Sách mới: Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008
Lời giới thiệu
Cuộc đại khủng hoảng
2008
và một số kinh nghiệm
có thể rút ra cho kinh tế
Việt Nam
Trần Văn Thọ
Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo
Xem chi tiết cuối bài (*)
Cuộc đại khủng hoảng toàn cầu hiện nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ mùa thu năm 2008. Cuộc khủng hoảng đã làm nhiều người hoảng hốt về sự tinh vi có sức công phá của một số công cụ tiền tệ, chứng khoán. Hoạt động của các công ty tài chính, chứng khoán quá tinh vi, phức tạp, cơ chế quản lý, giám sát không theo kịp, để rồi khi các hoạt động ấy thất bại thì làm rung chuyển cả nền kinh tế đã phát triển cao độ và là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa, chấn động của nền kinh tế lớn này đã làm rung chuyển hầu hết các khu vực trên thế giới.
Đối với các nước đang phát triển, cuộc khủng hoảng tiền tệ Á châu năm 1997 đã cho thấy những ảnh hưởng của hành động đầu cơ tiền tệ của các công ty tài chính, chứng khoán và những khó khăn trong việc điều hành hệ thống tiền tệ và việc sử dụng các nguồn vốn. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này xảy ra tại một nước tiên tiến bậc nhất càng làm cho ta phải suy nghĩ thế nào là con đường phát triển vững chắc, bền bỉ trước trào lưu toàn cầu hóa và trước những bất trắc do hệ thống tiền tệ, tín dụng gây ra.
Đối với Việt Nam bài học nào có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng tiền tệ này? Theo tôi cần nhấn mạnh mấy điểm sau:
Trước hết cần phân biệt nền kinh tế thật (real economy) và nền kinh tế tiền tệ (monetary economy), và sự tương tác của hai nền kinh tế đó, để luôn luôn lưu ý củng cố sức mạnh của nền kinh tế thật và giữ ổn định nền kinh tế tiền tệ. “Thật” ở đây không có nghĩa ngược lại với “giả” mà chỉ có nghĩa là “hiện vật”, “vật thể”, “thực thể” như nhà máy, đất đai, số thép sản xuất, số lúa gạo tiêu thụ, số hàng may mặc xuất khẩu, số lao động tham gia sản xuất, số lượng điện cung cấp, v.v... Do đó, đối chiếu với kinh tế thật, kinh tế tiền tệ không có nghĩa là kinh tế giả tạo mà là nền kinh tế đã quy đổi ra tiền tệ mọi hàng hóa và dịch vụ theo giá trị trên thị trường. Tuy nhiên khi giá cả của bất động sản hoặc của chứng khoán bị đội lên quá cao, vượt khỏi giá trị thực của đất đai, của nhà cửa, cao ốc hoặc giá trị thực của công ty thì trong trường hợp đó, kinh tế tiền tệ bao gồm cả ý nghĩa giả tạo. Nền kinh tế bong bóng là hiện tượng của một nền kinh tế giả tạo.
Tiền tệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Tiền tệ là phương tiện trao đổi, là đơn vị tính toán để đo lường giá trị các hàng hóa giao dịch. Hệ thống tiền tệ còn có vai trò trung gian huy động vốn từ nhiều nguồn trong dân chuyển sang các nhà đầu tư, và cung cấp phương tiện để nhà nước thực hiện chính sách ổn định các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nội dung của hệ thống tiền tệ, tín dụng phải tương thích với trình độ phát triển của nền kinh tế thật.
Đối với Việt Nam hiện nay, mục tiêu tối thượng của hệ thống tiền tệ phải là làm sao góp phần làm mạnh nền kinh tế thật và hệ thống đó phải hoàn toàn nằm trong khả năng quản lý, giám sát của nhà nước. Để được như vậy, phải ưu tiên củng cố hệ thống ngân hàng, làm cho ngân hàng trở thành chỗ tin cậy và gần gũi với dân chúng là những người gửi tiết kiệm, những nhà đầu tư. Phải tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn mới có thể xúc tiến đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng cường nền kinh tế thật.
Mặt khác, thị trường chứng khoán nên được phát triển từng bước vững chắc, không thể vội vàng. Phải chuẩn bị các luật lệ đầy đủ như luật công khai tài chính các công ty niêm yết, luật cấm giao dịch nội gián (insider transaction), và có cơ chế thi hành các luật lệ này một cách hiệu quả.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính Á châu vào năm 1997, một trong những nguyên nhân làm cho Thái Lan bị ảnh hưởng nặng hơn các nước khác là sự suy yếu về nền kinh tế thật. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc từ đầu thập niên 1990, Thái Lan không kịp chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu lên cao hơn để tránh cạnh tranh từ Trung Quốc, hoặc không kịp cải tiến công nghệ để tăng năng suất nhằm duy trì cạnh tranh trong cơ cấu cũ. Xuất khẩu không tăng, cán cân thương mại ngày càng nhập siêu vừa làm tăng nhập khẩu tư bản (nhất là tư bản ngắn hạn được khuyến khích trong một cơ chế tự do hóa các dòng vốn), vừa tạo tâm lý lo ngại giữa những nhà đầu tư nước ngoài về sự mất giá của đồng baht. Đây là trường hợp nền kinh tế thật suy yếu đã đưa đến bất ổn trong nền kinh tế tiền tệ.
Tình hình của nước ta hiện nay rất giống với Thái Lan hồi giữa thập niên 1990: Cán cân thương mại nhập siêu lớn mà nguyên nhân là sức cạnh tranh của nền kinh tế thật chưa được tăng cường nên cơ cấu xuất khẩu không được cải thiện, vẫn còn tùy thuộc vào các mặt hàng dùng nhiều lao động giản đơn và ít giá trị gia tăng, mặt khác chậm thay thế nhập khẩu nhiều mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng trong lợi thế so sánh. Để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, cải thiện cán cân thương mại, cần phải tăng năng lực cạnh tranh. Nên nâng đỡ hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (giúp tiếp cận với vốn, với công nghệ và thông tin về thị trường) để có khả năng liên kết với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tạo thế liên hợp hàng dọc, và như vậy sẽ thay thế dần một cách hiệu quả các sản phẩm đang nhập khẩu. Nên nhanh chóng hiệu suất hóa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp đủ điện, nước và phương tiện lưu thông cho hoạt động sản xuất. Trong trung hạn, nên cung cấp đủ lao động lành nghề, các nguồn nhân lực có khả năng quản lý trung và cao cấp, v.v... Tất cả các mặt này đều thuộc lĩnh vực của một nền kinh tế thật.
Giữa thập niên 1950, Matsushita Konosuke, người sáng lập công ty sản xuất đồ điện tổng hợp Matsushita mà hiện nay có tên là Panasonic, trở thành người có thu nhập cao nhất trong năm. Cả xã hội Nhật đón mừng sự kiện đó vì đó là thành quả đáng khen ngợi của một người cần mẫn, sáng tạo và kiên trì trong áp dụng công nghệ, cải tiến quản lý, khám phá thị trường trong suốt gần 40 năm từ khi lập công ty. Đó là kết quả hoạt động đóng góp vào nền kinh tế thật. Trong quá trình đó dĩ nhiên có vai trò quan trọng của hệ thống tiền tệ (huy động vốn trong dân và cũng cấp vốn cho doanh nghiệp) nhưng kinh nghiệm Nhật cho thấy không có doanh nghiệp hay cá nhân nào giàu nhanh từ việc đầu tư tiền tệ và nếu có cũng không được xã hội đánh giá cao.
Nhân cuộc khủng hoảng thế kỷ này, chúng ta cần động viên mọi người hiểu nguyên nhân và tác động của cuộc khủng hoảng để rút ra bài học cho con đường phát triển sắp tới. Trong ý nghĩa đó, việc dịch và xuất bản các bài viết liên quan đến chủ đề này quả thật cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Nỗ lực của anh Nguyễn Văn Nhã thật đáng trân trọng.
Trần Văn Thọ
Tokyo, tháng 6 năm 2009
(*) Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - Dưới con mắt các nhà báo và các chuyên gia kinh tế quốc tế
Nhiều tác giả (R. Altman, M. Bulard, N. Ferguson, F. Fukuyama, M. Gee, R. Haass, P. Krugman, N. Roubini, J. Stiglitz, F. Zakaria...)
Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Văn Nhã
NXB Tri Thức, Hà Nội 9.2009
Sách có bán tại Công ty Cổ phần Đại lý Xuất bản VNN – VNN Publishing
Phòng
Kinh doanh & Phát hành
Số
2 Ngõ 3 Vạn Phúc – Ba Đình –
Hà Nội
Người
liên hệ: Ms Hương Giang
Tel:
84-4 62731390 - Mobile: 0904 678 660 - Fax: 84-4 6273 1391
Email:
sales@vnnpublishing.com.vn
Website: www.vnnpublishing.com.vn
Các thao tác trên Tài liệu