Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Cuộc Khai Sáng Công Nghiệp

Cuộc Khai Sáng Công Nghiệp

- Nguyễn Xuân Xanh — published 16/05/2013 22:20, cập nhật lần cuối 17/05/2013 10:13
Giới thiệu sách

Giới thiệu sách CHUYÊN NGÀNH CƠ KHÍ


Cuộc Khai Sáng Công Nghiệp


Nguyễn Xuân Xanh



[Khi di chuyển trong nước Anh] tôi bàng hoàng nhận thấy rằng một cuộc cách mạng trong các nghệ thuật (ngành) cơ khí, một điềm báo trước, nguyên nhân chính và đích thực của những cuộc cách mạng chính trị đang phát triển một cách đáng sợ cho cả châu Âu, đặc biệt cho Pháp, quốc gia sẽ nhận lãnh một cú đánh trời giáng từ nó.

Một gián điệp Pháp viết cho chính phủ ở Paris năm 1794



hinhTháng 4 năm nay có một sự kiện đáng chú ý trong ngành đào tạo kỹ thuật viên chất lượng cao: Nhóm Tủ sách Nhất Nghệ Tinh của Uỷ ban Tương trợ của Việt kiều Đức, Quỹ Saigon Times và nhà xuất bản Trẻ đã phối hợp xuất bản quyển sách đầu tiên: Chuyên ngành Cơ khí. Đây là bản dịch tiếng Việt của quyển sách cùng tên của nhà xuất bản Europa-Lehrmittel của CHLB Đức do một tập thể hai mươi anh em Việt Kiều Đức thực hiện dưới sự chủ trị của Uỷ Ban Tương Trợ. Nhà xuất bản này chuyên xuất bản những quyển sách cho ngành đào tạo nghề chuyên nghiệp trình độ cao của Đức, phục vụ đắc lực cho việc đào tạo nghề cao ở Đức. Quyển Chuyên Ngành Cơ Khí đã được dịch ra 20 thứ tiếng, tiếng Việt lần đầu tiên. Sách này đã tồn tại từ gần 60 năm tại Đức sau thế chiến, luôn luôn được cập nhật theo sự phát triển của ngành cơ khí. Riêng 2 quyển Cơ Khí và Điện là bán chạy nhất ở Đức của nhà xuất bản.

Các bạn Việt Kiều Đức dự định sẽ cho ra 10 đầu sách về 10 ngành nghề, trong đó có Điện, Chất dẻo, Ôtô … Nếu xuất bản xong sê-ri này, VN sẽ có khoảng năm sáu ngàn trang sách dạy nghề theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, góp phần cho các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam có giáo trình, tư liệu hiện đại nhất, chuẩn quốc tế trong việc đào tạo nghề chất lượng cao, giúp các sinh viên, thợ thủ công có điều kiện tiếp nâng cấp tay nghề mình. Ngoài ra các bạn VK Đức sắp cho ra một tựđiển kỹ thuật online Việt-Đức-Anh-Pháp.

Chi tiết quyển sách: dầy 628 trang, giá bìa 560.000 đồng; in offset 4 màu bằng máy Heidelberg của Đức đời mới nhất, xịn nhất (!), giấy mỏng chất lượng cao, bìa mềm rất chắc chắn. Y chang như một quyển sách Đức được mặc chiếc áo Việt Nam. Mỗi trang đầy hình ảnh minh hoạ màu. PGS. TS Dương Đức Lân – Tổng cục trường Tổng cục Dạy nghề – và TS Horst Sommer thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế (GIZ - CHLB Đức) viết giới thiệu: “Chúng tôi tin rằng cuốn sách này sẽ là tài liệu có giá trị tham khảo cao cho công tác đào tạo các nghề cơ khí tại Việt Nam, nhằm đạt được trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn của CHLB Đức”. Văn phòng GIZ tại Hà Nội đã đặt mua 200 cuốn để tặng các trường dạy nghề ở Việt Nam. Cty Bosh Việt Nam cũng đặt mua 150 quyển cho chương trình hợp tác dạy nghề với trường Lilama 2 tại Đồng Nai. Với cuốn sách này, như cựu giám đốc Vinappro Lê Tùng Hiếu, người từng học ở Đức, nhận xét, một thợ cơ khí ngồi ở Đồng Bằng sông Cửu Long có thể làm đúng các tiêu chuẩn quốc tế, hoặc hiểu thế nào là không đúng. Anh ta có thể mở cả một cửa hàng cơ khí, và biết kinh doanh thế nào. Nếu hiểu quyển sách này chính là “cần câu cơm” tương lai thì nửa triệu đồng bỏ ra để mua chẳng có gì là đắt cả.

*

Đức, quốc gia xuất khẩu hàng đầu hàng công nghiệp chất lượng cao, là nước nổi tiếng về đào tạo nghề, và lại càng nổi tiếng về cơ khí chính xác. Nước Đức không chỉ là nước của các “nhà thơ và tư tưởng” mà còn của các nhà thợ thủ công, kỹ sư tài giỏi, sáng tạo. Nếu James Watt phát minh ra máy hơi nước ở Anh tạo động lực cho cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 18, 19 thì Otto, Benz, Daimler và Maybach của Đức đã tạo ra xe máy nổ bốn thì và ô tô làm động lực cho cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ hai mươi. Nếu cần phải học đào tạo nghề thì Đức có lẽ là tấm gương tốt nhất. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng là người rất ngưỡng mộ đào tạo nghề của Đức. Nhưng vì sao mà học nghề mô phỏng theo một quốc gia tiên tiến như thế lại đến hôm nay vẫn không được thực hiện?

Vai trò của thợ thủ công, tiền thân của người kỹ sư hiện đại (kỹ sư chỉ ra đời từ thời Phục Hưng trở đi) quan trọng không thể nói hết trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và trong lịch sử mấy ngàn năm của nhân loại. Không có một lực lượng thợ thủ công tay nghề cao, đất nước không thể tiến hành công nghiệp hoá, không thể có phồn vinh, tăng trưởng kinh tế bền vững. Ai đã làm cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 18 ở Anh? Các thợ thủ công, artisan. Ai đã làm cuộc cách mạng công nghiệp Đức đầu thế kỷ 19? Thợ thủ công, Handwerker. Ai xây những nhà thờ sừng sững vĩ đại thời trung cổ châu Âu? Thợ thủ công, virtuosi. Ai đóng những đội thuyền của phương Tây cho các cuộc chinh phục thế giới? Thợ thủ công. Xin hiểu: đó là những thợ thủ công chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật của phương Tây. “Lịch sử của văn minh, trong một ý nghĩa, là lịch sử của kỹ thuật – của cuộc chiến đấu lâu dài và gian nan để biến các sức mạnh của hoạt động thiên nhiên thành cái tốt, hữu ích của con người.” (L. Sprague de Camp)

Châu Âu có Khai sáng công nghiệp, có niềm tin vào tri thức hữu dụng, theo tinh thần của Francis Bacon “Tri thức là sức mạnh”. Đó là nền tảng triết lý của cuộc công nghiệp hoá vĩ đại châu Âu, Bắc Mỹ và của Nhật Bản Minh Trị. Không phải ngẫu nhiên mà bộ Bách khoa toàn thư của Diderot và D’Alembert về tri thức hữu dụng là công trình khai sáng lớn ở Pháp thế kỷ mười tám. Việt Nam cần một loại “bách khoa toàn thư kỹ thuật” như thế, hữu dụng và thiết thực cho cuộc xây dựng đất nước, để giúp người dân tiếp cận và đưa kỹ thuật, công nghiệp vào đời sống, tạo nên của cải và tiện nghi.

*

Hiện nay công nghệ phụ trợ Việt Nam cho kỹ nghệ là rất kém phát triển. Đầu tư nước ngoài đang mở ra cơ hội rất lớn để các nhà doanh nghiệp Việt Nam vươn lên sản xuất công nghiệp có giá trị cao. Nhưng thực tế lại ngược lại. Đóng góp nội địa hoá của Việt Nam trong ngành ôtô đến nay chỉ mới chiếm khoảng hơn 10% giá trị chiếc xe, với những sản phẩm “low tech”. Các công ty nước ngoài rất than phiền về trình độ kỹ thuật của công nhân Việt Nam. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/15 của Singapore, 1/11 của Nhật Bản và 1/10 của Hàn Quốc. Điều đó cho thấy sự hụt hẫng của tay nghề lao động Việt Nam đến mức nào. Muốn có sản xuất với giá trị gia tăng cao, thì phải có lao động tay nghề cao, và lao động này thời nào cũng khó thất nghiệp.

Việt Nam đã thiếu cơ sở vật chất-kỹ thuật cho xã hội tự bao đời cho nên dễ bị tổn thương, và bất ổn. Miếng đất lạc hậu đó đã làm nẩy sinh những ảo tưởng hay chủ nghĩa duy ý chí về chính trị, làm thiếu những quốc sách cụ thể, nhìn xa và quyết liệt. Việt Nam có nhiều nghị quyết, nhưng không có quyết sách, kế hoạch, nhân sự thích hợp để triển khai, và khoa học, công nghệ, giáo dục cứ lẩn quẩn không có lối ra. Có lẽ phải đổi luận đề thứ 11 của Marx về Feuerbach thành: “Chính trị (thay vì triết học) chỉ diễn giải thế giới khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải thay đổi nó!” Chính cơ sở hạ tầng vật chất đã kết tinh thành cơ sở thượng tầng ý thức (Mác). Hạ tầng nào, ý thức đó. Cho nên thay đổi hạ tầng vật chất-kỹ thuật lạc hậu muôn đời là một mệnh lệnh của thời đại. Muốn thế, phải có một đội ngũ thợ thủ công hiện đại trong tất cả ngành nghề, có trình độ theo kịp thế giới. Muốn thế phải có giáo trình kỹ thuật tốt, trường lớp tốt, thiết bị thực tập tốt, thầy giáo tốt và chính sách tốt. Người ta nói đến con số hai vạn tiến sĩ, nhưng không nói đất nước cần bao nhiêu những thợ thủ công, kỹ thuật viên, kỹ sư cho cuộc công nghiệp hoá sắp tới, và kế hoạch đào tạo cụ thể ra sao. Xã hội Việt Nam vẫn chưa trọng lao động tay chân có kỹ thuật, tổ chức, mà vẫn còn trọng vọng hư danh, bằng cấp, cái đã từng làm nghèo đất nước.

Việt Nam chưa ý thức đâu là những “cần câu cơm” đích thực. Họ vẫn ăn bám vào tài nguyên, huỷ diệt môi trường, vào bán rẻ sức lao động phổ thông, vay mượn nợ thế giới. Họ đang đứng trước một đại dương mở đầy cơ hội, nhưng không biết tìm cho mình những cần câu hữu hiệu để sinh tồn.

*

Giới thợ thủ công, kỹ thuật viên, kỹ sư là giới có sức mạnh “cách mạng” trên thế giới. Henry Dyer, Đại học Glasgow, từng được chính phủ Nhật thuê làm hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Công nghệ Tokyo là đại học đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị đã viết:

“Người ta nói đúng rằng kỹ sư là người cách mạng thật sự. Công việc của anh ta là nén thế giới lại vào các kích thước nhỏ, và làm chuyển động các sức mạnh mà các nỗ lực của các nhà chính trị chống lại là vô ích; và cả tác động của quân đội và hải quân cũng không hiệu quả bao nhiêu, bởi vì các điều kiện kinh tế chung cuộc sẽ quyết định định mệnh của quốc gia.”

Chăm lo đào tạo những thợ chuyên nghiệp, kỹ sư hiện đại, xem trọng vai trò của họ, có những chính sách lương bổng xứng đáng: đó là mệnh lệnh bức thiết hiện nay. Họ giỏi, họ sẽ tự định giá và quyết định vận mệnh của họ. Không phải những canh bạc chứng khoán, vàng, hay địa ốc gây tổn hại cho đất nước, phục vụ cho một thiểu số, mà chính là nền tảng kỹ thuật mới tạo ra sự phồn vinh đích thực cho quốc gia. Nước Đức, hay Nhật, sau thế chiến thứ hai điêu tàn, đã đứng dậy và nhanh chóng tạo ra những thần kỳ kinh tế không phải nhờ những canh bạc đỏ đen, mà nhờ vào nguồn nhân lực công nghiệp của xã hội vốn đã có. Chừng nào Việt Nam tỉnh ra để hiểu điều cơ bản đó của cuộc sống?


Nguyễn Xuân Xanh

26/4/2013

Bài do tác giả gửi, một phiên bản thu gọn đã đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us