Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Điểm sách: Khoa học và công nghệ nano

Điểm sách: Khoa học và công nghệ nano

- Nguyễn Viết Huệ — published 18/11/2009 19:05, cập nhật lần cuối 29/09/2012 08:00
...Đây thực sự là cuốn sách “phổ thông” “gối đầu gường” cho bất cử người nào yêu khoa học, thích tìm hiểu về khoa học. Hơn thế nữa, với các thông tin đa dạng, phong phú và sâu sắc trong cuốn sách, đây cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên tất cả các ngành học bậc Đại học và Cao đẳng chuyên và không chuyên kỹ thuật...


ĐIỂM SÁCH


“KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NANO”


Nguyễn Viết Huệ



Tác giả: Trương văn Tân
Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội 10/2009



Là cán bộ khoa học của Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, gần 10 năm qua “mò mẫm” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Nano, trong đó có 3 năm Chủ trì một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đi sâu nghiên cứu chế tạo màng nano composit nền kim loại tại Viện Khoa học Vật liệu Hàn quốc (KIMS), tôi rất sung sướng và vinh dự giới thiệu cuốn sách về Khoa học và Công nghệ Nano của Tác giả Trương Văn Tân, Việt kiều ở Úc.

Thời gian qua, khi đọc các bài viết đăng trên các Tạp chí Khoa học của Việt kiều trên thế giới, tôi đã bị cuốn hút bởi các bài viết của Ông Trương Văn Tân. Giờ đây, thật là phấn chấn khi có trong tay cuốn “Khoa học và Công nghệ Nano” của Ông bằng tiếng Việt, do Nhà xuất bản Tri Thức thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ấn hành.

Hằng ngày, ở Việt Nam, chúng ta cũng đã có dịp làm quen với thuật ngữ “Công nghệ Nano”, đó là lời quảng cáo về khẩu trang nano chống cúm A H1N1, máy lọc nước, điều hóa nhiệt độ, cái ty cho trẻ em bú sữa, và vân vân…Tuy nhiên tôi có thể khẳng định rằng, trong hoàn cảnh thông tin còn hạn chế hiện nay ở nước ta, với tính phức tạp và đa ngành của khoa học và công nghệ Nano, sự hiểu biết của chúng ta về ngành khoa học công nghệ mới mẻ nhưng hứa hẹn có thể làm khuynh đảo cả thế giới này còn quá lơ mơ, ngay đối với các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu.

*

Trước hết, cuốn sách của Tiến sĩ Trương Văn Tân là một tài liệu khoa học quý báu. Cuốn sách gồm 7 chương. Chương 1, mở đầu về khoa học và công nghệ Nano; xuất phát điểm và tiềm năng ứng dụng của ngành khoa học non trẻ này. Chương 2, chương 3 là sự lý giải rất thú vị về mối liên quan một cách ngạc nhiên giữa tự nhiên và vật liệu Nano như “bàn chân con Thạch sùng – con chăn chắt” – không có nhựa mà như có keo, bề mặt Lá sen, hiện tượng “nước xao đầu vịt”. Trong chương 4, Tác giả đã “giải lao” người đọc bằng một phần khoa học khá lý thuyết: cơ học lượng tử và vật liệu Nano, những cơ sở cơ bản nhất để hiểu và nghiên cứu về loại vật liệu mới này. Chương 5 tổng hợp các sự kiện về một “vùng” đang gây tranh cãi nhất trong “phổ” ứng dụng của loại vật liệu này: Ứng dụng vật liệu Nano trong Y sinh học. Liệu vật liệu nano là một giải pháp thần kỳ cứu loài người khỏi các căn bệnh hiểm nghèo, hay ngược lại? Chương tiếp theo, đề cập đến thực chất đóng góp của Hóa học cho vật liệu Nano và cuối cùng nói về Ống than nano, chiếc gậy thần và niềm kỳ vọng của không ít các nhà khoa học và ngay cả các Nhà doanh thương.

Đây thực sự là cuốn sách “phổ thông” “gối đầu gường” cho bất cử người nào yêu khoa học, thích tìm hiểu về khoa học. Hơn thế nữa, với các thông tin đa dạng, phong phú và sâu sắc trong cuốn sách, đây cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên tất cả các ngành học bậc Đại học và Cao đẳng chuyên và không chuyên kỹ thuật. Qua kinh nghiệm của mình, tôi đảm bảo rằng đây còn là cuốn sách rất cần cho các cán bộ giảng dạy ở mọi cấp trường và các cán bộ nghiên cứu trong các Viện chuyên ngành.

Khi có trong tay cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Nano” tôi tin rằng độc giả xa gần, từ người dân bình thường có ham muốn hiểu biết khoa học; các em học sinh và sinh viên các trường Đại học kỹ thuật và không kỹ thuật, đến các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đều cảm thấy hài lòng khi vốn tri thức của mình được bổ sung bởi những kiến thức mới mẻ và hữu ích từ cuốn sách của Tác giả Trương Văn Tân. Chắc chắn không ít người sẽ phải giành thời gian để đọc lại một chương nào đó họăc cả cuốn sách nhằm thỏa mãn sự tò mò của mình và làm thăng hoa hơn nữa sự hiểu biết của mình.

Độc giả cũng có thể tìm thấy một nguồn giải trí độc đáo khi đọc một tài liệu khoa học được giải trình bằng một lời văn hay, sinh động và thú vị. Độc giả sẽ càng “mê” hơn khi biết rằng cuốn sách được viết ra bởi một nhà khoa học mà không “khô khan” và gần cả cuộc đời của Ông chỉ sống ở nước ngoài. Nếu có thời gian, mời các bạn vào trang Web: www.vietscience.free.fr, www.diendan.org, www.erct.com, ngoài các bài báo khoa học sâu sắc mà nhẹ nhàng, chắc chắn các bạn cũng sẽ bị “mê hồn” bởi các Truyện ký, và ngay các những bức ảnh “phóng sự” của Tác giả.

*

Là một đồng nghiệp của Ông Trương Văn Tân, xin được cám ơn Nhà xuất bản Tri Thức, thuộc Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam, đã biết “chọn mặt gửi vàng”, chọn đúng vấn đề rất thời sự và có ý nghĩa khoa học và công nghệ nổi bật trong thời đại, chọn đúng một soạn giả có tầm cỡ quốc tế và rất “Việt” để mang đến cho người đọc ham hiểu biết và cần hiểu biết một món quà quý báu vô giá. Cám ơn Ông Trương Văn Tân, một Việt kiều đã gắn bó nhiều năm với Quê hương Việt Nam đã mang đến cho các thế hệ làm khoa học ở Việt Nam những hiểu biết rất cần thiết, hy vọng mở ra bước ngoặt cho sự phát triển nền khoa học nước nhà.

Cuối cùng, xin được cám ơn bạn đọc nếu các bạn có thể tìm thấy sự đồng cảm với tôi sau khi đọc xong và thụ hưởng những tri thức mà Tác giả Trương Văn Tân cung cấp.


Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2009

Nguyễn Viết Huệ

Viện Khoa học Vật liệu, Việt Nam



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us