Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Đọc hồi kí ALBERT CLAVIER

Đọc hồi kí ALBERT CLAVIER

- Nguyễn Ngọc Giao — published 29/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 30/01/2009 19:53
Hồi kí của một người đã sống ba cuộc đời, sau bao đắng cay, vẫn coi Việt Nam là "tổ quốc thứ hai"


Hồi kí của Albert Clavier 


Đọc « Từ Đông Dương thuộc địa
đến nước Việt Nam tự do »


Nguyễn Ngọc Giao



biaclavier

Albert CLAVIER,

De l'Indochine coloniale
au Vietnam libre

Je ne regrette rien

Ed. Les Indes Savantes, Paris, 2008, 206p, 23 €.

Mùa xuân 1964, cách nhau vài ngày hay vài tuần, có ba người Pháp rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm hay nhà ga Hàng Cỏ đi châu Âu. Họ không phải là du khách (năm ấy, miền Bắc Việt Nam không có du khách). Họ cũng không phải là khách Pháp đến Việt Nam rồi về, như một vài nhà ngoại giao Pháp hay đại diện Đảng cộng sản (chẳng hạn, ông François Billoux, uỷ viên Bộ chính trị, đến Hà Nội cuối tháng 4.1964). Họ cũng không phải là những tù binh hay hàng binh Pháp từ thời 9 năm kháng chiến (những người ấy đã rời Việt Nam mười năm về trước, sau Hiệp định Genève 1954). Ba người ấy là Georges Boudarel, Albert Clavier và Jean Tarago. Họ đã đến Việt Nam từ cuối những năm 1940 như một quân nhân (Clavier, hạ sĩ quan và Tarago, đại uý) hay một viên chức (Boudarel, giáo sư triết học ở Lycée Marie Curie). Là những người cộng sản, họ quyết định đứng sang hàng ngũ Việt Minh, chống lại cuộc chiến tranh thực dân. Đối với họ, đó là sự chọn lựa phù hợp với tinh thần « quốc tế vô sản », và cũng là trung thành với lí tưởng « Tự do – Bình đẳng – Bác ái » của Cách mạng Pháp và của "Cộng hoà Pháp".

Đối với chính quyền và quân đội Pháp thời ấy, đó tất nhiên là hành động « phản quốc » : cả ba đã bị toà án quân sự tuyên án tử hình vắng mặt.

Năm 1964, mười năm sau khi tiếng súng chấm dứt trên chiến trường Đông Dương (và cũng đã chấm dứt được 2 năm ở Algérie). Nhưng cái án tử hình vẫn treo lửng lơ trên đầu, họ không trở về quê hương được. Boudarel sẽ ở Praha, làm việc cho Liên đoàn các công đoàn thế giới (FSM) cho đến năm 1967, khi tổng thống De Gaulle kí sắc lệnh ân xá cho « tất cả những tội phạm trong hai cuộc giao tranh ở Đông Dương và Algérie » (đây là cách hoà giải với phe cực hữu đòi giữ « Algérie thuộc Pháp » đến cùng, và từng tổ chức phiến loạn, thậm chí âm mưu ám sát ông). Tarago lưu vong ở Đông Berlin. Còn Clavier ở Budapest, bước đầu làm việc cho FMJD (Liên đoàn Thế giới Thanh niên Dân chủ).

Ngày nay, Boudarel và Tarago đã từ trần. Clavier là chứng nhân cuối cùng của một cuộc « phiêu lưu » nhân bản trong một thời đại đầy « âm thanh và cuồng nộ ». Hồi kí « Từ Đông Dương thuộc địa đến nước Việt Nam tự do » kể lại cuộc đời của Albert Clavier.


*

Thực ra, có thể nói Clavier đã sống ít nhất ba cuộc đời.

Cuộc đời thứ nhất : từ 1927 đến 1947. Hai mươi năm thôi, nhưng chàng trai Albert dường như đã trải qua những thử thách quá tải cho một kiếp người bình thường : sinh ra trong một sơn thôn vùng Vercors (sau này sẽ là căn cứ kháng chiến), cha là một cố nông, đi làm thợ, chết ở tuổi 70 lúc Albert 5 tuổi, mẹ ở vậy, làm vú, nuôi 5 đứa con. Albert là con út, học khá, được các anh chị bỏ học sớm, đi làm, để cho em út cắp sách đến trường, say mê đọc Những người cùng khổ của Victor Hugo. Cho đến năm 13 tuổi, phải bỏ học, đi làm thuê. Trước đó một năm, vào Đảng cộng sản (do người anh Henri giới thiệu) ít lâu trước khi đảng này bị cấm (1939). Thế chiến bùng nổ, Pháp bị Đức quốc xã chiếm, anh Henri tham gia kháng chiến, bị bắt, đi đày Buchenwald. Kati, người bạn gái đầu tiên của Albert, gốc Do Thái, bị bọn « dân vệ » bắt đi, biệt tích... Nước Pháp được giải phóng, không khí hồ hởi, nhưng đời sống chật vật, chàng trai 17-18 tuổi theo bạn đầu quân, một phần vì không biết làm gì, một phần vì muốn phiêu lưu. Thế là vào « pháo binh thuộc địa ». Nhưng cái gọi là « biến cố Đông Dương » đã bùng nổ. Anh Henri từ Buchenwald trở về, da bọc xương, mắng thằng em trai : « Mày định sang đó lập lại thuộc địa sao ? ». Mấy lần Albert trốn trại bỏ ngũ để tránh lệnh sang Đông Dương, đều bị tóm trở lại, phạt tù, cuối cùng, một đêm tháng 3.1947, bị đưa lên tàu đậu bến Marseille : « Ta đi thăm Hồ Chí Minh. Bao nhiêu 'congai' đang đợi kìa ! ».


Cuộc đời thứ nhì : 1947-1964.

Ở trên đã nói Albert là « cộng sản » từ năm 12 tuổi. Nhưng vừa « vào đảng » thì đảng bị cấm. Những năm nước Pháp bị chiếm đóng, ở một vùng hẻo lánh, « sinh hoạt chính trị » không thể có gì. Lớn lên, nước Pháp giải phóng, thì đầu quân. Cho nên, sau hai năm rưỡi ở trong quân đội Pháp, vào một ngày cuối tháng chạp 1949 ở Lạng Sơn, quyết định bỏ ngũ, ra vùng tự do tham gia kháng chiến Việt Nam – một chọn lựa cá nhân, không mấy dễ dàng – là kết cục của cả một quá trình quan sát, trăn trở, đắn đo, không xuất phát từ động cơ « ý thức hệ » hay do chỉ thị (Đảng Cộng sản Pháp không hề, trong chiến tranh Đông Dương, cũng như sau này trong chiến tranh Algérie, kêu gọi đào ngũ), mà một phần do hoàn cảnh khách quan (mối liên hệ với kháng chiến Việt Nam có nguy cơ bị bại lộ), và cơ bản do trải nghiệm cá nhân thôi thúc : « Tôi xấu hổ phải chứng kiến những gì mà bọn nazi trước đây đã gây ra ở Vercors nay đang tái diễn tại đây. Những lúc đó tôi cảm thấy nhục vì mình là người Pháp. » (tr.58).

Một năm làm công tác địch vận ở Lạng Sơn, sau chiến thắng biên giới (cuối năm 1950), Albert được đưa về ATK (An toàn khu, « thủ đô » kháng chiến) làm biên tập viên kiêm xướng ngôn viên chương trình tiếng Pháp của đài « Tiếng Nói Việt Nam ». Đầu 1953 đến Hiệp định Genève, chuyển sang Cục địch vận (thuộc Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), trông coi một trại « hàng binh ».

Phục viên với quân hàm thiếu tá, Albert chuyển sang một nghề mới : nhà báo kiêm nhiếp ảnh (báo tiếng Pháp Le Vietnam en marche. Là người nước ngoài, Albert không phải tham gia cải cách ruộng đất (1955-56), nhưng tình hình bắt đầu ngột ngạt với cuộc xung đột Xô-Trung. Trong một lớp học « chống chủ nghĩa xét lại » nhân ký kết Hiệp định ngừng thử vũ khí hạt nhân (1962), ông Lê Duẩn đích thân tới « trình bày hơn ba tiếng đồng hồ, rồi hỏi có ai thắc mắc gì không. Không nghe lời can của các đồng nghiệp ngồi xung quanh, tôi hỏi, với tư cách là đảng viên Đảng cộng sản Pháp (mà, thông qua phóng viên thường trú của báo L'Humanité tại Hà Nội, tôi biết là ủng hộ hiệp định này) thì tôi phải làm như thế nào, thế là Lê Duẩn làm một tràng lên án Đảng Cộng sản Liên Xô và ĐCS Pháp, thậm chí còn kết tội Maurice Thorez là phản bội giai cấp công nhân Pháp... Phẫn nộ trước những lời lẽ đó, tôi đứng dậy bỏ ra ngoài hội trường, dưới mắt nhìn thiện cảm của một vài đồng nghiệp trong toà soạn » (có lẽ nên nói thêm : Albert lúc đó hai con, con gái đặt tên là France, con trai Maurice !!!)(tr. 131). Ngay sáng hôm sau, Albert được chuyển sang Ban Tây Ban Nha (anh không biết một chữ Tây Ban Nha !!!).

Thế là, cũng như G. Boudarel và J. Tarago, mùa xuân năm 1964 Albert Clavier rời Hà Nội. Với bản án tử hình (tháng 12.1950) treo trên đầu, ông được Đảng cộng sản Hung (theo yêu cầu của ĐCS Pháp) đưa về Budapest.


Cuộc đời thứ ba : nhà kinh doanh

4 năm đầu ở Budapest, Albert Clavier làm việc ở Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới (FMJD), một tổ chức tập hợp các tổ chức thanh niên « tiến bộ » (thân Cộng). Đây là những tổ chức « mặt trận » còn rơi rớt từ thời Quốc tế Cộng sản. Nó sẽ bị nghiền nát dưới dây xích của đoàn xe tăng Liên Xô tiến vào Praha (tháng 8.1968) : tại văn phòng FMJD, Albert tán thành một quyết nghị do đại biểu Liên Xô chủ xướng (không lên án việc Liên Xô can thiệp ở Tiệp Khắc), để sáng hôm sau, mới biết thái độ « không đồng tình » của ĐCS Pháp ! Bốn năm xa Việt Nam, vị cay đắng chưa tan, nhưng anh là người tích cực tổ chức những hoạt động của FMJD ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Tới cuối năm 1968, cuộc đời thứ ba của Albert Clavier mới thực sự bắt đầu : từ phụ tá giám đốc cho một công ti kinh tài nhỏ của ĐCS Pháp, Clavier nhanh chóng trở thành người trách nhiệm chính phụ trách xuất khẩu thiết bị nông nghiệp sang các nước Đông Âu cho tập đoàn Interagra (của nhà « tỉ phú đỏ » J.-B. Doumeng). Văn phòng của ông sẽ đặt ở Budapest cho đến ngày các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu sụp đổ. Trong hai thập niên 70 và 80, nhà kinh doanh Albert Clavier đóng một vai trò chủ chốt trong mậu dịch Pháp-Hung, có quan hệ chặt chẽ với sứ quán Pháp ở Budapest (họ chỉ chính thức quen nhau khi Clavier và hai đồng chí Boudarel, Tarago được ân xá năm 1967). Trong lý lịch của nhà kinh doanh, có lẽ nên ghi một điểm son tiêu biểu : bữa điểm tâm « lễ tân » tại sứ quán Pháp với tổng thống François Mitterrand cùng với đại diện các đại công ti Rhone-Poulenc, Matra, Ngân hàng BNP : « Ăn điểm tâm với Tổng thống Pháp ! Xa rồi, cái ga-mèn ăn xúp của thằng bé chăn bò 12 tuổi » (tr.185).


*

Ngày hôm nay, cậu bé chăn bò đã bước sang bát tuần, sống an nhiên cuộc đời làm ông ngoại, gần người con gái sinh ở Hà Nội, có một cái tên Pháp rất đẹp (France) và một cái tên Việt Nam cũng rất đẹp (Hồ Thiên Nga, nguyên diễn viên ballet đã từng múa vở Lac des cygnes / Swan Lake của Tchaikovsky !), sau nửa thế kỉ bão tố.

Số phận Clavier « may mắn » hơn hai đồng chí kia : Tarago dường như đã chết trong một hoàn cảnh khá bi đát ; Boudarel (từ trần cuối năm 2003) năm 1991 bất hạnh trở thành vật tế thần cho đám khuyển ưng của một chính khách lưu manh vào đúng thời điểm khối cộng sản sụp đổ (1991).

Chúng ta may mắn được đọc những trang hồi kí trung thực của Albert Clavier. Trung thực vì con người này không có gì phải hối tiếc những việc đã làm. Trung thực vì ông là người trực tính, yêu ghét phân minh, có phần cố chấp : thí dụ điển hình là quan hệ giữa Clavier và Boudarel, cùng hội cùng thuyền, nhưng Clavier đã có định kiến là Boudarel « theo đuôi » ĐCS Việt Nam, rốt cuộc tuy hai người rời khỏi Việt Nam trong cùng một hoàn cảnh (1964), trở lại Pháp (năm 1967) trong cùng một chuyến vượt biên không giấy tờ từ Thuỵ Sĩ về Grenoble, nhưng định kiến vẫn còn nguyên. Song cũng chính vì thế mà chứng từ của Clavier đáng tin cậy, mặc dầu, cũng như mọi chứng từ cá nhân, nó cũng là đối tượng nghiên cứu của sử học, chứ không phải là một bức tranh lịch sử khách quan.

Sau bao thăng trầm, tác giả vẫn có một trí nhờ tốt về nhân danh, địa danh và bổi cảnh sự việc (sai lầm duy nhất mà tôi thấy, nhỏ thôi :  gọi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là... Tôn Thất Tùng).

Cuối cùng, tôi nghĩ cũng cần « ra ngoài đề » một chút để nói đôi điều về « nghị quyết 9 » (12.1963) và vụ « xét lại chống đảng », vì hai sự kiện này liên quan trực tiếp tới sự ra đi của Albert Clavier :

  • Gần 50 năm sau, chúng ta vẫn chưa có chắc chắn văn bản chính xác của nghị quyết 9 (theo những nguồn tin đáng tin cậy, thì văn bản sau này đã được công bố là một văn bản được viết lại) ; sự thật về quá trình cuộc đấu tranh nội bộ trong thời gian 1960-63 này, đến nay, vẫn chưa có những công trình nghiên cứu nghiêm túc nào. Một cách nhìn khá phổ biến là : bề ngoài, ĐCSVN không đứng về phe nào trong cuộc đấu khẩu và bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc (để vẫn tranh thủ được sự ủng hộ của cả đôi bên) ; nhưng về thực chất, Hà Nội rất gần, nếu không nói là « ngả sang » Bắc Kinh.

  • Theo ý tôi, sự thật phức tạp hơn. Đúng là ở thời điểm 1963-64, quan điểm của ĐCS VN về chính sách của Mĩ gần Trung Quốc hơn là gần Liên Xô. Nhưng từ Cách mạng văn hoá, và nhất là về sau, thì ngược lại, mà không thể nói là lập trường của ĐCS VN trong vấn đề chiến tranh chống Mĩ (vấn đề cốt tử, quyết định mọi vấn đề khác) đã thay đổi.

  • Với khoảng lùi của thời gian, bây giờ thấy rõ : thái độ của Hà Nội đối với Moskva và Bắc Kinh được quyết định bởi ý chí giải phóng miền Nam, chứ không phải ngược lại. Cho nên, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt (như ca Hoàng Văn Hoan), cách phân loại « thân Liên Xô », « thân Trung Quốc » trong nội bộ ĐCS VN là một sai lầm (rất phổ biến). Sai lầm này có nguyên nhân của nó : người ta nhầm lẫn xu hướng « mao-ít » với thái độ thân Trung Quốc. Và đúng là từ năm 1950, chủ nghĩa Mao đã tràn lan sang Việt Nam với những hậu quả ngày nay còn thấy tác hại (chỉnh phong, chỉnh huấn, thanh lọc, cải cách ruộng đất, chuyên và hồng...). Nhìn chung, đại đa số đảng viên cộng sản ở Việt Nam « không mao ít cũng mao.. nhiều ». Và ở thời điểm cuối năm 1963, ở đỉnh cao của cuộc xung đột Trung Xô, quyết định giải phóng miền Nam (nghị quyết 15 năm 1959) đương nhiên dẫn tới « nghị quyết 9 ».

  • Với nghị quyết này, một số uỷ viên trung ương như Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Đặng Kim Giang đã bị vô hiệu hoá, họ không bị bắt giam nhưng bị cô lập hoá, canh chừng chặt chẽ. Và trong đảng, học tập về nghị quyết 9 cũng có nghĩa là o ép, vô hiệu hoá các « phần tử xét lại », đặc biệt là những phần tử trí thức chống lại chủ nghĩa Mao.

  • Vụ đàn áp « nhóm xét lại chống đảng » với các vụ bắt bớ, đàn áp thẳng tay, chỉ bắt đầu vào mùa hè năm 1967, tức là vào chiều hôm trước của sự xích lại gần Liên Xô. Tháng 11.1967, ông Lê Duẩn đã đọc một diễn văn dài nhân dịp kỉ niệm 50 năm Cách mạng tháng mười, với câu nói nổi tiếng đại ý : đối với người cộng sản Việt Nam, Liên Xô là tổ quốc thứ nhì. Như vậy, đây là một cuộc đàn áp một công đôi việc : (1) khép miệng những người, hơn ba năm trước đó, đã lên tiếng chống chủ nghĩa Mao và chủ trương phải giữ quan hệ tốt với Liên Xô ; (2) siết chặt sự trấn áp về tư tưởng để chuẩn bị cuộc tiến công 1968.

  • Đó là những nguyên nhân « chính trị quốc gia » quen thuộc trong lịch sử các chế độ chuyên chế. Kèm đó, là những động cơ « đời thường » gắn với tham vọng cá nhân : (1) một trong những mục đích của việc bắt người mùa hè năm 1967 (đặc biệt là việc bắt giam hai đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng cục 2, và Lê Minh Nghĩa, cục trưởng cục tác chiến trong Bộ tham mưu QDND), là ép cung họ tố giác đại tướng Võ Nguyên Giáp có liên hệ với Liên Xô ; 1967 mở đầu một quá trình tiệm tiến của cặp Lê Duẩn – Lê Đức Thọ nhằm loại trừ tướng Giáp ; (2) hầu hết những nhà cách mạng lão thành bị tù 6-9 năm trong vụ này đều đã từng ở tù Sơn La, cùng sinh hoạt chi bộ với Lê Đức Thọ ; giới thân cận các vị này tin rằng việc họ bị bắt có một nguyên nhân : ông « Sáu Búa » muốn thủ tiêu những chứng nhân về thời ông ở trong tù, đặc biệt là việc ông phản đối chính sách mặt trận dân tộc (thành lập Việt Minh) của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trở lại hồi kí của Clavier, đặc biệt về « sự cố » anh đã bước ra khỏi phòng họp khi nghe Lê Duẩn lên án Maurice Thorez « phản bội giai cấp công nhân ». Không khí căng thẳng này giữa những người cộng sản Pháp và Việt Nam, chúng ta đã cảm thấy trong một chứng từ khác : Charles Fourniau, nhà sử học, ở thời điểm 1964, là phóng viên thường trú của báo L'Humanité tại Hà Nội (Le Vietnam que j'ai vu, Les Indes Savantes, 2003). Nếu phải nói tóm tắt : cũng như Liên Xô, ĐCS Pháp (những người đã trả giá rất cao trong cuộc Chiến tranh Thế giới 1939-45) lo sợ rằng chiến tranh Việt Nam (dù ở xa) có thể châm ngòi nổ cho Chiến tranh Thế giới lần thứ ba (điều này giải thích tại sao, cho đến cuối năm 1967, khẩu hiệu của ĐCS và Phong trào hoà bình Pháp trong các cuộc biểu tình trước sau chỉ là « Paix au Vietnam ») ; phía Việt Nam thì coi thái độ chần chừ, « bàn ra » (năm 1957, không hề hỏi ý kiến Hà Nội, ông K đã đề nghị kết nạp VNDCCH và VNCH vào Liên Hợp Quốc !) là một sự phản bội. Cuối năm 1967, đầu năm 1968 (với cuộc tấn công Tết Mậu Thân), mới rõ khả năng Việt Nam có thể thắng Mĩ mà không đe doạ hoà bình thế giới, từ đó, quan hệ mới trở thành tốt đẹp như trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (mặc dù, trong giai đoạn 1945-47, còn có nhiều điều phải nói, nhưng đó lại là chuyện khác...).

Cũng may là Clavier trở thành người ngoài cuộc sau màn đầu của kịch bản « chống xét lại ». Nếu ở thêm đến năm 1967, không chừng anh được phong chức « gián điệp », như nhà Việt học Maurice Durand đã được Tố Hữu tấn phong « gián điệp 2eme Bureau » giật dây « bọn Nhân văn Giai phẩm » năm 1956 (trong hồi kí xuất bản cuối đời, Tố Hữu còn tỉnh bơ viết như vậy, tuy không nêu đích danh M. Durand).

Những cay đắng từng trải, Albert Clavier không quên. Anh đã kể lại, trung thực và chừng mực. « Tôi không tiếc gì cả », anh viết trên tiêu đề cuốn hồi kí, như Edith Piaf đã rút ruột cất tiếng ca năm nào. Không tiếc gì, sau ba cuộc đời bão tố, vui buồn xen kẽ, nhưng, như anh đã tâm sự với nhà thơ Dương Tường : “ Không một lời nào có thể diễn tả niềm vui của tao được gặp lại mày. Năm tháng qua đi nhưng kỉ niệm vẫn còn lại, những kỉ niệm tốt và những kỉ niệm xấu. Nhưng người ta thường chỉ giữ những kỉ niệm tốt, người ta nói thế ! Đối với tao, những kỉ niệm tốt đó là mười sáu năm sát cánh với nhân dân của mày, đất nước của mày mà tao tôn thờ, mà tao coi như tổ quốc thứ hai của tao, những năm sống trong chiến khu chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc… Phải, tao không hối tiếc gì hết. Nếu cần làm lại, tao vẫn sẽ làm lại như cũ…” (xem bài viết của Dương Tường trong trang Văn số Xuân Kỷ Sửu của Diễn Đàn).

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss