Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Thư bạn đọc : 20 năm sau Tâm Thư

Thư bạn đọc : 20 năm sau Tâm Thư

- Trương Phước Trường — published 21/12/2010 23:18, cập nhật lần cuối 21/12/2010 23:18
Phản hồi của một trong những người đầu tiên ký bức Tâm Thư, sau khi Diễn Đàn đăng lại tài liệu này.

 

Thư bạn đọc


Hai mươi năm sau Tâm Thư – Một Vài Ý Kiến


" Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bản Tâm Thư, chúng tôi công bố tài liệu này… để bản đọc có dịp nhìn lại, đánh giá quan điểm của Tâm Thư, xét xem những ý kiến nêu ra đã lỗi thời, hay vẫn còn là nhu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam năm 2010. " (Diễn Đàn)

Hai mươi năm sau, bức Tâm Thư, tuy đã đóng góp phần nào vào trong các tiếng nói kêu gọi sự “đổi mới”, “mở cửa” của những năm 1980 và 1990, nhưng có lẽ ở bối cảnh của thời đại “toàn cầu hóa” của năm 2010, quan niệm “kêu gọi” và “tâm thư” không còn hữu hiệu nữa mà bây giờ, điều khó khăn không phải chỉ là sự “kêu gọi để lắng nghe”, nhưng thật sự là “lắng nghe cái gì” và “như thế nào”. Các ý kiến tổng quát trong Tâm Thư ở 20 năm trước tuy vẫn còn mang tính chất cập nhật của thời đại mới (tự do, dân chủ, phân quyền, v.v.) nhưng có lẽ bản chất của những vấn đề ấy đã thay đổi và vì thế “Tâm Thư” suông chẳng mang đến kết quả gì nếu như không có các sự nghiên cứu và phân tích hữu hiệu để làm sáng tỏ thêm cho các vấn đề cần phải được “lắng nghe”.

Ví dụ: “tự do” bây giờ không còn phải chỉ là một vấn đề đơn giản giữa công dân một nước với nhà cầm quyền của nước họ mà thật sự nó đã trở thành một vấn đề mang tính chất quốc tế trong sự liên hệ giữa nhân dân của các nước. Vì thế, trong các vấn đề như sự tranh chấp nguồn nước ở sông Mê Kông chẳng hạn, vấn đề “tự do” “dân chủ” không còn phải chỉ là vấn đề “nhân quyền” hay chính trị nội bộ suông trong các quốc gia đang tranh chấp mà thật sự đã trở thành vấn về “nhân quyền thiết thực” của người dân dựa vào các nguồn lực thiên nhiên nầy để sống. Sự tranh chấp vì thế có thể không phải chỉ là sự tranh giành quyền lợi giữa người dân TQ và người dân các xứ láng giềng hạ lưu sông Mê Kông như Thái Lan, VN, Cam Bốt, mà quả thật là sự “tranh chấp” giữa những người dân của các quốc gia nầy đối với các chính thể độc tài đang cai trị họ. Nếu không có sự “tự do” và “dân chủ” thật sự để cho người dân và tầng lớp khoa học gia và trí thức của những quốc gia nầy kết hợp lại để tìm ra những phương pháp giải quyết các vấn đề chuyên môn về thiên nhiên một cách hữu hiệu hầu đưa ra các đề nghị về chính sách cho các nhà cầm quyền của các quốc gia họ, thì mãi mãi tinh thần quốc gia quá khích sẽ bị các chính thể độc tài lợi dụng để ngoài mặt là “giải quyết” các vấn đề tranh chấp khó khăn, nhưng thực chất chỉ là để duy trì sự thống trị của họ đối với người dân trong nước của họ.

Ví dụ tương tự thứ hai: vấn đề tranh chấp Biển Đông. Ngoài mặt, nó có vẻ thuần túy như một vấn đề chính trị hay ngoại giao giữa các quốc gia với nhau, nhưng thực chất, ở thế kỷ 21, người ta cần suy nghĩ về nó như một vấn đề “tự do” “dân chủ” theo cái nghĩa rộng hơn: giữa người dân trên thế giới (không kể của đất nước nào) và các chính thể tự xưng mình là “đại diện” cho họ, để đòi quyền đuợc giải quyết các vấn đề tranh chấp quyền lợi kể trên theo tinh thần văn minh và có nghiên cứu khoa học chứ không phải theo tinh thần lỗi thời của giai đoạn chiến tranh ý thức hệ hoặc chiến tranh của các Đế Quốc tranh giành thuộc địa. Nếu không có dân chủ và tự do thật sự thì nguy cơ các chính thể độc tài (hoặc các quốc gia dân chủ nhưng có chính sách ngoại giao thời Đế Quốc) sẽ sử dụng các sự tranh chấp ấy cho các mục tiêu chính trị hẹp hòi của các đảng phái đang cầm quyền chứ không hẳn là cho nhân dân của các quốc gia ấy.

Càng lúc dân số trên thế giới càng tăng, việc sử dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên cho sự phát triển của các quốc gia đang và đã phát triển càng lúc sẽ rơi vào sự tranh chấp, không những là giữa các nước với nhau nói riêng, nhưng cả giữa con người và thiên nhiên nói chung. Để giải quyết các vấn về nói trên, càng lúc các ý niệm về sự tự do dân chủ không còn chỉ thu hẹp trong các vấn đề “nhân quyền” giữa công dân và chính phủ của nước họ (mặc dù điều nầy vẫn còn là những vấn đề nóng hổi và nhức đầu trong một số nước) nhưng sẽ mang tính chất rộng hơn của sự “tự do suy tư” của con người về các vấn đề thiên nhiên và vũ trụ, và quyền “dân chủ” để giải quyết vấn đề “mâu thuẫn” giữa đòi hỏi vật chất của con người và các quy luật thiên nhiên trong môi trường. Không có các quyền tự do và dân chủ cơ bản ấy thì con người sẽ có nguy cơ bị đẩy lùi vào các thời đại tăm tối trong quá khứ trong đó các quyền lực thống trị sẽ dùng các sức thu hút của sự mê tín dị doan hoặc sự kém hiểu biết của đa số người dân để đưa họ vào các con đường chiến tranh tiêu diệt chính họ.

Tóm lại, bản chất của những vấn đề bức xúc đang đối mặt với xã hội Việt Nam nói riêng hay thế giới nói chung ở năm 2010 có lẽ khác hẳn với các vấn đề đã xảy ra trong nhũng năm 1990, cho nên cho dù sự kêu gọi tự do, dân chủ, phân quyền vẫn còn có giá trị cập nhật, nhưng phương pháp để cho các sự kêu gọi ấy gây được tiếng vang và sự “lắng nghe” của chính quyền hay của đa số người dân, có lẽ phải thay đổi. Bây giờ với mạng Internet, thư điện tử, v.v. sự kêu gọi qua các bức “Tâm Thư” có lẽ chẳng gây được sự “lắng nghe” nào đáng kể, và rồi dù cho có các sự “lắng nghe”, người lắng nghe cũng sẽ phải chờ đợi mãi mà chẳng thấy thêm được một sự phân tích nào để giúp cho các hành động của họ. Vì thế thay vì các sự KÊU GỌI, tầng lớp trí thức có các sự may mắn về phương tiện nghiên cứu tự do và trong tinh thần dân chủ thật sự cần có các sự kết hợp trong nghiên cứu để PHÂN TÍCH và tim ra các PHƯƠNG PHÁP cho các câu trả lời hơn chỉ là kêu gọi trong tình cảm, dù là tình cảm “yêu nước”.

Trương Phước Trường

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us