Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Cao Huy Thuần : Thế Giới Quanh Ta

Cao Huy Thuần : Thế Giới Quanh Ta

- Nguyên Ngọc — published 17/05/2007 09:25, cập nhật lần cuối 24/05/2007 15:30
nxb Đà Nẵng, 2007, bài tựa của Nguyên Ngọc



Cao Huy Thuần



LTS : Bài tựa của nhà văn Nguyên Ngọc viết cho cuốn sách Thế giới quanh ta của Cao Huy Thuần, do NXB Đà Nẵng vừa phát hành, đã được trích đăng trên Tuổi Trẻ (14.4.2007). Dưới mắt Cao Huy Thuần, đúng như Nguyên Ngọc đã chỉ rõ, người trí thức thường xuyên xớ rớ vào những chuyện không phải của họ. Tại sao họ xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ như vậy ? Ấy là tại vì họ xớ rớ vào chính chuyện của họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức... Là người xớ rớ, là người gây phiền nhiễu, cho nên, như là định mệnh vậy, họ khó được chính quyền ưa. Thậm chí xã hội, cái xã hội thông thường mà ta phải sống trong đó hằng ngày, cái quần chúng mà họ luôn giữ cho thức tỉnh, nhiều khi cũng lấy làm khó chịu về họ.

 

Người xớ rớ uyên thâm

   

Nguyên Ngọc


Đương nhiên không bao giờ nên nghĩ đến chuyện thử "tóm tắt" trong mấy câu ngắn gọn một cuốn sách như thế này, và kỳ thực cũng không thể nào làm được việc đó. Không phải vì tác giả đề cập đến quá nhiều vấn đề khác nhau, từ Đông sang Tây; trái lại là khác, những vấn đề thế giới và nhân sinh rộng lớn được tác giả nêu ra và phân tích trong mấy trăm trang sách súc tích này, chỉ cần nhìn kỹ một chút, đã có thể thấy ngay là đều tập trung quanh một cái lõi rất cô đặc, cái lõi ấy thấm đượm nhất quán trong từng bài viết, từng trang, từng rung động, từng suy ngẫm, sắc sảo và thâm trầm. Không nên và không thể tóm tắt là vì bài nào, trang nào, dòng nào, chi tiết nào cũng đều rất đắt, đến mức hầu như không thay thế được. Đọc kỹ từng trang, từng dòng, dừng lại trên từng chi tiết, và suy ngẫm cùng tác giả, sẽ gặp được một niềm vui trí tuệ lớn, tôi tin vậy.

Không thể và không nên tóm tắt, nhưng vì xuyên suốt ở đây có một cái lõi rất tập trung, nên tôi nghĩ có thể thử nói đôi điều về cái lõi ấy, bởi vì những chuyển biến rối động của cái thế giới nọ rồi có thể thay đổi, những phân tích về các chuyển biến ấy tất cũng phải khác, nhưng tấm lòng kia, nguồn trí tuệ kia, cả chỗ đứng kia nữa của tác giả hẳn sẽ có thể như một nguồn ánh sáng long lanh dắt dẫn ta đi qua những ngõ ngách trông chừng ngày càng hỗn độn của thế thái nhân tình.

Cao Huy Thuần trước hết xuất phát từ một chỗ đứng mà anh thường xuyên khẳng định rất rõ rệt: vị trí của người trí thức trong xã hội. Mở đầu một bài viết, anh nhắc hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Có giang sơn thì sĩ đã có tên
So chính khí đã đầy trong trời đất

Sĩ tức là người trí thức. Đương nhiên, trước hết định nghĩa thế nào là người trí thức? Người trí thức, kẻ sĩ ấy, là ai vậy, mà hễ có giang sơn thì ắt đã phải có anh ta rồi, không có anh ta thì giang sơn còn chưa trọn vẹn là giang sơn, và có anh ta thì nguồn chính khí bỗng đầy trong trời đất? Anh từ đâu đến? Anh đến để làm gì trong cuộc đời này? Trách nhiệm của anh là gì? Ai giao cho anh trách nhiệm ấy? Mối quan hệ của anh là như thế nào với quần chúng, và với chính quyền? ...

Tôi bổng nhớ đến Nguyễn Khắc Viện, một người cũng từng băn khoăn rất nhiều về vị trí và thái độ của người trí thức trong xã hội. Nguyễn Khắc Viện có lần nói: "Nhiệm vụ của kẻ sĩ, thời nào cũng vậy, là gây dư luận". Gây, khuấy động dư luận, không để cho dư luận được yên, yên trí, không để cho ai bằng lòng với tất cả những gì đã tưởng là đương nhiên. Giữ cho trí óc và lương tâm của xã hội luôn luôn tỉnh thức. Là người canh gác sự tỉnh thức thường trực của xã hội...

Nguyễn Khắc Viện nói đến người trí thức lần ấy là nhân thể bàn về điều gì đấy mà nhắc qua. Cao Huy Thuần thì đi thẳng vào vấn đề, trực diện và toàn diện hơn. Trước hết anh phân biệt người có học với người trí thức. Anh dẫn lời J. P. Sartre: Trí thức không phải là tất cả những người làm lao động trí óc. Một người nghiên cứu trên hạt nhân để cho nổ ra trái bom nguyên tử càng lúc càng tinh vi, ông gọi người đó là nhà bác học. Cũng nhà bác học đó, khi ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm ông nắm trong tay, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ấy là trí thức. Từ đó mà đi đến định nghĩa thú vị này: trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhậu gì đến họ, "s'occupe de ce qui ne le regarde pas". Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Họ thường xuyên xớ rớ vào những chuyện không phải của họ. Tại sao họ xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ như vậy ? Ấy là tại vì họ xớ rớ vào chính chuyện của họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức.

Vậy đó, thật thú vị, trí thức chính là "người xớ rớ", là người thường xuyên làm cho mọi chuyện tưởng đã yên hoá ra không phải là đã yên, là người thường xuyên "đặt lại vấn đề", về mọi chuyện, và bất kỳ ở đâu, với bất kỳ ai. Cao Huy Thuần viết: trí thức là người nói sự thật, người phê bình, và anh nhắc lại chính Marx : "phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào". Phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội ý thức chính mình, tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử. Trí thức là những người tự đặt mình ra khỏi thẩm quyền của mình. Tại sao họ làm vậy ? Tại vì, Sartre trả lời, "trí thức là người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức đang đô hộ. Ý thức được điều đó tức là khám phá ra những mâu thuẫn căn bản của xã hội, nghĩa là những xung đột giai cấp và, ngay trong lòng giai cấp thống trị, một xung đột hữu cơ giữa sự thật mà giai cấp đó nhân danh để thống trị và những huyền thoại, giá trị, tập tục mà nó bám giữ và truyền nhiễm vào những giai cấp khác để thống trị".

Là người xớ rớ, là người gây phiền nhiễu, cho nên, như là định mệnh vậy, họ khó được chính quyền ưa. Thậm chí xã hội, cái xã hội thông thường mà ta phải sống trong đó hằng ngày, cái quần chúng mà họ luôn giữ cho thức tỉnh, nhiều khi cũng lấy làm khó chịu về họ. Và Cao Huy Thuần nói với một người bạn anh, là một trí thức chân chính: " ...bởi vì anh là hiện thân của mâu thuẫn, bởi vì chính cái mâu thuẫn giữa sự thật khách quan, phổ quát mà anh theo đuổi, và sự thật riêng biệt, chủ quan mà hệ ý thức thống trị đang áp đặt trên xã hội, vâng, bởi vì chính cái mâu thuẫn đó làm nên người trí thức nơi anh, (cho nên) đáng lẽ ra anh không nên làm người trí thức. Trong thành phần của anh, bao nhiêu người đã không làm như vậy. Vậy thì, nếu anh cứ muốn làm, hãy chấp nhận cô đơn mà làm, chênh vênh giữa trời và đất, trời mà anh đã ruồng bỏ, đất muôn đời chẳng dung nạp anh. Anh có thể là lý thuyết gia của giai cấp bị áp bức, nhưng không bao giờ, không bao giờ, anh là trí thức hữu cơ của giai cấp đó". Người trí thức, như vậy, cả đối với quần chúng nữa, mà "anh chỉ biết có phục vụ", cũng là "người xớ rớ". Cả đối với cái quần chúng ấy nữa, anh ta cũng không để cho họ được yên, anh luôn bảo họ đừng bao giờ chịu yên. Cả đối với họ, chính đối với họ, anh luôn là người thức tỉnh. Anh tất cô đơn là phải! ...

Những điều Cao Huy Thuần thống thiết nói với người bạn trí thức của anh đang sống ở trong nước, tôi nghĩ cũng là anh tự nói về mình. Cái định mệnh của bạn anh mà anh thấu hiểu và chỉa sẻ, chính anh cũng tự nguyện nhận lấy nó. Vì sao vậy? Cao Huy Thuần nói rất rõ, như một tuyên ngôn chính thức và trang trọng của anh: bởi vì "tôi chưa bao giờ thấy mình nhạt tình với cách mạng mà cũng chưa bao giờ phân biệt cách mạng với dân chủ. Có cách mạng nào lại không có nhân tố dân chủ! Và nếu không nhắm đến dân chủ thì cách mạng để làm gì? Để làm gì nếu không phải để cho con người tự chủ hơn, hạnh phúc hơn?". Có lẽ khó có thể nói rõ hơn nữa về thái độ trách nhiệm trí thức của Cao Huy Thuần. Anh sẽ "xớ rớ" vào các vấn đề dân chủ của đất nước vì anh vẫn nồng nhiệt cách mạng như tự thuở nào. Bằng tuyên bố này, anh giúp chúng ta hiểu đúng hơn, sâu sắc hơn, trân trọng hơn tiếng nói của trí thức Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài đối với các vấn đề trong nước. Cao Huy Thuần còn nói thêm: "Một đằng, tự hào dân tộc và ký ức về quá khứ nô lệ làm tôi sôi máu khi có kẻ mạnh nào lên mặt dạy bảo về văn hóa và văn minh. Một đằng, bài học nhân nghĩa của Nguyễn Trãi khiến ta mơ ước một xã hội đẹp hơn nữa trong quan hệ giữa người với người, giữa dân với nước". Vậy nên, dân chủ – hay như cách nói, cách định nghĩa thật hay, thật thấm thía của Cao Huy Thuần: bài học nhân nghĩa của Nguyễn Trãi về quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa dân với nước –, dân chủ, dân chủ hoá cho một xã hội Việt Nam đã giành được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh anh hùng, sẽ là suy nghĩ trăn trở quán xuyến của anh, cũng là đề tài quán xuyến của cuốn sách này. Và anh có một vị trí đặc biệt để nói về điều đó mà anh muốn được chân thành cống hiến cho công cuộc tốt đẹp này. Anh viết: "Chúng ta phải thay đổi, và bởi vì thay đổi là không thể tránh được, hãy giữ độc lập của ta bằng cách đoàn kết mà thay đổi, thay đổi trong sức mạnh của toàn dân, không phải dưới áp lực từ bên ngoài. Lại xin nói thêm: hơn bao giờ hết, "toàn dân" phải hiểu là bao gồm cả khối dân tộc ở ngoài nước. Tầm quan trọng lớn lao của khối này chưa hề được hiểu đúng mức. Bởi vì muốn hiểu đúng người khác thì phải hiểu họ từ trong bụng của họ, chứ không phải hiểu họ từ trong bụng của ta. Thời điểm ngày hôm nay bắt buộc cái bụng này phải nghe cái bụng kia, nghe với quan tâm cùng nhau định nghĩa quyền lợi tối cao của dân tộc. Mà không phải định nghĩa trừu tượng đâu, vô ích. Ðịnh nghĩa qua từng sự việc cụ thể, bởi vì chỉ như vậy tin tưởng mới vượt lên trên chia rẽ, hận thù, đạo đức Việt Nam mới thắng "đạo đức" đế quốc" ...

Từ một cái lõi, một chỗ đứng, một xác định và một mục đích rõ ràng như vậy, Cao Huy Thuần chăm chú nhìn "thế giới quanh ta", cái thế giới mênh mông mà đã trở nên nhỏ bé với toàn cầu hoá, cái thế giới vốn đã vô cùng phức tạp, nay lại đang biến động dữ dội và kỳ lạ. Thực ra không chỉ có thế, còn một mặt khác rất quan trọng nữa không thể không biết về tác giả cuốn sách này. Năm 1968, Cao Huy Thuần trình luận văn tiến sĩ quốc gia của mình tại trường đại học khoa học chính trị Paris. Luận văn của anh, "Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914", mặc dầu động chạm đến một vấn đề rất nhạy cảm đối với uy tín của nước Pháp, song vì chất lượng khoa học rất cao của nó, và cũng vì truyền thống giáo dục tự do nhân bản của đại học Pháp, vẫn được quyết định chấm đỗ hạng ưu. Trong sự kiện này, tôi nghĩ có thể nhận ra nhiều điều, hẳn có thể giúp ta hiểu thêm về Cao Huy Thuần. Anh là một nhà khoa học, một nhà chính trị học sắc sảo, được đào tạo rất cơ bản. Và con đường khoa học, mối quan tâm khoa học của anh, ngay từ đầu, đã xuất phát từ và gắn bó máu thịt với những vấn đề của Việt Nam, số phận của dân tộc, trong lịch và hiện tại, giữa thế giới Đông Tây. Anh am hiểu tường tận phương Tây, sống cả nửa thế kỷ nay trong lòng, "trong bụng họ" – như cách nói của anh – thấu hiểu lịch sử và thấm nhuần văn hoá phương Tây. Những người thường đọc Cao Huy Thuần cũng lại biết anh là một nhà nghiên cứu Phật giáo uyên thâm. Những trang viết nhuần nhị nhất, hay nhất trong nhiều tác phẩm của Cao Huy Thuần là những trang viết về văn hoá Phật giáo. Những năm gần đây, anh thường được mời về giảng dạy tại trường Cao đẳng Phật học ở Huế. Có lẽ có thể nói vắn tắt: anh là người chiếm lĩnh vững chắc văn hoá phương Tây, để từ đó mà càng rất thâm thuý về phương Đông, văn hoá và triết học phương Đông, và càng có điều kiện để suy nghĩ sâu hơn, nhạy bén hơn, ráo riết hơn về đất nước và dân tộc mình, mục tiêu cuối cùng của mọi ưu tư thường trực và đầy trách nhiệm của anh.

Và con người đó là một con người "xớ rớ". Lần này anh dẫn chúng ta xớ rớ cùng anh vào cái thế giới rộng lớn quanh ta, từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam, hoặc có lẽ đúng hơn anh đề nghị ta cùng anh suy ngẫm về đất nước và dân tộc mình, những vấn đề cấp bách và những vấn đề lâu dài của nó, cái thế đứng của nó, sự an nguy của nó, chỗ đáng lo và chỗ mạnh tiềm tàng của nó, sự lựa chọn của nó trong cái thế giới đang vô cùng sôi động, đầy hứa hẹn mà cũng đầy hiểm nguy ấy. Anh giúp chúng ta một cái nhìn tỉnh táo, khách quan, cần thiết vô cùng trong thế giới ngày nay. Anh nói với chúng ta về nước Mỹ, đại siêu cường trong thế giới đã trở thành đơn cực bây giờ, hai mặt đồng thời của cái nước kỳ lạ đó, mặt lý tưởng và mặt hung dữ của nó; một nước Mỹ quá tràn đầy sức mạnh, và như chính Alexander Hamilton, một trong những người soạn thảo Hiến pháp Mỹ, nói: "tinh thần vừa phải trong một nước tràn đầy sức mạnh là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra, hiện tượng mà bất cứ ai khôn ngoan sẽ không chờ đợi để thấy". Cái nước Mỹ không bao giờ chịu "vừa phải". Anh chỉ rõ: Xã hội Mỹ là một xã hội tự do, nhưng đó cũng là một xã hội tuân thuận. Sự đồng thuận là một điểm son, nhưng sự đồng thuận đầy cảm tính trong một xã hội tự cho mình là ngọn hải đăng của thế giới có thể dẫn đến tai họa. Tai họa cho mình và cho kẻ khác. Cũng từ đó mà anh nhìn một vấn đề nóng bỏng của thế giới ngày nay, vấn đề chủ nghĩa khủng bố. Anh viết: "Tôi chống khủng bố ... là vì khủng bố đã chập lại làm một nửa này với nửa nước Mỹ thân yêu kia của tôi trong thánh chiến". Chủ nghĩa khủng bố tạo cái cớ tuyệt vời để những thế lực hùng hổ của cái sức mạnh quá lớn ấy phát động cuộc chiến tranh mà nó gọi là chiến tranh trừng ác, đưa nhân loại đầu thế kỷ 21 trở lại đối mặt với một thứ thánh chiến trung cổ ... Và cũng từ đó mà anh nói về một mặt rất thực chất của toàn cầu hoá hiện nay: "Trên đầu nước Mỹ chỉ có cờ Mỹ tung bay thôi. Ðừng hòng toàn cầu hóa nước Mỹ: nước Mỹ đang Mỹ hóa toàn cầu"... Cần biết rất rõ, rất sâu tất cả những điều đó, để mà biết chọn lựa hôm nay cho đất nước và dân tộc mình.

Anh nói về nước Nhật, về ASEAN, về Singapour, về Thái Lan, về Philippines ..., nhưng đương nhiên anh quan tâm nhiều hơn cả là về Trung Hoa, vì sao thì chắc chắn chúng ta đều đã biết cả rồi. Trung Quốc là một nước lớn, quá lớn. Anh viết :"Trung Quốc quá lớn và quá quan trọng cho nên những vấn đề nội bộ của Trung Quốc biến thành những vấn đề thế giới. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ xác nhận vị thế cường quốc của Trung Quốc về mặt chính trị, văn hóa ...Trung Quốc là một sức mạnh được "cảm thấy", một đe dọa được "cảm thấy", một tham vọng được "cảm thấy". Bắc Kinh làm người ta cảm thấy rằng Trung Quốc là nước "lãnh đạo tự nhiên" ở trong vùng. ..". Trung Quốc là một cường quốc đang lên. "Là một cường quốc: chuyện này hiển nhiên, khỏi cần bàn. "Đang lên" mới là chuyện đáng nói. Thế nào là đang? Nó đang là cái gì đây? Và nó lên đến đâu rồi ? Nó sẽ còn lên đến đâu nữa? Nó lên như thế thì nó sẽ làm gì? Nó làm như thế thì mình liệu phải đối phó với nó như thế nào đây?"... Nghĩa là ngày nay chúng ta sống giữa hai con voi, một con voi không bao giờ chịu "vừa phải", và một con voi đang lớn lên nhanh như thổi, lại ở ngay sát nách. Anh viết: "Khi hai con voi đánh nhau, cỏ bị chà đạp. Khi hai con voi làm tình với nhau, cỏ cũng bị dẫm nát. Không có lý do gì để không nghĩ rằng Mỹ là một balancer. Nhưng cũng không có lý do gì để yên chí rằng mình sẽ không là cỏ dưới chân voi"... Vậy đó, cái thế của nước ta trong thế giới quanh ta ngày nay. Nhưng lại cũng còn mặt khác: voi cũng có cái bất tiện của voi. "...Nước lớn cũng có cái thế yếu của nó ... Trung Quốc có sức mạnh của một liên bang lớn, nhưng tham vọng trở nên siêu cường và mối lo âu thường xuyên về nguy cơ ly tâm phân tán trong lịch sử tiếp tục đè nặng trên quan hệ giữa trung tâm và địa phương và do đó khó giải quyết những nhược điểm của một chính sách tập quyền mà ai cũng thấy". Và Cao Huy Thuần đi đến một kết luận bất ngờ mà thật thú vị: "Cái thế yếu đó nơi đại cường Trung Quốc không có nơi nước thường thường bậc trung Việt Nam. .... Việt Nam có tầm vóc vừa phải để mạnh và để tự do" (1) . Tôi nghĩ đây là một phát hiện quan trọng.

Và một liên hệ cũng bất ngờ và thú vị không kém. Nói đến Trung Quốc, tất nhiên không thể không nói đến Đài Loan. Cao Huy Thuần sắc sảo chỉ ra rằng "Dân chủ là chiến lược của Đài Loan đối với Trung Quốc. Chiến lược đó nhắm đủ mọi phía, kể cả dư luận Mỹ mà Quốc hội là đại diện. Đừng khinh thường dư luận: Việt Nam đã giỏi hơn ai hết trong cách vận dụng dư luận Mỹ để quật ngã chính sách Mỹ. Hình ảnh Đài Loan trong đầu dư luận Tây phương hiện nay là một Đài Loan khác với Trung Quốc, và cái khác đó phải được bảo vệ"...

Như đã nói, Cao Huy Thuần dẫn ta đi ra toàn thế giới, đến các ngóc ngách khúc khuỷu quanh co nhất của nó, cố đi sâu vào "trong bụng nó", bao giờ cũng là để rồi quay về với sự lựa chọn của chúng ta. Lựa chọn nào đây cho chúng ta?". Anh nói, thống thiết: "Như là một trí thức trói gà không chặt, tôi không biết cách gì để giữ độc lập đối với Trung Quốc, chỉ biết ngẩng cổ lên trời mà kêu: bom đạn là chiến lược, mà văn hóa cũng là chiến lược.

Và văn hoá thì chính là dân chủ.

Bài viết cuối cùng trong cuốn sách này của Cao Huy Thuần có cái tên thoạt nghe như rất bất ngờ, mà nghĩ kỹ thì lại tất yếu trong dòng suy tư của một người quyết xớ rớ vào đại cục của đất nước như anh: "Vạn đại dung thân". Anh viết bài này khi đang ở Đà Nẵng, cho một cuộc hội thảo của trí thức trong và ngoài nước bàn về sự phát triển của Việt Nam trong tình thế ngày nay. Đứng ở Đà Nẵng tức là đứng ngay dưới chân đèo Hải Vân và cũng ngay trước sông Thu Bồn. Và ở vị trí này, khi bàn về chọn lựa của dân tộc, làm sao không nhớ, không nghĩ đến một chọn lựa chiến lược vô cùng trọng đại của cha ông trong lịch sử: chọn lựa Nam tiến. Cao Huy Thuần nói: "Chúng ta học gì ở người xưa khi nhìn vị trí của Việt Nam ngày nay như một nước nhỏ... Tổ tiên chúng ta chẳng làm Nam Tiến đó sao ? Nam Tiến là gì nếu không phải là rời xa vùng ảnh hưởng? ... Cái đầu óc mới đó về chiến lược trường kỳ, chính là cái mà ngày hôm nay chúng ta phải tiếp thu. Bờ cõi đã giải quyết xong, dân cư đã ổn định, Nam Tiến ngày hôm nay, đứng về mặt địa-chính-trị, chính là Nam Tiến trong cái đầu. Phải có một dãy Hoành Sơn trong cái đầu để luôn luôn nhắc nhủ rằng hãy bắt chước cách Nguyễn Hoàng lưu luyến nhà Lê để lưu luyến thành khẩn như vậy với " vùng ảnh hưởng " đã cắt đứt trong đầu. Lưu luyến trong khôn khéo ngoại giao ; cắt đứt trong tư tưởng". Rất khẩn thiết, anh nói tiếp: "Không có cách nào tránh khỏi nhượng bộ nếu ta không chủ động đi trước...Đi trước về vấn đề tôn giáo. Ở thời điểm 2005 này, tôi nói: tôn giáo không phải là nạn nhân của Việt Nam ; Việt Nam đang là nạn nhân của tôn giáo. Trên khắp thế giới, sức ép của các thế lực tôn giáo cực hữu chưa bao giờ hiệu quả như bây giờ, và nếu tình trạng cứ tiếp tục như ngày hôm nay, Việt Nam còn mãi thua thiệt. Ở Việt Nam, vấn đề gọi là tôn giáo thực chất là vấn đề chính trị. Sửa đổi chính trị, tự nhiên không còn vấn đề tôn giáo, tự nhiên ta nắm chủ động trong tay, mọi tôn giáo đều phải tuân theo pháp luật, và đó là pháp luật mà dân chúng tán đồng. Chỉ khi nào kẻ mạnh biết rằng pháp luật của Việt Nam có dân chúng đứng làm hậu thuẫn đàng sau, chỉ khi đó mọi bắt chẹt mới trở thành kệch cỡm.

Đi trước về vấn đề nhân quyền. Cũng giống như với tôn giáo, khi chính trị đã sửa đổi, vấn đề gọi là nhân quyền có còn nữa không ? Khi đó, nhân quyền sẽ trở thành vấn đề thực như trong bất cứ một nước văn minh nào, mà sự thực hiện ở Việt Nam tùy thuộc vào chủ động của Việt Nam, nghĩa là tùy thuộc vào quan niệm về dân chủ mà Việt Nam thực tâm đưa vào thực tế.

Cho nên không thể nào không đi trước về vấn đề dân chủ.(1) Xu thế của thời đại buộc ta phải thế, cưỡng lại cũng không được. Huống hồ xu thế đó dựa trên lòng người. Hãy chủ động điều khiển xu thế đó thế nào cho hợp với một mô hình dân chủ mà Việt Nam có thể tự hào với thế giới. Chỉ khi đó, và chỉ khi đó mà thôi, thế giới mới mở mắt thấy Việt Nam đã thoát ra khỏi " vùng ảnh hưởng " như một nhân vật trong Tây Du thoát ra khỏi vòng kim cô.

Nam Tiến ngày nay là Nam Tiến trong đầu óc. Trong tư duy.

Đến đây ta bỗng nhận ra ở cuốn sách này của Cao Huy Thuần một kết cấu thật hoàn chỉnh, chặt chẽ. Gồm những bài viết rải rác trong nhiều thời điểm khác nhau, về những vấn đề rất đa dạng, nói về những khu vực lắm khi rất xa nhau trên khắp địa cầu mênh mông và đầy biến động, vậy mà khi khép trang sách cuối cùng, lại hoàn toàn có cảm giác vừa được đọc một tác phẩm hết sức nhất quán, trong đó các chương, hồi nối tiếp nhau, chương trước chuẩn bị cho sự mở ra của chương sau, chương sau đào sâu thêm vấn đề của chương trước, thành một thể liên hoàn nhịp nhàng, vừa phong phú vừa sáng sủa, của một tư duy vừa có cái rành mạch, chặt chẽ của phương Tây, vừa mềm mại sự uyển chuyển thâm thuý phương Đông. Không chỉ trong nội dung, cả trong văn nữa cũng vậy, đây là một tác phẩm văn học chính trị thật hay, sắc bén lô gich và cả nhuần nhị u-mua phương Tây, đồng thời lại rất mềm mại sự thanh tao rất phương Đông, rất Việt. Một kết hợp thật hài hoà, nhuần nhuyễn, để cho sự xớ rớ của một người quyết xớ rớ vào những vấn đề quan trọng và cũng nhạy cảm nhất của đất nước thật sâu sắc, thẳng thắn, dũng cảm, chân thành, đầy trách nhiệm và giàu sức thuyết phục.

 

Nguyên Ngọc

Tháng 6-2005



(1) Chúng tôi nhấn mạnh. (N.N.)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss