Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Thư bạn đọc, 25.11.2006

Thư bạn đọc, 25.11.2006

- NNG — published 25/11/2006 14:22, cập nhật lần cuối 14/03/2007 11:22
Phê bình bài viết "quá dở" về Phạm Xuân Ẩn...


Lại hỏi về nhân vật Phạm Xuân Ẩn



Sau khi đọc bài về ông Phạm Xuân Ẩn của Nguyễn Ngọc Giao đăng trên Diễn Đàn, tôi nhận được một bài phê bình đã đăng trên mạng ở Mỹ, do một người bạn gửi cho, không đề rõ xuất xứ. Tôi tóm tắt mấy điểm chính, theo như tôi hiểu :

- Ông NN Giao cho rằng Edward Lansdale là "trưởng đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US-MAAG)", thực ra Lansdale chỉ ở trong nhóm SMM (Saigon Military Mission, 1954-55) làm "báo cáo nhân sự và tình hình chính trị".

- Trong hai năm 1957-59 mà Phạm Xuân Ẩn làm được quá nhiều chuyện : học (và tốt nghiệp) đại học cộng đồng (Orange Coast College), thực tập làm báo ở Sacramento Bee, Liên Hiệp Quốc và đi thăm nhiều tiểu bang ở Mĩ. 

- Đầu năm 1952 vào bưng được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trao cho nhiệm vụ làm tình báo chiến lược, nhưng đến năm 1953 mới được kết nạp vào Đảng cộng sản, nói như vậy là ông NNG không hiểu gì về tổ chức và tập quán của Cộng sản, không đời nào họ trao một công việc hệ trọng như vậy cho một người chưa phải là đảng viên cả.

- Một sai lầm (nhỏ) : ông NNG viết trong đợt hai Mậu Thân 1968, Phạm Xuân Ẩn "kiên quyết đề nghị chấm dứt những cuộc oanh kích không tác dụng và thất nhân tâm". Không quân Mỹ mới oanh kích, đề nghị Mỹ ngừng oanh kích thì thậm vô lí. Còn nếu đề nghị với lãnh đạo Cộng sản thì phải nói "pháo kích" chứ ?

- Viết một bài nhiều sai lầm và quá dở như vậy, phải chăng chỉ để tung ra quả bóng thăm dò là hàm ý ông Trần Kim Tuyến là "hai mang", vừa làm cho chế độ ông Diệm vừa làm cho Hà Nội (vì vậy mà Phạm Xuân Ẩn mới giúp ông Tuyết chạy thoát ngày 29.4.1975).

Tôi hiểu rằng Diễn Đàn không muốn tranh luận với những tờ báo như vậy. Song sự im lặng của quý vị có thể bị hiểu là kênh kiệu. Và nhất là, nó không giúp độc giả đào sâu những vấn đề mà bài báo và bài phê bình nêu lên.

HN, Marseille, Pháp

Xin lần lượt trả lời các điểm ông nêu trong thư :

1. Tác giả bài phê bình hoàn toàn có lí khi ông viết rằng tôi đã nhầm lần MAAG và SMM. Nhưng SMM không chỉ có nhiệm vụ "báo cáo", hay "chiến tranh tâm lí", mà rộng hơn : nó tiến hành "chiến tranh không quy ước", tổ chức phá hoại miền Bắc, và hơn một lần cứu vãn chế độ Ngô Đình Diệm (mà có lúc chính đại sứ Mĩ muốn bỏ rơi). Tất nhiên, vai trò của Lansdale không lớn như ông ta khoe khoang trong hồi kí The Midst of Wars (1972) nhưng rất quan trọng (xem Hồ sơ Lầu năm góc và những nghiên cứu lịch sử nghiêm chỉnh). Quan hệ "thân thiện" giữa Lansdale và Phạm Xuân Ẩn, các nhà báo Mĩ biết khá rõ và đã viết khá nhiều, xin miễn nhắc lại.

2. Trong hai năm 1957-59, Phạm Xuân Ẩn theo học báo chí ở Orange Coast College, sau đó đi thực tập (intern) ở báo Sacramento Bee và Liên Hiệp Quốc. Việc thực tập không mâu thuẫn với việc học mà nằm trong học trình. Thêm vào đó là những cuộc du lịch một số bang Hoa Kì, tôi nghĩ không có gì ghê gớm. Tất nhiên, so với một số người ở Orange County ba mươi năm mà chưa bao giờ ra khỏi biên giới California thì đi và làm như ông Ẩn cũng hơi khác thường. Cũng nên mở ngoặc : Phạm Xuân Ẩn là nhà báo Việt Nam duy nhất được tuyển chọn làm nhà báo "thực thụ" cho tuần báo Time (chứ không đơn thuần là "cộng tác viên bản xứ"), điều này chắc cũng chứng tỏ khả năng nghiệp vụ của ông.

3. Tôi viết 1953 là năm Phạm Xuân Ẩn được kết nạp, lẽ ra nên viết rõ hơn : năm 1953, ông Ẩn được chính thức kết nạp (ở Cà Mau, buổi lễ do chính ông Lê Đức Thọ chủ trì). Theo tập tục của Đảng cộng sản, trước đó một (hay hai) năm là giai đoạn dự bị : ông Ẩn đã được ông Phạm Ngọc Thạch kết nạp làm đảng viên dự bị từ năm 1952. Điều quan trọng ở đây là vấn đề tín nhiệm. Tác giả bài phê bình có lí khi ông căn cứ vào thực tiễn cứng nhắc, càng về sau càng cứng nhắc của ĐCS (tất nhiên, hiện nay, sự cứng nhắc đã nhường chỗ cho hình thức, tiền và quyền). Nhưng trước khi chủ nghĩa Mao lan truyền vào Việt Nam (từ năm 1950, nhưng chỉ tập trung ở chiến khu Việt Bắc, đến năm 1954 vẫn chưa vào tới Nam Bộ), không nhất thiết như vậy. Theo các chứng từ (có thể xem Autobiographie của Georges Boudarel, nhà sử học Pháp, đã tham gia kháng chiến từ năm 1950, làm việc dưới trướng bác sĩ Thạch) thì Phạm Ngọc Thạch là một con người vừa nguyên tắc vừa phóng khoáng, cả quyết và "chịu chơi". Bản thân ông Thạch cũng không phải "không có vấn đề", ít nhất trong con mắt của "bộ máy tổ chức" : ông vào đảng từ trước Cách mạng Tháng Tám, nhưng do Trần Văn Giàu kết nạp, lại làm thủ lãnh Thanh niên Tiền phong, bị cán bộ Thanh niên Cứu quốc ở Nam Bộ chụp mũ là "tổ chức thân Nhật". Ấy vậy mà cuối năm 1945, khi ông ra Hà Nội, chỉ gặp chủ tịch Hồ Chí Minh một lần, chủ tịch đã trao cho ông Thạch công tác đối ngoại của kháng chiến. Và trên thực tế, từ cuối 1945 đến đầu năm 1950 (khi chiến khu Việt Bắc nối liền với Trung Quốc), quan hệ đối ngoại của chính phủ kháng chiến đều tiến hành từ Nam Bộ, ông Thạch đã đi Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ... để liên lạc với các nước (kể cả Hoa Kì và Liên Xô). Tiếc rằng cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào về cuộc đời của Phạm Ngọc Thạch cho xứng đáng với tầm cỡ con người này. Trở lại năm 1952, theo lời ông Ẩn kể lại cho một nhà báo Mĩ, ông vào đảng sau khi đọc bản điều lệ "bằng tiếng Pháp". 

4.  Trong những năm 60 ở miền Nam, chữ "oanh kích" thường được dùng để nói tới hoạt động không quân "Hoa Kì và đồng minh". Chắc vì thế mà tác giả bài báo tưởng rằng oanh kích có nghĩa là thả bom hay bắn pháo từ máy bay. Nếu chịu khó tra từ điển, ông sẽ biết là oanh chỉ có nghĩa là ầm ầm, và rộng hơn là nã, bắn ầm ầm (tuy nhiên, trong thực tế, chữ oanh tạc thường chỉ dùng cho máy bay, có lẽ từ khi một loại máy bay được gọi là oanh tạc cơ). Oanh kích (Từ điển Hán Việt cổ đại và hiện đại, Trần Văn Chánh, nxb Trẻ, in lần thứ hai, 2001, tr 1969) có hai nghĩa : bắn pháo vào, nã pháo vào (quân sự),  bắn phá (nơtrôn, trong vật lí học). Chiến tranh đã chấm dứt được hơn 30 năm rồi, có lẽ không nhất thiết phải bắt chữ "oanh kích" cuốn gói đi luôn theo gót không quân Hoa Kì. Cũng như ở phía bên kia, một thời, đã "ý đồ" thì phải đen tối (vì là của kẻ địch, ta thì chỉ có "ý định", pilot Mĩ nhất thiết là giặc lái, chỉ có pilot ta mới có thể làm phi công). Tóm lại, oanh kích là chữ tôi dùng, và tôi xin giữ nguyên. Tôi không biết ông Ẩn dùng chữ gì, oanh kích hay pháo kích. Chỉ mong rằng, nếu chẳng may ông cũng dốt như tôi, dùng nhầm chữ oanh kích, thì không bị ghim vào lí lịch là... mất lập trường.

5.  Đây là lần đầu tiên tôi được nghe tới giả thuyết ông Trần Kim Tuyến là "hai mang", nhị trùng... Cho đến nay, đối với việc ông Phạm Xuân Ẩn cứu sống ông Trần Kim Tuyến, người ta chỉ thường, hoặc nói rõ, hoặc hàm ý, rằng : phải chăng chính ông Ẩn, nếu không "hai mang" thì cũng "một mang... rưỡi" nên mới để ông Tuyến đi để "phi tang", hoặc là ông Ẩn quá tình nghĩa (tức là mất lập trường) đã để lọt một tên tội phạm to lớn...  Theo sự hiểu biết hạn chế của tôi về ông Phạm Xuân Ẩn, việc ông quyết định cứu giúp ông Trần Kim Tuyến tuân theo những nguyên tắc hành xử mà ngay từ lúc ngày đầu làm công tác tình báo, ông đã tôn trọng :

- làm báo với tất cả tinh thần nghiệp vụ và nguyên tắc đạo lí của nghề báo : trung thực, bảo vệ danh tính người cung cấp tin tức, không lèo lái thông tin, phân tích theo chiều hướng thiên lệch... (điều này các đồng nghiệp ở Time, Reuters đều thừa nhận)

- đối xử nhân nghĩa với mọi người, nhất là những người đã (vô tình, tất nhiên, vì ông Ẩn hoạt động "đơn tuyến") cung cấp tin tức hay giúp đỡ mình. Riêng ông Trần Kim Tuyến, thì theo lời ông Ẩn: đã hơn một lần, ông Tuyến đã "cứu" ông khỏi sự tình nghi của Mĩ và mật vụ chính quyền Sài Gòn.

Các nhà báo Mĩ còn cho biết đầu thập niên 1970, Phạm Xuân Ẩn đã can thiệp thành công để cứu mạng đồng nghiệp người Mĩ, Anson, bị Khơ me đỏ bắt tại Cam pu chia. Hành động này phù hợp với nguyên tắc đạo lí nói trên, nhưng có thể nguy hại đến vị trí, thậm chí tính mạng của ông, vì làm như vậy, có thể lộ ra mối liên hệ của ông với "phía bên kia". Sau năm 1975, nghe nói nhà báo Anson, khi biết rõ sự tình, đã "thờ sống" ân nhân. Đồng nghiệp thì biết ơn hay cảm phục, còn đồng chí thì không biết có ai trách ông về chuyện này không. Về vụ cứu Trần Kim Tuyến thì có (xem lời tuyên bố "nhẹ nhàng" của ông Trần Quốc Hương mà tôi có trích dẫn trong bài).

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn ông và tác giả bài phê bình đã chỉ rõ cho tôi về sự nhầm lẫn giữa MAAG và SMM. Mong rằng những 5 điểm nói trên đáp ứng yêu cầu thông tin và tìm hiểu của bạn đọc. Cũng như ông, chúng tôi không quan tâm tới những định kiến còn làm cho người này người kia chưa thoát khỏi bệnh chụp mũ.

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss