Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 5 - Dốc sức lên kế hoạch

CHƯƠNG 5 - Dốc sức lên kế hoạch

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14


CHƯƠNG 5

Dốc sức lên kế hoạch

 

Trạm công tác của bộ Ngoại giao Trung Quốc được thiết lập ở châu Âu trước đó nay phải chuyển đến Genève. Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh bay đi bay lại Moskva để cùng bàn bạc nghiên cứu kỹ các phương án tại hội nghị Genève. La Quý Ba lưu lại Việt Bắc, giúp Hồ Chí Minh vạch kế hoạch. Trận chiến Điện Biên Phủ đang ác liệt, Bành Đức Hoài ý chí như gang thép, vững chắc như núi Thái Sơn.

 
Đầu tháng 3 năm 1954, Bộ Ngoại giao phái người đầu tiên đi Genève – Bí thư thứ nhất Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Tôn Phương. Ông đã công tác 3 năm ở Đông Âu, nhiệm vụ là thu thập tổng hợp tình hình các nước châu Âu. Ở vào thời kỳ đầu của nước CHND Trung Hoa, sứ mệnh của Tôn Phương là hết sức đặc biệt.

Tôn Phương cho rằng sứ mệnh đầu tiên của ông ở nước ngoài có quan hệ với Kiều Quán Hoa. Không lâu sau khi thành lập nước, người phụ trách Vụ báo chí quốc tế Bộ Ngoại giao Kiều Quán Hoa hỏi Chu Ân Lai: “Hiểu biết của chúng ta về thế giới bên ngoài còn quá ít, quá cũ”. Chu Ân Lai đồng ý với suy nghĩ của Kiều Quán Hoa, quyết định để Bộ Ngoại giao cử người chuyên phụ trách công việc này. Vì vậy, Tôn Phương nhận lệnh đến thủ đô Praha của Tiệp Khắc thu thập các thông tin về Trung Quốc trên báo chí phương Tây, cũng như các tin tức báo cáo đáng để lãnh đạo Trung Quốc quan tâm, kịp thời báo về Bắc Kinh.

Tháng Tư/1951, Tôn Phương đến Praha, đăng ký mua báo chí, đơn thương độc mã bắt đầu công việc.

Tôn Phương sinh năm 1918 trong một gia đình giàu có ở Thiên Tân, tốt nghiệp trung học Nam Khai, sau đó theo anh họ tham gia phong trào kháng Nhật. Sau khi kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông vào học tại [đại học] Liên đại Tây Nam, năm 1938 vào đảng. Năm 1940, ông vào căn cứ địa kháng Nhật Hồ Bắc, tham gia công tác bảo vệ và tình báo. Năm 1945 sau khi kháng chiến thành công, Tôn Phương nhận lệnh đến Bắc Kinh tham gia Cục Điều động quân đội, với danh nghĩa là thư ký của Diệp Kiếm Anh. Kết thúc công việc ở Cục này, ông cùng Lý Khắc Nông về Diên An, sau đó lại chuyển tới Hà Bắc. Tháng 2/1948, ông kết hôn với con gái Lý Khắc Nông Lý Băng. Sau ngày lập quốc, Tôn Phương là một trong những cán bộ được đưa về Bộ Ngoại giao.

Trong số các quốc gia Đông Âu lúc bấy giờ, môi trường chính trị của Tiệp Khắc tương đối dễ dàng, không bị hạn chế trong việc đặt mua báo chí phương Tây, báo chuyển đến cũng kịp thời, các báo của Anh và Pháp có thể cách một ngày là nhận được. Tôn Phương rất giỏi tiếng Anh, ông đọc các báo và tạp chí, chọn ra các nội dung có liên quan tới Trung Quốc, cũng như các báo cáo, bình luận liên quan các sự kiện lớn của thế giới, rồi dịch lại và cố gắng gửi về Bộ Ngoại giao trong thời gian nhanh nhất. Báo chí các thứ tiếng khác thì mời những cộng tác viên tại chỗ hợp tác.

Những báo cáo Tôn Phương gửi về lập tức được các lãnh đạo Bộ Ngoại giao quan tâm. Vụ trưởng vụ báo chí Bộ Ngoại giao (ban đầu gọi là vụ tình báo) nhận xét ông làm việc rất tốt. Được cấp trên phê chuẩn, năm đó, Tôn Phương được phái đến Đông Berlin, tại đây việc thu thập báo chí lại càng dễ dàng hơn. Tôn Phương được bổ nhiệm chức bí thư thứ nhất, công việc hàng ngày là báo cáo với đại sứ Trung Quốc tại CHDC Đức Cơ Bằng Phi. Lúc này, trong nước đã tổ chức các nhân viên trợ giúp cho Tôn Phương, lượng công việc của nhóm phiên dịch tài liệu nước ngoài ngày càng lớn. Từ đây, người phụ trách Tân Hoa xã cũng đã có sáng kiến, các tài liệu dịch của nhóm Tôn Phương gửi về có lúc đề là “tin tức số này”, được đăng tải trên các tài liệu nội bộ.

Sau khi Tôn Phương đến Genève không lâu, Ngô Văn Đào cũng từ trong nước sang, lấy danh nghĩa là phóng viên Nhân dân Nhật báo để triển khai công việc.

Ngô Văn Đào là nhân vật phụ trách báo chí đầu tiên được ĐCS Trung Quốc phái ra nước ngoài công tác. Ông tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh khoa ngoại văn năm 1937, cùng năm đó đến Diên An, công tác tại Ban tuyên giáo, sau đó chuyển sang Nhật báo Giải phóng. Từ năm 1941, ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Tân Hoa xã trong một thời gian dài. Kháng chiến chống Nhật thành công, ông trở thành phụ trách tổng phân xã Đông Bắc của Tân Hoa xã.

Thời kỳ đầu chiến tranh giải phóng, trung ương ĐCS Trung Quốc đã tập trung cho công tác chuẩn bị thiết lập chính quyền toàn quốc sau này. Thái Sướng sau khi tham gia hội nghị phụ nữ quốc tế năm 1947, trở về đã đề nghị trung ương đảng nên đặt cơ cấu ra nước ngoài nhằm tăng cường các mối quan hệ quốc tế. Đề nghị này được tiếp nhận. Năm 1947, quân Cộng sản và quân Quốc dân đảng giao chiến ở Đông Bắc, Ngô Văn Đào được lệnh cùng với đoàn đại biểu do Trần Gia Khang dẫn đầu xuất ngoại, đến Praha thiết lập phân xã Tân Hoa xã. Đây là phân xã nước ngoài đầu tiên của Tân Hoa xã. Ngô Văn Đào giữ chức trưởng phân xã.

Năm 1953, Ngô Văn Đào nhận lệnh về nước, giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, hỗ trợ cho Giám đốc Sư Triết điều hành công việc. Sau khi Sư Triết tập trung vào việc chuẩn bị cho hội nghị Genève, Ngô Văn Đào lại bị điều động, ông được cho là một người làm báo lão luyện, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quốc tế, vì vậy được cử đi Genève sớm.

Đến Genève gặp Tôn Phương, hai người đặt mua khối lượng lớn báo chí, còn thuê ba chiếc máy chuyên dụng thu tin quốc tế, ngày đêm không ngừng thu nhận tin tức.

Ngày 9 tháng 3, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên gặp Molotov, thông báo ý kiến của ba nước Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đều đồng ý tham gia hội nghị Genève. Molotov cho rằng, ba bên cùng nhất trí ý kiến là một việc tốt, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm và biểu thị hoan nghênh 3 đoàn đại biểu Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đến Moskva vào đầu tháng Tư, và cho rằng tốt nhất Chu Ân Lai nên đến Moskva trước.

Molotov cho Trương Văn Thiên biết phía Liên Xô đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho hội nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Gromyko cùng Vụ trưởng vụ Đông Nam Á [K. V.] Novikov cũng đã tham gia. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều cần nhất trí cao độ trong việc chuẩn bị cho hội nghị. Lúc đó, phương châm của Liên Xô là dẫn dắt Trung Quốc vào xã hội quốc tế, để Liên Xô không bị rơi vào thế “độc quân tác chiến” trên võ đài chính trị thế giới. Từ tháng 3, đại sứ Liên Xô tại Anh và Pháp liên tục tiến hành các “chiến dịch ngoại giao”, ngầm để cho Anh và Pháp hiểu rằng việc đồng ý đàm phán với Trung Quốc tại Genève sẽ thu được lợi ích.

Khi Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam tiến hành chuẩn bị cho hội nghị, QĐND Việt Nam dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp đã mở đợt tấn công lớn vào quân Pháp đang bị bao vây ở Điện Biên Phủ. Từ khi mở màn ngày 13 tháng 3, cuộc tấn công đã tiến triển thuận lợi. Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc do Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh đứng đầu cũng đã hỗ trợ Tổng quân uỷ quân đội Việt Nam vạch kế hoạch chi tiết cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời đưa ra những ý kiến chỉ huy rõ ràng tại chiến trường. Trung Quốc đã cung cấp cho quân đội Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đầy đủ đạn dược, ngoài ra, 1/3 nhu cầu lương thực của tiền tuyến Điện Biên Phủ là được vận chuyển từ Vân Nam sang.

Tại căn cứ địa Việt Bắc, đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc do La Quý Ba dẫn đầu đã trợ giúp Trung ương ĐLĐ Việt Nam do Hồ Chí Minh dẫn đầu vạch ra các chính sách, phương châm. Cố vấn kinh tế của Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam điều chỉnh các hoạt động kinh tế - tiền tệ của căn cứ địa. Từ đầu tháng 3, La Quý Ba và Kiều Hiểu Quang thường xuyên cùng với Phạm Văn Đồng bàn bạc việc tham gia hội nghị Genève.

La Quý Ba là thế hệ nhà ngoại giao đầu tiên của nước Trung Quốc mới. Ông sinh năm 1907 tại huyện Nam Khang, tỉnh Giang Tây, tháng Tư năm 1926 tham gia cách mạng. Sau khi đại cách mạng thất bại, ông đã tổ chức bạo động vũ trang nông dân tại quê nhà, sau đó tham gia hồng quân công nông, còn rất trẻ đã là quân đoàn trưởng rồi chính uỷ quân đoàn. Ông đã trải qua cuộc trường chinh, từng giữ nhiệm vụ cảnh vệ cho hội nghị Tuân Nghĩa.

Trong kháng chiến chống Nhật, ông có thời gian dài tham gia đấu tranh tại căn cứ địa Tây bắc Sơn Tây, trong chiến tranh giải phóng giữ chức Tư lệnh kiêm chính uỷ quân khu miền Trung Sơn Tây. Sau thành lập nước, La Quý Ba giữ chức Chủ nhiệm văn phòng quân uỷ trung ương. Tháng 1 năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật thăm Trung Quốc và đề nghị trung ương ĐCS Trung Quốc giúp đỡ. Lưu Thiếu Kỳ cử La Quý Ba làm đại diện liên lạc của trung ương đảng bí mật đi Việt Nam. Căn cứ vào các báo cáo của La Quý Ba sau khi sang Việt Nam, Trần Canh cũng bí mật sang Việt Nam, giúp đỡ phía Việt Nam tiến hành chiến dịch biên giới vô cùng quan trọng.

Sau chiến dịch biên giới, Hồ Chí Minh, lúc này đã có quan hệ hữu nghị với La Quý Ba, đã gửi điện cho trung ương ĐCS Trung Quốc, yêu cầu để La Quý Ba lưu lại Việt Nam, tiếp tục làm cố vấn cho trung ương ĐLĐ Việt Nam, đồng thời đề nghị Mao Trạch Đông phê chuẩn điều động vợ La Quý Ba là Lý Hàm Trân sang Việt Nam công tác. Mao Trạch Đông đã đồng ý và phê chuẩn Lý Hàm Trân sang Việt Nam tham gia đoàn công tác cố vấn chính trị.

Trong cả thời gian kháng chiến chống Pháp, La Quý Ba đã làm việc cùng Hồ Chí Minh, vì vậy, khi Chu Ân Lai bắt tay chuẩn bị cho hội nghị Genève, La Quý Ba là người đương nhiên được đưa vào phái đoàn Trung Quốc tham gia hội nghị. Ngày 22/3/1954, Trung ương ĐCS Trung Quốc gửi điện đến Cục Tây Nam để chuyển cho La Quý Ba: “Đồng chí Đinh (tức Hồ Chí Minh) sẽ đến Bắc Kinh vào khoảng ngày 27 tháng 3 để cùng với chúng ta nghiên cứu việc chuẩn bị cho hội nghị Genève. Trung ương quyết định đồng chí cùng tham gia công việc này. Đề nghị trở về Bắc Kinh trước ngày 27 tháng 3”. Vì lý do này nên La Quý Ba không được đồng hành cùng Hồ Chí Minh. Hơn một tuần sau, vào ngày 31 tháng 3, trung ương lại gửi điện cho La Quý Ba: “Trung ương quyết định đồng chí là thành viên phái đoàn dự hội nghị Genève. Nếu không có gì trở ngại đối với việc điều trị của đồng chí, hy vọng đồng chí có thể sớm về nước, để làm tốt công tác chuẩn bị”.

Nhằm vào đúng ngày 28 tháng 3 La Quý Ba bị ốm, suốt ngày sốt cao, khiến các bác sĩ cả Việt Nam và Trung Quốc ở căn cứ Việt Bắc hết sức lo lắng. Đến ngày 3 tháng Tư bệnh tình có thuyên giảm, La Quý Ba báo cáo với Bắc Kinh rằng nếu không có diễn biến nào khác, ông chuẩn bị trở về Bắc Kinh trước ngày 10 tháng Tư.

Lúc này, Hồ Chí Minh đã tới Bắc Kinh. Ngày 1 tháng Tư, Chu Ân Lai, Vương Gia Tường, Sư Triết và Hồ Chí Minh cùng trên một máy bay đi Moskva. Mục đích của chuyến đi là nghe ý kiến của ban lãnh đạo Liên Xô về hội nghị Genève và phối hợp lập trường.

Đúng ngày xuất phát, Chu Ân Lai gửi điện cho Tổng biên tập Báo Nhân Đạo của Pháp chúc mừng kỷ niệm 50 năm thành lập báo. Bức điện viết “Nhân dân Trung Quốc vốn đang nỗ lực kiến thiết hòa bình sẽ kiến quyết phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Chúng tôi nhất quán chủ trương dùng phương thức hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp quốc tế, đồng thời chủ trương nhân dân các nước dưới các chế độ xã hội khác nhau, trong đó có nhân dân Trung Quốc và nhân dân Pháp, đều cần cùng tồn tại hòa bình”. Đây chính là lời kêu gọi của Chu Ân Lai với nhân dân Pháp.

Khi đến Moskva, Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tham gia hội nghị bàn tròn do Tổng bí thư trung ương ĐCS Liên Xô [Nikita] Khrushev chủ trì, các lãnh đạo khác của Liên Xô như Malenkov, Molotov, [Mikhail] Suslov… cũng tham dự hội nghị. Về phía Trung Quốc còn có đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên.

Trước tiên, Chu Ân Lai trình bày tình hình chuẩn bị của Trung Quốc cho hội nghị Genève. Ông nói: “Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế này là một sự kiện rất đặc biệt, là một thắng lợi của chúng ta. Nếu chúng ta lợi dụng rất tốt cơ hội tham dự hội nghị lần này, nêu rõ những nguyên tắc lập trường đối với các vấn đề quốc tế, đồng thời có sự giải thích và làm rõ một số vấn đề liên quan, hoặc có thể giải quyết một số vấn đề, thì sẽ có những thu hoạch còn lớn hơn”.

Chu Ân Lai nói với Khrushev rằng do hai phe lớn trên thế giới hiện nay đều có ý muốn ngừng đối kháng vũ trang, vì vậy việc giải quyết một số vấn đề, như vấn đề Đông Dương, là có khả năng, cần phải nỗ lực đấu tranh.

Chu Ân Lai nêu rõ: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một hội nghị như vậy, nên thiếu kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, do đó Trung Quốc và Liên Xô cần giữ liên hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi ý kiến, thông tin tình báo, hiệp đồng hành động”.

Khrushev trình bày quan điểm về hội nghị Genève. Ông nói: “Đây tuy là một hội nghị quốc tế có ý nghĩa chính trị, song không nên đặt quá nhiều hy vọng vào hội nghị này, cũng không nên kỳ vọng nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề có khả năng hội nghị này cơ bản không giải quyết được vấn đề gì, cũng rất khó dự báo trước được kết cục”. Ý kiến này của Khrushev rõ ràng là trái ngược với suy nghĩ của Chu Ân Lai.

Tuy nhiên, khi Khrushev chuyển chủ đề, ý kiến lại phụ họa với Chu Ân Lai. Ông nói: “Chúng ta lại cân nhắc từ góc độ khác. Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam cùng tham gia hội nghị, đúng như đồng chí Chu Ân Lai đã nói, rõ ràng không phải là một việc bình thường, mà là một thắng lợi. Chúng lợi dụng cơ hội của hội nghị quốc tế lần này, nêu rõ nguyên tắc lập trường cũng như phương châm chính sách đối với tất cả các vấn đề, làm rõ một số vấn đề liên quan, đó là một sự thu hoạch. Nếu công việc tiến triển thuận lợi, có thể nêu rõ và giải quyết một số vấn đề, như vậy đã là những thu hoạch có ích rồi. Không thể ôm hy vọng quá lớn về hội nghị, song cũng nên tranh thủ đạt được kết quả nào đó. Điều này là có thể được, chứ không phải không tưởng, chủ nghĩa đế quốc cũng đang gặp khó khăn”.

Chu Ân Lai nói, có một điểm nhỏ đáng chú ý khi Trung Quốc tham gia hội nghị Genève, đó là những vấn đề mà hội nghị sẽ giải quyết là vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, tuy có mối quan hệ lợi hại thiết thân với Trung Quốc, nhưng lại không phải là vấn đề của chính Trung Quốc, do đó cần hết sức thận trọng. Việc tổ chức hội nghị là kết quả của sự thương lượng giữa Liên Xô và ba nước lớn Tây Âu, về bối cảnh của hội nghị, Trung Quốc không nắm rõ lắm, hy vọng Bộ Ngoại giao Liên Xô giới thiệu rõ hơn với Trung Quốc.

Trước đề nghị của Chu Ân Lai, Molotov đã giới thiệu tình hình chuẩn bị cho hội nghị Genève của Liên Xô. Ông nói: “Trong đấu tranh quốc tế cũng như các trường hợp ngoại giao, rất khó dự liệu được vấn đề gì, đặc biệt là không thể sắp đặt mọi thứ theo kế hoạch và phương châm mà mình đã định. Vì vậy, đối với bất kỳ vấn đề gì, đều không nên cho rằng sẽ phát triển theo hướng mình suy nghĩ hoặc mong muốn, cho dù với một vấn đề nào đó, chúng đã đã có trước suy tính, giả thiết, yêu cầu hoặc nguyện vọng. Vì vậy, trước mỗi việc chúng ta chỉ nên có một mục đích chung muốn đạt đến. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải có lập trường, thái độ và nguyên tắc rõ ràng của riêng mình, nhưng đồng thời cũng cần phải có tính linh hoạt cao, có khả năng dự kiến và cơ động. Có như vậy, chúng ta mới có thể làm được ở mức tốt nhất, mới đạt được mục đích mong muốn. Tóm lại, cần phải vừa đi vừa nghe ngóng, tùy cơ ứng biến, tìm được đối sách, linh hoạt ứng dụng”.1

Chu Ân Lai ở lại Moskva 3 ngày rồi trở về Bắc Kinh, báo cáo với Mao Trạch Đông tình hình chuẩn bị của hai bên Trung Quốc và Liên Xô đối với hội nghị Genève. Mao Trạch Đông rất hài lòng với báo cáo của Chu Ân Lai, đồng thời hoàn toàn có niềm tin với hội nghị sắp tới. Ông và Chu Ân Lai đều hy vọng trong thời gian diễn ra hội nghị, hoặc tốt nhất là trước khi khai mạc hội nghị, quân đội Việt Nam có thể đánh thắng tại Điện Biên Phủ. Nếu quả đúng như vậy, sẽ giúp phe phương Đông chiếm được vị trí rất có lợi tại bàn đàm phán. Mao Trạch Đông đồng ý để Chu Ân Lai một lần nữa đi Moskva tiếp tục bạn bạc với lãnh đạo Liên Xô.

Ngày 6 tháng Tư, Chu Ân Lai một lần nữa đi Moskva, cùng với các nhà lãnh đạo Liên Xô đi sâu xác định phương châm, đối sách của hai bên cũng như các hoạt động phối hợp về ngoại giao.

Từ khi Stalin qua đời tháng 3 năm 1953 đến năm 1956 là thời gian quan hệ mật thiết nhất giữa hai ĐCS Trung Quốc và Liên Xô. Trung Quốc hy vọng với sự giúp đỡ của Liên Xô sẽ đẩy nhanh xây dựng kinh tế, từng bước và tiến tới tích cực tham gia các công việc quốc tế; Các nhà lãnh đạo mới của Trung ương ĐCS Liên Xô thì hết sức hy vọng giành được sự ủng hộ của Trung Quốc, nhằm củng cố địa vị lãnh đạo của mình ở trong nước cũng trong phe phương Đông.

Ngày 7 tháng Tư, Chu Ân Lai và Molotov tiến hành hội đàm, hai bên nhất trí để phía Liên Xô soạn thảo phương án cụ thể cho các cuộc đàm phán ở Genève. Molotov giới thiệu công tác chuẩn bị của phía Liên Xô, cho biết phái đoàn Liên Xô sẽ bao gồm các nhân tài trong nhiều lĩnh vực, và hy vọng Trung Quốc hết sức chú ý cho điểm này.

Chu Ân Lai nói rõ với Molotov rằng Trung Quốc hết sức coi trọng hội nghị này, tranh thủ lợi dụng hội nghị để mở ra cục diện ngoại giao, vì vậy cũng sẽ tổ chức một phái đoàn tương đối lớn hội tụ rất nhiều nhân tài.

Ngày 9 tháng Tư, Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Hồ Chí Minh cùng với Malenkov, Khrushev, Molotov và Suslov tiến hành thảo luận về vấn đề Việt Nam. Trong hội đàm, phía Liên Xô bày tỏ tán thành “Ý kiến về phương châm chiến lược đối với Đông Dương” do Trung Quốc và Việt Nam đưa ra.

Chu Ân Lai nói trong vấn đề Đông Dương cần có sự đề phòng trước, nếu đề xuất việc cần phải có giới tuyến đình chiến, giới tuyến này xác định ở vĩ độ bao nhiêu sẽ có lợi cho phía Việt Nam lại vừa để đối phương có thể chấp nhận, cần nghiên cứu hết sức thận trọng. Chúng tôi cho rằng giới tuyến này càng nằm sâu về phía Nam càng tốt. Vĩ tuyến 16 độ Bắc có thể được coi là một trong những phương án để xem xét.

Phía Liên Xô cho biết về vấn đề này sẽ tuyệt đối tôn trọng ý kiến của phía Trung Quốc và Việt Nam.

Do cuộc thảo luận ban ngày đạt được nhất trí cao, nên buổi dạ tiệc tối hôm đó không khí rất náo nhiệt. Khrushev, Malenkov, Molotov và nhiều nhà lãnh đạo khác của Liên Xô đều không ngừng chúc rượu Chu Ân Lai. Chu Ân Lai thấy thịnh tình khó từ chối, nên hầu như không khước từ một ai.

Tửu lượng của Chu Ân Lai tương đối khá, tửu lượng của các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng hết sức đáng khâm phục, kết quả là Chu Ân Lai uống quá nhiều, vừa kết thúc chiêu đãi ra khỏi cửa đã bị ói ra hết. Đây là sự việc rất hiếm gặp trong cuộc đời của Chu Ân Lai.

Molotov và đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên cùng đưa Chu Ân Lai về nơi nghỉ là nhà số 8 phố Ostrovskaia. Molotov luôn miệng nói “Đây quả là lỗi của chúng tôi, không chăm sóc đồng chí được tốt, chúng tôi rất ái ngại. Đây đúng là một bài học kinh nghiệm đối với chúng tôi, mọi trách nhiệm đều thuộc về chúng tôi hết”.

Đầu óc Chu Ân Lai vẫn vô cùng tỉnh táo, liên tục tỏ lời xin lỗi với Molotov.2

Sáng sớm hôm sau, Chu Ân Lai tỉnh rượu, lòng vô cùng lo lắng vì sự việc “quá chén” tối hôm trước. Ông vốn dự định ngày 10 tháng Tư lên máy bay về Bắc Kinh, nhưng do sức khỏe không tốt nên đành lùi lại một ngày. Lần say rượu này đã nhắc nhở Chu Ân Lai cẩn thận hơn. Trong tiến trình hội nghị Genève sau đó, ông đã tham gia biết bao nhiêu yến tiệc, song không bao giờ lặp lại sơ suất nào như vậy.

Ngày 12 tháng Tư, Chu Ân Lai, Vương Gia Tường và Hồ Chí Minh lên máy bay về Bắc Kinh. Những cuộc thương lượng liên tục trong đầu tháng Tư đã giúp Trung Quốc và Liên Xô hiểu rõ về nhau hơn, thống nhất được quan điểm trong các vấn đề. Thư ký của Trương Văn Thiên lúc đó là Lý Hối Xuyên nhớ lại thời kỳ này nói: “Đối với các phương án cho hội nghị Genève, giữa Trung Quốc và Liên Xô có một điểm không thống nhất ý kiến, chủ yếu là do lúc đầu Liên Xô dự định ủng hộ Đông Dương trở thành “khu vực trung lập vĩnh viễn”, các nước lớn sẽ bảo đảm điều này. Nhưng Chu Ân Lai không đồng ý, cho rằng làm gì có sự trung lập vĩnh viễn, không thể có chuyện đó. Qua nỗ lực cố gắng, Trung Quốc đã khiến Liên Xô từ bỏ chủ trương này. Trước ngày khai mạc hội nghị, tôi nghe Chu Ân Lai nói dự định khi hội nghị đề cập vấn đề này, chúng ta sẽ loại bỏ hai từ “vĩnh viễn”.3

Lần này từ Moskva trở về Bắc Kinh, tính đến tính chất phức tạp của hội nghị Genève, Chu Ân Lai lại có suy nghĩ khác về việc La Quý Ba có tham gia hội nghị hay không. Giữa tháng Tư, ông gửi điện cho La Quý Ba nói hãy cứ yên tâm dưỡng bệnh, cố gắng tiếp tục công tác tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đánh thắng trận Điện Biên Phủ, để tạo thế hỗ trợ cho đàm phán ở Genève. Ngày 13 tháng Tư, Chu Ân Lai điện thoại cho Lý Khắc Nông, lần cuối cùng thảo luận vấn đề thành phần phái đoàn dự hội nghị. Chu Ân Lai thông báo trung ương đã quyết định để La Quý Ba không tham dự hội nghị nữa.

Quả nhiên, La Quý Ba lưu lại căn cứ địa của Việt Nam đã phát huy tác dụng rất lớn, góp phần thúc đẩy hội nghị Genève từ một phương diện khác. Ngày 2/11/1995, La Quý Ba do bệnh nặng đã qua đời ở Bắc Kinh, thọ 88 tuổi. Trước khi quả tim ngừng đập, với nghị lực kiên cường, ông đã hoàn thành hồi ký dài, phần nội dung có liên quan hội nghị Genève là một chương quan trọng trong cuốn sách này.

Theo đề nghị của Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông đã phê chuẩn thành phần phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị Genève.

Trưởng đoàn: Chu Ân Lai (Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao).

Đại biểu:

Trương Văn Thiên (Thứ trưởng Ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô)

Vương Gia Tường (Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban liên lạc trung ương ĐCS Trung Quốc)

Lý Khắc Nông (Thứ trưởng Ngoại giao)

Bí thư trưởng: Vương Bỉnh Nam (Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Ngoại giao)

Cố vấn (10 người):

Lôi Nhiệm Dân (Thứ trưởng Bộ Ngoại thương)

Sư Triết (Cục trưởng Cục Biên dịch Trung ương)

Kiều Quán Hoa (Phó chủ nhiệm Uỷ ban chính sách Bộ Ngoại giao)

Hoàng Hoa (Giám đốc Sở ngoại vụ Thượng Hải)

Trần Gia Khang (Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao)

Hà Bách Niên (Vụ trưởng Vụ Mỹ-Australia, Bộ Ngoại giao)

Hoạn Hương (Vụ trưởng Vụ Âu – Phi Bộ Ngoại giao)

Long Bành (Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao)

Lôi Anh Phu (Phó trưởng Ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu)

Vương Trác Như (Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao).

Ngày 14/4, Bí thư trưởng chính phủ nhân dân trung ương Lâm Bác Lương thông báo cho Chu Ân Lai rằng Chủ tịch Mao Trạch Đông đã có quyết định cuối cùng, cử ông làm trưởng đoàn đại biểu CHND Trung Hoa tham gia hội nghị Genève; Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông là đại biểu, và chỉ thị, đợi đến khi hội đồng chính phủ nhân dân trung ương tiến hành họp mới chính thức giao nhiệm vụ và tiến hành các thủ tục quyết định. Qua đó có thể thấy Mao Trạch Đông đã cân nhắc rất kỹ việc Trung Quốc tham gia hội nghị.

Cùng ngày, sau khi được Mao Trạch Đông phê chuẩn, uỷ viên Bộ Chính trị trung ương, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao (kiêm nhiệm chức đại sứ). Vì vậy, việc chuẩn bị cho hội nghị Genève sắp khai mạc là việc quan trọng đầu tiên của Trương Văn Thiên trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao.

Trong tháng 3 và tháng Tư, Chu Ân Lai đã đích thân thụ ý, chỉnh sửa và thẩm định các dự án của hội nghị Genève: “Ý kiến sơ bộ về phương án hòa bình thống nhất Triều Tiên”, “Ý kiến sơ bộ về giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương”, cùng các bài phát biểu khi tới sân bay Genève, phát biểu về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương tại hội nghị.

Ban đầu, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị tài liệu viết cho Chu Ân Lai về 8 chuyên đề, là: Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, căn cứ quân sự của Mỹ, cấm vận, quyền đại biểu tại LHQ, cắt giảm quân sự và năng lượng nguyên tử.

Chu Ân Lai lại bổ sung thêm 7 chuyên đề yêu cầu Bộ Ngoại giao chuẩn bị, là: ngoại thương Trung Quốc, quan hệ văn hóa đối ngoại của Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – Liên Xô, quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, quan hệ giữa Trung Quốc với Anh, Pháp và các nước đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Trung - Mỹ và vấn đề xây dựng đất nước.

Ngày 12 tháng Tư, khi Chu Ân Lai trở về Bắc Kinh cũng đúng là thời điểm chiến trường Điện Biên Phủ gay go ác liệt nhất. Quân Pháp bị vây chặt trong thung lũng Điện Biên Phủ đang điên cuồng tập trung lực lượng tinh nhuệ quyết đấu với quân Việt Nam hòng cứu vãn tình thế thất bại. Trong một trận giao chiến ác liệt, trung đoàn chủ lực 102 của sư đoàn chủ lực 308 bị tổn thất nặng nề ở vùng núi phía đông Điện Biên Phủ.

Tin tức của cuộc huyết chiến ở phía Đông Điện Biên Phủ lập tức được báo cáo về Bắc Kinh và chuyển đến cho lãnh đạo quân uỷ trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài. Sự việc nói trên khiến cho ban chỉ huy tiền tuyến của quân đội Việt Nam có phần hơi hoài nghi về lực lượng của mình, và đã gửi điện cho phía Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc cử các chỉ huy các cấp đến Điện Biên Phủ, tham gia chỉ huy tác chiến tại đây. Bức điện còn nêu rõ hy vọng quân giải phóng Trung Quốc phái bộ đội tinh nhuệ đến tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Phía Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ với Việt Nam rằng Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ chiến dịch Điện Biên Phủ, cung cấp cho Việt Nam mọi hỗ trợ có thể, nhưng có một điều là không thể trực tiếp xuất binh tham chiến tại Điện Biên Phủ. Thế nhưng, giờ đây phía Việt Nam một lần nữa đề cập đến việc muốn Trung Quốc xuất binh, Bành Đức Hoài đã trả lời ra sao?

Trong những ngày xuân trong sáng này, thư ký quân sự Hứa Chi Thiện, người đã ở bên cạnh Bành Đức Hoài suốt nhiều năm và theo Bành Đức Hoài sang Triều Tiên từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên mới bùng phát, lại chuẩn bị rời xa Bành Đức Hoài để đi học tập chuyên tu tại Học viện quân sự. Đúng lúc Hứa Chi Thiện chuẩn bị đến từ biệt Bành Đức Hoài, bức điện mà Tổng quân uỷ Việt Nam gửi cho Trung Quốc đề nghị tiếp tục chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ đã nằm trong tay Hứa Chi Thiện và do ông cầm đến để Bành Đức Hoài xem xét.

Bước vào Vĩnh Phúc đường trong Trung Nam Hải, Hứa Chi Thiện đã trao bức điện quan trọng này đến tận tay Bành Đức Hoài, cho Bành Đức Hoài biết đây là điện khẩn. Nói xong ông quay ra, trong lòng bỗng có cảm giác rất lưu luyến, không muốn rời xa Bành Đức Hoài, rời xa Vĩnh Phúc đường đã rất đỗi thân quen với mình. Và ông dừng lại.

Bức điện không dài, Bành Đức Hoài một loáng đã đọc xong. Ông ngẩng đầu gọi Hứa Chi Thiện đang trực bước ra ngoài: “Tiểu Hứa, anh xem, họ đã gửi điện tới, họ chiến đấu rất gian khổ tại Điện Biên Phủ, muốn chúng ta xuất quân chi viện. Họ có ý như vậy, theo anh chúng ta nên giải quyết thế nào?”

Nói xong, Bành Đức Hoài nhìn vào Hứa Chi Thiện.

Trước mặt các quan chức quân sự cấp dưới, Bành Đức Hoài thường rất nghiêm khắc, nghiêm khắc đến nỗi khiến cả các thượng tướng hay trung tướng đều phải e ngại. Thực ra, đó chỉ là một mặt trong tính cách của Bành Đức Hoài. Nếu không phải trên chiến trương, khi ông ở bên cạnh các cộng sự, nhất là khi nói chuyện với các chiến sĩ bình thường, Bành Đức Hoài rất thân thiện, cởi mở. Cớ được không khí hòa nhã và thẳng thắn như vậy, khi được hỏi, các thư ký của Bành Đức Hoài luôn luôn nói thẳng không vòng vo.

Hứa Chi Thiện suy nghĩ giây lát rồi trả lời: “Tôi cho rằng chiến dịch Điện Biên Phủ nên để bộ đội Việt Nam đánh và hoàn thành. Chúng ta dù sao vẫn là hai quốc gia, chúng ta không nên lộ diện trực tiếp chỉ huy chiến dịch này, càng không nên phái binh sĩ đi đánh, mà chỉ có thể đưa ra ý kiến về việc đánh thế nào, đánh ra sao thôi. Bộ đội Việt Nam cũng đã chiến đấu mấy năm rồi, nhất là thời điểm trước chiến dịch Điện Biên Phủ, họ đánh cũng tương đối khá, đã có một số kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục chiến đấu, vì vậy chúng ta không cần xuất quân”.

Bành Đức Hoài nghe vậy rất hài lòng, nói: “Trả lời rất tốt, rất đúng, đúng là như vậy”.

Nói xong, Bành Đức Hoài cầm bút, đích thân viết một bức điện ngắn gọn trả lời, sau đó lập tức chỉ thị Hứa Chi Thiện mang điện đến cho Mao Trạch Đông. Bức điện có nội dung, cần phải chuẩn bị đầy đủ kỹ càng cho chiến dịch Điện Biên Phủ, việc tổ chức và chỉ huy chiến dịch vẫn phải do phía Việt Nam đảm nhiệm, chúng ta không thể thay thế được.

Mao Trạch Đông nhận điện xong lập tức phê chuẩn.

1 Lý Liên Khánh, Những năm tháng nóng lạnh: chìm nổi trong quan hệ Trung – Xô, Thế giới Tri thức XBX, 1999, tr. 177-178.

2 Sư Triết, Đỉnh cao và đáy khe, Hồng kỳ XBX, 1992, tr. 127-129.

3 TG phỏng vấn Lý Hối Xuyên tại Bắc Kinh ngày 15/1/1996.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us