súc trong nội địa đến thủ phủ Perth cách 1500 km về phía nam bằng tàu thủy, rồi từ đó chở sang mẫu quốc Ăng-lê. Ngày nay Carnarvon có gia tăng dân số nhưng vẫn không quá 7000 người. Cái tên Carnarvon không thấy trên bản đồ thế giới nhưng lại là một viên ngọc ẩn tàng của vùng Tây Bắc nước Úc. Tôi lơ ngơ, tò mò hỏi cô quản lý trẻ ở Caravan Park, "Thị trấn này nhỏ ở cạnh bờ biển thời tiết mát mẻ nhưng sao ít cư dân vậy, chắc là không có gì đặc biệt để hấp dẫn du khách?". Cô ta trả lời, "Ồ...ông không biết gì à! Thị trấn này quanh năm nhiệt độ khoảng 25 °C, bốn mùa đều là mùa Xuân, ít mưa. Dân ở đây phần lớn là người cao niên nghĩ hưu ở các nơi tập trung về đây sống an nhàn đến cuối đời".
"Bốn mùa đều là mùa Xuân", nghe sao quen tai. Thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được quảng cáo rầm rộ là nơi có "bốn mùa Xuân", nhưng Carnarvon khiêm tốn hơn, mai danh ẩn tích, không muốn người ngoài đến khuấy động cuộc sống êm đềm như những làn gió nhẹ thổi qua thị trấn mỗi ngày. Cô quản lý cho thêm thông tin, "Khách du lịch à? Tại ông không thấy thôi, họ là những người du lịch "ba lô" trong thị trấn này làm việc "part time". Tôi cũng là một khách du lịch có "working visa"[1] được phép làm việc kiếm tiền tại Úc". Bây giờ, tôi mới nhận ra chất giọng người Anh của cô. "Tôi đi nhiều nơi mới tìm ra thị trấn sống lý tưởng như nơi này. Có lẽ tôi tìm cách ở luôn ở Carnarvon". Tôi hỏi, "Cô muốn về hưu non à!?", cô nhoẻn miệng cười không trả lời.
Vườn Quốc gia Cape Range
Con đường tiến về phiá bắc vẫn đơn điệu. Khi chúng tôi vượt qua Đông Chí Tuyến (Tropic of Capricorn) [2], những tia nắng mặt trời trở nên gay gắt. Chúng tôi đến thị trấn nhỏ tên là Exmouth vào một buổi trưa nắng gắt nhiệt đới. Nơi đây là cái góc nơi gặp nhau bờ biển phía Tây và bờ biển phía Bắc của châu Úc. Vì địa thế chiến lược quân sự, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ và Úc thiết lập những đài ăng-ten cao tương đương với tháp Eiffel của Pháp để liên lạc với tàu ngầm của phe ta và theo dõi tàu ngầm của phe địch. Thị trấn nhỏ này được thành lập vì nhu cầu sinh sống của những người Mỹ làm việc tại đây. Sau khi người Mỹ rút lui, thị trấn trở nên trung tâm của Vườn Quốc gia Cape Range với bãi biển cát trắng kéo dài lẫn trong màu xanh ngọc bích của biển.
Vùng biển phía Tây và Tây Bắc nước Úc là những vùng biển tinh khôi, hoang vu ít tàu bè quốc tế qua lại. Đất lành chim đậu. Những đàn cá voi khổng lồ có tên là "whale shark", loại to và dài nhất của loài cá, tụ tập về đây tìm mồi sinh sôi nảy nở, đồng thời tạo công ăn việc làm cho dân địa phương với dịch vụ chở khách ra ngoài khơi xem đàn cá phì phèo phun nước, phóng lượn trên không. Chúng tôi theo một đoàn du khách lên chiếc du thuyền ra khơi để nhìn đàn cá. Dịch vụ du thuyền khá phổ biến và tấp nập khách nhàn du. Với cái giá $65 mỗi người, chủ tàu đảm bảo sẽ nhìn thấy cá, nếu không thấy cá thì lần sau trở lại sẽ được đi cho không, miễn phí! Cái kiểu quảng cáo "trớt quớt", có bao người du khách trở lại lần hai?! Cách bờ biển vài cây số, mặt biển yên tĩnh như mặt hồ và đàn cá cũng tấp nập không kém số người xem. Những người Tây phương điệu nghệ, mang theo vài chai rượu vang nhâm nhi từng ngụm nhỏ với các món nhắm như phô-mai, trái ô-live, con hào, bánh quy lạt được chủ tàu cung cấp, vừa nhìn hoàng hôn bừng đỏ cả bầu trời, vừa ngắm nhìn đàn cá phóng lượn.
Tôi ngồi im lặng nhìn đàn cá vừa đủ chán để lấy "vốn" lại, rồi tôi quay sang nhìn người. Một cặp trai gái trẻ người Úc dường như mới quen nhau qua... internet, nên vẫn còn e dè "tương kính như tân". Người bạn trai chỉ trỏ ra vẻ sành đời, giải thích đủ chuyện trên trời dưới đất cho người bạn gái. Thỉnh thoảng anh ta quay sang nói chuyện với tôi, rủ rê ngày mai cùng đi snorkelling [3]. "Vùng biển này có nhiều san hô tuyệt đẹp. Không đi snorkelling nhìn san hô thì đến đây chỉ phí tiền ông ạ!", anh ta bảo. "Hai anh chị đang đi tuần trăng mật à...?", tôi giả vờ ngây thơ hỏi chuyện. Cô con gái đỏ mặt cười toe, anh con trai phủi tay như phủi ruồi đính chính, "Không, không... làm gì có chuyện đó. Ông nhìn sao mà nghỉ vậy? Mới biết nhau thôi mà...".
Hai đàn ông người Anh, một già một trẻ, giống nhau như đúc, có lẽ cha con. Ông con cầm cái máy chụp ảnh to đùng hướng về đàn cá bấm máy liên tục, người cha ngồi yên nhìn thẳng không màng đến đàn cá ngoài khơi, cũng chả màng ăn uống, thỉnh thoảng cười bâng quơ. Hai ba anh tiếp viên chiếc du thuyền mang ra những cái đĩa to đầy ắp tôm luộc, đặc sản của Exmouth. Đây là phần ẩm thực bao gồm trong cái giá $65. Đám du khách nhanh chân ngồi quanh những cái đĩa, miệng nhai tay bóc vỏ. Một bà người Đức ăn không kịp thở, ăn không ngượng ngùng, ăn như chưa từng bao giờ thấy tôm, "kiên trì" trước cái đĩa tôm từ đầu đến cuối.
Ánh hoàng hôn lặng lẽ buông xuống trên đường chân trời xa tắp, tiếp giáp với vùng biển xám nhấp nhô những đợt sóng phản chiếu tia nắng vàng trên bầu trời bảng lãng những vầng mây ửng đỏ (Hình 6). Một thiếu phụ trẻ đẹp nước da rám nắng, tay cầm ly rượu, ngồi xuống bên cạnh chúng tôi, tươi cười bắt chuyện, "Tôi là Janet, ông bà từ đâu tới? Singapore hay Nhật Bản?". "Không. Chúng tôi đến từ Melbourne, còn cô?", tôi hỏi. "Ồ... tôi là dân địa phương làm ăn ở đây. Tôi có một cửa hiệu nhỏ bán quần áo và dụng cụ snorkelling ở trung tâm shopping Exmouth đấy. Hôm nay, đóng cửa sớm dẫn mấy đứa nhỏ và rủ hai cô bạn cùng đám con ra biển khơi chơi cho thoải mái. Chúng tôi đều là mẹ độc thân!", cô cười cười nói nói. "Ông bà thấy đó, ở đây chả có gì ngoài biển và bờ biển. Bờ biển đẹp lắm. Ngày mai, ông bà có thời gian đến Sandy Beach tắm biển thì tuyệt vời. Những động vật biển như đàn cá voi kia, xem mãi cũng nhàm. Chỉ có cái này mới vui...". Cô chỉ ly rượu vang, rồi uống nốt ngụm cuối cùng. Tôi bình phẩm ở vùng Tây Bắc này cuộc sống quá chậm, người ta đi đứng như cuốn phim quay chậm, cung cách phục vụ khách hàng tốn thời gian dài gấp đôi; có phải vì thời tiết quá nóng hay con người ở đây bất cần thời gian? Cô gật gù đồng ý, "Tại ông không biết đấy chứ. Chữ viết tắt WA của bang Western Australia còn có nghĩa là "wait awhile" (đợi một lát nghen). Còn chữ Ex của Exmouth có nghĩa là extra. Vì vậy, ở đây phải "extra wait awhile" (đợi thêm một lát nghen)". Nói xong, cô ta nheo mắt cười xòa.
Hình 6: Hoàng hôn trên biển.
Trời sụp tối. Sau gần hai tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, chiếc tàu nổ máy, tăng tốc quay về bờ. Mọi người trong đoàn lục tục đi xuống bến, từ giã nhau. Janet nói vói theo, "Nhớ đi Sandy Beach nhé!". Tôi vẫy tay chào rồi quay sang nói với anh bạn trẻ có cô bạn gái mới quen, "Rất tiếc là không đi snorkelling với anh ngày mai được. Chúc hai anh chị đêm nay ngủ ngon và nhiều dzui dzẻ nhé". Anh ta hiểu ý, đưa một cánh tay lên co lại như màn biểu diễn cơ bắp của Mr. Universe, khoái chí nhe răng cười...
Hình 7: Sandy Beach.
Sáng hôm sau, chúng tôi lái xe xem mũi đất của cái góc chiến lược Tây Bắc của đại lục Úc, cũng là điểm khởi đầu của Vườn Quốc gia Cape Range, được tiếp nối bởi những bãi biển kể cả bãi Sandy Beach của người đẹp "mẹ độc thân" Janet. Bờ biển đầy cát trắng, những bãi cát trắng như tuyết kéo dài không dứt, lung linh dưới ánh sáng mặt trời (Hình 7). Cát ở đây cơ hồ có thể nấu chảy thành thủy tinh mà không cần phải qua một quá trình tinh luyện. Cảnh vật như bất động nếu không có vài người lác đác đang lặn hụp xa xa, hay những làn gió nhẹ làm xao động những bụi cỏ màu xanh nhạt, thỉnh thoảng xuất hiện những con cắc kè sa mạc vụt đứng vụt chạy, dáo dác tìm mồi.
Pilbara: quặng sắt và thiên nhiên
Quá trưa, chúng tôi từ giã bờ Tây xứ Úc, đổi về hướng đông đi vào nội địa tiến về vùng Pilbara. Trung tâm của vùng Pilbara là Vườn Quốc gia Karijini và khu vực khai thác quặng sắt Hamersley. Càng đi sâu vào nội địa, nắng càng gay gắt, cảnh quan càng hoang vu. Ở phía nam, bây giờ là tiết Xuân nhiệt độ 20 °C ôn hòa. Ở đây, nhiệt độ vượt hơn 40 °C. Máy lạnh của chiếc xe phải hoạt động tối đa. Các sinh hoạt của "sân sau" outback của nước Úc hiện rõ. Trên con đường thiên lý không một bóng xe, lâu lắm mới có vài chiếc "road train" ngược xuôi chở hàng hóa, thực phẩm, nhiên liệu cho các vùng sâu, hay bò cừu đến những bến cảng đi xuất khẩu. "Road train" là những chiếc xe tải siêu hạng, một phương tiện chuyên chở quan trọng và hiệu quả của vùng outback, kéo một lúc 3 chiếc rờ-mọt có chiều dài tổng cộng gần 60 mét. Việc dự trữ xăng cho xe và nước uống rất quan trọng khi lái xe trên những con đường này. Những trạm xăng thường cách nhau 150 -250 cây số. Đây không phải là những trạm xăng thông thường mà là "road house" (nhà bên đường) cung cấp xăng dầu, thức ăn, chỗ tắm rửa và qua đêm. "Road house" phải tự cung cấp nước từ những mạch nước ngầm và điện từ các máy phát điện.
Chúng tôi tạm trú tại một "road house" giữa đường đi đến Karijini. Nhân viên của "road house" ở giữa chốn đồng không mông quạnh này là hai cậu người Anh thuộc nhóm Tây ba lô với "working visa" lang bang rày đây mai đó. Vừa mở cửa bước xuống xe, hơi nóng từ bên ngoài hắt vào như đứng trước một lò lửa. Tôi vừa nhận chìa khóa phòng vừa than phiền, "Trời nóng như thế này thì còn làm ăn nỗi gì?". Anh nhân viên vừa cười, vừa "triết lý", "Thời tiết nóng như thế này thì đã như vậy từ 20 triệu năm qua rồi ông ạ! Ở chốn này, từ thời tiền sử đến giờ vẫn y chang, không gì thay đổi". Tôi bật cười trước cái dí dõm nhưng chính xác của anh chàng Ăng-lê, "Tại sao anh không chọn chỗ nào thoải mái làm việc như đồng hương của anh tôi gặp ở thị trấn Carnarvon đấy?". Anh ta phân trần, "Ông biết không, bên Anh rét mướt, trời u ám luôn. Nên hai đứa tôi ước mơ chọn một nơi ấm áp làm việc vài tháng kiếm thêm chút tiền, nào ngờ ở đây trời quá nóng không thích hợp với bọn xứ lạnh chúng tôi. À... mà nói nhỏ cho ông nghe, tụi tôi phải rời khỏi nơi này trước khi mùa Hè ập tới, nghe đâu nhiệt độ lên sẽ đến 50 C. Hai tuần nữa tụi tôi sẽ dzọt đi Singapore trở về với văn minh". Vừa nói anh ta vừa rón rén ngoái cổ nhìn phía sau nhà bếp nơi bà chủ với cái dáng người phốp pháp trông khó tính đang làm việc.
Nhận xong chìa khóa chúng tôi đi về hướng các dãy "phòng". Trong cái oi bức của nắng chiều, bụi đất thỉnh thoảng bị những ngọn gió nóng thổi tung lên mù mịt, chúng tôi nhìn nơi qua đêm, rồi nhìn nhau mà lắc đầu ngán ngẫm. Căn "phòng" qua đêm có vẻ như là một container chứa hàng xuất khẩu được tân trang thành phòng ngủ. Nó như một nhà tù 3 x 3 m không cửa sổ, vừa đủ để hai cái giường đơn, một cái tủ lạnh mini, một cái máy lạnh trên vách. Trong cuộc đời du lịch bụi, tôi chưa từng gặp một căn phòng nào thê thảm như thế này với giá cắt cổ $80/đêm.
Pilbara là một vùng đất có diện tích rộng hơn 400.000 km2, to hơn cả nước Việt Nam. Tài nguyên chính ở đây là quặng mỏ, nhất là quặng sắt lộ thiên. Phía bắc Pilbara là một vùng biển rộng lớn chứa các mỏ dầu khí quan trọng. Gần đây, Trung Quốc vừa ký kết với chính phủ Úc mua khí đốt trong khu vực này trị giá vài chục tỷ đô la. Pilbara quả là nơi của "rừng vàng biển bạc". Hãy tưởng tượng một vùng đất tương đương với nước Việt Nam, từ đông sang tây, từ bắc chí nam chỉ chứa toàn quặng sắt và nhiều quặng kim loại khác. Có đến nơi này mới nhìn thấy đất nước Úc cực kỳ giàu có. Đất trong vùng Pilbara có màu đỏ sậm biểu hiện sự tồn tại của sắt, vì quặng sắt thường ở dạng oxit sắt màu đỏ. Oxít sắt có từ tính thì ở dạng màu đen. Nói chính xác hơn, quặng sắt là quặng oxít sắt. Người ta tinh luyện oxít sắt ở nhiệt độ cao biến oxít thành sắt ròng. Phần lớn quặng sắt ở Pilbara là quặng lộ thiên. Nó hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Đó là những cục đá, phiến đá màu đỏ xen lẫn màu đen lấp lánh nằm lăn lóc dọc theo quốc lộ, trên những con đường mòn đi vào các địa điểm tham quan du lịch, hay là những tầng trầm tích trên vách núi, dưới vực sâu, trong dòng suối... (Hình 8 và 9).
Hình 8: Một quả đồi bị cắt để làm
đường, |
Hình 9: Con đường mòn màu đỏ chứa oxít sắt . |
Khu vực Hamersley là trung tâm khai thác mỏ sắt chất lượng cao nổi tiếng thế giới, kế cận là Vườn Quốc gia Karijini cũng lừng danh không kém với các kỳ quan thiên nhiên. Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày khai thác quặng mỏ với quy mô lớn trong vùng Hamersley, sự cân bằng giữa việc khai thác quặng mỏ, nền kinh tế quốc gia, việc bảo vệ môi sinh, bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa người Aborigine [4] không đâu rõ nét hơn qua sự tương quan giữa Hamersley và Karijini. Chính phủ Úc và chính quyền tiểu bang Western Australia đã rất thành công trong việc giữ cán cân thăng bằng giữa lợi ích kinh tế quặng mỏ trước mắt và lợi ích lâu dài trong việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Những kinh tế gia lý thuyết, những lý luận gia chính trị, những nhà lập pháp, đại biểu quốc hội, thậm chí các nhà lãnh đạo cầm cân nẫy mực "đầy tớ của nhân dân", nên chịu khó đặt chân đến chốn này để nhìn thấy tận mắt sự hài hòa giữa việc khai thác quặng mỏ và việc bảo tồn văn hóa và môi sinh.
Tiền đầu tư của các tập đoàn khổng lồ như BHP Billiton, Rio Tinto đổ vào cho việc khai thác quặng sắt đã biến vùng khỉ ho cò gáy này, một trong những vùng hoang dã nhất trên quả địa cầu, thành những ốc đảo vô cùng trù phú. Tập đoàn lớn kéo theo hàng loạt công ty con làm những công trình ngoại biên như xây dựng, chuyên chở, thủy lợi, ẩm thực, tạo ra luồng sinh khí thu hút dân tứ xứ về đây lập nghiệp. Những thị trấn hậu cần như Tom Price hay Newman với dân số không quá 3.000 mọc lên để đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa của gia đình nhân viên và công nhân quặng mỏ.
Tôi tò mò tìm hiểu thêm cuộc sống người dân qua những tờ báo địa phương và không khỏi bị hoa mắt trước trị giá của các bất động sản. Một căn nhà 3 phòng ngủ rất bình thường có giá bán $700.000 - 800.000. Đẹp hơn một chút thì phải hơn một triệu đô. Gấp đôi những căn nhà có phẩm chất tương đương ở các thành phố lớn như Sydney và Melbourne. Tiền thuê nhà cao hơn các thành phố gấp 5 lần với giá trung bình $1.500 - 2.000 cho một tuần. Tôi ngỡ nhà báo in sai, hỏi một người địa phương thì mới biết đó là giá công ty (corporate rate) thuê cho nhân viên. Ngoài ra, đồng lương của một nhân viên lao động với tay nghề bình thường là $2.000 - 3.000/ tuần, cao hơn lương kỹ sư hay chuyên viên tin học cao cấp trong thành phố. Nhà ở đã có công ty chăm lo, công nhân ôm trọn gói tiền lương trừ đi khoản chi phí ăn uống, cứ làm việc mỗi 4 tuần thì sẽ được nghỉ 1 tuần và lại được công ty cho phụ cấp để bay về quê quán. Ô... đây quả thật là thiên đường của nền kinh tế thị trường có "định hướng xã hội chủ nghĩa"! Nhưng tiếc thay, đây không phải là thiên đường vui chơi. Một nhân viên quặng mỏ than thở với tôi, "Ông à! Chốn này chán lắm. Độc thân như tôi không tìm được bạn gái ở đây. Không có con gái, bạn ơi, không có gái!" (nguyên văn: no girls here, mate, no girls).
Vườn Quốc gia Karijini
Hình 10: Hẻm núi.
Vườn Quốc gia Karijini nổi tiếng với những vực sâu và hẻm núi (gorge). Những hẻm núi giao nhau tạo ra những vực sâu thăm thẳm, làm lộ ra những vách núi màu đỏ rực trong ánh nắng ban mai (Hình 10). Dưới đáy vực đen ngòm là dòng suối nhỏ lấp lánh như muốn reo vui chào đón những tia sáng hiếm hoi của mặt trời. Từ trên đỉnh cao nhìn xuống, dưới chân là những con hạc trắng bay thành đàn trong hẻm núi tạo cho ta một cảm giác lạ lùng, cơ hồ ta như lơ lửng giữa trời cùng bay với hạc. Tiếng kêu oang oác của hạc gọi đàn phá tan sự yên tĩnh gần như tuyệt đối của một chốn thần tiên. Cũng tại nơi này, khoảng những năm đầu trong thập niên 50 của thế kỷ trước, vì phải tránh thời tiết xấu trong một lần đi công tác, chiếc máy bay của vua quặng mỏ Lang Hancock phải bay rất thấp qua các hẻm núi, ông tình cờ khám phá ra quặng lộ thiên với những tầng trầm tích màu đỏ đặc thù của oxít sắt đã trơ gan cùng tuế nguyệt hàng trăm triệu năm qua. Việc khai thác quặng bùng lên từ đó.
Những hẻm núi cách nhau vài mươi cây số rải rác trong Vườn Quốc gia cho những vẻ đẹp hùng vĩ khác nhau. Người ta tạo vài con đường dọc theo vách đá đi xuống đáy vực sâu 200 - 300 mét. Ở đây, trong cái tĩnh mịch của thiên nhiên, ta chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, nhẹ nhàng xuyên qua những bụi cỏ lau còn đẫm ướt sương mai. Những tảng đá ở đáy vực vì năm tháng bị vỡ dọc theo khe nứt của các tầng trầm tích tạo thành những mặt phẳng to nhỏ khác nhau, vừa là các bậc thang thiên nhiên, vừa là đáy của con suối nhỏ, nương theo đó dòng nước lặng lẽ trôi. Tạo hóa không những là một nhà điêu khắc và kiến trúc sư tài ba tạo ra những hẻm núi kỳ vĩ ở cấp "vĩ mô", mà cũng là một chuyên gia viên nghệ tuyệt vời ở cấp "vi mô". Cảnh sắc thiên nhiên của một không gian nho nhỏ có con suối chảy, bóng cây râm mát, đây đó vài bụi cỏ, lau sậy tương phản với vách núi màu đỏ lởm chởm những lát trầm tích mỏng, vài con chuồn chuồn đủ màu sắc thoạt bay thoạt dừng, hiện ra như một bức tranh sống động với những gam màu hài hòa của một danh họa tài hoa (Hình 11).
Hình 11: Một cảnh sắc dưới đáy vực.
Chúng tôi bước theo những bậc đá, đi ngược lên dòng suối, cuối cùng đến một cái hồ nhỏ thiên nhiên xung quanh được bao bọc bởi những vách đá thẳng đứng như một cõi bồng lai cô tịch hoang liêu có những nàng tiên giáng trần thẹn thùng tắm suối thường được kể trong chuyện cổ tích của một thời thơ ấu xa xưa. Ngỡ rằng "Sơn trung bất kiến nhân", nào ngờ, nơi này cũng là một cõi bồng lai hiện đại với đám Tây ba lô đang thoát xác thành những nàng "tiên nữ" đầy đặn quyến rũ trong bộ bikini, sấp sấp ngửa ngửa nằm tắm nắng xung quanh bờ hồ hay đùa giỡn trong làn nước trong xanh (Hình 12). Cái thú tắm sông hồ thuở bé của tôi bỗng trỗi dậy, thúc dục tôi cởi phăng cái áo phông, mặc nguyên cái quần short biến thành "tiên ông" nhảy vào nhập bọn...
Hình 12: "Tiên nữ" tắm suối.
Port Hedland
Karijini là điểm cuối cùng của cuộc hành trình về miền Viễn Tây xứ Úc. Chúng tôi lái xe hướng về thị xã Port Hedland ở phía bắc Pilbara để đáp phi cơ quay về Perth và sau đó Melbourne. Sau gần 4000 cây số khởi hành từ Perth và 8 ngày dọc đường gió bụi, đi qua những miền cực kỳ hoang dã của đại lục Úc, hai chúng tôi quyết định dừng chân tại một khách sạn 5 sao, cùng thưởng thức đặc sản địa phương, tôm hùm nướng kem phô-mai, con hào sống, vài chai bia lạnh để rũ sạch bụi đường. Những làn gió biển về đêm vẫn không hạ được cái nóng ban chiều còn vương vất trong không khí.
Trước kia, tôi chỉ biết Port Hedland qua tivi như là một nơi giam giữ những thuyền nhân tỵ nạn từ Afghanistan, Sri Lanka, Iraq, Somalia, và những cuộc tuyệt thực, nổi loạn của họ để phản đối cách đối xử của chính phủ Úc. Một nơi cô lập như Port Hedland thật là lý tưởng cho việc nhốt người! Port Hedland liên quan trực tiếp đến những hoạt động khai thác quặng mỏ và là một cảng quan trọng xuất khẩu quặng sắt đến châu Á và khắp nơi trên thế giới. Mọi sinh hoạt ở bến cảng hơn 10.000 cư dân này chỉ dựa vào xuất khẩu quặng và khai thác dầu khí ngoài khơi. Đây chỉ là một thị trấn nhỏ nhiều bụi bậm công nghiệp, không gì đặc biệt. Trên bờ là những dịch vụ chuyên chở, tồn trữ quặng sắt. Cách bờ không xa là những đàn cá mập lởn vởn tìm mồi trong lòng nước biển đục ngầu.
Hằng ngày, những đoàn xe lửa dài hơn 7 km, được ghi nhận là đoàn tàu dài nhất trong kỷ lục Guinness, và di động bằng 8 đầu máy để chuyển quặng từ khu vực Hamersley trong nội địa đến bến cảng. Ngày hôm đó, văn phòng du lịch địa phương cho biết sẽ có 4 đợt chuyển quặng cho 3 tàu Trung Quốc và 1 tàu Hàn Quốc. Quả nhiên, khi chúng tôi đứng ngoài bến cảng thì một chiếc tàu hàng khổng lồ dài hàng trăm thước của Trung Quốc vừa hụ còi vừa sầm sập lướt sóng chạy vào.
Chúng tôi đến phi trường sớm hơn thường lệ vì không có gì làm khác hơn ngoài việc tránh cái nóng ban trưa gay gắt. Cái phi trường "nhà quê" tầng trệt chỉ có 3 cửa ra vào nhưng cũng được gọi là "sân bay quốc tế". Tại sao "quốc tế"? Không đùa đâu nhé! Một người địa phương nghiêm nghị bảo tôi, vì mỗi tuần có hai chuyến bay đi và đến từ Bali (Indonesia), cho nên "quốc tế"! Tôi chợt nghiệm ra "nỗi buồn" không bạn gái của người công nhân gặp ở Hamersley. Và ở bên kia bờ đại dương cách Port Hedland 2 tiếng bay là địa đàng Bali đang giang hai cánh tay dịu dàng, nồng nhiệt chào đón những người thợ mỏ cô đơn nhưng có lắm tiền hào phóng tiêu pha.
Trương Văn Tân
November 2009
Phụ chú
-
Working visa: một loại visa du lịch dài hạn của Úc cho phép làm việc kiếm sống.
-
Đông Chí Tuyến: một đường vòng quanh Nam bán cầu, điểm cực nam mà mặt trời còn đứng bóng lúc chính ngọ.
-
Snorkelling: vừa bơi và vừa nhìn đáy nước với kính lặn và ống thông hơi.
-
Aborigine: người bản xứ sống trên đại lục Úc đã hàng ngàn năm.
Các thao tác trên Tài liệu