Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Làm gì trước Hiệp định EVFTA

Làm gì trước Hiệp định EVFTA

- Phạm Nam Kim — published 16/10/2016 17:50, cập nhật lần cuối 16/10/2016 18:47

Phải làm gì để nắm bắt những cơ hội của
Hiệp định EVFTA ?


Phạm Nam Kim



Trong thời gian qua Việt Nam đã ký kết hai Hiệp định thương mại tự do, tối quan trọng, có thể thay đổi cục diện kinh tế và ngay cả thể chế chính trị của nước ta, đó là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tư do giữa Việt nam và Khối EU (EVFTA)1. Hiệp định TPP hiện đang có vấn đề lớn, một mặt Tổng thống Obama rất khó thúc đẩy Quốc hội thông qua Hiệp định trước khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào tháng Giêng 2017 và mặt khác hai ứng cử viên tổng thống đều không ủng hộ Hiệp định này.
Nếu TPP bị trì hoãn, sửa đổi toàn diện hay không còn nữa, thì tương lai phát triển kinh tế của nước ta sẽ đặt rất nhiều vào Hiệp định thương mại tự do với khối EU. Như vậy, EVFTA đạt một tầm quan trọng mới và câu hỏi đặt ra là ta phải làm gì để nắm băt những cơ hội của Hiệp định này.

Nhưng có lẽ trước tiên ta nên đặt câu hỏi, liệu EVFTA có cùng chung số phận với TPP và không qua lọt ‘cửa ải Quốc hội của các quốc gia thành viên ?


Khả năng thực thi EVFTA của Khối EU


Hiệp định EVFTA đã được ký kết hồi tháng 12 2015, nhưng dự kiến sẽ có hiệu lực khoảng 2018, vì phải qua chặng phê duyệt. Bình thường cho một hiệp định thương mại Khối EU có toàn quyền phê duyệt, như vậy hiệp đình chỉ cần sự thông qua của Hội Đồng Bộ trưởng và nghị viện EU, tuy nhiên EV-FTA có thể được đánh giá là một Hiệp định ‘mở rộng’ với những điều khoản đi ra ngoài phạm vi thuần thương mại do vậy có thể sẽ phải được hành pháp và lập pháp của các quốc gia thành viên phê duyệt. Quy trình phê duyệt EVFTA chỉ có thể được xác định sau khi EU giải quyết được tình huống FTA với Singapore, được ký kết từ 2014 nhưng cho đến nay vẫn chưa đươc phê duyệt vì những điều khoản ngoài thương mại.

Ngoài vấn đề quy trình phê duyệt, nhìn chung, sau 4 năm thương thuyết có lẽ các điều khoản về thương mại của hiệp định đã đáp ứng được đòi hỏi của từng quốc gia thành viên. Duy trong Lời nói đầu của hiệp định, hai bên khẳng định sẽ tuân thủ những cam kết của tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc 1948. Trong đó, dân chủ và quyền con người là căn bản. Lời nói đầu cũng kết nối hiệp định này với Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện EU – Việt Nam (PCA) ký kết năm 2012, trong đó hai bên khẳng định là dân chủ, quyền con người là nhân tố của sự hợp tác giữa đôi bên. EVFTA cũng nhắc tới Hiệp định hợp tác khung (FCA) giữa EU và VN ký kết 1996, trong đó những vấn đề về phát triển bền vững hiểu theo chiều rộng trong đó bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ là căn bản. Như vậy những điều khoản ‘chính trị’ như dân chủ, quyền con người và phát triển bền vững, qua Lời nói đầu đều nằm trong hiệp định EVFTA. Những điều khoản này là những đề tài nóng khi EVFTA được đưa ra thảo luận trong những hội đồng, nghị viện EU và cũng có thể của những quốc gia thành viên, bàn luận sẽ trên vấn đề làm sao áp dụng thực sự được những cam kết trên, làm sao, ai sẽ đứng ra đánh giá tình hình về những vấn đề trên, và khi Hiệp định khẳng định là nếu có sự vi phạm nghiệm trong trên những vấn đề trên thì Hiệp đinh có thể bị bãi bỏ, vậy định nghĩa của sự nghiêm trọng cũng như ai có quyền đánh giá thì không được đề cập tới. Mong rằng những thảo luận trên sẽ không đưa đến những vòng đàm phán mới giữa EU và Việt Nam hoặc trì hoãn thời điểm áp dụng hiệp định.

Trên phương diện sách lược phát triển của khối EU, ta có thể tóm tắt tình hình nhự vầy. Từ khi khủng hoảng tài chính,, kinh tế 2008 bùng nổ, EU vẫn chưa thoát khỏi sự suy thoái kinh tế toàn diện và sự suy sụp của một số quốc gia thành viên. Từ ba năm nay, luồng di tản từ Trung Đông và Châu Phi tạo ra những khủng hoảng chính trị quốc nội cũng như giữa các quốc gia trong liên minh, thêm vào đó cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tạo ra luồng tư tưởng thoát ra khỏi EU hay giảm thiểu quyền hạn chính trị của trung ương khối để trở về một liên minh kinh tế (Thị trường chung Âu Châu) phi chính trị. Trước những nguy cơ trên EU phải kiếm ra được chất keo sơn để hàn gắn lại những rạn nứt và sự đồng lòng phát triển cả khối. Keo sơn này chỉ có thể là những thành quả kinh tế, ‘có thực mới vực được đạo’ nếu EU hồi phục được sức mạnh kinh tế, thì những vấn đề chính trị sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Phát triển kinh tế không thể chỉ trông cậy vào tăng trưởng nguồn cầu của khối, khi bình quân 10% dân số đang trong tình trạng thất nghiệp và 19% đã quá 65 tuổi. Vì vậy bắt buộc phát triển kinh tế phải dựa vào thị trường nước ngoài và những năm vừa rồi EU cố gắng mở của những thị trường thông qua những hiệp định tự do thương mại. Vì vậy EU hiện đang mở những vòng đàm phán với Mỹ (TTIP), tuy nhiên những khó khăn và trở ngại là rất lớn, vì chơi trên cùng một sân và chuyển đổi từ đối thủ thành đối tác là một chuyện không dễ. Do vậy hướng nhìn của họ chuyển qua vùng Châu Á- Thái Binh Dương, đó là một chuyện dễ hiểu, vì ai cũng công nhận là trên phương diện địa kinh tế, tâm điểm của kinh tế hoàn cầu đã dịch chuyển từ Bắc Đại tây Dương qua Thái Bình Dương. Do vậy EU phải kiếm cho bằng được một cửa để vào được tâm điểm kinh tế hoàn cầu, và Việt Nam chính là một trong những cánh cửa lý tưởng nói trên. Thật vây, với sự hợp tác với Việt Nam EU có thể tiếp cận dễ dàng với Khối AEC (khối kinh tế ASEAN), nhất là với điều khoản rất thuận lợi trong hiệp ước AEC, cho phép những công ty con của một nước ngoài khối, nhưng hiện đang hoạt động trong môt nước của khối, có quyền thiết lập doanh nghiệp trên một quốc gia khác của khối. Hiện tại, Việt Nam là nước ASEAN độc nhất đã ký kết hiệp ước thương mại tự do với EU, xét rằng hiệp định FTA với Singapore đang đợi tòa án EU xét xử, FTA với Thái Lan bị gián đoạn sau cuộc đảo chính 2013, và FTA với Mã Lai và Phi Luật Tân còn đang trong vòng đàm phán. Vì Việt Nam là một thành viên của hiệp ước TPP, và nếu hiệp ước này đi và hoạt động thì đây là cợ hội để EU tiếp cận qua cửa ngách, những quốc gia Thái Bình Dương.

Như vậy, hiển nhiên EU sẽ cố gắng thực thi EVFTA và Việt Nam phải sửa soạn kỹ lưỡng để khi hiệp định đi vào hiệu lực, Việt Nam ít nhất không phải là bên thiệt thòi, mở toang cửa thị trường nội địa mà không có bù đắp tương xứng.


Cơ hội và thách thức của VN đối với EVFTA


Xét trên phương diện sách lược phát triển kinh tế, hiệp định EVFTA có một vị trí rất quan trọng, vì không những hiệp định này nằm trong chương trình hội nhập quốc tế, mà nó còn là bước đi quan trọng để đa phương hóa tối đa những quốc gia, đối tác kinh tế và thương mại với nước ta. Thật vậy, Trung Quốc hiện giữ một vị trí quá quan trọng trong giao thương với Việt nam. Về thuần thương mại, theo thống kê Việt Nam, 30% kim ngạch xuất nhập khẩu là với Trung Quốc, nếu dựa trên thống kê Trung Quốc thì chỉ số này sẽ lên đến 45% và nếu ta tính cả thị trường đen, xuất nhập lậu thì chỉ số này có thể lên quá nửa. Có lẽ cũng chẳng cần đến thống kê, chỉ nhìn đến mặt hàng Trung Quốc ở chợ, cửa hàng và sự hiện diện thương trực của các thương lái Trung Quốc ở thôn quê cũng nhận thức đưuọc tầm quan trọng của giao thương với nước này. Nếu nhìn những ngành, dệt may, giầy dép của ta thì 80% nguyên vật liệu xuất xứ là từ Trung Quốc, Trên phương diện dịch vụ, đấu thầu, thực sự Trung Quốc cũng là đối tác hàng đầu. Do vậy, kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, và sự lệ thuộc này gây thế mạnh trên phương diện chính trị. Và để bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải đa phương hóa các đối tác kinh tế và thương mại. Do đó tất cả các hiệp định FTA đều là nhữngphương tiện để thoát ra khỏi tình trạng này, đặc biệt những FTA với những khối có quy mô, có tiềm năng, có thể thay thế phần nào ông láng giềng phía Bắc. EU là một trong những khối này, ngoài ra EU cũng có thể là con bài để thay thế TPP, nếu hiệp định này không thành công. Một tình huống rất có thể xảy ra khi cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều không tán thành hiệp ước này. Vì vậy ta buộc phải thành công với hiệp định EVFTA.

Với EVFTA, Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại tự do với khối mạnh nhất thế giới xét trên tổng sản lượng quốc nội (GDP : 19.000 tỷ USD) và hai cơ hội chính được mở ra cho ta đó là xuất khẩu qua EU và tiếp nhận đầu tư từ EU.

Với một dân số 510 triệu người,, GDP trên đầu người là 37.000 USD. Có thể nói đây là một thị trường mầu mỡ nhất thế giới, trên phương diện sức mua và khả nãng tiêu thụ. Nhưng đây cũng là một thì trường rất khó tiếp cận vì những đòi hỏi của người tiêu thụ rất cao và vì mức cạnh tranh cũng rất gay go,
Xét trên thống kê xuất khẩu qua EU, 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI, bao gồm điện thoại, thiết bị điện tử, giầy dép, quần áo. Trên 1/3 còn lại chỉ 10% là sản phẩm công nghiệp, ngoài ra là sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là cà phê và tôm, cá. Như vậy có thể nói một mặt ta chưa làm gì, một mặt tác động của những rào cản cho tới nay của EU và mặt khác là sản phẩm của ta không phù hợp với thì trường và thiếu tính cách cạnh tranh.
Với EVFTA không phải ta sẽ tự do xuất khẩu qua EU, có hai điều kiện chính mặt hàng phải tuân thủ đó là các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm và những quy tắc xuất xứ nguyên vật liệu của sản phẩm công nghệ.
Vì vậy muốn xuất khẩu qua thị trường EU, ta phải có một chiến lược tiếp thị hẳn hòi. Ta phải nắm bắt được nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu thụ, tác động của các đối thủ cạnh tranh, rồi định ra những mặt hàng dự tính xuất khẩu, đặc tính và sự khác biệt tích cực đối với các đối thủ cạnh tranh, định ra hình ảnh thương hiệu Việt Nam và nắm bắt những kênh phân phối trên toàn lãnh thổ Châu Âu.

Hiệp định EVFTA sẽ ảnh hưởng nhiều đến mức đầu tư của EU vào VN, mặc dù Hiệp định chỉ cụ thể nói đến VN sẽ mở rộng cửa cho một vài ngành nghề, đó là dự đoán của tất cả các chuyên gia khi nghiên cứu về vấn đề này và cũng là kết luận của những bài trình bầy về EVFTA của các chính phủ quốc gia thành viên.
Về đầu tư, ta phải định rõ và phân biệt giữa đầu tư tài chính và đầu tư trục tiếp vốn FDI.
Trên đầu tư tài chính, mức tiết kiệm của dân cư, mức tiết kiệm bắt buộc (bảo hiểm) là cao nhất thế giới, thêm vào đó, phong trào chống trốn thuế, chống rửa tiền cũng tạo ra một nguồn đầu tư không nhỏ. Những nguồn đầu tư này đang phải đối mặt với một tình trạng lợi nhuận và mức rủi ro rất khắc nghiệt. Vấn đề chính là nên đầu tư ở đâu, đầu tư tại chỗ ở châu Âu không khả quan gì mấy vì những khó khăn kinh tế vẫn còn đó, thêm vào đó Brexit vẫn chưa được xử lý, đầu tư bên Mỹ thì mắc phải rủi ro tỷ giá, vài năm trước rộ lên phong trào đầu tư vào nhóm BRICS (Bresil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nhưng những quốc gia này đang ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Như vậy trên thế giới các nhà đầu tư chỉ còn trong cậy đươc vào vùng Châu Á, tuy nhiên trong vùng này họ rất dè dặt với những quốc gia có ảnh hưởng mạnh của hồi giáo hoặc các quốc gia bị bất ổn chính trị, vì vậy Việt Nam sau khi ổn định lại được kinh tế vĩ mô và lấy lại được mức tăng trưởng kinh tế (hạng nhì thế giới trong năm 2015) là một điểm đầu tư được đánh giá rất cao. Tuy nhiên các nhà đầu tư EU đều chờ đợi sự ổn định của thị trường chứng khoán VN, hiện bị giới đầu cơ thao túng và sự giảm thiểu về những thủ tục hành chính cũng như sự mở rộng cửa cho những đầu tư tư nhân.

Trên thị trường đầu tư trực tiếp FDI, sự chuyển hướng đầu tư cũng rất rõ rệt, những năm trước, các doanh nghiệp EU đua nhau mở công xưởng tại Trung Quốc hay những quốc gia mới nổi có mức lương lao động thật thấp. Nay họ nhận thấy Trung Quốc không còn là nơi cài đặt công xưởng lý tưởng, mức lương bổng đã tăng rất nhanh, lực lượng lao động đã già đi và năng suất xuống thấp, môi trường làm việc trở nên rất khó khăn, từ đó đã nảy ra phong trào ‘China +’ , kiếm một nơi có thể thay thế Trung Quốc để sản xuất. Ở những quốc gia mới nổi khác nảy sinh ra vấn đề bóc lột người lao động với những điều kiện làm việc lạc hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường, những vấn đề này ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp và gây khó khăn cho việc kinh doanh. Một điểm nữa, nên lưu ý nhất là với thị trường khá giả như thị trường EU, người tiêu thụ kén chọn chất lượng hơn là giá rẻ.
Với tất cả những thay đổi trên, Việt Nam hiện có một chỗ đứng rất tốt trong những quốc gia được vốn FDI lựa chọn để thiết lập cơ xưởng mới, hoặc thay thế những cơ xưởng hiện có ở Trung Quốc hay những quốc gia khác nếu ta biết đi theo đúng những xu hướng được đề cập ở trên. Những xu hướng này đã được thể hiện rõ ràng trên những hiệp định FTA thế hệ mới, như EVFTA hay TTP thông qua những quy tắc về phát triển bền vững, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, sản phẩm an toàn theo chuẩn mực quy định ta chỉ cần thêm vào đó sự bảo đảm chất lượng toàn diện trong thao tác cũng như trong đầu vào đầu ra sản phẩm.


Việt Nam phải làm gì để thành công với EVFTA


Ngoài những cơ hội nói ở phần trên, cơ hội lớn nhất và cũng là thách thức rất lớn đối với ta đó là nắm bắt cơ hội ký kết hiệp định để đưa Việt Nam vào một quỹ đạo mới của sự phát triển kinh tế.

Thực vậy, xét cho cùng nền kinh tế Việt Nam vẫn chỉ là nền kinh tế ‘mới nổi’ còn mang nặng tính chất ‘chậm tiến’ và những nét đặc trưng của nền ‘kinh tế chỉ huy’ với những bước đầu chập chững vào hội nhập quốc tế. Muốn thoát khỏi hoàn cảnh này ta phải thực hiện ba điều căn bản :
Thứ nhất, thực hiện cho bằng được cơ chế thị trường. Cốt lõi của kinh tế thị trường là luật chơi thị trường được bảo đảm, mọi tác nhân đều bình đằng, không một ai có quyền chi phối thị trường. Như vậy, phải định rõ quyền lực của chính phủ trên thị trường, ngăn chặn mọi tác nhân vì quy mô hay về thể chế có thể tác động trên thị trường, và nghiêm cấm những thỏa thuận thao túng thị trường. Cụ thể ta phải rà soát và canh tân bộ luật hiện hữu.

Thứ nhì, mô hình tăng trưởng dựa trên gia công, sản xuất giá rẻ, chất lượng kém đã hết thời. Đối với những thị trường mục tiêu và ngay cả với thị trường quốc nội mô hình này không còn sức lôi cuốn của ngày xưa. Tuy nhiên với tình hình phát triển hiện nay ta khó có thể từ bỏ được mô hình gia công, do vậy ta phải tạo ra sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh và phù hợp với những cam kết của những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mô hình tăng trưởng mới, ‘gia công’ theo kiểu Việt Nam sẽ có hai nét chính đó là Chất lượng và Phát triển bền vững. Ta sẽ bàn luận cách áp dụng cụ thể mô hình này trong tình huống EVFTA.

Thứ ba, cải cách hệ thống giáo dục. Sau bao nhiêu biến đổi ta vẫn chưa từ bỏ đươc hệ thống giáo dục khoa bảng có từ thời phong kiến, đào tạo con người để học thật cao, bằng thật to rồi ra làm quan, kết quả hiện nay có 225.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp trong khi các doanh nghiệp vẫn đang cần lao động. Ta phải tìm một hướng đi thực tiễn hơn, con người sau đào tạo phải là một lao động có tay nghề, đã có trải nghiệm làm việc trong ngành, như vậy có thể phụng sự liền cho nền kinh tế. Hệ thống giáo dục học nghề ở Bắc Âu theo rất sát hướng đi này và ta nên tìm cách thich nghi, áp dụng ở Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu qua EU khi EVFTA có hiệu lực ta phải có một chiến lược tiếp thị hẳn hòi. Chiến lược này dựa trên Mô hình tăng trưởng nói ở trên và đặt nền tảng cạnh tranh trên chất lượng sản phảm, chiến lược này sẽ phù hợp với đòi hỏi của người tiêu thụ EU và đánh bạt hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường EU với một hình ảnh đồ kém chất lượng và sản phẩm nông nghiệp cũng của Trung Quốc hay của các quốc gia khác, thiếu vệ sinh, thiếu an toàn.
Để triển khai chiến lược này ta phải cài đặt và quảng bá thương hiệu ‘Sản Phẩm Việt’ (Viet made, hay made in Vietnam, chẳng hạn) muốn có được thương hiệu này doanh nghiệp phải đạt được một số tiêu chuẩn về chất lượng về xuất xứ, về bảo vệ môi trường, về bảo vệ người lao động. Ta có thể áp dụng và thích nghi những tiêu chuẩn ISO 9000, 14000, 26000, v.v. cho phù hợp với những cam kết trong EVFTA và TPP. Riêng cho hàng nông nghiệp, thủy sản những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, về môi trường về biến đổi gien sẽ nằm hàng đầu, ta cũng có thể áp dụng và thích nghi những tiêu chuẩn Vietgap2 hiện có. Cho những sản phẩm này ta cũng có thể đi vào phân khúc sản phẩm nông nghiệp sạch BIO, một phân khúc đang phát triển rất mạnh tại EU và đầy hứa hẹn cho nông nghiệp Việt nam, lúc đó những tiêu chuẩn sẽ phải phù hợp với những quy tắc của thế giới BIO.
Thương hiệu này sẽ được một cơ quan hay tổ chức quản lý và thẩm định. Trong nhiệm vụ quản lý, xây dựng và quảng bá hình ảnh tại những thị trường mục tiêu sẽ là công việc thiết yếu. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dựa vào thương hiệu này để xâm nhập thị trường Âu Châu. Tuy nhiên những bước đầu tiếp thị là những bước rất khó khăn, nhất là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tham tán thương mại của các tòa đại sứ Việt Nam tại Châu Âu có thể giúp đỡ làm cầu nối giữa các bên.

Về đầu tư tài chính tại vùng Đông Nam Á, các ngân hàng đua nhau mở rộng cửa để đón nhận đầu tư trên thế giới, hơn thế nữa phong trào kết nối các sàn chứng khoán đang nổi dậy, nhà đầu tư có thể trên một sàn giao dịch mua bán cổ phiếu trên nhiều sàn của những quốc gia khác. Việt Nam, nếu muốn có một vị trí quan trọng trên thị trường đầu tư, bắt buộc phải giữ tính cách cạnh tranh và tạo tối đa thuận tiện cho nhà đâu tư. Trước tiên ta phải rà soát lại kỹ càng, những thủ tục hành chính áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm thiểu tối đa những phiền toái, nhưng vẫn không quên những biện pháp chống rửa tiền mà ta đã cam kết trong hiệp định EVFTA. Trong dịch vụ đầu tư tài chính, những trung gian như ngân hàng hay công ty quản lý tài sản đóng một vai trò tối quan trọng họ : là người tư vấn rồi thực hiện đầu tự, khi họ được ủy thác toàn bộ thì họ chính là người chọn lựa rồi đầu tư cho khách hàng. Do vậy những trung gian này trên thị trường EU chính là tâm điểm để vận động đầu tư vào việt Nam. Để tiếp cận nhóm trung gian tài chính ta không thể thụ động, ngồi chờ họ sang Việt Nam khảo sát thị trường, ta phải đến với khách hàng, qua thẳng Châu Âu trình bầy cụ thể những doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn từ EU.

Để thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ EU, ta sẽ áp dụng triệt để mô hình tăng trưởng nói trên với hai nét chính là chất lượng và phát triển bền vững. Có nghĩa là ta sẽ kêu gọi và trợ giúp doanh nghiệp EU thiết lập cơ xưởng ở Việt Nam nếu họ hoàn toàn đi theo chủ trương chất lượng và phát triển bền vững, thêm vào đó sự hợp tác phải đặt trên một căn bản lâu dài và họ giúp ta sản xuất phụ liệu cần thiết và chuyển giao công nghệ thông qua những chương trình đào tạo học nghề nói ở trên và thiết lập những trung tâm nghiên cứu, phát triển (R&D) của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trên căn bản đó và khi theo đúng những tiêu chuẩn đã định họ sẽ đươc quyền sử dụng thương hiệu ‘sản xuất ở Việt Nam’ để một mặt nâng cao giá trị của sản phẩm, mặt khác hưởng những quyền lợi xuất khẩu với những hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết.



Phạm Nam Kim


Chú thích :


1 Xem loạt bài Hội nhập quốc tế, cơ hội và phát triển của tác giả trên mặt báo này : bài 1, bài 2, bài 3.

2 Vietgap: viết tắt của vietnamese good agricultural practices – tiêu chuẩn rau quả sạch của VN

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss