Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Ðất Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam qua các đời

Ðất Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam qua các đời

- Hồ Bạch Thảo — published 06/02/2013 09:30, cập nhật lần cuối 06/02/2013 09:30

Giới thiệu sách mới :



Ðất Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam
qua các đời

biasach

Giá hai tập Thượng, Hạ : U.S. $40.00
Xin liên lạc : Thao Ho
552 Rhode Island Ave., Brick, NJ 08724
Xin kèm thêm $6.00 cước phí (in U.S.A.)


Lời nói đầu


Tổ tiên ta phần lớn là nông dân, thửa vườn mảnh ruộng làm chủ, đều có văn khế ghi rõ 4 phương giáp giới; trên thực tế các cụ còn biết rõ những chi tiết như góc vườn phía tây giáp với cây xoài hoặc cây mít nhà bên cạnh, hoặc góc phía đông giáp với ao cá hay bụi tre vvv… Sự hiểu biết này là sức mạnh [knowledge is power], nếu chẳng may gặp phải láng giềng xấu cũng không dám “ muối ” mặt làm càn !

Trên bình diện quốc gia, Trung Quốc lưu ý khá kỹ đến lịch sử và địa lý Việt Nam, về lịch sử họ cho in lại bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ; về địa lý quyển Ðất Nước Việt Nam Qua Các Ðời của Học gỉả Ðào Duy Anh được dịch ra Hoa ngữ vào năm 1973 với nhan đề mới Việt Nam Lịch Ðại Cương Vực. Riêng tại nước ta, các sách đề cập đến địa lý Trung Quốc còn thiếu vắng, đặc biệt là vùng đất biên giới, nơi có mối quan hệ trực tiếp đến lãnh thổ nước ta.

Nhân đọc bộ địa lý của triều đình nhà Thanh nhan đề Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, do Hòa Khôn chủ biên, xuất bản vào năm Càn Long thứ 8 [1743], được đưa vào Tứ Khố Toàn Thư. Ðây là bộ sách đồ sộ 424 quyển, hầu như mỗi quyển giới thiệu một phủ, hoặc châu. Trong đó gồm bản đồ, biểu liệt kê địa lý duyên cách từ đời Tần Hán cho đến đời Thanh, tiếp đến trình bày chi tiết địa lý thiên nhiên, địa lý nhân văn từ phủ, đến châu huyện; có tham khảo các sử chí trước đó như Cựu Ðường Thư, Hoàn Vũ Ký, Khâm Châu Ký, Cửu Vức Chí, Minh Thống Chí, Dư Ðịa Kỷ Thắng vv.

Bộ sách này có những quyển sau đây viết về những phủ, châu, tiếp giáp Việt Nam :

- Quyển 348 : Phủ Liêm Châu, phủ này giáp với tỉnh Quảng Ninh nước ta.

- Quyển 364 : Phủ Nam Ninh, giáp với tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.

- Quyển 365 : Phủ Thái Bình, giáp với tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

- Quyển 366 : Phủ Trấn an, giáp với tỉnh Cao Bằng, Hà Giang.

- Quyển 373 : Phủ Quảng Nam, giáp với tỉnh Hà Giang.

- Quyển 374 : Phủ Khai Hóa, giáp với tỉnh Hà Giang, Lao Cai

- Quyển 371 : Phủ Lâm An, giáp với tỉnh Lao Cai.

- Quyển 385 : Châu Nguyên Giang, giáp với các tỉnh Lai Châu và Ðiện biên.

Chúng tôi bèn dùng tư liệu trong các quyển sách này làm gốc, để soạn tập sách mới nhan đề là Ðất Trung Quốc giáp Việt Nam qua các đời. Nhắm bổ sung và cập nhật thêm, các tư liệu chính sau đây được dùng để tham khảo :

- Thanh sử Cảo do sử quán Trung Hoa Dân Quốc soạn năm 1914, cung cấp thêm tài liệu cuối đời nhà Thanh; ví như vùng đất tổng Tụ Long của nước ta bị thực dân Pháp nhượng cho Trung quốc qua hiệp ước Thiên Tân.

- Trung Việt biên giới lịch sử tư liệu điệp biên do Hòa hội khoa học văn hiến xuất bản xã xuất bản, cung cấp nhiều tư liệu về biên giới Việt Hoa qua các đời.

- Những trang mạng về địa lý của Bách Ðộ Bách Khoa [百度百科], cùng Trung Quốc địa đồ sách cung cấp phần khu hoạch hành chánh dưới thời Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc, xuống đến thị, châu, huyện, khu, hương, xã, thôn vv...

- Trang trích dẫn Google maps, giúp kiểm chứng và xác định vị trí các địa danh nêu trong Bách Ðộ Bách Khoa. Trang này cũng dùng phối kiểm các bản đồ trong Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, giúp cho người đọc hình dung địa lý duyên cách từ xưa đến nay, có thể tìm ra đất xưa qua tên hiện dùng.

- Ngoài ra sau khi giới thiệu mỗi phủ, châu, huyện ; chúng tôi tham khảo thêm các bộ sử Trung, Viêt, tìm tòi những tư liệu lịch sử của từng địa phương liên quan đến Việt Nam, nhắm giúp người đọc thấy được sự liên hệ giữa vùng đất này đối với lịch sử nước nhà.

Công việc nêu trên dù cố gắng đến đâu cũng chỉ mới là sơ thảo, mong được các bậc lưu tâm đến môn địa lý lịch sử chỉ vẽ thêm những điều thiếu sót.

Tác giả cẩn chí


Phàm lệ :


Tập sách này có tham vọng phục vụ hai giới độc giả : giới thứ nhất chú ý đến địa lý diên cách từ đời nọ đến đời kia, cùng những sự kiện lịch sử qua các đời ; giới thứ hai muốn biết qua địa lý hiện đại. Bởi vậy trong mỗi chương ngoài phần đáp ứng cho giới thứ nhất, có thêm Tiết đặc biệt đề cập đến các huyện, thị, trấn, hương, thôn của Trung Quốc ; song song với các huyện, xã, thôn, bản Việt Nam tại biên giới ngày nay.

Ngoài ra trong tập sách này, nhiều thư tịch tham khảo có tên sách dài được đề cập nhiều lần, để thuận tiện xin viết tắt như sau :

- Ðại Việt sử ký toàn thư viết tắt : Việt toàn thư

- Ðất nước Việt Nam qua các đời : Ðất nước Việt Nam

- Ðại Nam nhất thống chí : Ðại Nam chí

- Khâm định đại Thanh nhất thống chí : Thanh thống chí

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục : Việt cương mục

- La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn : Hoàng Xuân Hãn.

- Tập bản đồ hành chánh 64 tỉnh, thành phố Việt Nam : Bản đồ Việt Nam

- Trung Việt biên giới lịch sử tư liệu điệp biên : Trung Việt biên giới tư liệu

- Danh sách các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới đất liền nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Kèm theo thông tư số 179/2001/TT-BQP ngày 22 tháng 01 năm 2001) : Danh sách xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới.

Cuối sách có “ Bảng tra cứu tên người, tên đất ” để độc giả tiện bề tham khảo.

Tác gỉả cẩn chí,


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us