Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lại bàn về chuyện giáo dục

Lại bàn về chuyện giáo dục

- Trương Phước Trường — published 19/10/2007 09:59, cập nhật lần cuối 19/10/2007 12:33


Lại bàn về chuyện giáo dục

Trương Phước Trường


Mỗi một dân tộc trên thế giới có lẽ nói một cách “ chung chung ” đều có mang theo một vài cá tính tiêu biểu. Cá tính ấy một phần nào giúp tạo nên cái đặc thù của nền giáo dục. Một công dân Mỹ, có lẽ vì sống trong một xã hội khá tự do và giàu về của cải (của cải của mình, và của cải từ bốn phương đổ vào), cho nên tinh thần “ giáo dục ” của một xã hội như thế là sự cạnh tranh bộc lộ, vì điều ấy có khi mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội : mọi người thi đua làm giàu, làm sang, làm giỏi, thì xã hội cũng phát triển. Một công dân Nhật, có lẽ ngược lại, sống trên một đất nước mà tài nguyên thiên nhiên chẳng có là bao nhiêu so với dân số, cho nên nếu phải nảy sinh ra một nền giáo dục kiểu cạnh tranh thả cửa, thẳng cánh, thì có lẽ sẽ tạo ra nhiều xung khắc và mâu thuẫn trong xã hội nhiều hơn là sự thi đua để phát triển. Nói như thế không có nghĩa là người Nhật không “ cạnh tranh ” và thi đua. Nhưng “ cạnh tranh ” về phương diện làm việc nhiều chứ không phải lương bổng nhiều, “ cạnh tranh ” về trách nhiệm to lớn chứ không phải chức vị to lớn. Một sự “ cạnh tranh ” như thế có khi còn sâu sắc, mãnh liệt hơn, nhưng điềm đạm bên trong và sâu kín, thay vì bộc lộ bên ngoài, và có ích lợi cho một xã hội cần nhiều người làm việc hơn là người thích hưởng thụ. Vấn đề ở đây không phải là xét để xem ai “ tốt ” ai “ xấu ”, mà chỉ là xét nghiệm để xem hành động nào là thích hợp cho hoàn cảnh nào. Một sự cạnh tranh như kiểu người Nhật thích hợp cho hoàn cảnh của người Nhật. Một sự cạnh tranh kiểu Mỹ thích hợp cho hoàn cảnh nước Mỹ (ít ra là trong hiện tại). Nếu người Nhật cũng bắt chước theo kiểu thi đua giàu sang bên ngoài như Mỹ thì có lẽ đất không còn chỗ để xây nhà trăm gian như dinh thự cho mỗi công dân. Hoặc nếu người Mỹ không chịu khoe trương một cách “ bộc lộ ” như kiểu Hollywood, thì có lẽ sẽ không có sức hấp dẫn nhân tài từ khắp bốn phương đổ vào để thi đua cống hiến khả năng của mình trên đất Mỹ và cho người Mỹ.


Bây giờ, xét về hoàn cảnh Việt Nam thì có lẽ ai cũng đồng ý rằng Việt Nam chẳng giống Nhật mà cũng chẳng giống Mỹ. Thế nhưng có lẽ trong quá khứ có khuynh hướng thích cạnh tranh theo kiểu Mỹ, mà lại không thích “ cạnh tranh ” theo kiểu làm việc của Nhật. Đó có lẽ là một “ vấn đề ” trong giáo dục, và cả trong xã hội và chính trị, mà có lẽ không dễ gì một sớm một chiều giải quyết được. Bởi muốn giải quyết vấn đề này cần đòi hỏi không phải chỉ vấn đề “ nhồi sọ ” (như lời phân tích của Nguyên Ngọc trên bài báo ở Diễn Đàn gần đây), mà có lẽ cần một sự “ giáo dục ” bằng “ gương hành động ”, bởi không một “ bài học ” nào mạnh mẽ hơn bài học của hành động. Và người dân luôn luôn có mắt, người con luôn luôn có trí để phân tích. Cha mẹ dạy con mà chẳng thực hiện cho chính mình thì con chẳng bao giờ hành động như cha mẹ muốn (nhưng không làm được). Chính phủ “ dạy ” người dân hành động mà nói một đằng làm một ngả thì dân loạn. Trí thức “ dạy học trò ” phải siêng năng nghiên cứu tìm hiểu mà bản thân mình có khi cũng chỉ muốn lên chức để khoe khoang nhiều hơn là vì sự tìm hiểu và muốn đóng góp thì học trò cũng chỉ muốn “ mua ” bằng cấp chứ chẳng hơi đâu “ học ”.


Nói tóm lại, giáo dục gồm cả hai phần : chọn câu hỏi cũng như đi tìm ra đáp số. Người thầy\cô giáo (gồm cả cha mẹ, lãnh đạo, trí thức) mà đặt câu hỏi sai (ví dụ “ có bằng cấp gì, địa vị gì ? Tiền bạc lương bổng bao nhiêu ? Nhà cửa mấy gian ? ” v.v.) thì trách sao con cái chỉ thích đi “ mua ” bằng cấp, lãnh đạo “ mua ” chức vị, trí thức đánh đổi sự tìm hiểu sự thật để lấy sự nhàn cư về địa vị, v.v.. Một tình trạng xảy ra như thế là vì “ cung cầu ” không tương xứng. “ Cầu ” mong sự giàu sang, chức vị, của cải thì nhiều; mà khả năng “ cung ” cấp cho sự làm việc, cho trách nhiệm, thì ít; thì trách sao không có sự “ lạm phát ” về giá trị trong xã hội. Muốn thay đổi tình trạnh như thế không thể nào chỉ dùng sự “ duy ý chí ” (tức là nhồi sọ). Cũng chẳng thể nào hy vọng rằng với sự “ viện trợ ” của nước ngoài (dù là viện trợ bằng cấp – Đại Học Đẳng Cấp Quốc Tế) sẽ giải quyết được tình trạng cung cầu chênh lệch. Chỉ có một cách là bắt đầu phải “ thắt lưng buộc bụng ” (như 1 bài báo gần đây nói về vấn đề giáo dục có đề nghị). Thắt lưng buộc bụng ở đây phải kể cả về vấn đề “ trí thức ”, tức là thay vì 20000 vị tiến sĩ thêm cho 20 năm tới, xin đề nghị : mỗi một vị GS, TS đương thời xin “ đóng góp ” phần “ gạo ” của mình cho xã hội, bằng cách đừng tiếp tục phô trương nhãn hiệu ấy trong một thời, để xem học trò có còn đi nghe mình giảng, phóng viên có còn thích nghe mình nói, “ lãnh đạo ” có còn chiếu cố đến mình nữa không, hay chỉ là vì nhãn hiệu.


Một xã hội “ bình đẳng ” trong đó con người không phải hơn thua nhau là vì địa vị hay bằng cấp mà là vì sự làm việc và tinh thần trách nhiệm thì xã hội ấy mới có cơ phát triển. Có nhiều người vẫn thường hay nêu “ gương ” phát triển của người Nhật mà tôi không rõ hết. Nhưng tôi chỉ quan sát một điều : trong sự tiếp xúc của tôi với đồng nghiệp người Nhật mà tôi được biết, họ thường hay chú tâm tới việc tôi làm hơn là chức vụ tôi có. Có lẽ đó cũng là một cái gương mà tôi muốn bắt chước, vì có lẽ có quá nhiều điều cần phải “ học ” mà quá ít điều đáng để khoe khoang, nhất là trong lãnh vực giáo dục.

Trương Phước Trường


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss