Để gió cuốn đi
Giới thiệu sách mới
"ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI"
Tự truyện của Ái Vân
Ca sĩ Ái Vân sẽ tổ chức ra mắt quyển
Tự Truyện
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
vào hồi 8h30 sáng thứ năm ngày
mùng 5/5/2016 tại
Khách sạn Continental, số 132 Đường Đồng Khởi, Bến
Nghé, Quận 1, Sài Gòn.
Tựa
Cách đây đã hơn chục năm, tôi muốn có cuốn hồi kí về đời tôi trên những chặng đường ca hát. Năm 2010 bạn Đinh Thu Hiền đã giúp tôi viết nó dưới cái tên “Hồi ức của một đóa hồng”. Chúng tôi đã làm việc với nhau tích cực trong vài tháng và đã có được chương đầu gồm 11 đoạn.
Tới đây tự dưng tôi thấy không muốn có cuốn sách này nữa. Cuốn sách đòi tôi phải nhớ quá nhiều trong khi có nhiều chuyện tôi muốn quên nó đi, quên thật sâu và quên thật nhanh. Hồi kí phải kể thật nói thật mới đúng là hồi kí, nếu không viết tiểu thuyết cho xong. Phàm đã kể thật nói thật sẽ đụng chạm tới nhiều người, đấy là điều tôi không muốn. Tôi đã xin lỗi bạn Đinh Thu Hiền và chấm dứt cuốn “Hồi ức của một đóa hồng” khi nó đi chưa tới 1/10 chặng đường.
Nhưng rồi vài năm gần đây tôi lại thao thức về những gì tôi đã trải qua trong đời mình. Kí ức làm tôi khó ngủ, bệnh mất ngủ bắt đầu từ đó. Rất nhiều đêm tôi thức trắng để rồi nhận ra, có những điều không thể không nói ra. Nếu cuốn hồi kí không được viết ra chắc chắn bệnh mất ngủ của tôi sẽ không chấm dứt. Và thế là tôi quyết định phục hồi lại cuốn hồi kí của mình. Viết một lần cho xong. Viết một lần để quên đi, để khi nhắm mắt xuôi tay mình không còn phải áy náy. Viết để hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn và quan trọng để yêu thương nhau hơn, thế thì tại sao không viết?
Và thế là giờ đây cuốn sách đã có trong tay bạn. Đây không chỉ là câu chuyện của tôi mà còn của thế hệ tôi, không chỉ câu chuyện của gia đình tôi mà còn của bạn bè tôi nữa. Câu chuyện những tấm lòng của những tấm lòng? Đúng vậy. Như một khúc ca của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.” Vâng, cuốn sách này cũng vậy. Nó được viết ra cũng chỉ để gió cuốn đi.
Cupertino tháng 4 năm 2016
Ái Vân
(Trích đoạn chương mở đầu):
1. Ba má
Tôi sinh ra vào lúc 11 giờ 15 ngày 30/10/1954, sau ngày Giải phóng Thủ Đô tròn 20 ngày. Ba tôi thường hay cốc đầu tôi, nói: “ Con bé này sinh vào thời khắc quá đặc biệt.” Còn nhỏ tôi không thấy có gì thật đặc biệt cả. Có gì đặc biệt cái tuổi ngựa đâu nhỉ? Lớn lên thấy ba nói đung đúng, lớn nữa thấy ba nói đúng thật, bây giờ ngẫm kĩ mới giật mình thấy ba nói mới đúng làm sao. Nếu sinh ra trước năm 1954, chỉ cần trước một năm thôi, năm 1953 hay 1952 chẳng hạn, tôi sẽ có một cuộc đời khác, nếu có bi kịch sẽ là một bi kịch khác, tất nhiên rồi. Điều đáng nói là, nếu tôi sinh trước năm 1954 thì toàn bộ bi kịch của tôi và gia đình tôi trong cuốn sách này sẽ không có. Nghĩa là tôi không phải mất thời gian viết cuốn sách này nữa.
Vậy mà bây giờ tôi phải viết sách. Đứng trước một núi chữ tôi thật sự ngao ngán. Chưa bao giờ tôi ngao ngán như lúc này. Giá như không phải nói gì cả, cứ thế mang theo xuống mồ thì hay biết bao nhiêu. Nhưng cuốn sách này là cục nợ cuối cùng tôi phải trả, trước khi “trắng nợ trần gian”.
“Không nói thì thôi, đã nói thì phải nói có đầu có đuôi”, thuở bé thơ học ăn học nói bà ngoại đã dạy tôi như thế. Vâng, tôi sẽ gắng nói có đầu có đuôi, có thế mới viết cả cuốn sách. Nếu không, có mà điên.
Chim họa mi
Má Ái Liên sinh 25-11-1920 ở Ngõ Nghè, gần Đền Nghè, nay là phố Lê Chân- Hải Phòng. Má là con gái của ông Thái Đình Lan và bà Trần Thị Sinh. Tôi thường vòi bà ngoại kể bằng việc hỏi đi hỏi lại dai như đỉa: “ Hồi nhỏ má xinh không?”- “Hồi nhỏ má hát hay không?”- “Má biết hát khi mấy tuổi?”- “Ai dạy má hát?”. Bà ngoại lại cười, lại cốc nhẹ đầu tôi: “Cái con này đòi gì cũng dai ghê!” Và ngoại lại rỉ rả kể...
Các thao tác trên Tài liệu