Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Bùi Ngọc Tấn : Une vie de chien

Bùi Ngọc Tấn : Une vie de chien

- Janine Gillon — published 01/04/2007 17:03, cập nhật lần cuối 14/07/2007 12:51
tập truyện - nxb Editions de l'Aube, 2007


Bùi Ngọc Tấn



Lời giới thiệu của Janine Gillon (PA dịch) :

Giống như Kiki, tất cả các nhân vật của những truyện ngắn này thực sự đã trải nghiệm một cuộc « đời của cún ».

Đó là do lỗi của các biến cố ư ? hay do lỗi của chiến tranh ? do không có vận may ư ? hay do nguyên nhân chính trị ? nguyên nhân gia đình ? nguyên nhân xã hội … ? Lỗi tại đời đấy mà. Đời thật chó má!
Đó cũng là vấn đề cách li, giam hãm, tước đoạt tự do, tù đày… tóm lại : nhà tù.

Nhà tù. Một cơn đau không bao giờ khỏi hẳn được. Nhà tù, nơi giam giữ các tù nhân, hẳn nhiên, nhưng cũng là nơi giam giữ những người canh giữ họ. Nhà tù, nơi những kẻ tra tấn không phải lúc nào cũng là những kẻ mà ta chờ đợi. Nhà tù, nơi một ngày « dài nghìn thu ». Nhà tù dính chặt vào da thịt, rất lâu kể cả sau khi ta đã ra khỏi đó. Nhà tù khiến con người phát điên. « Người chăn kiến » kể cho chúng ta về cơn điên này, một câu chuyện dữ dội về một cơn không hề mang tính thường nhật.

Và nếu Bùi Ngọc Tấn nói về nhà tù hay đến thế chính là vì ông đã nếm trải nó : ông đã bị bắt giam trong năm năm dài : từ 1968 đến 1973.

Sinh năm 1934 ở Hải Phòng, Bùi Ngọc Tấn đã trở thành một chiến sĩ hoạt động tích cực trong cuộc Kháng chiến lần thứ nhất ở Hà nội, đầu tiên với tư cách là thành viên của phong trào « thanh niên xung kích », và sau đó là nhà báo của báo Tiền Phong (tờ báo của Đoàn thanh niên cộng sản). Nhưng nghề thực sự của ông là nghề viết, công việc đã bị ngắt quãng trong hai mươi lăm năm trong những giai đoạn cam go của chiến tranh và tù tội. Chỉ đến năm 1990 ông mới cầm bút trở lại với một truyện ngắn « Người ở cực bên kia » Từ đó, ông đã viết hai tập truyện ngắn, hai cuốn hồi ký và một tiểu thuyết, « Chuyện kể năm 2000 », và hiện ông vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai, cuốn sách này cho ta nghe thấy một giọng trầm và dịu, đôi khi đau đớn nhưng không bao giờ chua chát hay khiêu khích gây gổ - và luôn luôn dừng lại đúng mức nhờ sự hóm hỉnh của từ ngữ -, của một người đã im lặng quá lâu.

Nay chúng tôi vui mừng tặng quý vị sự may mắn được nghe nhạc điệu trầm lắng của giọng nói này. Và Việt Nam, dù không vui lòng khi nhìn lại quá khứ mới đây của mình, hãy để chúng ta nghe thấy giọng nói này, cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về biến loạn của một thời kỳ mà ông chủ của Kiki gọi là « những năm đen tối nhất » của đất nước. Một thời hào hùng say mê trong tiếng gầm của bom đạn, trong tiếng gào rú đe dọa của B52, trong nỗi đau thương vì những người thân yêu ra đi, trong sự mất mát lớn lao, với cái chết rình rập, và tầm thường hơn, nhưng quá sức chịu đựng, đó là cái đói, nhức nhối khủng khiếp, cái đói ám ảnh hàng ngày của mỗi con người… Sự thanh thản nào có thể cưỡng lại được những cú sốc luôn luôn tái khởi và luôn luôn đe doạ, những cú sốc để lại những vết thương không bao giờ liền sẹo ?

Ngày hôm nay, Bùi Ngọc Tấn cũng như những nhân vật của « Những người đi ở », vui với nghệ thuật làm ông ở Hải Phòng, thành phố quê hương ông, vui với con cháu mình. Ở đó tôi đã gặp ông, chúng tôi đã hàn huyên, ông đã cho tôi bài học về sự hiền minh và thanh tĩnh.

Vì tôi nói rằng tôi rất yêu thích vẻ đẹp của truyện ngắn « Khói », ông cười ranh mãnh và dịu dàng : « Nếu như tôi không biết đến nhà tù, tôi sẽ không thể nào viết được truyện ngắn ấy. Một hôm, khi quan sát một cậu cai tù trẻ, tôi đã cảm thấy rằng cả anh ta nữa, anh ta cũng không vui vẻ gì. » Tấn, con người mơ mộng, hôm đó còn tâm sự thêm với tôi là điều đã giúp ông tiếp tục sống trong tù, đó là việc nhìn những đám mây, nhìn dãy núi xa xa, cánh rừng…Tất cả những điều đó, ông nói với tôi bằng tiếng Việt, bời vì - ông luôn tự trách mình vì điều đó - nhà tù đã làm ông quên hết vốn tiếng Pháp ông học được ở trường thủa xa xưa. Thời đó quá xa rồi.

Nhà tù : có bao giờ ta thoát khỏi nó không ?




Lời giới thiệu của Phước An :

« Une vie de chien », tập truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn do nhà xuất bản Aube phát hành đầu năm 2007, là một nỗ lực của nhóm dịch giả Đặng Trần Phương, Nguyễn Ngọc Giao, Vũ Văn Luân, và Janine Gillon, nhằm, trước hết, chia sẻ với Bùi Ngọc Tấn cái cảm giác nhà tù dính chặt vào da thịt, kể cả rất lâu sau khi đã rời khỏi nó. Dù không bao giờ có thể gột rửa hết cảm giác đó, những trải nghiệm của Bùi Ngọc Tấn giờ đây cũng không còn là của riêng ông. Những trạng thái xúc cảm của con người không bao giờ cân được, nên không bao giờ có thể biết được chúng nặng đến mức độ nào. Những người dịch và giời thiệu Bùi Ngọc Tấn hẳn đã cảm thấy một phần gánh nặng đó, và những người đọc tiếp tục gánh những cảm giác đó, mỗi người theo cách riêng của mình. Cứ như vậy gánh nặng ấy sẽ cùng với « giọng nói trầm và dịu » của tác giả vượt ra khỏi biên giới của một đất nước và vượt ra ngoài cái không gian tinh thần của một cá nhân.

Bùi Ngọc Tấn, ở nơi không có bóng dáng những phông màn sân khấu, ở nơi không xuất hiện các cuộc phỏng vấn, ở nơi không chạy những hàng tít lớn của báo chí truyền hình, và nơi lặng sóng chính là nơi sâu nhất. Cùng với ông ta bước vào một thế giới lặng, nhưng sự tĩnh lặng bề mặt giấu phía dưới đáy sâu của nó bão tố của cả một thời kỳ lịch sử, và quan trọng hơn, bão tố của những thân phận, những cá thể có khả năng bị quên lãng, cơn bão tố mà từ dưới đáy lọ mực, Bùi Ngọc Tấn đã không sợ khuấy lên. Hình ảnh này của một nhà văn Pháp quả thực rất chính xác để diễn tả điều mà một nhà văn Việt Nam tiếp tục làm cách ông hai thế kỷ. Hy vọng một ngày nào đó, độc giả Pháp đã quen thuộc với người tù Jean Valjean, có thể biết đến một người tù khác trong « Chuyện kể năm 2000 ».




Các truyện được dịch : Khói, Những người đi ở, Cún, Truyện không tên, Người chăn kiến, Một ngày dài dăng dẳng, Dị bản một truyện đã in

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss