Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nhà nước : Ông là ai ?

Nhà nước : Ông là ai ?

- Cao Huy Thuần — published 16/11/2013 18:14, cập nhật lần cuối 16/11/2013 18:14



Chuyện cũ nói lại


NHÀ NƯỚC : ÔNG LÀ AI ?


Cao Huy Thuần


Ngày xưa, ta gọi là « Quốc gia ». Quốc gia Việt Nam. Gia là nhà, quốc là nước. Bởi vậy, ai cũng hiểu như là hiển nhiên : Quốc gia là Nhà nước. Nhà nước ấy, theo định nghĩa pháp lý mà mọi người trên thế giới thường học, gồm ba yếu tố căn bản : một lãnh thổ, một dân số, một tổ chức chính trị. Việt Nam là một Nhà nước vì Việt Nam có một lãnh thổ hình chữ S, một dân số gồm nhiều thành phần dân tộc, một chính thể đóng đô tại Hà Nội. Thế giới hiểu Nhà nước Việt Nam là vậy. Nhưng người Việt Nam hiểu như vậy thì lầm to ! Đọc Hiến pháp 1980, rồi Hiến pháp 1992, rồi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay, « Nhà nước » trong đó không phải là Quốc gia. Không phải là... Nhà nước ! Không gồm ba yếu tố như ta thường học. Nó là cái gì đó không chính xác, và nó không chính xác vì ngôn ngữ đẻ ra nó không phải là ngôn ngữ pháp lý mà là ngôn ngữ chính trị. Ngôn ngữ chính trị khai sinh ra nó nằm trong Hiến pháp 1980, tức là Hiến pháp chấm dứt Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thiêng liêng của thời Tuyên Ngôn Độc Lập, chấm dứt Hiến pháp 1946 mà ngôn ngữ rất pháp lý, chính xác. Nói lại chuyện cũ may ra hiểu được chuyện mới chăng.


Trong « Lời Nói Đầu » của bản Hiến Pháp 1980 ấy có câu chỉ đạo như sau : «  (tức là Hiến pháp) thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam ». Quái, Quốc gia Việt Nam chạy đi đâu mà bây giờ chỉ còn « xã hội Việt Nam » ? Trong cái « xã hội » ấy, « Nhà nước » chỉ còn là một trong ba thành phần, đứng đàng sau rốt, như cái đuôi con voi. Vậy thì « Nhà nước » này đâu có phải là khái niệm pháp lý mà ai cũng hiểu ? Nó là cái gì mà vai trò được giao phó là công việc của một anh quản lý ? Hiến pháp 1992 hiện hành và Dự thảo sửa đổi không lặp lại nguyên văn câu tuyên bố chỉ đạo ấy nữa, nhưng tinh thần là y chang, một sợi chỉ hồng ấy thôi xuyên suốt từ đầu đến cuối. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Đảng và Nhà nước là hai. Đảng là ai, mọi người đều thấy cụ thể. Nhưng « Nhà nước », thực thể là thế nào, có thực thể hay không, khi Quốc hội cũng là đảng viên, khi Chính phủ cũng là đảng viên, khi đâu đâu cũng là đảng viên ? Nếu Đảng và « Nhà nước » là hai thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là Nhà nước ? Thế tại sao khi ông đi thăm nước này nước nọ, họ tiếp ông như đại diện của Nhà nước Việt Nam ? Trong đầu của mọi người trên thế giới, ông là Nhà nước Việt Nam ! Họ trương cờ đỏ sao vàng của Nhà nước Việt Nam để tiếp ông. Ông đứng nghiêm trang nghe quân nhạc của họ cử hành bài quốc ca của Nhà nước Việt Nam. Họ đâu có tiếp « xã hội Việt Nam » ! Họ tiếp « Nhà nước Việt Nam » ! « Xã hội Việt Nam » đâu có quốc kỳ, quốc ca ? Quốc kỳ ấy, quốc ca ấy có từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập lại Nhà nước Việt Nam đã bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới như một quốc gia độc lập. Trước đó, vẫn có « xã hội » nhưng không có Nhà nước ! Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chữ S độc lập, một con Hồng cháu Lạc độc lập, một chính quyền độc lập trong đó đảng Cộng sản tham gia như một thành phần. Như vậy, đảng Cộng sản nằm trong chính quyền, ở trong Nhà nước, cùng với nhân dân nằm trong bụng của Nhà nước, đâu có nằm lên trên ? Dù cho sau đó, Hiến pháp 1980 ban cho đảng Cộng sản quyền lãnh đạo, và nếu nhân dân chấp nhận quyền đó, thì đó hiển nhiên là lãnh đạo trong chính quyền, lãnh đạo chính quyền, chứ sao lại lãnh đạo Nhà nước ?


Vậy thì « Nhà nước » được đẻ ra từ 1980 không phải là Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi ! Vì vậy, khái niệm lẫn lộn như chỉ rối. Chẳng hạn, khi điều 9 đoạn 2 của Dự thảo sửa đổi viết : « Mặt Trận (Tổ Quốc) cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân », chữ « cùng » trong đó thật là bí hiểm. Sao lại « cùng » ? Nếu anh ở trong Nhà nước thì anh không thể « cùng » được. Anh chỉ « cùng » với một cái gì hay với ai là khi cái đó, người đó, ở ngoài anh, chẳng hạn anh « cùng » với vợ anh. Vậy Mặt Trận ở ngoài Nhà nước à ? Lại cũng chẳng hạn khi điều 29 của Dự thảo sửa đổi viết : « Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước... », quái, ấy là một Nhà nước hay hai Nhà nước ? Nhà nước nào tạo điều kiện ? Nhà nước nào được quản lý ? Nếu là hai thì vô lý, vì làm gì có hai Nhà nước, cũng như làm gì có hai mặt trời ! Nếu là một thì lại không chính xác vì cái việc « tạo điều kiện » là việc của các cơ quan Nhà nước, của chính quyền, trong đó đáng lẽ có cả đảng Cộng sản như đã nói.


Hãy đọc lại Hiến pháp 1946 : làm gì có chữ « Nhà nước » ! Bởi lẽ Nhà nước 1946 là nước, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và trong nước ấy chỉ có một chính quyền thôi, gồm : Nghị Viện (Quốc Hội), Chính phủ, cơ quan tư pháp, Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh ở các cấp địa phương. Đó là các cơ quan của chính quyền Nhà nước mà Hiến pháp quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cùng các mối tương quan qua lại. Lúc đó cũng có đảng chứ, và đảng cũng chi phối chính quyền chứ, có thể lãnh đạo nữa trên thực tế, nhưng dù lãnh đạo đi nữa, đảng cũng là một bộ phận của chính quyền Nhà nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lui nhắc tới hoài mãi : « Đảng ta là đảng cầm quyền ». Cầm quyền là cầm chính quyền trong Nhà nước, chứ đâu có đặt bày ra một khái niệm « Nhà nước » mông lung rồi giao cho nó cái phận sự của anh quản lý, làm việc dưới một thế lực lãnh đạo không pháp lý hóa được và cũng không muốn pháp lý hóa vì pháp lý hóa thì hóa ra nó ở dưới luật mất rồi, đâu còn tối cao nữa ! Tất cả nhập nhằng mà ai cũng biết và cũng nói từ lâu trong quan hệ giữa đảng và « Nhà nước » là do ở chỗ ấy : dẹp bỏ ngôn ngữ pháp lý của Hiến pháp 1946 và thay vào đó hai khái niệm chính trị bằng ngôn từ chính trị : « lãnh đạo » và « quản lý ». Chừng nào hai khái niệm chính trị ấy chưa làm đề tài để thay đổi tư duy, sửa đổi Hiến pháp chỉ là thay đổi văn bản chính trị này bằng văn bản chính trị khác, không ảnh hưởng thực sự gì đến đời sống pháp luật.


Vậy thì Nhà nước là gì, và vai trò đích thực của Nhà nước là gì ? Phe tự do nói : Nhà nước là trọng tài. Phe mác xít nói : là bộ máy nằm trong tay một giai cấp để bóc lột giai cấp khác. Gác ra ngoài tranh luận lý thuyết ấy, điều chắc chắn là lúc nhân loại đang còn ban sơ thì Nhà nước chưa có. Xã hội đầu tiên của loài người chắc hẳn là xã hội gia đình. Sau đó là thị tộc, đẳng cấp, bộ lạc... Nghĩa là Nhà nước không phải là cách tổ chức chính trị duy nhất của xã hội trong lịch sử nhân loại, nhưng là cách tổ chức chính trị mới mẻ nhất, hoàn hảo nhất. Nhà nước xuất hiện sau một quá trình tiến triển dài của những cấu trúc xã hội ; những cấu trúc này càng ngày càng trở nên phức tạp và càng được phân biệt với nhau. Nhà nước là sản phẩm của quá trình đó. Durkheim nói như vậy. Thuyết mác xít thì giải thích : Nhà nước xuất hiện lúc mà những mâu thuẫn giai cấp không thể dung hòa được nữa. Dưới cái nhìn này hay cái nhìn kia, Nhà nước đều xuất hiện ngay khi có một đầu não chính trị tách ra khỏi xã hội và làm nhiệm vụ tạo lập trật tự. Trong học thuyết mác xít, quyền hành từ xã hội mà ra nhưng lại có vẻ đứng lên trên xã hội để ngăn chận không cho những mâu thuẫn giai cấp đi đến mức làm tiêu diệt cả xã hội. Trong tư tưởng Durkheim, Nhà nước là một cơ quan có lý tính, có khả năng vượt qua những lợi ích và tranh chấp cá nhân.


Dù thế nào đi nữa, bản chất của Nhà nước là thống trị, thống trị bằng cách ban hành những quy tắc mà công dân phải tuân theo, nếu không thì sẽ bị trừng trị. Mà sự trừng trị của Nhà nước thì hiệu nghiệm lắm, bởi vì Nhà nước có độc quyền cưỡng chế bằng quân sự. Cưỡng chế, đó là đặc tính của Nhà nước. Lịch sử của Nhà nước là lịch sử của sự tập trung dần dà quyền hành cưỡng bức vào tay những người cai trị, và Nhà nước được đẻ ra lúc nó trở thành nguồn gốc chính đáng duy nhất của quyền lực và bạo lực. Nói một cách khác, Nhà nước chưa bao giờ chỉ làm công tác của một anh quản lý tính sổ tính sách. Nhà nước làm ra luật, Nhả nước ban hành luật, Nhà nước tạo ra các cơ quan để thi hành luật, Nhà nước trừng trị sự vi phạm luật, Nhà nước giải quyết những phân tranh xã hội, Nhà nước duy trì trật tự : đó không phải là quản lý, đó là cai trị, và Nhà nước nào cũng cai trị, kể cả Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Dù chỉ là trên danh nghĩa thôi, ai dám bảo Quốc hội của ta không cai trị ? Ông là « cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất » mà. Ai dám bảo ông thủ tướng hiện nay không cai trị ? Cai trị, không có gì khác hơn là soạn luật, làm ngân sách, thảo kế hoạch, bảo vệ trật tự an ninh. Dù cho ông làm dưới sự lãnh đạo của điều 4, bản chất của công việc ông làm là chính trị, không phải hành chánh. Dù có điều 4 đi nữa, khi ông làm những công việc có bản chất chính trị, bản chất quyền lực, bản chất cai trị rồi, thì ông không phải là anh quản lý nữa. Cho dù có lúc ông đội cái mũ quản lý, lúc nào ông cũng cai trị, hoặc là cai trị thông qua bộ máy của đảng, hoặc là cai trị thông qua bộ máy Nhà nước, hoặc là, nói cho chính xác, thông qua bộ máy của Đảng - Nhà nước. Nói Nhà nước không cai trị cũng như nói thiên lôi không có sét. Thiên lôi không quản lý sét cho ai ở trên đầu, thiên lôi đánh là đánh.


Bởi vì không có Nhà nước nào quản lý cả, bởi vì đã là Nhà nước thì là cai trị, là sử dụng quyền hành chính trị, quyền hành ý thức hệ, cho nên vấn đề cố hữu đặt ra là : Vậy thì đảng làm gì ? đảng ở đâu ? đảng « lãnh đạo » như thế nào ?


Chỉ có hai cách để giải quyết vấn đề. Một là đảng trực tiếp nắm hẳn quyền chính trị, sử dụng trực tiếp mọi quyền hành Nhà nước, và như vậy thì đừng phân biệt « lãnh đạo » và « quản lý » nữa trong đầu óc và trên giấy tờ, vì cả hai đã chính thức nhập làm một. Hai là tách đảng ra khỏi Nhà nước như đã từng tuyên bố lâu nay, và như vậy thì Nhà nước sẽ nắm thực quyền và khái niệm « lãnh đạo » phải quan niệm lại. Trong cả hai trường hợp, trường hợp nào cũng cần có con gà và nắm xôi để cúng tiễn đưa hương hồn anh quản lý về nơi chín suối.




*



Chuyện đã cũ, nói đi nói lại sợ nhàm mà chẳng được lợi lộc gì. Thế nhưng, mới cách đây mấy ngày thôi, hồi đầu tháng 11 này, báo Tuổi Trẻ có đăng bài phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, mà nhan đề làm tôi giật mình : « Đổi mới là mệnh lệnh của thời đại ». Dù đã từng nhiều lần lạc quan, rồi thời đại vẫn qua mà đổi mới vẫn cứ là mệnh lệnh, tôi vẫn muốn tiếp tục lạc quan khi đọc đoạn cuối của bài phỏng vấn, trong đó ông phó chủ nhiệm kể lại lần gặp cố thủ tướng Võ Văn Kiệt vài tuần trước khi ông mất :


« Lúc bấy giờ tôi có nói rằng cần phải hết sức tránh việc hình thành hai nhà nước trong một đất nước. Chúng ta có thể nghiên cứu nhất thể hóa sâu rộng hơn, như Singapore chẳng hạn, để Đảng lãnh đạo thật sự « hóa thân » vào Nhà nước... Tôi cho rằng hiện nay đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất để đổi mới nền quản trị quốc gia của chúng ta ».


Nói với ông Kiệt thì chỉ cần nửa lời ông cũng hiểu, vấn đề là có ai khác nữa hiểu như ông ? Ông phó chủ nhiệm nói thêm : « Thật ra, nhất thể hóa cũng đã được Đảng ta đề ra, chứ không phải là điều gì mới mẻ cả ». Đúng vậy, không có gì mới. Bản thân tôi cũng đã nói cách đây hơn hai mươi năm. Nhưng nói mà ai nghe ?


Dù vậy, mấy lời tâm huyết của TS Nguyễn Sĩ Dũng là tiếng nói của trí tuệ thức tỉnh, buộc trí thức phải lưu tâm. Cảm tạ lời nói đó, tôi nghĩ rằng : giá như Quốc hội chỉ đem vấn đề trọng yếu đáng nói này ra bàn thôi và gác qua một bên mọi chuyện hoa lá cành khác trong Dự thảo thì quả thật thời đại sẽ ăn mừng cho Việt Nam. Dù ăn mừng quá muộn.


Cao Huy Thuần



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us