Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Chuyện nghề của Thuỷ

Chuyện nghề của Thuỷ

- Hoà Vân — published 31/07/2013 22:09, cập nhật lần cuối 31/07/2013 22:09

Sách mới :

Chuyện nghề của Thuỷ




 Chuyện nghề của Thuỷ do Phương Nam Book & NXB Hội nhà văn liên kết xuất bản, 2013,
giá bìa: 120.000 đồng

Bìa sách cho biết, « Thuỷ » đây là đạo diễn Trần Văn Thuỷ, tác giả các bộ phim tài liệu nổi tiếng Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai v.v., và mới đây (nhưng cũng đã hơn 4 năm nay rồi) là Mạn đàm về người man di hiện đại, với chủ đề là cuộc đời học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Những người từng xem phim của anh, từng nghe kể ít nhiều về những bước gian truân mà các bộ phim ấy đã phải trải qua để đến được tới công chúng (cũng như những đối xử rất "không tử tế" mà anh đã phải hứng chịu), ắt cũng đoán ngay, Chuyện nghề của Thuỷ là những câu chuyện của một người làm phim tài liệu đầy tài năng và tâm huyết trong một khung cảnh chính trị vốn rất kỵ những nghệ sĩ có cả hai đức tính đó.

Trần Văn Thuỷ vốn ít viết, tất nhiên không kể những lời bình cho các phim của anh. Ngoài cuốn Nếu đi hết biển ra đời ở Quận Cam năm 2003, viết lại những trải nghiệm, những cuộc gặp gỡ của anh trong 6 tháng « rong chơi » ở Mỹ theo lời mời của Trung tâm William Joiner Center (WJC), đại học Massachusetts, thì đây là lần thứ hai anh ký tên trên một cuốn sách. Công sức không nhỏ cho cuốn sách này ra đời thuộc về đồng tác giả của nó, Lê Thanh Dũng, một người bạn thân của anh. Chính anh Dũng đã kiên trì thúc giục Trần Văn Thuỷ kể để anh ghi lại một cách tường tận, với đầy đủ chi tiết hơn, nhiều mẩu chuyện đã ít nhiều được truyền bá qua những bài anh trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Đó là những gian truân anh gặp phải sau các cuốn phim Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế, cũng như những trợ giúp mà anh đã may mắn có được từ một số nhân vật cao cấp trong bộ máy (thủ tướng Phạm Văn Đồng, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, trung tướng Trần Độ...), và từ những người bạn, người hâm mộ quốc tế và Việt kiều ở nhiều nước khi họ được xem phim. Câu chuyện gần như trinh thám về việc đưa được cuốn phim Chuyện tử tế đi dự Liên hoan phim Leipzig năm 1988, dù đã có lệnh tuyệt đối cấm, là một đoạn văn lý thú trong sách. Ngoài ra, ít được biết hơn, còn có những mẩu chuyện khi anh mới vào nghề, đi học khoá điện ảnh mang tên « Chống Mỹ cứu nước », rồi những ngày « đi B » (3 năm 1965-68) và hành trình mang những thước phim quay ở chiến trường khu 5 trở ra bắc trong hoàn cảnh đau ốm, kiệt sức, chuyện bị nghi ngờ là « B quay » mấy tháng liền cho tới khi những thước phim anh mang ra rút cục xưởng phim cũng tráng được (và dựng thành phim « Những người dân quê tôi », được giải Bồ câu bạc ở Leipzig năm 1970)... Rồi chuyện nhờ đó mà anh được đi học đạo diễn ở Liên Xô với nhà đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen. Chuyện anh đi Pháp – lần đầu, thực sự là một cuộc trốn chạy từ Liên hoan phim Leipzig ngay sau hôm chiếu Chuyện tử tế, cuốn phim được bí mật đưa tới Đức, qua mặt bộ máy công an của Hà Nội, như đã nói -, rồi đi Mỹ (với chương 20 trích lại một số đoạn trong cuốn Nếu đi hết biển), Nhật và nhiều nước khác sau này v.v.

Những câu chuyện lý thú, hấp dẫn. Nhưng hơn thế, những câu chuyện có giá trị chứng từ về cả một bộ máy tuyên giáo cực kỳ đa nghi, luôn luôn săn đuổi mọi biểu hiện được coi là bất mãn, chống đối, không chấp nhận bất kỳ một tư duy nào được coi là « sai lạc » đối với những tín điều của ĐCS. Có thể nói, nếu Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế là những chứng từ về xã hội VN, đặc biệt là xã hội miền Bắc trong những năm 1980, thì một phần quan trọng của cuốn sách Chuyện nghề của Thuỷ lại là những chứng từ rất thực về sự đối xử của những cán bộ mẫn cán nhất, lộ mặt hay giấu mặt, của bộ máy tuyên giáo đối với hai cuốn phim và tác giả của chúng. Tất nhiên, những đối xử tiểu nhân, hèn hạ ấy, biểu hiện của một sự thù ghét trí thức đã ăn sâu vào cốt lõi của ĐCS, không có lý gì chỉ dành riêng cho Trần Văn Thuỷ và những bộ phim của anh. Điều này, các tác giả không nói ra, và có lẽ cũng chẳng cần nói ra khi ai cũng biết, bới trong địa hạt văn hoá, văn nghệ nào người ta cũng dễ dàng tìm thấy những ví dụ về cách đối xử đó. Đợt « phê phán » đầy tính đấu tố thô bạo đối với luận văn thạc sĩ của nhà văn Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan, là ví dụ gần đây nhất. Nó chứng minh (và điều này thì chắc là ngoài ý muốn của các tác giả !) cho sự cần thiết và tính thời sự của cuốn sách chỉ kể những « chuyện nghề » tưởng như của một « thời đã qua » này.

Hoà Vân



Diễn Đàn trân trọng cảm ơn các tác giả đã cho phép giới thiệu với bạn đọc một chương của cuốn sách (xin bấm vào đường dẫn dưới đây), như một món quà mời gọi bạn... mua và đọc sách !
Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us