Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Anh Liễu, bậc quân tử

Anh Liễu, bậc quân tử

- Đặng Tiến — published 14/03/2010 23:30, cập nhật lần cuối 11/02/2011 12:22

Anh Liễu, bậc quân tử,
từ thành danh đến thành nhân


Đặng Tiến


Anh Bùi trọng Liễu, sinh ngày 28-9-1934, ra đi ngày 5-3-2010, là một tổn thất lớn lao cho chúng tôi, và cho sinh hoạt trí thức Việt Nam. Chúng tôi, bè bạn ở Pháp và hải ngoại vô cùng buồn đau, dù trong thâm tâm đã từng âu lo, vì anh Liễu tuổi cao, và tạng yếu, từ thời thanh niên.

Sinh tử là lẽ thường của trời đất, nhưng bản thân tôi không khỏi ngậm ngùi, khi cảm giác đâu đó rằng anh Liễu, công thành danh đạt, nhưng dường như đâu đó, vẫn còn sợi tơ vương khi hướng về đất nước… Anh sống trọn đời, và ưu tư, trăn trở trọn đời trong những trầm luân của đất nước. Và ra đi khi dân tộc chưa hết truân chuyên.

Tôi bổ sung cảm nghĩ này, khi yêu cầu in lại bài viết cách đây mười năm, đã nói một đôi điều tâm phúc về anh, mà anh đã đọc và thông qua.


****


Đọc Chuyện gia đình và ngoài đời
của Bùi Trọng Liễu


Nhà biên khảo Phan Ngọc, trong một tác phẩm mới xuất bản, phân biệt hai thời kỳ trong lịch sử văn học : trước kia, các tác phẩm là quà tặng, gần đây mới có tác phẩm hàng hoá. Sự chuyển biến đi từ giai đoạn tặng những người cùng hệ tưởng, sang tặng những người thị dân, rồi từ giai đoạn nửa quà tặng, nửa hàng hoá, sang giai đoạn hàng hoá 1.

Sách Bùi Trọng Liễu Chuyện Gia Đình và Ngoài Đời vừa mới được in ấn năm 2000, bản lề giữa hai thiên niên kỷ, thuộc loại « quà tặng cho những người cùng hệ tưởng » nói trên, đại khái như tác phẩm Chu Văn An cách đây… 700 năm.2

Tên sách báo trước nội dung, nhưng vẫn lửng lơ như một nhập đề luận văn : chuyện gia đình và ngoài đời, nhưng chuyện gì ?

Xin thưa : chuyện đời tác giả. Nhưng dụng tâm người viết không phải dàn trải cuộc đời cá nhân, mà muốn phản ánh một thời đại, nửa thế kỷ, qua hoàn cảnh cá biệt của một người : Một người không tiêu biểu.

Công việc Bùi Trọng Liễu nhắc lại trước tác Les Essais (Tiểu truyện) của Montaigne (1533-1595) tỉ mỉ kể chuyện mình, « lấy thân làm đề tài sáng tác », vì (theo Montaigne), « mỗi con người mang trọn vẹn thân phận làm người » dù rằng ông có là một bậc quý tộc không tiêu biểu. Trong một thời gian dài « sự ngông cuồng trong ý đồ tự họa » (le sot projet de se peindre) đã bị công kích, mãi về sau tác phẩm mới được quý trọng, khơi nguồn cho dòng tự truyện, từ J. J.  Rousseau đến André Gide. Thậm chí còn là sách gối đầu giường cho một số người, trong đó dường như có Phạm văn Đồng.

Anh Bùi Trọng Liễu khác xa Montaigne và hoàn toàn không có tham vọng văn học của Montaigne. Nhưng Chuyện Gia Đình và Ngoài Đời rồi cũng sẽ đứng đầu sóng ngọn gió như Tiểu Truyện của Montaigne : sẽ không ít người chê trách anh khoe khoang, mang bệnh cá nhân, nói quá nhiều về mình, nhất là khi « mình » đây là một cá nhân được cuộc đời ưu đãi : con quan, học giỏi, đỗ đạt cao, giao du với những nhân vật quyền cao chức trọng.

Bên ngoài những thị phi, người đọc có thể suy nghĩ cách khác : chữ « thân phận làm người » thường ngụ ý người nghèo, sức yếu thế cô. Nhưng trên nguyên tắc, không phải chỉ có Chí Phèo, Bốn Thôi, Chị Dậu mới mang thân phận làm người ; và dù sao, họ cũng không tự mình có tiếng nói để nói lên thân phận ấy. Phát ngôn cho họ, vẫn là người khác, được ưu đãi, là những nhà văn. Họ có tiêu biểu hay không, và tiêu biểu đến đâu, là do các tác giả có tài hay không, chứ không phải vì họ là vô sản.

Chuyện Gia Đình và Ngoài Đời của Bùi Trọng Liễu vạch lại dòng họ hai bên nội ngoại. Bên ngoại lần lên đến Nguyễn Như Đổ (1424-1526) tiến sĩ khoá đầu nhà Lê, đến đời ông ngoại làm án sát Hải Dương, một danh gia khoa bảng. Bên nội, gốc Ninh Bình làm nông, khá giả, đến đời thân sinh theo tân học, làm quan đến tuần phủ Phúc Yên cho đến 1945. Ông cụ có liên hệ với phong trào Việt Minh, tham gia kháng chiến, rồi về thành, gửi Bùi Trọng Liễu sang Pháp học (1950), sau đó cùng cụ bà sang Pháp và mất tại Pháp.

Kể chuyện dòng họ, không khỏi bị phê phán là khoe. Nhưng theo tôi, tác giả nhắm vào những mục tiêu khác : một là ghi lại những phong tục, tập quán xa xưa, tốt có xấu có. Hai là để chứng tỏ con người luôn luôn gắn bó với nguồn gốc, dù có phải mãn kiếp cầu thực tha phương ; không phải thương nhớ chung chung trong nỗi u hoài lãng mạn, mà có thật sự tra cứu tường tận. Điểm thứ ba, quan trọng nhất : là vô hình trung, anh phủ nhận quan niệm lý lịch : quan lại và tư sản không nhất thiết phải là phản cách mạng, và sản xuất những con người phản động : trôi giạt giữa cuồng lưu của lịch sử, gia đình anh vẫn giữ tiết sạch giá trong, bản thân luân lạc anh vẫn cố gắng đóng góp vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.

Anh Bùi Trọng Liễu có học hàm và chức vị cao, nhưng chỉ muốn chứng tỏ, trước hết là con người bình thường, thậm chí tầm thường, con người có quê cha đất tổ, có làng có nước, quý cha mẹ, yêu vợ con, trọng bè bạn.

Có người trách Bùi Trọng Liễu ưa kê khai chức tước, riêng tôi cho rằng ông Nghè Bùi, giáo sư Đại Học Paris, vẫn còn nuối tiếc một chân giáo học trường làng, nơi Nhuận ốc, Yên Mô gì đó. Đọc Bùi Trọng Liễu thỉnh thoảng vẫn gặp đôi nét ưu hoài của những ước mơ không trọn vẹn.

Sau chuyện học hành, khó khăn vì chiến cuộc, bấp bênh vị bệnh lao, sau chuyện lập thân, là những sự kiện ngoài đời, chủ yếu là những hoạt động trong Hội Người Việt Nam tại Pháp kéo theo những chuyến về thăm đất nước với những phái đoàn hợp tác, bữa cơm với thủ tướng Phạm Văn Đồng với thực đơn : « một đĩa giò, một đĩa rau muống, một đĩa dưa, một bát canh cá, một đĩa bánh cuốn » (tr. 203), lần khác thì « chỉ nhớ có đĩa óc rán và có củ khoai lang luộc to bằng cái bát » (tr. 221), chủ khách chia đôi. Có lần phái đoàn vào phủ Chủ Tịch, khi ra về xe hết xăng « Để xe trong phủ không tiện, chúng tôi phải lệch đệch đẩy xe ra khỏi phủ, rồi để xe ngoài đường, đi bộ về » (tr. 222). Trên đường về, có ô tô dừng lại « ân cần chào hỏi » (tr. 224) là xe Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ... Bạn bè muốn tặng anh Liễu một kỷ niệm, anh hỏi xin một cái quạt mo, « tưởng rằng dễ, té ra quá khó, sau mấy ngày tìm kiếm mới kiếm ra được một cái » (tr. 208).

Bùi Trọng Liễu nghiêm nghị, có phần khắc khổ, nhưng vẫn giàu tinh thần hài hước. Những luận cứ rất nghiêm minh của anh vẫn có chất uy-mua (humour) . Nhưng đặc biệt là chất mô phạm : anh ưa giải thích và chú thích cặn kẽ, trích dẫn sách vở đông tây kim cổ, và cũng có thừa dịp phê phán người xưa : anh chê nhân cách Quan Công được người đời thờ phụng (tr. 177) ngạc nhiên khi người phương Tây ít biết đến Hàn Tín (tr. 178). Sách anh Liễu là một cuộc nhàn du trí tuệ, với điều kiện là trí tuệ phải « thanh thản ».

Anh Bùi Trọng Liễu kể lại một vài kỷ niệm sinh hoạt với giới Việt Kiều trong Liên Hiệp Trí Thức, sau này là thành phần Hội người Việt Nam tại Pháp, những nét khắc hoạ nhẹ nhàng, dí dỏm vá súc tích, với đoạn ghi chú ân cần về Huỳnh Trung Đồng. Và nhất là anh tóm lược quan niệm của anh về vai trò trí thức Việt Kiều

« Nó bao gồm thông tin, góp ý và phê bình, mà tạm gọi gọn lại là vai trò tranh luận ý kiến (débat d’idées), có vậy thì mới góp phần làm cho xã hội tiến triển được. Nó khác với vai trò hành động của nhà chính trị, bao gồm việc lựa chọn những giải pháp phù hợp để đưa vào thực hiện. Người trí thức có bổn phận của mình, nhà chính trị có vai trò của mình. Không nên lẫn lộn. Sự hưng thịnh của một xã hội, tất có sự góp phần của nhiều ý kiến » (tr. 291).

Nhân tiện, anh cũng in lại một số bài báo ngắn trong mục Suy Nghĩ Gần Xa đăng trên báo Đoàn Kết như bài Gồng Mình, 1982, đã gây tranh luận. Có người chê trách rằng anh nói xéo. Phong Quang thời ấy trả lời : bài Gồng Mình không nói xéo, và ở thời đại này nên nói thẳng : « Trong thời kỳ phong kiến, thực dân, các lực lượng nhân dân trong đó có các sĩ phu, và nhà văn, đã nhiều lần phải sử dụng lối nói xiên, đưa nó lên hàng nghệ thuật : chuyện tiếu lâm là một thí dụ » (Đoàn Kết, số 386, năm 1986, BTL dẫn trang 244). Nhắc lại chuyện cũ, tôi chỉ muốn ghi lại một tâm cảnh đã xa xưa, và ghi nhận thái độ phê phán của Bùi Trọng Liễu : « Xét người cũng như xét việc, nên đánh giá từng giai đoạn, không nên đem giai đoạn sau gán cho giai đoạn trước, hay ngược lại » (tr. 70).

Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ nên tìm những điều kiện giảm khinh. Nên dùng lịch sử để giải oan cho con người. Nhất là lịch sử, thường thường là sở hữu của người chiến thắng.

*    *

*

Anh Bùi Trọng Liễu hành nghề toán học, với tâm hồn một nhà nho. Cái này không loại trừ cái kia. Không phải vì anh biết chữ Hán, mà vì cách nhìn đời, cách ứng phó. Ví dụ như lòng yêu chuộng văn chương. Trong anh, có một trí thức hiển đạt và một nhà nho dang dở. Anh ham chuộng chữ nghĩa, nhất là về lịch sử và văn thơ, không phải với hoài bão làm một thứ bách khoa toàn thư, nhưng với niềm u hoài một kiếp người không toàn vẹn. Nhưng đã là người, làm sao trọn vẹn, nói chi đến toàn vẹn ? Tôi chạnh nhớ một câu thơ Phùng Quán, tả một quả cà : Lòng chưa nguôi tím nguôi xanh. Làm người, còn khó hơn làm quả cà.

Nói chuyện quả cà của nhà thơ, lại nhớ chuyện quả chanh của nhà nho. Giai thoại kể rằng cụ Huỳnh Thúc Kháng, một lần tiếp khách, bổ quả chanh ngay chính giữa, theo chiều dọc. Khách mách : « Cụ bổ lệch sang một bên, chanh sẽ nhiều nước hơn ». Cụ Huỳnh đáp : « tôi là nhà nho, ngang ngay sổ thẳng, không lệch lạc gì cả ». Đây là chuyện từ quả cà ra quả chanh... Vớ va vớ vẩn.

Đọc Chuyện Gia Đình và Ngoài Đời là tìm hiểu một con người trong đời người. Muốn đánh giá cao con người tác giả, kẻ sử dụng lý luận biện chứng sẽ nói : Bùi Trọng Liễu là tổng hợp nhiều mâu thuẫn : giai cấp, học vị, lòng hy sinh, tinh thần dân tộc, tư tưởng chống kỳ thị, óc cá nhân, tinh thần đoàn thể, vv.. vv, để tổng hoà với trào lưu lịch sử.

Nhưng tôi sẽ không biện luận như thế, anh Liễu phì cười : con người không phải là biện chứng. Con người là tự do : anh làm điều này vì không thể làm điều kia, nói thế này vì không thể nói thế khác : Anh là anh, thế thôi.

Đã lâu, anh Bùi Trọng Liễu, không về thăm đất nước : « vì sức khoẻ và cũng vì không có gì đặc biệt để về » (tr. 299). Kết luận như thế, tưởng cũng là đầy đủ về mặt tư tưởng. Nhưng về tâm tình, còn có chút gì hụt hẫng : về quê, thì cần gì lý do đặc biệt ?

Bùi Trọng Liễu gượng thêm một câu : « Có điều khó là quan hệ với quê hương cũ không còn như trước vì xã hội đã thay đổi, tâm tư, nguyện vọng, phong thái của con người cũng đã thay đổi » (tr. 300).

Đã là quê hương, sao lại còn « quê hương cũ » ?

Lại nhớ tâm sự Thúy Kiều :

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng ...

Thuý Kiều lưu lạc chỉ mười lăm năm. Bên kia nửa vòng trăng, còn có sông Tiền Đường giải oan : Kiều chưa hẳn là bất hạnh.

Thương là thương những kiếp người, những mùa trăng theo những mùa trăng, không có một Tiền Đường nào ngóng đợi cả.

Đặng Tiến

Orléans, Noël 2000



1 Phan Ngọc, Thử Xét Văn hoá-Văn học bằng Ngôn Ngữ học, nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, trang 408

2 Chuyện gia đình và ngoài đời, tác giả in tự túc, theo dạng phóng ảnh, để tặng bạn bè, năm 2000. Đến 2004, đã xuất bản dưới tên Tự sự của người xa quê hương, nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia, Hà Nội. Có thể đọc trên trang mạng của tác giả: Bùi Trọng Liễu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us