Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù

Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù

- Ngân Hà — published 08/11/2018 00:00, cập nhật lần cuối 19/03/2019 23:34

ĐỌC SÁCH


Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù(*)


Ngân Hà



Trung tuần tháng 3.2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Trong lúc bản thiết kế quy hoạch lại khu trung tâm Đà Lạt đang lan truyền với tốc độ khá nhanh gây ra nhiều tranh cãi, chúng ta nên đọc cuốn sách có tựa “Đà Lạt bên dưới sương mù” của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, để biết ngày trước, Đà Lạt đã mang hình hài thế nào, và hiện tại ra sao, còn tương lai thì cứ nhìn vào bản thiết kế ấy thì sẽ biết.


dalat

Tập sách dày 399 trang này đem lại cho chúng ta một hình dung về thành phố Đà Lạt khá đầy đủ với nhiều cảm trạng khác nhau thiên biến theo từng giai đoạn lịch sử. Tác giả tập biên khảo này là một nhà văn, nhưng chính nhờ vậy anh đã biến những tư liệu lịch sử khô khan thành những câu chuyện kể mạch lạc và hấp dẫn.

Mở đầu cuốn sách là sự hồ hởi, tò mò… bao nhiêu thì đọc xong những trang cuối cùng của câu chuyện về Đan viện Benedict, ta như bị rơi vào một cái kết buồn cho Đà Lạt bên dưới sương mù, thấy nặng lòng nhưng lại càng muốn làm điều gì đó cho Đà Lạt, với tương lai.

“Như vậy, một đô thị nhỏ bé trên miền cao nguyên, mỗi thời kỳ đã phải gánh vác một tham vọng. Đà Lạt một mặt cho ta cảm giác yên tâm, nhưng mặt khác, là sản phẩm đầy bất an của những chặng đường lịch sử nhá nhem, đan xen khá nhiều giới tuyến quyền lực. Một nơi như vậy liệu có thực sự an bình như cách mà tư duy văn chương cảm nghiệm – một “thành phố hòa bình”, một “căn hầm trú ẩn bằng bê-tông cốt sắt giữa một trần địa đầy bom mìn”– (những câu trong ngoặc kép của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mô tả). – Trích Đà Lạt bến dưới sương mù, trang 16.

Rõ ràng, phần giới thiệu của cuốn sách đã đưa chúng ta vào một cõi xa xưa, khi Đà Lạt còn là nơi xứ trú của những người đến với nơi này, yêu nơi này và mong cho nó trường tồn. Nhưng lịch sử thì lại không dừng ở đó, con người tạo ra lịch sử bằng những cơn binh biến, luôn ca tụng tự do và hòa bình, nhưng lại dùng vũ khí để tàn sát và cho rằng đó là cách phục dựng hòa bình. Những phi lý bắt nguồn từ đó, và Đà Lạt, suy cho cùng là nhân chứng của rất nhiều những phi lý tận cùng của tĩnh lặng và ồn ào, đau thương và hạnh phúc, tiếc nuối và kiêu ngạo… người dân vẫn phải sống với nó cho đến ngày nay.


Giai đoạn Hoàng Triều Cương Thổ.


Không phải đến sau 1975, Đà Lạt mới có một đợt di dân khổng lồ lên nơi này. Từ năm 1952, giai đoạn Quốc trưởng Bảo Đại chọn Đà Lạt làm thủ đô hành chánh cho một quốc gia gọi là Hoàng triều cương thổ, việc di dân cũng bắt đầu. Đây có lẽ là một trong những sắc lệnh có tính pháp lý đầu tiên về việc người Kinh chính thức có cuộc di dân đầu tiên lên Cao Nguyên : Để hạn chế thế lực cửa người Pháp, Bảo Đại ban hành Chương trình phát triển kinh tế Xứ Thượng miền Nam, do Nguyễn Đệ soạn thảo, ngày 11.02.1952, theo đó người Kinh được quyền lên cao nguyên làm việc trong các đồn điền và khai phá đất đai canh tác nông nghiệp… năm 1953, Nguyễn Đệ đổi thành Chương trình Công tác xã hội, nhằm giúp 500.000 người Thượng và 30.000 người Kinh di cư canh tác an toàn hơn trong những trung tâm định cư cố định, với tên gọi mới là “khu trù mật”. (Sách đã dẫn, trang 58).


Về Chính Sách đối với người Thượng và sự ảnh hưởng
của Công giáo nên tập tính đời sống thị dân Đà Lạt


Sau khi thành lập khu đô thị Đà Lạt với các Ấp - Trại lân cận tương đối hoàn chỉnh của chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa đến 1956. “Một trong những vấn đề mà chính quyền thời bấy giờ quan tâm đó là việc bố trí dinh điền ở những vùng giáp với nơi quần cư của người Thượng bản địa sẽ dấn đến mâu thuẫn khiến người Thượng phải di dời đi. Nên đến năm 1958, Văn phòng Phủ Tổng thống nhiều lần ra văn bản lưu ý Tổng ủy Dinh điền thứ nhất, không chuyển đổi rẫy thành đất nông trường như người Kinh vì đó là việc “đòi hỏi những cố gắng người Thượng khó thực hiện”, “đừng trù quá sức người Thượng” mà cần hỗ trợ nông cụ để họ ổn định mô hình canh tác”… (Sdd, trang 111)

Rõ ràng, chính quyền ngày trước đã có một chính sách hợp tình-lý đối với người dân bản địa – người Thượng. Đó cũng là cách mà chính quyền dễ dàng có thể tiếp tục tiến hành cho việc xây dựng và phát triển Đà Lạt mà không bị sự phản đối nào. Mặt khác nó không phá vỡ đi bản sắc địa phương về sau này khiến cho Đà Lạt giữ được văn hóa bản địa của mình thêm đặc sắc.

Thế nhưng, cũng theo tác giả, chính những năm đầu thế kỷ 20, khi người Phép đến đây “khai hóa”, họ đã để lại “Sự hiền hòa, khiêm cung, bặt thiệp và lễ độ – những liệt kê về phẩm tính “phương Tây” ảnh hưởng đến cư dân thành phố này – sâu xa cũng từ giá trị cốt lõi đi xuyên qua không gian tôn giáo như một sự thích ứng và tiếp biến rất tự nhiên và liền lạc” (sdd, trang 113). Và cho đến nay, nếu may mắn bạn gặp được một người Đà Lạt thuộc gia đình gia giáo từ xưa còn lại, bạn sẽ thấy họ vẫn giữ nguyên vẹn phẩm chất này cho đến chết.


Từ viễn tưởng về một Trung tâm văn hóa - giáo dục
đến sự hình thành của Viện Đại học Đà Lạt


Thành lập từ năm 1957 nhưng niên khóa đầu tiên của Viện ĐH ĐL bắt đầu từ 1958-1959 với các sinh viên có bằng Tú tài toàn phần để đào tạo tại các phân khoa đại học. Tuy nhiên, ngay từ 1957, việc xác định Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục (chứ không phải du lịch như hiện nay) là một trong những trọng điểm cho việc quy hoạch đô thị Đà Lạt những năm đầu tiên hình thành.

Đức cha Ngô Đình Thục, niên trưởng các giám mục VN là vị Chưởng ấn đầu tiên của Viện này. Viện được thiết lập trên một quả đồi thơ mộng, rộng 38 mẫu tây phía bắc Hồ Xuân Hương… Khu vực này nằm rất gần các cơ sở giáo dục và nghiên cứu (gọi là khu văn hóa đa diện), gồm: Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân, Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X, Đại học Chiến tranh Chính trị, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, Trường Chỉ huy và Tham mưu, Trường Võ bị quốc gia. Ngôi trường này có 40 tòa nhà lớn nhỏ ẩn mình dưới tán thông, tùng và nối kết với nhau bằng những con đường có độ dốc vừa phải, ngoằn ngoèo, thơ mộng đặc thù của xứ cao nguyên. Mỗi năm có khoảng 2.500 sinh viên” (Sdd, trang 121-122).

Nhưng, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, Đà Lạt cũng có lúc đã không còn bình yên. Chiến tranh tất nhiên không chừa bất kỳ nơi nào mà nó có thể tỏa ra từ khói súng. Mậu thân 1968, Đà Lạt cũng tan thương, xác chết nằm đầy rẫy và những hướng đạo sinh làm đám tang tập thể cho những xác người không ai đến nhận. Chưa kể các Dinh 2, 3… cũng là nơi sớm nhất bị tập kích khi có biến, và cũng từ đó, những “ngôi nhà ma” được đồn đại, theo tác giả, chính là nơi các tử sĩ lẫn dân thường chết oan của cuộc chiến gây ra.

Nhưng cũng trong giai đoạn ác liệt nhất, “Sống chết cùng văn khố” là câu chuyện vô cùng cảm động và khiến chúng ta cảm phục những chuyên viên lưu trữ mẫn cán và đầy trách nhiệm vận chuyển toàn bộ châu bản và tài liệu văn khố triều Nguyễn từ Đà Lạt tới Sài Gòn an toàn mà không mất một bản nào. Vì sao tác giả lại đưa câu chuyện này vào đây? Theo tôi, trong chiến tranh, chúng ta đã có những con người sẵn lòng bảo vệ tài sản tinh thần quốc gia, thì cớ sao thời bình, chúng ta lại để mất mát chúng đi mỗi ngày, thậm chí là tiêu hủy và đập phá?

Câu chuyện cuối cùng, “Như một khúc linh ca” kể về câu chuyện của một đan viện trường dòng hoang phế, nơi đây vừa là một di sản kiến trúc tuyệt đẹp của Đà Lạt dưới bàn tay tạo tác của kiến trúc sư Phạm Khánh Chù, vừa là một nơi đã giữ lại những linh hồn đẹp đẽ hướng đến Thiên chúa linh thiêng của những người mộ đạo.

Và có lẽ, bất kỳ một vẻ đẹp nào rồi cũng thành phế tích nếu con người không biết gìn giữ, cũng như Đà Lạt đã từng có “Mùa trồng cây” trong lịch sử nhằm tôn tạo cho không gian sống của cư dân nơi này được yên bình và xanh mướt, giờ đây, cũng không còn hồi phục được nữa, dù đã từ lâu, con người ý thức được sự biến đổi của môi trường nhưng họ vẫn ra sức muốn phá bỏ những điều đẹp đẽ nhất mà lịch sử đã để lại, do chính từ lòng ham muốn và sự ngu dốt.


Ngân Hà



(*) NXB Phụ nữ và công ty Phanbooks ấn hành, tháng 2.2019.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2019, Sách
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss