Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Sáu điều vênh và bốn cái mù mờ

Sáu điều vênh và bốn cái mù mờ

- Diễn Đàn — published 13/03/2007 16:10, cập nhật lần cuối 14/03/2007 20:48
Nhận định của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về tuyển tập 100 bài thơ "hay nhất thế kỷ". Thông tin và bình luận thêm của Diễn Đàn. Lần cập nhật ngày 14.03.2007 có thêm hai tài liệu chép từ những đường dẫn khó vào.

 
Về cuốn
100 bài thơ hay nhất thế kỷ

 

Diễn Đàn : Chúng tôi vừa nhận được bản sao lá thư sau đây do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gửi. Xin đăng lại để bạn đọc tham khảo. Với thông tin trong mục "thấy trên mạng" ngày 07.03.2007, chúng tôi nghĩ nói về vấn đề này như thế là đủ ; và qua lá thư bạn đọc rất dí dỏm nhận được ngày 09.03.2007 mà chúng tôi đã chuyển ngay lên mạng, chúng tôi nghĩ là như vậy đã có được sự đồng cảm. Nhưng sau đó được đọc bài của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trên Talawas, mà Diễn Đàn đã giới thiệu ngay, và lá thư dưới đây của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, chúng tôi nhận thấy cần thông tin thêm với bạn đọc và viết rõ hơn những nhận định của mình ở phần sau bài này.

 

Thư gửi bạn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:


Gửi bác Trần Nhương,

Tôi đọc trang Web của bác về sự kiện / sự cố 100 bài thơ hay thế kỷ XX:

http://trannhuong.com/index.php?option=com_content&task=view&id=304&Itemid=28 (*)

mới biết được một phần câu chuyện bình chọn và xuất bản cuốn sách này. Tôi cũng đã được xem danh sách 100 bài thơ của 100 tác giả đăng trên nhiều báo viết, báo mạng.  Mặc dù có bài thơ của tôi trong danh sách được công bố, nhưng tôi vẫn rất không đồng tình một số điểm như sau:

  1. Quá ít những bài thơ của các nhà thơ xuất hiện sau 1975. Một phần tư thế kỷ ấy chả lẽ lại có quá ít những nhà thơ xứng đáng được tuyển chọn? Đấy là cái vênh thứ nhất.
  2. Quá ít những nhà thơ miền Nam rất nổi tiếng, có đóng góp cho sự cách tân thơ Việt từ sau 1954 đến nay. Tôi nghĩ, cho dù bây giờ họ ở đâu, làm gì, thì những bài thơ có giá trị của họ vẫn còn đó. Nếu thực sự muốn chọn những bài thơ hay của dân tộc Việt thế kỷ XX thì dứt khoát phải căn cứ vào bài thơ mới bảo đảm khách quan. Điểm này rõ ràng là không vô tư với Thơ. Đấy là cái vênh thứ hai.
  3. Nhiều nhà thơ bị chọn nhầm bài thơ Hay Nhất của họ. Ví dụ muốn chọn Hữu Loan thì phải chọn Màu Tím Hoa Sim chứ không thể là Đèo Cả. Đấy là cái vênh thứ ba.
  4. Một số bài thơ được chọn chất lượng quá tầm thường so với những bài không được chọn của các tác giả khác. Đấy là cái vênh thứ tư.
  5. Một số tên tuổi nhà thơ được chọn không thực sự nổi tiếng vì họ không có bài thơ nào thực sự vượt lên để trở thành bài thơ hay. Điều này khiến người ta nghi ngờ Hội đồng thẩm định thiên vị, thiên kiến cá nhân. Đấy là cái vênh thứ năm.
  6. Phần lớn những bài thơ được chọn ngả theo xu hướng bình dân hơn là bác học. Có thể hầu hết người tham gia bình chọn chỉ là người đọc thơ nghiệp dư. Vì thế hạn chế sự tiếp nhận thơ cách tân hiện đại. Điều đó khiến cho cách nhìn thơ Việt thế kỷ XX có cảm giác trì trệ, không đúng với diện mạo thực của nó. Đấy là cái vênh thứ sáu…

Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể điều chỉnh được một mặt chuẩn tốt hơn bằng những cuộc bình chọn khác, rộng rãi hơn, thận trọng hơn, nghiêm cẩn hơn. Không biết bác Trần có đồng ý với tôi không?

   

NGUYỄN TRỌNG TẠO

11/3/2007


Bình luận và thông tin thêm của Diễn Đàn

   

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói rất rõ về năm cái danh bất chính và sáu điều vênh của tuyển tập thơ, dựa trên giá trị nội tại của nó. Chúng tôi đồng tình và chia sẻ những nhận định đó.

Tuy nhiên, theo thiển ý, thơ hay vừa mang hơi thở của một thời đại vừa mang tâm tư và ngôn từ rất chủ quan của thi sĩ, do đó người đọc cũng có quyền có những đánh giá chủ quan của mình. Vì thế có thể nói ai (cá nhân hay tập thể) tuyển chọn cũng được, (những) người đó có thể được tin cậy hay không, là do khả năng và uy tín của mình; độc giả, các nhà phê bình, các nhà thơ, và cuối cùng lịch sử văn học sẽ đánh giá thành công hay thất bại của cuộc tuyển chọn đó. Về phần mình, không phải là một tờ báo chuyên về văn học, Diễn Đàn muốn đóng góp về một khía cạnh khác. Khía cạnh trong sáng của việc tổ chức tuyển chọn.

Vấn đề ở đây, theo chúng tôi, là sự mù mờ trong tuyển chọn và trong thái độ đối với độc giả "tuyển tập", cũng như đối với những người đã tham dự vào cuộc thi tuyển chọn. Cái nguy hiểm là người mua sách và người tham gia bình chọn đã bị đánh lừa, do vừa bị quyến rũ vừa bị hù doạ mua sách vì cái tên một nhà xuất bản tuy đã bị rất nhiều tai tiếng nhưng vẫn có ảnh hưởng không nhỏ trong giáo dục, bới đây là nhà xuất bản của bộ giáo dục, được độc quyền in sách giáo khoa. Xin đọc Lê Lựu, trong bài báo tuổi trẻ đã dẫn : giúp NXB Giáo Dục nhìn lại được thẩm mỹ thơ của công chúng và giúp họ có sự lựa chọn rộng rãi và mềm mại hơn khi đưa thơ vào chương trình giáo dục...

Theo chân hai ông Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Trọng Tạo chúng tôi xin nêu ra bốn cái mù mờ như sau : 

  1. Tính đại diện mù mờ: Người tham gia tuyển chọn là ai ? nếu đó là những người có liên hệ đến "trung tâm văn hoá doanh nhân" thì diện độc giả ấy không thể là mô hình thu nhỏ của xã hội VN, cũng không có thẩm quyền gì đặc biệt về văn học. Và không có lý do gì khiến cho bộ văn hoá thông tin, nhà xuất bản giáo dục, lẫn hội nhà văn, đều phải đỡ đầu cho một "tuyển tập" như thế, lại còn làm một chiến dịch tiếp thị quảng cáo rùm beng, chiếm diễn đàn của ngày thơ và trên rất nhiều báo chí (nhưng thực sự chỉ lặp lại hai bài, bài của Hà Linh trong eVăn, mà lúc đầu chúng tôi lầm tưởng là không đáng nói đến; và bài của tuổi trẻ đã dẫn, bài này khởi đầu làm một phản biện yếu ớt; có vẻ khách quan, nhưng kết quả là một thứ phản biện - quảng cáo).
  2. Đề thi mù mờ: Nếu chọn 100 người mỗi người một bài thì phải nói trước trong thể lệ cuộc chơi (**) là như vậy.  Đằng này thể lệ chỉ yêu cầu mỗi người chọn một số bài thơ hay (tối đa là 100)... cái đó khác hẳn với việc chọn 100 nhà thơ mỗi người một bài thơ hay. Mở ngoặc, trong thể lệ có viết là : bài thơ tuyển sẽ vi phạm lệ thi nếu đã in ở ngoài lãnh thổ Việt Nam (sic). Không nói về cái ý đồ loại trừ đọc mãi mới đoán ra, đây là một câu văn phản nghĩa : thơ Hồ chủ tịch, Tố Hữu, Xuân Diệu ... đã in ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhiều lắm. Trình độ tiếng Việt của những người tổ chức cuộc tuyển chọn là như thế đấy.
  3. Kết quả mù mờ: Nếu kết quả là do độc giả tuyển chọn thì phải có chứng cớ, và lúc đếm điểm phải công khai (chẳng hạn có luật sư chứng kiến và làm biên bản). 100 bài thơ được nhiều điểm nhất sẽ được chọn. Đó cũng là một cách làm tuyển tập thơ, na ná như người ta bầu hoa hậu... nếu minh bạch thì tại sao không ? Miễn là sau đó không xào xáo, vì như thế là gian lận với những người tham dự. Còn thơ tuyển như thế có hay hay không là chuyện khác. Có thể có một bài thơ hay nhất của thi sĩ thứ hai muơi ba hay không ? lại là một chuyện khác nữa. Thời buổi kinh tế thị trường ai cũng có thể nghĩ ra những cách làm tiền khác nhau, ngu xuẩn không phải là một tội, gián tiếp coi mọi người khác là ngu xuẩn cũng không phải là một tội, chỉ cần anh không vi phạm pháp luật. Mà một người tham dự cuộc chơi này hoàn toàn có thể đưa những người tổ chức ra toà vì tội gian lận. Nhà xuất bản Giáo dục và Trung tâm văn hoá doanh nhân học tập kinh tế thị trường thật chưa đến nơi.
  4. Xào xáo mù mờ: Vì ở đây có xào xáo, theo nghĩa đó không phải là kết quả thực thụ, kết quả thực thụ nhiều lắm chỉ có giá trị tham khảo. Những tuyên bố úp mở của ông Lê Lựu trong bài báo đã dẫn và câu sau đây trong trạm của bộ văn hoá thông tin cho thấy rõ điều ấy : Ban Tổ chức và Ban Giám khảo đã lựa chọn một cách công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm trong hàng vạn bài thơ của hàng nghìn tác giả đã được công bố trên thi đàn văn học Việt Nam trong suốt thế kỷ XX, qua sự sàng lọc của hàng nghìn “thí sinh” đồng thời là “giám khảo”... Nếu cần một bằng chứng nữa của sự xào xáo thì đó chính là bài thơ Nguyên Tiêu. Bài thơ chữ Hán độc nhất trong "tuyển tập" đó sao lại có cái tựa quá trùng hợp với ngày thơ. Chỉ có thể suy ra là bài này bị đưa vào để cho "ai đó" có danh nghĩa làm tiếp thị. Ngoài ra, ai làm công việc xào xáo? độc giả không biết. Xào xáo theo những tiêu chuẩn nào? độc giả không biết. Không ai có trách nhiệm. 

Cuối cùng đây là một "tuyển tập" không có ai tuyển cả.

Thật tội cho chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tên ông đã được người ta dùng trong một phi vụ mờ ám, điều này không liên hệ gì với việc ông là một thi sĩ cổ điển lớn. Tội cho ngày thơ, một sáng kiến sẽ hay một khi được tổ chức rộng rãi, nghiêm túc, và dân chủ. Tội cho độc giả "tuyển tập", và tội cho chúng tôi phải bình luận về những việc như thế này.

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, chúng tôi cho rằng cái gốc của "phi vụ" này là ý đồ làm tiền đơn thuần. Đó là căn nguyên của một cách làm việc thiếu đạo lý nghề nghiệp, thiếu tự trọng và khinh thường độc giả. Ý đồ đã như thế và cách làm việc như thế thì nội dung kết quả không thể khác, bàn thêm chỉ mất thì giờ.

   
Tài liệu :

   

Một số bạn đọc phản hồi là có hai đường dẫn khó vào, chúng tôi xin chép lại đây làm tài liệu những thông tin đã đọc được : trang Blog của nhà thơ Trần Nhương và thể lệ cuộc thi (đã được rút gọn nhưng không đổi chữ nào). Hai tài liệu này cho thấy : Một là cuộc thi được dự kiến kết thúc cuối năm 2005 để công bố vào ngày thơ 2006; cuối cùng cần thêm 1 năm để xào xáo kết quả ??? Hai là những khuất tất !!! của Hội nhà văn, điều này xin miễn bàn.
   


(*) Ai đứng ra tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ 20 ?

   
Trích trang Blog của nhà thơ Trần Nhương

  

Tại đêm thơ Nguyên Tiêu, Ban Tổ chức tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ 20 công bố kết quả các cơ quan đứng ra tổ chức lấy ý kiến bình chọn gồm: Trung tâm văn hoá doanh nhân, Nhà xuất bản Giáo dục, Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi nghi ngờ, vì tôi là người làm việc ngay tại cơ quan Hội Nhà văn mà không hề biết có “vụ” này. Tôi sợ mình bận mà không để ý nên đi hỏi nhà thơ Nguyễn Hoa, phó ban thường trực ban Tổ chức-Hội viên. Nhà thơ Nguyễn Hoa trả lời tôi: Hội Nhà văn không tham gia vụ này. Tôi hỏi nhà văn Đào Thắng, Chánh văn phòng Hội. Ông Đào Thắng nói; Hội không tham gia bình chọn nhưng tổ chức đêm thơ ấy thì bị sức ép nên đành đứng tên.

Như vậy về việc tuyển chọn thơ Hội Nhà văn không tham gia. Vậy mà người ta vẫn giới thiệu cơ quan này trong những đơn vị tuyển chọn. Do nhầm lẫn ư ?

Việc tổ chức tuyển chọn thơ, hay tuyển tập này nọ là chuyện bình thường. Và người tuyển chọn bao giờ cũng mang dấu ấn của mình vào công việc đó và họ chịu trách nhiệm. Thế kỷ trước Hoài Thanh, Hoài Chân đã để lại Thi nhân Việt Nam lừng lẫy.

Theo Ban tổ chức thì do bạn đọc xa gần gửi về sự chọn lựa của mình. Biết vậy. Và đằng sau nó là gì chỉ có những người tham gia làm việc đó mới biết...Điều chắc chắn là những người thực hiện phát hành cuốn sách này bán chạy. Và các nhà doanh nghiệp ngồi sẵn chờ Diễm Quỳnh thò micro đến là đọc thơ và nói cho đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra...

Chiều 9-3-2007, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Thái Thăng Long từ Sài gòn. Ông cũng bức xúc về việc này, ông nói ngày mai ông trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên. Mời các bạn đón đọc xem nhà thơ nói gì.

07.03.2007, cập nhật 09.03.2007


(**) Cuộc thi “Chọn những bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX”

 

Trích trang thông tin của Đại Học Quốc Gia Hà Nội :

 
Trong năm 2005, hai đơn vị: Tạp chí Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục đồng tổ chức cuộc thi "Chọn những bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX". Mời các bạn cùng tham gia cuộc thi.

1. Đối tượng dự thi : Tất cả người Việt Nam hiện đang sống ở trong nước và ngoài nước, các bạn nước ngoài quan tâm đến Văn học Việt Nam (không phân biệt lứa tuổi, đẳng cấp [Diễn Đàn : hoá ra nước ta là nước có nhiều đẳng cấp, như Ấn Độ ???], tôn giáo đều có thể tham gia dự thi). (...)

2. Nội dung : Mỗi người chọn từ 1 - 100 bài (ghi rõ tên bài thơ, Tác giả), các bài thơ đã được công bố trên lãnh thổ Việt Nam, của tác giả là người Việt Nam, trong thời gian thế kỷ XX.

Dự đoán số người đồng ý với cách chọn của bạn.

3. Thời gian nhận bài: Từ ngày 1/3/2005 đến 24h ngày 31/12/2005.

4. Nơi gửi bài dự thi: Tòa soạn đặc san Văn hóa Doanh nhân Việt Nam - Nhà 1 ngõ 319, đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai - TP. Hà Nội.

5. Bài thi không hợp lệ: Chọn vượt quá 100 bài thơ; Thiếu tên bài, hoặc tên tác giả; Gửi sau 24h ngày 31/12/2005; Tác giả không phải là người Việt Nam, bài thơ đã in ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

6. Giải thưởng: (...)

7. Thời gian trao giải: Tháng 2/2006 (Tết Nguyên Đán năm Bính Tuất); Những tác phẩm được chọn, sẽ được đăng thành tuyển tập.

NXB Giáo dục [Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005]
   

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss