Đặng Tiến với thi pháp và thơ tiếng Việt
Đặng Tiến với thi pháp thơ và tiếng Việt
Hữu Đạt
Hơn mười năm trước, trong một chuyến đi thỉnh giảng tại Đại học Paris 7, tôi có dịp quen biết anh Đặng Tiến. Hồi đó, tôi biết anh với tư cách là một giáo viên Pháp văn của trường trung học và là giảng viên văn học Việt Nam tại ban Việt học tại Paris 7 nhiều hơn biết anh với tư cách là nhà phê bình. Nhưng sau lần quen biết này, tôi chú ý đọc anh nhiều hơn. Rải rác các tài liệu trong thư viện hoặc trên mạng, tôi bắt đầu hình dung về một phong cách Đặng Tiến khi đọc các bài phê bình của anh về thơ. Anh là một trong những người tỏ ra tâm đắc và đánh giá cao thơ Bùi Giáng, Đinh Hùng, Tô Thuỳ Yên... nên dành khá nhiều tâm huyết cho các nhà thơ này. Đó là nói về các thi nhân hiện đại của miền Nam Việt Nam trước ngày Giải phóng, chứ nói về thơ ca Việt Nam thì với các bậc tiền bối như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm... rồi đến các nhà thơ của phong trào Thơ Mới, anh cũng bỏ ra nhiều tâm huyết không kém. Đặc biệt nhất, so với những người cùng hoàn ảnh ‒ đó là những Việt Kiều xa nước đã lâu, ít nhiều bị chi phối bởi ý thức hệ của thời đại khi nước nhà chưa thống nhất, anh là một trong số ít các nhà phê bình đã có sự quan tâm nhiều đến thơ của các thi nhân hiện đại phía bên kia bờ Bắc. Chính vì thế, bạn đọc còn biết đến anh qua nhiều bài viết về các nhà thơ như Quang Dũng, Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật... Đọc các bài của anh, người đọc không hề thấy anh có những định kiến hẹp hòi, hoặc có cách nhìn dè dặt khi bàn về thơ của các nhà thơ “ chiến binh Bắc Việt ” như cách nói của một số nhà phê bình thuộc chế độ nguỵ quyền Sài gòn trước 1975. Vượt lên tất cả đối với Đặng Tiến là niềm say mê với thơ ca và ý thức dân tộc khi định giá những giá trị tinh thần của người Việt về lĩnh vực này, bất kể người đó là xưa hay nay, là người đứng từ chiến tuyến này hay chiến tuyến khác. Chính cái sự cố gắng tự vượt lên mình đã thúc đẩy làm cho anh ra mắt cuốn Thơ ‒ Thi pháp và chân dung (do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2009). Đây là tập sách tập hợp những bài viết của Đặng Tiến trải ra khoảng 40 năm, từ những năm 70 của thế kỷ XX đến cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI. Khi anh tặng sách cho tôi, anh có thông báo rằng, có nhiều bài viết cũ nay đã được anh đọc và chỉnh lý lại cho phù hợp với nhận thức khoa học hiện đại. Sự cẩn trọng đó phần nào đã nói lên tính cách và tinh thần lao động nghệ thuật của anh.
Tuy tên đề cuốn sách là Thơ ‒ Thi pháp và chân dung, nhưng nội dung chính của nó lại là một tập hợp các bài nghiên cứu lý luận và phê bình thơ. Chính vì lẽ đó, trong bài viết này tôi sẽ chủ yếu nói đến đóng góp của anh về các phương diện đó.
Trước hết nói về thi pháp. Có thể khẳng định ngay rằng, Đặng Tiến là một trong số không nhiều các nhà phê bình văn học đương đại rất quan tâm và vận dụng khá nhuần nhuyễn vai trò của các yếu tố ngôn ngữ trong việc lý giải các hiện tượng thi ca. Có được tinh thần này là nhờ ở chỗ, ngay từ rất sớm, khi ra trường mới được vài năm anh đã có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề thi pháp và bắt đầu có những bài đầu tiên bàn về vấn đề lý luận : Thơ là gì ? Để có được một bài viết kiểu nảy, đương nhiên anh cũng phải có sự chuẩn bị từ khi còn là sinh viên. Nếu nói đến các nhà phê bình văn học Việt Nam có thể nhận định, anh là một trong những người tìm đến nhà thi pháp học nổi tiếng thế giới Roman Jakobson khá sớm, cho dù, bất cứ ai, nếu không được đào tạo bài bản về ngành ngữ học thì việc đọc và lĩnh hội các tư tưởng cơ bản của nhà thi pháp này thật chẳng dễ dàng gì. Hơn nữa, là một người sinh trưởng ở miền Nam, được đào tạo tại Đại học Văn khoa Sài gòn, anh phải đọc Jakobson qua bản dịch tiếng Pháp. Ấy vậy mà anh đã hiểu khá thấu đáo các nguyên lý của thi pháp do Jakobson và các đại biểu của chủ nghĩa hình thức Nga đưa ra. Như ta đã biết, chủ nghĩa hình thức Nga là một trường phái nghiên cứu thơ ca được coi là cuộc cách mạng bậc nhất của thế kỷ XX hình thành tại nước Nga vào giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Mười. Khởi nguyên của trường phái này là việc hình thành ra “ Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca ” do một nhóm các nhà nghiên cứu lý luận về thơ ca Puskin, đứng đầu là giáo sư Vengerov và các nhà ngữ học trẻ làm việc tại Moskva, trong đó có Iakobinski, Polivanov, Brik, về sau có Jakobson và một số người khác. Nếu không có sự vượt qua rào chắn của ý thức hệ theo thói quen thông thường, chắc hẳn, việc tiếp thu những phương pháp nghiên cứu của Chú nghĩa hình thức đối với Đặng Tiễn sẽ có những bước trở ngại không nhỏ. Nhưng, như đã nói, từ rất sơm, Đặng Tiến đã thức nhận được con đường khoa học đi vào thi pháp thơ. Đó là cái lẽ làm cho nội dung các bài viết về thơ của anh có một nét riêng : vừa có tính mẫn cảm cao trong tiếp nhận hình tượng thơ, vừa có khả năng phân tích thơ trên các nguyên lý tổ chức văn bản.
Đọc cả tập sách, bạn đọc sẽ thực sự ngạc nhiên khi thấy cách sử dụng tiếng Việt trong khi viết lý luận phê bình của Đặng Tiến. Anh không giống một số đại biểu Việt Kiều khác là khi nói hay viết thường phải đệm tiếng Tây để tránh sự giải thích một cách khó khăn. Xa nước đã gần nửa thế kỷ, trong điều kiện hàng ngày phải làm việc và giao tiếp bằng tiếng Pháp, nhưng khi viết tiếng Việt anh lại tỏ ra không thua kém bất cứ một nhà lý luận, phê bình nào đang sống và làm việc ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Điều đó chứng tỏ rằng, anh là một người yêu tiếng Việt đến vô cùng. Sự yêu ấy, cái yêu thăm thẳm khôn cùng ấy đã hóa thân trong mỗi hơi văn, mạch viết của anh. Đọc Thơ ‒ Thi pháp và chân dung của Đặng Tiến, người đọc cảm nhận rõ, anh am tường tiếng Việt hiện đại không phải chỉ thuần túy ở việc tổ chức câu cú, mà còn cả ở các nét nghĩa tinh tế ở mỗi từ, mỗi âm, được hình thành và biến thiên trong cả chiều dài của nhiều thế kỷ. Đó là một năng lực dường như thiên phú của anh. Nó tạo cho anh con đường đi vào lý luận và phê bình thơ ca hiện đại trong một phong cách thỏa mái, giản dị nhưng vẫn sâu, có độ uyên bác nhưng không thách đố, kinh viện. Nói một cách khác, trong tập sách này, Đặng Tiến đã cố gắng trình bày các vấn đề lý luận liên quan đến việc định nghĩa thơ, khai thác các đặc điểm của thơ bằng thứ ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu nhất; đồng thời phê bình thơ bằng sự cảm nhận tinh tế nhưng cố gắng theo hướng khách quan khoa học qua sự phân tích theo lý lẽ của thi pháp từ bình diện ngữ ngôn trong đó có nhấn mạnh đến đặc điểm độc đáo của tiếng Việt.
Phần viết về lý luận thi pháp thơ trong cuốn Thơ ‒ Thi pháp và chân dung tuy chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, nhưng đó là phần viết làm cho bất cứ ai nghiên cứu về thơ cũng phải quan tâm. Dù dưới các tên đề khác nhau. nhưng phần này chứa đựng mấy vấn đề quan trọng nhất : Vấn đề định nghĩa thơ, vấn đề về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong thơ và cách phân tích nó. Để triển khai các nội dung này, Đặng Tiến đã trình bày một cách lược quát nhất các ý kiến của các học giả nổi tiếng như : Mallarmé, Valéry, Breton, Sartre, Lévi-Strauss, Jakobson... Ngoài ra, anh cũng không quên liên hệ các ý kiến của họ với cách phát biểu của một số học giả phương Đông xưa và nay, chẳng hạn như Trang Tử, Nguyễn Văn Trung, Phan Ngọc... để cuối cùng đi tới việc khẳng định một định đề tiêu biểu “ thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh ” hay “ thơ là ngôn ngữ trong một ngôn ngữ ”.
Để đi tới việc giải thích định nghĩa về thơ, cũng như cách hiểu thơ của các thi sĩ tiền bối và đương đại, cách viết của Đặng Tiến là dẫn dắt, khơi gợi chứ không áp đặt một chiều. Do vậy, tuy thơ là một khái niệm trừu tượng, được bàn đến qua nhiều thế kỷ trong các cách phát biểu rất đa dạng của nhiều học giả hay của chính các nhà thơ, qua ngòi bút của Đặng Tiến, thơ vẫn là sự gần gũi. Đọc anh, một người không sành về lý luận vẫn có thể cảm nhận được không mấy khó khăn “ Thơ là gì ? ”. Sự cố gắng đáng ghi nhận của Đặng Tiến chính là ở chỗ, khi viết về lý luận anh luôn chủ động tìm cách diễn đạt cho thật dễ hiểu, tránh sử dụng xô bồ các thuật ngữ theo lối cầu kỳ kinh viện. Thành thử, với những bài viết như “ Thơ là gì ? ”, “ Ý thơ và lời thơ ”... tuy là những bài có tính triết luận muôn thuở, nhưng đọc lên vẫn không khô khan, giáo điều. Ngược lại, khi viết bình luận, anh lại cố găng hết sức tìm mọi cách khai thác những giá trị ngữ nghĩa của từng con chữ hay giá trị biểu đạt nôi dung họăc tình thái của mỗi âm thanh (của nguyên âm, phụ âm, vần hay thậm chí của cả thanh điệu) để làm nổi bật tài nghệ của các thi sĩ, vơi tư cách là “ các nhà nghệ thuật của ngôn từ ”. Do vậy, lời bình của anh không sáo rỗng, mà có sức hấp dẫn ở sự sáng tạo, phát hiện. Điều này thể hiện qua nhiều bài viết như “ Nữ tính trong thơ Bà Huyện Thanh Quan ”, “ Tản Đà thi sĩ của phôi pha ”. “ Hành trình Xuân Diệu ”, “ Thi giới Đinh Hùng ”, “ Bùi Giáng nguồn xuân ”, “ Con nhện vương tơ ”... Đây là những bài viết không chỉ bộc lộ tâm huyết máu thịt của Đặng Tiến với nàng Thơ mà còn lộ rõ tình yêu sâu sắc của anh với tiếng Việt nói riêng, và với đất Việt yêu thương nói chung. Không yêu quê hương, không yêu tiếng nói mẹ đẻ của mình chắc chắn không thể viết được những lời bình lay động tâm hồn người đọc đến thế. Đọc những câu anh bình về chất thơ của Hông Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hay Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du... người đọc như cảm thấy có sự âm vang của hồn núi sông trong tâm tưởng. Đọc những trang anh viết về Xuân Diệu hay Bùi Giáng... người đọc như cuốn vào cõi đắm say, day dứt cái nỗi khát khao của thi sĩ. Dường như, lẩn quất sau mỗi trang viết của anh, viết về thơ đấy, viết về cái chất lãng mạn bay bổng của nàng thơ đấy mà mang mang tâm sự của một cõi buồn văng vẳng, xa xăm u hoài, trong tâm trạng ở một người xa quê, xa nước. Đọc xong cuốn sách, người đọc cũng như vương vấn một cõi thương : thương các bậc tài hoa thi sĩ, thương cả người tri âm ‒ tức con người Đặng Tiến được hóa thân trong tập sách này. Những tưởng, gần nửa thế kỷ ăn bơ sữa và bánh mỳ Tây, cách cảm nhận thơ Việt của Đặng Tiến khó mà tránh được sự lai căng ít nhiều trong cách viết. Thế mà ngược lại, văn của Đặng Tiến bài nào cũng thuần chất hồn Việt đến nỗi người chưa biết anh có thể sẽ nhầm tưởng anh là người chưa từng ra nước ngoài bao giờ. Nếu quan sát từ cách lập ý đến cách triển khai các lời bình trong Thơ ‒ Thi pháp và chân dung, không khó khăn cũng nhận ra ở Đặng Tiến sự sâu lắng trong cốt cách tư duy Á Đông, trong kiểu thẩm thơ tinh tế và mẫn tiệp, một năng lực có lẽ là thiên bẩm mà anh được ban tặng. Vì thế, trong giữa muôn vàn các bài viết về cùng nhà thơ ấy, về cũng tư tưởng ấy, Đặng Tiến vẫn tạo cho mình được một cá tính riêng. Đó là lối bình văn bóng bảy, có hàm ý và có sự uyên thâm trong dẫn liệu và quá trình chắp nối các mạch liên tưởng.
Một điều nữa rất đáng trân trọng ở tập sách này là, ngoài các bài viết về thơ cổ, thơ lãng mạn 1930-1945 và thơ của các thi sĩ miền Nam trước đây, các bài viết về mảng thơ chống Pháp và chống Mỹ của Đặng Tiến cũng rất ấn tượng. Có thể nói, tuy không “ đứng cùng một chiến hào ”, tuy ít nhiều bị “ đầu độc ” bởi quan niệm và ý thức hệ chính trị của một thời, nhưng Đặng Tiến vẫn không bị chi phối bởi các định kiến hẹp hòi mà anh đã vượt lên để tìm một chỗ đứng khách quan trong việc thẩm định và bình giá thơ của các nhà thơ trưởng thành từ chế độ miền Bắc. Những trang viết của anh về Chính Hữu, Trần Hữu Thung, Hồng Nguyên, Quang Dũng, Vũ Cao... không chỉ khách quan mà còn rất cảm động ở sự hòa nhập và đồng diệu tâm hốn giữa người bình ‒ kẻ tri âm với thi si ‒ kẻ sáng tạo. Đồng thời, từ các trang viết này cũng cho thấy sự trong sáng trong tâm hồn của Đặng Tiến và sự nhất quán trong tư tưởng của anh được hình thành từ đầu cuốn sách : thơ là tiếng lòng của thi sĩ, là tiếng nói của tâm hồn dân tộc. Nó cũng là cái mạch nối kết giữa những người Việt xa quê và người Việt đang sống trong xứ sở cùng hướng chung về nàng Thơ và đất nước yêu thương.
Hữu Đạt
NGUỒN : bản do tác giả cung cấp
đã đăng trên tuần báo Văn
Nghệ số 21 (23.05.2009)
Các thao tác trên Tài liệu