Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức - bài 1

Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức - bài 1

- Phạm Nam Kim — published 14/05/2016 00:00, cập nhật lần cuối 17/05/2016 20:36

Hội nhập quốc tế,
cơ hội và thách thức


Phạm Nam Kim (*)


LTS. Đây là bài mở đầu cho một loạt ba bài viết mà tác giả Phạm Nam Kim vừa gửi cho Diễn Đàn chung quanh chủ đề Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, viết lại có lớp lang và đầy đủ hơn bài tác giả đã trình bày trước một cử toạ gồm các thân hữu của Diễn Đàn ngày 24.4.2016.

Bài mở đầu này, lấy nhan đề chung cho ba bài, sẽ điểm qua quá trình hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới thông qua ba hiệp định lớn được ký kết gần đây: Cộng đồng kinh tế Asean, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (quen gọi là TPP), mở ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế quốc dân, với điều kiện vượt qua được những thách thức không hề nhỏ mà tác giả sẽ liệt kê.

Bài thứ hai sẽ trở lại Hiện tình kinh tế Việt Nam trong thập niên vừa qua, và bài cuối cùng đưa ra một số đề nghị thay đổi để nền kinh tế ấy có thể nắm bắt được những cơ hội mà cuộc hội nhập cho phép, những cơ hội luôn luôn có điều kiện như mọi người đều biết. Là một chuyên gia tài chính hoạt động lâu năm trong môi trường tài chính quốc tế tại Thuỵ Sĩ, và từ nhiều năm nay đã thường xuyên về nước làm tư vấn cho một số ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam, những đề nghị của ông thường cụ thể (và ngắn gọn, hợp với khuôn khổ một bài báo), hướng về thực hành hơn là lý thuyết, nhưng chứa đựng nhiều ý tưởng thiết nghĩ rất đáng được các nhà hữu trách suy ngẫm.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Quá trình hội nhập


Năm 1986, đảng Cộng Sản Việt nam phát động chương trình cải cách kinh tế gọi là ‘Đổi mới’ và ý tưởng hội nhập đã thành hình, tuy còn rụt rè, với tuyên bố sau đây : “Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa”. Phải đợi đến Đại hội VII, với sự sụp đổ của các nước ‘anh-em’, đặc biệt trong khối Comecon mới sửa lại câu trên và tuyên bố : “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, có lẽ một phần cũng vì phong toả và cấm vận sau 75 và sau biến cố Campuchia đã dần dần được tháo gỡ.

Cũng phải nói ý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, dập theo khuôn đảng Cộng Sản Trung Quốc là phát triển dựa trên 3 yếu tố, lao động rẻ tiền, môi trường thả lỏng để xuất khẩu dựa trên giá thành rẻ. Vì vậy hội nhập quốc tế là một đường lối tối quan trọng cho phát triển quốc gia.

Do vậy, thập niên 90 là những bước đầu cho hội nhập kinh tế VN với sự bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (1991), với Hoa Kỳ (1995). Việt Nam gia nhập tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế trong năm 1995, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF, Ngân hàng Thế giới WB, và Ngân hàng phát triển châu Á ADB, Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN và đến năm 1998 thì ta hợp tác với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương APEC.

Việt Nam gia nhập WTO trong năm 2007, và trong những năm vừa rồi ký một loạt hiệp định thương mại tự do song phương với những nước như Nhật, Chile, Hàn Quốc và những hiệp định trong khuôn khổ ASEAN với Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Nhật, v.v... Tính đến năm 2015, Việt Nam có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong những tháng vừa rồi Việt Nam đã ký kết 3 hiệp định quan trọng, có thể là một bước ngoặc lớn cho công cuộc hội nhập đó là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN


Với văn bản ký kết ngày 22.11.2015, Cộng đồng kinh tế AEC đã hình thành và kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên ASEAN: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia. Với một dân số 640 triệu người, tổng sản phẩm trong nước 2500 tỷ USD, AEC là một khối nhỏ trong cộng đồng thế giới nhưng là một thị trường tiềm năng, với những nhu cầu khá đồng nhất và mức độ phát triển (ngoại trừ Singapore) khá tương tự.

AEC là một cộng đồng kinh tế, tuy không có một cấu trúc chặt chẽ và một ý tưởng chính trị làm hậu thuẫn như Cộng đồng Châu Âu EU, nhưng AEC cũng đi xa hơn một hiệp định thương mại tự do với 4 mục tiêu chính là:

  1. Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề;

  2. Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử;

  3. Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN;

  4. Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu.

Những mục tiêu trên được thể hiện thông qua 3 hiệp định:

- Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA)
- Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)
- Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)

Với những hiệp định đã ký kết, tới cuối năm ngoái 100% mặt hàng thông thường không còn bị thuế nhập khẩu,Việt Nam cũng như các nước trong nhóm CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), được gia hạn cho 7% mặt hàng đến cuối 2018. Về thương mại dịch vụ, khi hoàn tất phê chuẩn nội bộ các nước thành viên ASEAN, thị trường này sẽ thông thoáng trên toàn cộng đồng. Hiệp định về tự do đầu tư có hiệu lực từ 2009, nét đặc biệt ở đây là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoại khối cũng được coi như doanh nghiệp trong khối và có quyền tự do đầu tư sang một nước khác trong khối. Về thuận lợi hoá đầu tư, các thị trường chứng khoán trong khối sẽ được hợp nhất sau thời gian thử thách giữa Thái Lan, Singapore và Malaysia. Trong hiện tại, tự do dịch chuyển lao động được hạn chế cho người lao động có kỹ năng trong một số ngành nghề (dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa, kế toán, du lịch), tuy nhiên ngay trong hạn mức này, thị trường lao động Việt Nam cũng sẽ bị đe dọa vì thiếu tay nghề và thiếu hiểu biết về ngoại ngữ. Một khi tự do dịch chuyển cho người lao động được mở rộng, khó khăn cho người Việt sẽ tăng thêm, vì năng suất quá thấp và hạn chế trong những công việc tay, chân.


Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA)


Ngày 2.12.2015 Việt Nam đã ký kết với EU Hiệp định thương mại tự do EVFTA, và hiệp định này sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018. EU, với một dân số 510 triệu người và tổng sản lượng quốc nội (GDP) 19.000 tỷ USD hiện đứng hàng đầu thế giới về sức mạnh kinh tế. Với vị trí đó, EU hiện là đệ nhất thị trường xuất khẩu của Việt Nam, là đối tác thương mại thứ nhì và chiếm hạng 3 trong số các quốc gia đầu tư vào Viêt Nam.

EVFTA là một hiệp định thương mại thế hệ mới, toàn diện gồm 6 chủ đề về kinh tế và một chủ đề về chính trị. Về Thương mại hàng hoá, hai bên cam kết xoá bỏ hàng rào quan thuế cho hơn 99% mặt hàng trong vòng 7 đến 10 năm, những rào cản về vệ sinh, chất lượng cũng được hai bên thống nhất về nội dung. Về thương mại dịch vụ và đầu tư, hai bên sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho một số lãnh vực như tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối, v.v... Để đảm bảo một thị trường tự do, minh bạch EVFTA cũng đưa ra những thoả thuận về mua sắm của chính phủ, về sở hữu trí tuệ, về doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp và về phát triển bền vững.

Về chính trị EVFTA cũng đề cập đến vấn đề dân chủ và nhân quyền. Vì thông tin này ít khi được phổ biến, xin trích dẫn dưới đây bản “Tóm lược nội dung EVFTA” do Hội đồng thương mại EU soạn thảo:


“…Promoting democracy and respect for human rights

In the preamble of the FTA the Parties reaffirm their commitment to the Charter of the United Nations signed in San Francisco on 26 June 1945 and have regard to the principles articulated in The Universal Declaration of Human Rights adopted by the General Assembly of the United Nations on 10 December 1948.

The FTA will also contain a legally binding link with the EU-Vietnam Partnership and Cooperation Agreement (PCA), signed in June 2012, which includes a human rights clause and provisions on cooperation on human rights. The PCA provides that human rights, democracy, and the rule of law are 'essential elements' in the overall relationship between the EU and Vietnam. Therefore, the link between the FTA and the PCA is important to ensure that human rights are also part of the trade relationship between the Parties. This would include the right to take appropriate measures, also in relation to the FTA (including its suspension), in case of major violations of these essential elements.

The agreement also includes a chapter on cooperation, as a means to contribute to the efficient implementation of the FTA. Boosting sustainable development in all its dimensions is a key objective for such cooperation, for which areas of particular importance include labour and environmental matters, trade facilitation, and SMEs. This chapter is placed under the existing EU-Vietnam Framework Cooperation Agreement (FCA).”


Khuyến khích dân chủ và tôn trọng nhân quyền

Trong lời nói đầu của FTA, các Bên khẳng định lại cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc ký tại San Francisco ngày 26 tháng 6 năm 1945 và quan tâm tới những nguyên tắc được nêu ra trong Bản Tuyên bố Phổ quát về Nhân quyền được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948.

FTA cũng sẽ bao gồm một liên kết có tính bó buộc về pháp lý tới Thoả ước về Hợp tác và Đối tác EU – Việt Nam (PCA), ký trong tháng 6.2012, trong đó có một đoạn nói về nhân quyền và những điều khoản về sự hợp tác về nhân quyền. PCA nêu rõ rằng nhân quyền, dân chủ và pháp trị là những “phần tử thiết yếu” trong mối quan hệ toàn bộ giữa EU và Việt Nam. Như vậy, liên kết giữa FTA và PCA là quan trọng để bảo đảm rằng nhân quyền cũng có phần trong quan hệ thương mại giữa các Bên. Điều này có nghĩa là (các Bên) có quyền lấy những biện pháp thích hợp, trong tương quan với FTA (kể cả việc ngưng áp dụng hiệp định này), trong trường hợp có những vi phạm nghiêm trọng các phần tử thiết yếu này.

Thoả ước cũng bao gồm một chương về hợp tác, như một phương tiện góp phần thực hiện FTA một cách hữu hiệu. Thúc đẩy phát triển bền vững trong mọi chiều kích là một mục tiêu cốt lõi cho sự hợp tác này, trong đó những địa hạt có tầm quan trọng đặc biệt bao gồm các vấn đề lao động và môi trường, sự hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. CHương này được đặt vào Hiệp định hợp tác Khung đã có giữa EU và Việt Nam.

(bản dịch không chính thức của Diễn Đàn, do phía VN không phổ biến đoạn này)


Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP


TPP đã được các nước ký kết ngày 4.02.2106 và sau khi được các quốc hội phê duyệt sẽ có hiệu lực trong năm 2018. TPP quy tụ 12 quốc gia quanh Thái Bình Dương, bao gồm : Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Dân số của khối là 805 tr. người với tổng thu nhập là 28.000 tỷ USD (36,3% toàn thế giới). Với sự hình thành của một khối vững mạnh như vậy, hẳn nhiên địa kinh tế hoàn cầu đã dịch chuyển từ Bắc Đại tây Dương qua Thái Bình Dương.
Tuy nhiên không phải mọi quốc gia Thái Bình Dương đều gia nhập TPP, Trung Quốc không được mời tham dự. Có nhiều nhà phân tích cho rằng đó là chủ tâm của Mỹ muốn gạt TQ ra ngoài và giữ thế mạnh trên Thái Bình Dương. Sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông cũng đi theo hướng chiến lược này.
Để gạt TQ ra ngoài cách tốt nhất là đưa vào hiệp định TPP những điều khoản liên quan đến bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và giảm thiểu doanh nghiệp nhà nước, phá đổ mô hình phát triển kinh tế của nước này.

Để đối mặt với mối đe dọa này, TQ vội vàng khởi xướng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) về thương mại mở đàm phán thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP).
RCEP chính thực là câu trả lời của Trung Quốc cho hiệp định TPP và gồm các quốc gia ASEAN, TQ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Khi hình thành, RCEP sẽ quy tụ 1/2 dân số thế giời, ¼ GDP toàn cầu và là một khối nằm sát nách TPP. Kinh tế thế giới sẽ ở thế chân vạc với 3 phe TPP, RCEP và EU, chia nhau 85% GDP thế giới.
Trong cuộc hơn thua giữa hai khối TPP và RCEP, có những quốc gia đi nước đôi, gia nhập cả hai khối, trong đó có Việt Nam. Phải chăng những quốc gia này là cầu nối giữa hai phe và ở giữa trục lợi hay sẽ bị áp lực của cả hai bên, tương lai sẽ trả lời.




Bản đồ các nước tham gia TPP (trên) và RCEP (dưới)

TPP mặc dù lấy tên là hiệp định thương mại tự do nhưng đi rất xa hơn những hiệp định cùng loại thông thường. Ý đồ của những nhà sáng lập là làm sao bảo đảm thị trường trong khối hoàn toàn tự do. Muốn vậy, luật chơi của thị trường tự do phải được tôn trọng, có nghĩa là bên cung cũng như bên cầu không một ai có thể chi phối được thị trường. Tất cả các điều khoản trong hiệp định TPP đều muốn đi đến mục tiêu đó cho thị trường hàng hoá, dịch vụ và vốn. Đối với chính quyền các quốc gia, TPP gỡ bỏ những hàng rào thuế má, luật lệ, thủ tục hành chính và những cánh tay dài của nhà nước trên thị trường là những doanh nghiệp nhà nước. Về nguồn cung, TPP cũng ngăn chặn những ưu thế cho các doanh nghiệp sống nhờ sự thả lỏng bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo vệ sở hữu trí tuệ. TPP cũng không muốn tình trạng cá lớn ăn hiếp cá bé trên thị trường, nên một mặt ngăn chận những hành động tiêu cực của những tập đoàn đa quốc gia, những doanh nghiệp lớn và mặt khác bảo vệ, nâng đỡ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhất thiết để bảo vệ sự công bằng trên thị trường TPP ngăn chặn tham nhũng và những hành động tiêu cục hành lang.
Do vậy, khi một quốc gia gia nhập TPP, căn bản phải có một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó.


Cơ hội và thách thức


Với 3 hiệp định thương mại tự do vừa ký kết, AEC, EVFTA và TPP, một thị trường vĩ đại và đầy hứa hẹn đã được mở ra. Thị trường này là 2 tỷ người tiêu thụ, GDP 50.000 tỷ USD – 2/3 GDP thế giới và sức mua là trên 30.000 USD / đầu người, những con số trên chứng tỏ thị trường này rất tiềm năng, nhưng đòi hỏi của người tiêu thụ cũng rất cao và cạnh tranh trên thị trường cũng khốc liệt . Muốn tiếp cận thị trường này không những mặt hàng, hay dịch vụ của ta phải có chất lượng thực mà kỹ năng tiếp thị của ta cũng phải vượt trội các đối thủ cạnh tranh.
Đây là thị trường hàng đầu cho xuất khẩu nông nghiệp, nếu sản phẩm của ta đặt được những tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh và chất lượng và mặt hàng hợp với nhu cầu thị trường.
Đây cũng là đầu ra đầy hứa hẹn cho sản phẩm công nghệ, dù từ doanh nghiệp Việt Nam hay từ doanh nghiệp vốn nước ngoài, nhưng muốn thoát hàng rào hải quan, phải chứng minh là xuất xứ của nguyên vật liệu đầu vào là Việt Nam hay một quốc gia khác trong khối (TPP). Ngoài ra, như đã nói ở trên, sản phẩm công nghiệp phải có chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng và tiếp thị một cách thông minh.

Thị trường vốn từ 3 khối trên không phải là nhỏ và Việt Nam có sức thu hút đầu tư rất mạnh khi có mức tăng trưởng GDP cao nhất so với các quốc gia trong 3 khối, khi được các nhà đầu tư đánh giá là ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Ta phải phân biệt 2 thị trường vốn đầu tư, đó là đầu tư vốn FDI và bên cạnh là đầu tư vốn tài chính.
Về đầu tư FDI, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia gọi là China+ (Nhóm quốc gia thay thế TQ trong chức năng “cơ xưởng Thế giới” vì những điều kiện sản xuất ở TQ đã trở thành thiếu phần hấp dẫn), và nhìn những quốc gia trong khối TPP hay EVFTA, Việt Nam có một ưu thế đáng kể. Vì VN có tự do thương mại với 2/3 GDP thế giới, các quốc gia ngoài những khối nói trên cũng rất quan tâm sản xuất ở Viêt Nam nếu có thế cung ứng nguyên vật liệu và phụ kiện từ VN hay các quốc gia trong khối. Ta cũng không nên quên sự quan tâm của vốn FDI đến thị trường nội địa, với 100 triệu người tiêu thụ và thu nhập thuộc loại trung bình, bằng cớ, theo thông tin của Bộ Công Thương, vốn từ Singapore, Malaysia và Thái Lan đổ vào thị trường nội địa Việt Nam.
Khi mức lãi suất trên thế giới, ở mức bằng 0, nếu không muốn nói đến lãi suất âm, khi thị trường chứng khoán thế giới tổng thể quay đầu đi xuống thì đầu tư tài chính ở một nước mới nổi như Việt Nam trở nên rất hấp dẫn. Vấn đề là ta phải có một thị trường tài chính tự do, thông thoáng, minh bạch và phải đi tiếp cận nguồn vốn ngay tại nơi xuất xứ.

Để có thể nắm bắt được những cơ hội nói trên, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức và cũng là những cơ hội gián tiếp, để ta thay một số vấn đề căn bản của nền kinh tế quốc gia.

Như đã nói ở trên muốn thực sự gia nhập các Khối nói trên, phải có sự đồng nhất của cơ chế các nền kinh tế, đó là kinh tế thị trường. Đó là thách thức căn bản của Việt Nam, đến thời điểm hiệu lực của hiệp định, cơ chế thị trường phải thực sự có ở VN.
Để tiếp cận những thị trường nói trên, ta phải có một mô hình tăng trưởng phù hợp, hài hòa với môi trường kinh doanh mới.
Đi đôi với mô hình, phải có một chiến lược cạnh tranh và một lộ trình phát triển thực tiễn, đó là thách thức căn bản thứ ba cho ta.
Để nắm bắt những cơ hội nói trên, nhân sự là chính, ta phải đào tạo con người cho sự đổi mới toàn diện, từ đạo đức cho đến kỹ năng kỹ thuật và ngoại ngữ. Với một cơ chế thị trường tự do, người lao động rất dễ bị chèn ép, do vậy ta phải bảo vệ người lao động thông qua luật pháp và sức mạnh của liên đoàn lao động độc lập.
Với sự phát triển công nghệ vấn đề bảo vệ môi trường là một vấn đề thiết yếu cho dân tộc cũng như cho nhân loại, ta không thể để xẩy ra những sự cố như biển bùn bauxite đỏ, cá chết hàng loạt, không khí ngạt thở ở thủ đô, v.v.

Hội nhập kinh tế quốc tế với những hiệp định EVFTA, TPP và sự hình thành của Cộng đồng AEC mở cho Việt Nam những cơ hội phát triển hy hữu, nhưng nắm bắt những cơ hội này là đầy thách thức. Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế quốc gia có đủ khả năng vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội trên? Xin đọc tiếp bài 2 “Hiện tình kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế”.


Phạm Nam Kim

(*) Chuyên gia tài chính, Thuỵ Sĩ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss