Ba cuốn tiểu thuyết mới
Nam Dao
L'Echo du gong

bản dịch của Đặng Trần Phương
từ nguyên tác tiếng Việt Tiếng
cồng
nhà xuất bản L'Aube, 200616,70 €,
có thể mua qua fnac
Nam Dao, nhà thơ, những năm gần đây đã sáng tác nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử : Gió Lửa, Đất trời, Bể dâu (bạn đọc có thể xem trên mạng Ăn mày văn chương). Tiểu thuyết Tiếng cồng đưa ta về xã hội Việt Nam hôm nay. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Nam Dao được dịch ra tiếng Pháp. Dịch giả Đặng Trần Phương đã cung cấp cho bạn đọc tiếng Pháp bản dịch Đi về nơi hoang dã (Nhật Tuấn, Retour à la jungle, Philippe Picquier, 2002). Được biết nhà xuất bản L'Aube cũng sắp xuất bản Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) và một tập truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn.
Nguyễn Trung
Dòng đời

tiểu thuyết, nhà xuất bản Văn Nghệ, 2006
in và đóng làm 2 cuốn : cuốn
1 (Tập I và II, 834 trang ; III và IV, 858 trang)
giá bán : 118 000 Đ và 122
000 Đ
có thể mua qua mạng vinabook
đọc một phần hay (cùng chẳng đã)
toàn văn trên trang nhà của Trần
Hữu Dũng
Mùa xuân năm nay, tên tuổi của Nguyễn Trung đã nổi lên qua loạt bài Thời cơ vàng. Giới nghiên cứu về đường lối đối ngoại của Việt Nam thì đã từ khá lâu có dịp tiếp cận nhà ngoại giao lão luyện, tâm huyết và độc lập suy nghĩ này (ông đã từng công tác ở Thái Lan, Đức và Úc trước khi tham gia Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho đến khi ban này bị/được thủ tướng mới giải thể, tháng 8.2006). Ngày nay, người đọc không thể không khâm phục tâm huyết và công lao của tác giả khi ông hoàn thành bộ tiểu thuyết gần 2000 trang này.
Người viết bài không có can đảm đọc bản thảo điện tử, và mới chỉ nhận được bộ sách cách đây 24 giờ, nên chỉ dám mời bạn đọc cùng theo dõi câu chuyện của một gia đình bị xé làm hai trong cuộc kháng chiến, và chia sẻ nỗi day dứt của tác giả là làm sao tránh cho đất nước "bi kịch lớn nhất của cuộc đời ở mọi quốc gia thường là thắng lợi của một cuộc cách mạng trở thành một thứ chiến lợi phẩm. Kẻ thắng xô xát nhau chia quả thực ! Ai nhặt được cái gì thì nhặt ! Ai giành được gì thì giành", và sự phẫn nộ của ông trước "tệ nạn tham những. Sự bóc lột này lớn hơn hàng trăm lần, hàng nhiều nghìn lần so với sự bóc lột thặng dư giá trị còn đang tồn tại trong xã hội nước ta"...
Nguyễn Bình Phương
Ngồi

tiểu thuyết, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006
292 trang, giá 35 000 Đ
Những ai chưa đọc tác giả trẻ này, có lẽ nên bắt đầu bằng cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của anh. Xin nhường lời giới thiệu Ngồi cho nhà phê bình Phạm Xuân Thạch :
<< Cuốn sách của Nguyễn Bình Phương cho chúng ta cảm giác về một “người xa lạ mà quen thuộc”. Xa lạ trong sự sáng tạo và ý tưởng độc đáo của nó. Và quen thuộc trong hình hài, những cấu trúc tiểu thuyết, những nỗi ám ảnh, day dứt của các vấn đề, những gì đã xuất hiện ngay từ khi anh viết Người đi vắng, qua Những đứa trẻ chết già đến Thoạt kỳ thuỷ. Và cũng đã ba năm rồi, kể từ khi Thoạt kỳ thuỷ được xuất bản. Trước hết, giống như nhiều tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương, Ngồi có thể coi là một thứ “phản-tiểu thuyết” (anti-roman), hay chính xác hơn, nó chông chênh bên bờ của một thứ “phản-tiểu thuyết”. Những thứ để làm nên một truyện vẫn tồn tại : sự hư cấu, nhân vật chính, một vài xung đột ngấm ngầm, một vài chuyện - đúng ra là những câu hỏi lơ lửng về nhân vật, những tKiênhứ mà ở một nhà văn khác, trong một tiểu thuyết khác, có thể trở thành một cốt truyện trọn vẹn. Nhưng dường như là người viết không quá bị ám ảnh bởi những câu chuyện. Cái cuốn hút anh là một ý tưởng về sự xuất hiện của những nhân vật. Tiểu thuyết được mở đầu bằng một ouverture kỳ lạ. Một khung cảnh huyền hoặc như một huyền thoại từ hàng ngàn năm của người Giao Chỉ, cái xác khô cứng của con chèo bẻo mắt mở trừng trừng, cây cột đồng (Mã Viện?), những người đàn bà “lưng ong, tay vượn, tóc sổ tung với đôi chân ngắn mở rộng và núm vú như hai hòn than hồng rực đặt ngay ngắn trên bộ ngực trần màu nâu nhạt”, một con trâu, và một người, hay chính xác hơn những cử động của một người, hay chính xác hơn, một kẻ còn chưa rõ hình hài, chưa rõ một cái tên. Và rồi, “bằng sự nhẫn nại ghê gớm”, từng nét một của nhân vật hiển hiện, cùng với từng chữ một trong một cái tên, trong hình hài của pho tượng Tuyết Sơn “chân trái gập lại ngả ngang bằng với mặt đất”, “chân phải co lên ép vào bụng”, “tay trái bẻ vuông góc, bàn tay ngửa, các ngón mở ra như những cánh hoa đang tàn, bàn tai phải của Khẩn với các ngón gân guốc như bộ rễ già nua bọc kín lấy đầu gối chân phải”. Ngay từ đoạn mở đầu này cũng đã bộc lộ tính chất anti-roman của tác phẩm. Với nhiều người tiểu thuyết vẫn cứ là một thứ nhập nhằng, một thứ “dối mà thực” còn trong cuốn sách này, tiểu thuyết tự lột mặt nạ mình. Nó chẳng là cái gì khác ngoài sự hư cấu và hư cấu bằng ngôn từ. Nhân vật không là con người, nhân vật là bóng của con người và sự xuất hiện của nó chẳng phải cái gì khác ngoài một cái tên, tạo nên bằng các chữ cái - chẳng khác gì một Joseph K. Nó như rơi thẳng xuống từ khoảng hư không của hàng nghìn năm lịch sử, hóa thân trong một con người nào đó bất kỳ của cõi sống chúng ta. Và rồi, kết cục nó sẽ lại tan biến đi vào khoảng hư không ấy. Trong những trang cuối cùng, nhân vật chính của tiểu thuyết sẽ lại trở về trong một trạng thái nửa như mặc khải, nửa như buông xuôi, trong cái tư thế “thoạt kỳ thủy” của nó và từng nét một, từng chữ một tan biến. Đó phải chăng cũng là một cách phá bỏ nơi người đọc nỗi ám ảnh của câu chuyện để mời gọi một suy tư ? >> (xem toàn văn bài của Phạm Xuân Thạch).
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu