Về cuốn "Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam" của F. Guillemot
Thư bạn đọc
Về một tác phẩm của François Guillemot
Mới đây, ngoảnh đi ngoảnh lại đã bốn năm rồi, có một quyển sách được xuất bản, Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam, tác giả François Guillemot. Nay trong cộng đồng Việt Nam ở Pháp thấy nhiều người bắt đầu đọc. Sách nghiên cứu rất công phu về cuộc tranh đấu cho độc lập, tự do, của những người Việt không theo chủ nghĩa cộng sản. Có lẽ chưa bao giờ có một tác phẩm quy mô này (hơn 700 trang), về đề tài này.
Chủ đề là đảng Đại Việt. Tôi không biết Đại Việt lắm nên không dám phê bình những thông tin về Đại Việt. Tuy nhiên, sách nói là Đại Việt đã cố gắng đưa cựu Hoàng Bảo Đại về nước. Theo tôi biết, những người quốc gia thật sự thời bấy giờ trông vào Bảo Đại để lãnh đạo cuộc tranh đấu chống thực dân, nhưng mong ông ở ngoài để khỏi bị gò bó trong tay người Pháp. Chính đức Từ Cung, mẹ của cựu Hoàng cũng đã viết một bức thư cho con (Ngài bình dân gọi cựu Hoàng là "con tôi"), khuyên đừng về nước. Cá nhân vài người Đại Việt tôi biết, như Nghiêm Xuân Việt chú ruột tôi, Trần Trung Dung đồng chí thân cận nhất của bố tôi hồi bấy giờ, cũng nghĩ như thế. Lập trường chính thức của đảng Đại Việt thì thế nào ? Tôi không dám nói. Nhưng điều này chắc cũng cần phải xét kỹ.
Về Việt Nam Quốc Dân Đảng và Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện (bố tôi), được VNQDĐ (và một số người Đại Việt) ủng hộ, thì mọi thông tin sách cho ra sai hết. Sai vì phương pháp làm việc sai.
Vợ đầu tiên của François Guillemot là cháu (petite-fille) của Lê Ngọc Chấn. Những thông tin viết trong sách đều từ Lê Ngọc Chấn đưa ra, mà không có văn kiện làm chứng. Những văn kiện giấy trắng mực đen có đấy thì không đọc : báo Thời Sự của Nghiêm Xuân Thiện, báo chí Pháp ở Hà Nội trong những năm 1948-1949, hồ sơ của chính quyền Pháp về Tổng Trấn Bắc Phần, hồi ký của Nguyễn Xuân Chữ ; lại còn một sự kiện quan trọng là vở kịch Hoàng Diệu của Nhượng Tống được Tổng Trấn cho diễn ờ nhà Hát lớn thì hoàn toàn không biết đến. Lấy tin chỉ từ một nguồn như thế, không thể đi đến sự thật.
Nhiều chi tiết cho ra trong sách rất sai sự thật.
Nói là Việt Nam Quốc Dân Đảng ghét Nghiêm Xuân Thiện vì "theo Tây". Sự thật thì ngược lại. VNQDĐ chung quanh Nhượng Tống ủng hộ Tổng Trấn rất nhiệt liệt trong cuộc đương đầu với thực dân. Nhiều tỉnh trưởng là VNQDĐ (cũng có người là Đại Việt). Các đồn chung quanh Hà Nội đều do nghĩa quân VNQDĐ đóng. Về sau, Nguyễn Hữu Trí khi nhậm chức Thủ Hiến phải đợi người Pháp tước khí giới các đồn đó rồi mới về.
Nói là Thời Sự vận động cho Bảo Đại về nước. Sự thật không hẳn thế. Mong Bảo Đại lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập, nhưng mong ông ở ngoài để giữ tự do đối với người Pháp. Đọc nhanh thì nghĩ là mong cho làm lãnh đạo dĩ nhiên phải mong về. Người ta thường khó hiểu nhau là vì thế. Nghe được một chữ đã nặn ra cả một câu, lôi ra từ những gì mình có sẵn trong đầu, không cần nghe đối tượng nói thêm gì nữa. Thật ra, sau khi Bảo Đại về nước, bố tôi đã cho hạ ảnh của ông, trước treo lớn trong phòng làm việc.
Nói là Nghiêm Xuân Việt từ Hong Kong về làm đổng lý văn phòng cho Tổng Trấn. Thật ra là từ Côn Minh, nơi tụ họp nhiều người cách mạng không cộng sản hồi bấy giờ. Nói Hong Kong người ta tưởng là ở với ông Bảo Đại. Và tiếng Pháp nói là làm Chef de Cabinet cho Tổng Trấn, thật ra là làm Directeur de Cabinet (Chef de Cabinet là người đứng đầu đội thư ký đánh máy), ăn nói cẩu thả như thế không giúp độc giả hiểu rõ.
Còn vụ ám sát Trương Đình Chi. Nói là bị nhầm với Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện. Ở thời điểm đó Nghiêm Xuân Thiện chưa làm Tổng Trấn. Hôm đó Trương Đình Chi từ nhà ra, ô-tô kính kéo xuống. Bị một quả lựu đạn ném vào trong xe. Từ nhà đi ra, nhầm làm sao được.
Và nhiều chi tiết như thế.
Những chi tiết nhỏ, sai cả, họp lại, nó cho một ấn tượng là Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện "làm cho Tây". Và Nhượng Tống cộng tác với Tổng Trấn cũng làm cho Tây nên bị "Việt Minh" giết vì tội phản quốc. Tất cả những bịa đặt đều hướng vào mục đích là đổ tội cho "Việt Minh" để che đậy cho thủ phạm thật trong vụ ám sát Nhượng Tống.
Sự thật là thực dân rất ghét Tổng Trấn và Nhượng Tống, và đã tìm dủ mọi cách để ngăn cản việc hai người hợp tác với nhau. Rồi đi đến vụ ám sát.
Sự thật mà François Guillemot không nhìn thấy, nó ở trong báo Thời Sự, cơ quan ngôn luận của những người quốc gia hợp quần chung quanh Tổng Trấn, Trần Trung Dung, Nhượng Tống và vài đồng chí khác. Nhóm này nghĩ gì, muốn gì, thân ai, đọc Thời Sự thì thấy.
Nghiêm Xuân Thiện là người dựng nên tờ báo năm 1947, đầu tiên làm chủ nhiệm, sau giao quyền cho Trần Trung Dung khi ra làm Tổng Trấn. Báo có mục đích là tranh đấu cho nền độc lập nước nhà, trong sự tôn trọng tự do và phẩm giá con người.
Sau khi Tổng Trấn từ chức, chạy sang Luân Đôn bên Anh, ở nhà, Thời Sự vẫn tiếp tục cuộc tranh đấu. Báo bị chính quyền thực dân kiểm duyệt khắt khe. Có số, những bài bị cấm để khoảng trắng xóa, đầy mặt báo.
Chính quyền thực dân còn dùng nhiều thủ đoạn côn đồ. Một đêm, cho lính say rượu đến phá nhà báo, đánh đập nhân viên. Nhà báo ở 80 Quan Thánh, nhà chúng tôi ở 90, ông chủ nhiệm ở xa. Mẹ tôi phải sang, mang một khẩu súng 6.35, ngồi đặt súng trên bàn trước mặt, mở toang cửa sổ cho ngoài đường nhìn thấy là trong này sẵn sàng chống cự. Mấy tên lính có đi qua, ngó ngó, sau không vào nữa.
Buồn cười, chuyện này có giáo sư Đặng Đình Áng cũng biết. Giáo Sư dạy toán ở Đại Học Saigon. Cách đây cũng đã 20 năm rồi, sang Paris tham dự một ban giám khảo làm chung giữa Trường Polytechnique Palaiseau và Đại Học Saigon, xét luận án của một anh thí sinh ở Saigon sang bảo vệ. Tình cờ tôi đến nghe và gặp. Giáo sư nói tối hôm đó có mặt ở tòa báo. Hồi đó ông có một chức nhỏ là dịch bài tiếng Anh sang tiếng Việt. Kể với tôi là ở hậu phương ra, đến tòa báo xin việc. Ban trị sự đang bàn bạc thì bố tôi đến, nhận cho ông vào liền, và cấp cho một phòng ngủ trên gác. Hôm nhà báo bị tấn công ông ở trên gác, mọi người bảo đừng lo.
Ở Hà Nội hồi đó còn có cụ bà Nguyễn Mạnh Hà, người Pháp mà sõi tiếng Việt. Rất ủng hộ Thời Sự. Sau này ở Paris những năm 1980, nói với cụ bà Hoàng Xuân Hãn (bằng tiếng Việt) : "Tụi Tây nó chó lắm".
François Guillemot không đọc kỹ Thời Sự, cũng không đọc kỹ một tài liệu khác là hồi ký của Nguyễn Xuân Chữ. Trong hồi ký có đoạn nói là Lê Ngọc Chấn đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho Nhượng Tống hợp tác với Tổng Trấn. Làm sao vậy? Đây ít ra cũng là một hành vi đáp ứng đòi hỏi của thực dân.
Tài liệu nữa là báo chí của Pháp trong những năm 1948-1949, phê bình Tổng Trấn cũng thậm tệ.
Những tài liệu nói trên, ngoài hồi ký của Nguyễn Xuân Chữ, đều có trong Bibliothèque Nationale ở Paris. Mà ở Hà Nội cũng phải nằm trong một kho lưu trữ nào đó.
Còn một sự kiện quan trọng trong quá trình tranh đấu của Tổng Trấn và các đồng chí mà tác giả quyển sách không để ý đến là vở kịch Hoàng Diệu của Nhượng Tống được diễn tại nhà Hát Lớn. Vụ này làm thực dân rất tức giận. Chắc cũng phải có tiếng vang nào đó trong báo chí.
Cho đến nay, những người bàn về Nhượng Tống đều tỏ ra không hiểu vì sao một nhà yêu nước có thành tích rõ rệt như thế, đến thởi điểm đó lại cộng tác với Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện. Sách của François Guillemot làm người ta càng khó hiểu hơn. Cần phải đính chính. Trên cơ sở những tài liệu ai cũng xem được.
Nghiêm Phong Tuấn
15/05/2018
Chú thích – trong bài này, các nhân vật đều đã đi vào lịch sử, gọi tên
không chứ không dùng từ xã giao.
Các thao tác trên Tài liệu