Tết
Tết
Chỉ còn mấy hôm nữa
là tết. Mình ở Mỹ, nếu thỉnh
thoảng không vào mạng để đọc
tin tức Việt Nam thì chắc cũng không
biết là tết đã gần kề.
(Thoáng giật mình, mau quên đến
thế sao?) Thứ Tư tuần tới là giao
thừa. Ở Việt Nam giờ này đã
là tết. Tết có nghĩa là tất
cả mọi thứ đều hối hả trong
niềm vui, trong sự phấn khởi, háo hức
để chuẩn bị cho một hy vọng tuy mơ
hồ nhưng cảm giác lại rất thật,
đó là sang năm mới sẽ khá
hơn, tốt hơn. Nhìn trên home page của
bất kỳ một trang web nào của Việt
Nam cũng thấy nào là: hoa mai, hoa đào,
ông đồ, tràng pháo, bánh tét,
bánh chưng v.v. Không khí tết từ
đời sống thực đi vào thế
giới ảo tự nhiên, sinh động như
nó vốn thế tự bao giờ. Nguời
Việt mình theo survey
là dân tộc có
chỉ số lạc quan đứng vào top
ten
so với thế giới cũng đúng. Dù
nghèo đến mấy ngày tết cũng
tinh tươm, cũng cố gắng có một
nụ cười tươi để chào
nhau khi tết đến.
Ở đây thì thật buồn, nhìn ra chẳng thấy gì, có gì. Vẫn là một ngày của mọi ngày. Đi, về, công việc bình lặng. Tết của tây thì mình không phải là tây nên không vui được. Tết của ta thì mình lại không ở ta, thành ra trật lất. Lâu rồi tưởng đã quen, nhưng không, cứ mỗi lần đến gần tết có người nhắc, lại không tránh được cảm giác bùi ngùi. Bài thơ “Cuối năm uống rượu một mình” mình viết ra từ cả chục năm về trước mà năm nào đọc lại cũng thấy buồn dứt ruột.
“… Rót
chén về đông, đông xa ngàn
dặm
Ngữa cổ mời tây, tây mãi
lạnh lùng
Bạn hữu xa, ngại đường
không muốn tới
Láng giềng gần,
không chung nỗi buồn vui
Tàn đêm
cuối năm lung linh chiếc bóng
Hồ
trường, hồ trường rót mãi
về đâu…”
(câu cuối trích từ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc)
Mấy năm gần đây, tết thì mình xuống chùa. Chùa cố gắng tổ chức lễ đón giao thừa cho đồng hương, Phật tử mỗi năm. “Mái chùa che chở hồn dân tộc…” Thầy nói thế. May thay ít nhất cũng còn có tết, dù rằng chỉ ở trong chùa. Không rượu, nhưng có trà. Không thịt thà, nhưng có bánh chưng chay, có dưa món đậm đà. Không có bà con cật ruột, nhưng có tình thầy trò, đồng đạo, đồng hương. Không pháo nổ, nhưng ba hồi chuông trống Bát Nhã đón xuân cũng rộn rã, ấm lòng.
Người Việt ra đi mang theo quê hương, tết ở xứ người tuy không rộn ràng, ầm ĩ, có hoa, có pháo, nhưng ở một khoảng trời riêng, tết vẫn về trên nén hương khiêm tốn thắp lên trong thời khắc giao thừa để khấn vái với Phật, Trời, tổ tiên, nguyện cầu cho quê hương thanh bình an lạc.
Phải thế không?
Trước thềm năm mới, kính chúc quý bạn một năm Tân Mão an khang, tốt đẹp.
Lũy
Các thao tác trên Tài liệu