Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Giới thiệu ALAIN ROBBE-GRILLET : Sự thật và Diễn giải

Giới thiệu ALAIN ROBBE-GRILLET : Sự thật và Diễn giải

- Bùi Văn Nam Sơn — published 20/08/2009 10:31, cập nhật lần cuối 20/08/2009 10:31
chuyên luận của Nguyễn Thị Từ Huy


Giới thiệu chuyên luận của Nguyễn Thị Từ Huy



 Văn chương trong viễn tượng
hậu - siêu hình học


Bùi Văn Nam Sơn

 

Thế giới văn chương vừa tưởng niệm một năm ngày mất của Alain Robbe-Grillet (18.08.1922 – 18.02.2008), nhà văn, nhà biên kịch, nhà làm phim, “ giáo hoàng ” của trào lưu tiểu thuyết mới (nouveau roman). Cùng với các tên tuổi như Nathalie Sarraute, Claude Simon, Michel Butor…, sự nghiệp văn chương của Robbe-Grillet trải dài suốt năm thập kỷ và khá đồ sộ trên nhiều lĩnh vực : tiểu thuyết, tiểu luận, phim ảnh. Từ tác phẩm đầu tay (1949, bị nhà Gallimard từ chối và chỉ được nhà Minuit công bố vào năm 1978 !), ông bắt đầu nổi tiếng với Un régicideLes Gommes (1953), Le Voyeur (1955), La Jalousie (1957). Với hơn mười tiểu thuyết liên tục từ 1955 đến 2007 (trong đó đặc biệt quan trọng là quyển La Reprise năm 2001 khi ông đã 80 tuổi), ba tập luận văn vào các năm 1963, 2001, 2005, trong đó Pour un Nouveau Roman / Vì một nền tiểu thuyết mới năm 1963 có giá trị như một tuyên ngôn văn học, ba tập “hồi ký”, hơn mười bộ phim…, ông lưu lại một dấu ấn đậm nét mà “ cùng với sự ra đi của ông, một phần của lịch sử trí thức và văn chương Pháp đã biến mất theo ” (tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy). Tôi đặc biệt cảm kích lời đánh giá “cái quan định luận” sau đây của Hàn Lâm Viện Pháp : “ hôm nay, Hàn Lâm Viện Pháp đã mất đi một trong những thành viên lừng lẫy nhất và chắc chắn cũng là thành viên ương ngạnh nhất của mình ” (Thông báo của Hàn Lâm Viện Pháp). Nhìn nhận ông như là “ thành viên ương ngạnh nhất ”, Hàn Lâm Viện đầy kiêu hãnh của nước Pháp đã tỏ ra thẳng thắn, cao thượng và ưu ái đối với ông biết chừng nào ! Muốn ứng khẩu chứ không chấp nhận đọc bài diễn văn soạn sẵn, thẳng thừng từ chối các thủ tục “ nghi vệ ” khi “ nhậm chức ” theo thông lệ vào năm 2004, ông “ Hàn ” ương ngạnh này còn vỗ ngực : “ không phải Hàn Lâm Viện mang lại vinh dự cho tôi mà chính tôi mang lại vinh dự cho Hàn Lâm Viện ! ”. Ông cao ngạo vì quá tự tin vào sự nghiệp của mình khi cho rằng ngay cả những kỷ vật tầm thường nhất do ông để lại rồi cũng sẽ trở thành một phần di sản của nước Pháp. Robbe-Grillet là hình ảnh một kẻ du hiệp “ độc bộ võ lâm ” trong thế giới văn chương, và ông đã đi đến cùng với quan niệm sáng tác của mình. Vì thế, ông còn được gọi là một “ enfant terrible ” của nền văn nghệ hiện đại. Vào nửa sau của thế kỷ XX, dường như chỉ có một người khác, ở một lĩnh vực khác,  lĩnh vực khoa học luận , mới được mang “ hỗn danh ” ấy mà thôi, đó là Paul K. Feyerabend (1924-1994) với tác phẩm lừng danh Against Methode / Chống lại sự cưỡng chế của phương pháp (1975). Hai “ enfant terrible ” tung hoành trên hai trận địa  xa mà gần , thật sự gây chấn động hầu như là một sự “ thay đổi hệ hình ” tư duy (paradigma shift), đến nỗi từ nay người ta chỉ có thể “ làm ” văn chương và khoa học sau khi đã có Robbe-Grillet và Feyerabend chứ không thể như trước khi có họ, hay thậm chí, như thể không có họ.


biatuhuy

Với Feyerabend, ta không cần đến giả định về một thế giới đã hoàn tất (“ ready made world ”) hay một thực tại nhất phiến, bởi tuyệt nhiên không hề có một hiện thực tuyệt đối tách rời với mọi hệ quy chiếu. Ông nhắc nhở ta rằng “ mọi khoa học đều thoạt đầu là những “nghệ thuật” (“technai” nơi cổ Hy Lạp) trước khi chúng mất đi tính chất sáng tạo trước tính khách quan vô-ý thức. Và “ cả nghệ thuật lẫn khoa học đều không biết đến những điều kiện - khung ổn định ” để có thể đơn giản được quy về một mẫu số chung. “ Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ lẫn sự suy tàn mà chỉ có những hình thức khác nhau về phong cách. Mỗi hình thức phong cách là hoàn hảo một cách tự mình và tuân theo những quy luật của riêng nó. Nghệ thuật là việc tạo ra những hình thức phong cách và lịch sử nghệ thuật là lịch sử của sự tiếp diễn ấy([1]). Một nhận định khiến ta nhớ đến Hegel và cũng có thể áp dụng cho cả khoa học lẫn triết học, bởi ta “ không thể đến gần hơn cũng như không thể cách xa hơn một thực tại trinh nguyên không được nghệ thuật hay tư tưởng đụng chạm tới ”, vì thế, “ đòi hỏi rằng một tác phẩm nghệ thuật hay một quan điểm khoa học là đúng hay tương ứng với thực tại thì hoặc không có nghĩa gì cả, hoặc chính là đòi hỏi rằng một tác phẩm nghệ thuật hay một lý thuyết nhất định nào đó phải phù hợp với một công trình đã có hay sẽ được kiến tạo nên bởi con người ”. Điều này không có nghĩa rằng thực tại của chúng ta không có thật, mà chỉ có nghĩa : “ ta biết những gì khoa học và nghệ thuật đã đạt được, nhưng ta không biết một cách tiếp cận khác có thể đạt được những gì ”, hay nói khác đi, ta biết rằng cách tiếp cận của ta không phải là cách tiếp cận duy nhất và tối hậu. Do đó, việc lẫn lộn một sự mô tả nhất định về thực tại với bản thân thực tại nhất định sẽ dẫn đến một bản thể học giáo điều, bởi chân lý bao giờ cũng là một chân lý nội tại, không nằm bên ngoài khuôn khổ nhận thức của khái niệm, nghĩa là, luôn bên trong ranh giới của lý tính hữu hạn. Chính ở đây, ta gặp gỡ Robbe-Grillet qua lý giải của Từ Huy : “ Tự do của con người… không khác gì một sự  phá vỡ ảo tưởng : con người không có một tự do vô hạn ; nó chỉ có tự do kết hợp các lời nói sáo mòn của ngôn ngữ xã hội. Công việc được xem là sáng tạo của nhà văn trong thực tế chỉ là một trò chơi kết hợp đơn giản, là tác phẩm vô danh của kẻ thư lại. Nhưng trong giới hạn này, một cách nghịch lý, con người mất ảo tưởng ấy có thể đạt tới trạng thái tự do viên mãn nhờ niềm tin vào quyền năng sáng tạo của lời nói ”. Ta nhớ đến câu của Nietzsche : “ Chúng ta có nghệ thuật để không phải chết vì sự thật ! ”.

 
Sai lầm của chúng ta, như Nelson Goodman nhận xét, là ở chỗ đối lập giữa nghệ thuật và khoa học mà không thấy rằng cả hai song hành và bổ sung cho nhau. Tuy không có sẵn một tiêu chuẩn của chân lý, nhưng chính những “ phiên bản khác nhau sẽ tạo ra những thế giới khác nhau ”, miễn là chúng có khả năng thuyết phục. Sự thuyết phục của những “ phiên bản ” mới là khi chúng có thể trở thành những lựa chọn khác cho những niềm tin trước đây, hoặc cái mới của sự lý giải sáng tạo có thể tiếp nối những hình dung đã qua một cách đầy nghệ thuật ([2]).

 
Nếu Feyerabend khét tiếng với khẩu hiệu “ Sao cũng được ! ” (Anything goes !) để chống lại sự độc tôn của một phương pháp nhất định, ngăn cản sự tiến bộ, thì Robbe-Grillet nổi tiếng với câu nói : “ Nhà văn đích thực không có gì để nói cả. Điều đáng kể là cách nói ”. Đây không phải chỉ là “ một cách nói ” mà là cả một quan niệm sáng tác có tham vọng đánh đổ quan niệm truyền thống về tiểu thuyết, như nhận định của Jean Ricardou về “ tiểu thuyết mới ”: “ Tiểu thuyết không còn là việc viết về một cuộc phiêu lưu mà là cuộc phiêu lưu của việc viết ” hay qua lý giải của Từ Huy : “ Tác phẩm không nói một điều gì khác hơn là chính kinh nghiệm của nó, một kinh nghiệm có giới hạn, bất trắc ”. “ Tác phẩm không phải nằm trong những sự thật được diễn tả mà nằm ngay trong chuyển động của sự diễn tả ”. Vì sao ? Vì “ hiện tại tự sáng tạo không ngừng, tự lặp lại, tự gấp đôi lên, tự bổ túc, tự xóa bỏ, không bao giờ chất đống để làm thành một quá khứ ”. Nếu hình ảnh “ nhân vật ” hay “ cốt truyện ” trong tiểu thuyết truyền thống là “ một quá khứ ” thì nó chỉ là “ một huyền thoại, một xác ướp không hơn không kém ”. Vì thế, với Robbe-Grillet, sáng tác “ là một quá trình tạo sinh các song bản ; tác phẩm được viết ra để thăm dò bằng cách tạo ra các dấu vết cho tương lai, chứ không phải để tìm kiếm những dấu vết của quá khứ, chính vì vậy, ở Robbe-Grillet không tồn tại kỷ niệm, chỉ có tái diễn. Phải làm cho quá khứ sống dậy trong hiện tại, thậm chí trong cả tương lai. Ông biến tác phẩm của mình thành không gian bảo tồn và không gian sáng tạo, không gian của sự tái diễn ”.

Sự tái diễn ? “ Tái diễn vận hành như là nguyên tắc tổ chức tác phẩm. Không có gì mới, tất cả đều lặp lại, thế giới này chỉ là một thế giới của những phân thân, ở đó ta gặp phân thân của chính mình, phân thân của phân thân… cứ như thế mà luỹ thừa đến n lần ; sự tăng sinh này hủy bỏ sự thật và tính đích thực, tạo ra những chuỗi hình ảnh. Trong quá trình tái diễn thường hằng của những từ xưa cũ, tự do của nhà văn tồn tại dưới dạng thức của sự kết hợp các lời nói đã có, những lời này được tái tổ chức và tạo ra những hiệu ứng hỗn mang của các tái lập. Cũng chính trong tái diễn mà các từ biểu lộ quyền lực tự làm mới của mình để xây dựng những cấu trúc mới ”. Như thế, “ cá nhân [nhân vật] chỉ là một cái bóng và anh ta phóng xuất vô số những cái bóng cho phép nhân cách của anh ta luôn mở và luôn luôn đòi được khám phá. Như vậy, con người tồn tại như là những khả thể vừa hiện diện vừa vô hình, chứ không phải như những nhân vật thực tế và cố định ”.

 
Con người tuy là “ thước đo của vạn vật ” (Protagoras), nhưng con người liên tục tự biến đổi chính mình. Vì thế, Feyerabend, trong tư duy khoa học, dường như chia sẻ cùng một cảm thức với Robbe-Grillet trong lĩnh vực văn chương : “ Thế giới thế nào thì tôi không biết, nhưng nếu ta tiếp cận nó bằng hình thức thích hợp, nó sẽ bộc lộ ra bằng nhiều cách khác nhau. Tất nhiên, đó không phải là một lý thuyết theo nghĩa cũ mà là một bức tranh ” (…) “ Đi vào thế giới ấy, người đọc trở lại với chính mình như một con người khác, trong một quan hệ khác với thế giới… giống như hai con người gặp gỡ nhau, quen biết nhau, làm bạn với nhau và rồi lại xa lạ với nhau ”. Nói khác đi, “ tôi không chống lại các lý thuyết mà chỉ chống lại một sự lý giải các lý thuyết theo kiểu Platon, tưởng rằng có thể nhìn ra những nét hằng cửu của vũ trụ trong những sự mô tả của mình([3]).

 
Động cơ phản-siêuhìnhhọc ấy cũng thấm nhuần trong Robbe-Grillet khi ông tự dịch lấy một câu nổi tiếng của Kierkegaard theo cách hiểu của ông làm đề từ cho quyển Reprise của mình : “ Tái diễn [Từ Huy nhấn mạnh những từ in nghiêng] và hồi tưởng là cùng một vận động, nhưng theo những hướng đối lập nhau ; bởi vì những gì ta hồi tưởng thì đã hoàn tất, vậy nên đó là một tái lặp hướng về phía sau ; trong khi đó, tái diễn, với nghĩa sát sao nhất, có lẽ là một hồi tưởng hướng về phía trước ”. Đặt vào trong văn cảnh của cả câu trước đó, ta sẽ dễ hiểu hơn điều Kierkegaard muốn nói : “ Khi những người Hy Lạp [ám chỉ Siêu hình học Platon] bảo rằng mọi tri thức đều là hồi tưởng [anamnesis], họ bảo rằng mọi hiện hữu đang tồn tại đều đã tồn tại, còn khi ta nói rằng cuộc sống là một sự tái diễn, ta nói rằng : hiện thực – đã tồn tại – thì bây giờ mới đi vào sự hiện hữu. Nếu ta không có phạm trù “hồi tưởng” “tái diễn”, ắt mọi sự sống sẽ giải thể thành một tiếng ồn trống rỗng, vô nghĩa ”… và câu tiếp theo : … “ Tái diễn là cách nhìn hiện đại. Tái diễn là sự quan tâm của siêu hình học và cũng chính vì sự quan tâm ấy mà siêu hình học vấp ngã, thất bại ”. Thật thế, siêu hình học chỉ làm việc với cái bản chất cố định, với những quy luật nhằm cố định hóa cái biến dịch, phải tự đặt mình lên trên sự biến dịch, nhưng một khi nó quan tâm đến cái biến dịch, đến cái “ở giữa” sự có mặt hoặc vắng mặt hay “ở giữa” sự khẳng định hoặc phủ định, siêu hình học nhất định sẽ vấp ngã, bất lực. Feyerabend và Robbe-Grillet cô đơn nhưng không cô độc, vì sau lưng và chung quanh họ là cả một bầu khí hậu của “ tâm thức thời đại ”; tâm thức hậu-siêuhìnhhọc, như nhận định của Gilles Deleuze : Trong tất cả nỗ lực [của cả một thời đại], cốt lõi là sự vận động. Họ muốn đưa siêu hình học vào vận động, vào hành động. Khác với tư duy “trung giới” của Hegel, họ muốn siêu hình học hành động và thực hiện những hành động trực tiếp. Không phải là một sự hình dung mới về vận động mà biến bản thân vận động thành việc làm, không có cái trung gian, nghĩa là, dùng những ký hiệu trực tiếp thay chỗ cho những cách diễn tả gián tiếp, tạo ra những rung chuyển, cuộn xoáy, những màn luân vũ, những bước nhảy đụng chạm trực tiếp đến tâm hồn. Robbe-Grillet : “ Viết là bắc một cây cầu nối liền mình và mình, nhưng đôi khi thay vì kết hối hai bờ của một vực thẳm, nó lại nới rộng thêm khoảng cách ”, vì “ giữa mình với mình không có sự trùng khít. Luôn có một khoảng cách, và chính trong khoảng cách này xuất hiện những gì cần được viết ra ”. Viết là công việc của “ người thợ thêu ”, chắp vá, đan dệt một quan hệ vĩnh viễn dang dở. Và cũng vì thế, ý nghĩ tồn sinh là lời mời gọi, mời suy nghĩ, tư duy, huy động các khả năng ảo giác, những ý nghĩ chưa hoàn thiện, thiếu chắc chắn, biến động, thay đổi, không xác định. Robbe-Grillet, như nhận xét của Từ Huy, “ bỏ nghề kỹ sư vì lời mời gọi đó, để đáp lại một tiếng gọi của một cái gì chưa biết rõ, chỉ dành riêng cho ông ”: “ chắn hẳn là tôi thuộc về kiểu nhà văn viết không phải vì anh ta hiểu thế giới, mà trái lại, vì không hiểu nó ”.

Cách viết ấy thực sự đẩy người đọc vào tình thế “ mất an toàn ” ! Từ Huy giải thích : “ Robbe-Grillet sáng tạo một kiểu tự sự nghi vấn có khả năng tự giải phóng khỏi diễn giải, hoặc khiến cho diễn giải trở nên không có hiệu quả ; từ đó, một cách nghịch lý, ông biến những gì được kiến tạo như một nghi vấn thành ra có tính diễn giải. Công việc diễn giải bị từ chối, bởi một nhà văn chỉ chuyên đặt câu hỏi thay vì đi tìm kiếm hoặc đưa ra câu trả lời ; công việc này hoàn toàn bị đẩy cho người diễn giải. Điều này góp phần giải thích tính chất “vô trách nhiệm” của người kể chuyện theo kiểu Robbe-Grillet ”. Và “ kiểu người kể chuyện nhẹ tênh này buộc độc giả phải đảm nhận trách nhiệm và vai trò của người diễn giải, và khiến cho việc đọc trở thành một công việc nhọc nhằn [chúng tôi nhấn mạnh]. Chính tác giả cũng rất ý thức về tính chán ngán của những cuốn sách do ông viết ra. Độc giả của Robbe-Grillet đôi khi bị dẫn tới một hình thức “đọc trắng” (lecture blanche)”.

 
Ta thường nghe nói đến vai trò “ đồng sáng tạo ” của người đọc, nhưng có lẽ chưa ở đâu vai trò này trở nên bức thiết, gay gắt và đầy thách thức như thế. Và nhà phê bình, nhà lý luận văn học cũng không còn có thể chỉ đứng ngoài để “ đọc vào ” tác phẩm mà cần nằm ngay trong văn bản để “ đọc ra ”. Tác giả, độc giả và nhà phê bình dường như hòa làm một, đó là điều mới lạ nhưng thật ra không phải hoàn toàn xa lạ trong đời sống tinh thần : “ Càng lúc tôi càng bị thuyết phục rằng triết học và văn học có cùng những đối tượng, tiếp tục cùng những nghiên cứu giống nhau, nhưng bằng những phương tiện khác nhau, như Clausewitz đã từng nói [“chiến tranh là chính trị bằng những phương tiện khác”]… sự trao đổi căn bản này … là một sự  qua lại, vay mượn các khái niệm đã tồn tại, đã được nghĩ ra, và về mặt lý thuyết, có thể không cần đến văn học ” (Robbe-Grillet). Và tác giả của chuyên luận này xác định nhiệm vụ của mình : “ Công việc của chúng tôi ở đây là cố gắng chỉ ra cái mà Robbe-Grillet gọi là “cùng những đối tượng”, “cùng những nghiên cứu như nhau”, những gì nằm trong vùng giao thoa giữa sáng tạo hư cấu và sáng tạo khái niệm, vì G. Deleuze định nghĩa triết học như là hành động sáng tạo các khái niệm ”.


 
Trong tinh thần ấy, chuyên luận sau đây không phải là một tập sách “ giới thiệu hay tìm hiểu tác giả, tác phẩm ” theo cách hiểu thông thường mà thật sự là một “ nỗ lực khái niệm ” (“Anstrengung des Begriffs”, theo cách nói của Hegel), một công trình suy tưởng cùng với Robbe-Grillet trong “ vùng giao thoa ”, để nhận ra chiều sâu tồn tại ngay trong sự diễn giải và trong chính bản thân tác phẩm cần diễn giải. Hay nói khác đi, là một cái “ đối ứng ” cần thiết và tất yếu.

 
Tôi được làm quen với Từ Huy, tác giả chuyên luận, ba năm trước đây, vào một chiều nắng đẹp ở Paris, khi cô vừa “chân ướt chân ráo” từ Đại học Sư phạm Hà Nội sang Pháp làm luận án. Trong không khí thân tình và sôi nổi khi trao đổi về các dự định nghiên cứu, lòng tôi không khỏi thoảng chút ái ngại. Giữa một Paris mênh mông, xa lạ, cuộc sống của một nữ nghiên cứu sinh nước ngoài thật không dễ dàng, chưa nói đến đề tài nghiên cứu đầy áp lực về một tác giả vốn không hề dễ đọc ngay cả với độc giả Pháp với cả một “hậu cảnh” triết học dày đặc và rối mù của những Nietzsche, Kierkegaard, Heidegger, Sartre, Deleuze, Gadamer… Nhưng, nhìn vào ánh mắt cương nghị của “ cô Đồ Nghệ ” dễ mến, tôi tin rằng cô sẽ “ vượt qua ”. Và hôm nay, chỉ ba năm sau, một luận án dày dặn, sâu sắc được viết bằng một thứ tiếng Pháp trang trọng, chải chuốt và một bản tiếng Việt tự cô dịch ra cho người đồng hương cùng thưởng thức đã ra đời ! Tôi muốn chép lại ở đây một nhận định của Từ Huy về Robbe-Grillet : “ Bằng các tác phẩm của mình, Robbe-Grillet tạo ra sự tái diễn chứ không phải tái lặp, ông tin là như vậy. Sự khác biệt giữa chúng là sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai, giữa bất động và chuyển động, giữa giống và khác, giữa bắt chước và sáng tạo (...) Một cách nghịch lý, với sức mạnh hạn chế của nó, tái diễn là một quyền năng giúp nhà văn đạt tới tự do trọn vẹn. Ý chí tái diễn của nhà văn cho thấy ông “ đã chín muồi trong sự nghiêm túc ”, như Kierkegaard đã nói ”. Tôi xin phép mượn cụm từ đẹp đẽ ấy của Kierkegaard để chúc mừng và chia sẻ niềm vui thành công đáng trân trọng của Từ Huy.

Bùi Văn Nam Sơn

01.06.2009

 





([1]) P. K. Feyerabend, Khoa học như là Nghệ thuật, Frankfurt / M, 1984, tr. 29.

([2]) Nelson Goodman, Các phương cách sản sinh thế giới, Frankfurt / M 1984.

([3]) P. K. Feyerabend, Về sự nhận thức, Hai đối thoại, Frankfurt / M 1995, tr. 151.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us