Chuyên đề Kỹ thuật Ôtô và Xe máy Hiện đại
Các chàng trai Việt Nam: Nhất nghệ tinh, Nhất thân vinh !
Nguyễn Xuân Xanh
Tiếp theo hai quyển Chuyên ngành Cơ khí (xem http://www.diendan.org/Doc-sach/cuoc-khai-sang-cong-nghie) và Chuyên ngành Kỹ thuật Điện-Điện tử (xem http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/tu-duy-giao-duc-nghe-nhin-tu-mot-quyen-sach/665344.html) xin giới thiệu Anh Chị và các bạn quyển sách học nghề mới ra trong những ngày tháng 11 vừa qua còn thơm mực của Tủ sách Nhất Nghệ Tinh: Chuyên đề Kỹ thuật Ôtô và Xe máy Hiện đại, mà chủ trì đề án là Ủy Ban Tương Trợ Việt Nam tại CHLB Đức, Quỹ Saigon Times và NXB Trẻ. Đằng sau ấy là công lao của một một tập thể dịch gồm các Việt Kiều Đức từng học và làm việc trong ngành công nghệ Đức, kết hợp một số anh chị trong nước chủ yếu hiệu đính, tất cả 28 người, lao động cật lực trong vòng 3 năm để đưa quyển sách ra mắt, tất cả trong tinh thần thiện nguyện, hay philanthropic.
Sách lần này dày đến gần 800 trăm trang, và giá bìa 700.000 đồng, nghĩa là chưa được 1.000 đồng một trang. “Quá rẻ” so với công sức lao động thiện nguyện của tập thể dịch và hiệu đính trong và ngoài nước, và so với hiệu quả nó sẽ đem lại cho người học, hay dạy học. Quyển sách mở ra cả một tương lai cho cá nhân, nhưng cũng cho ngành giáo dục nghề của đất nước. Quỹ Robert Bosch Stiftung, 1.000 cuốn sách chuyên ngành kỹ thuật ô tô và xe máy hiện đại sẽ được dành tặng cho 60 trường trung cấp, 96 trường cao đẳng, 17 trường đại học, 9 thư viện trên khắp cả nước.Thế là Tủ sách Nhất Nghệ Tinh đã có được ba quyển sácg dạy nghề của Đức, trong bộ "Encyclopedia" kỹ thuật học, những viên ngọc quý của ngành công nghiệp Đức, một công việc như tiếp nối truyền thống Encyclopedia của Diderot và D’Alembert thời khai sáng. Và "cỗ xe tăng Đức" của tập thể anh chị em cựu sinh viên VN tại Đức trong tủ sách Nhất Nghệ Tinh vẫn tiếp tục "đều đều tiến tới", "không gì cản được". Dự tính ít nhất cũng không thua con số 11 của Đội bóng đá Đức. Dự kiến sẽ có tiếp các quyển Cơ điện tử, Kỹ thuật chất dẻo, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật xây dựng và Kỹ thuật môi trường. Thời gian qua, một bộ phận thanh niên VN có khuynh hướng "lội ngược dòng", bỏ đại học để chọn học nghề. Những quyển sách học nghề chất lượng của một trong những đất nước công nghiệp hàng đầu sẽ tiếp sức các bạn trẻ để tạo niềm tin, tự khẳng định, rằng ngoài đại học, hàn lâm ra, không khéo cũng thất nghiệp, vẫn còn con đường thứ hai: Học nghề, và nghề cao cấp! Và rằng, không vị hàn lâm nào thay thế được công việc của các bạn. Ở các quốc gia phát triển, đa số thanh niên đi con đường nghề nghiệp này.
Chiếc ô tô lịch sử của Karl Benz được đăng ký sở hữu sáng chế năm 1885.
Năm 2010, để kỷ niệm đúng 125 năm lịch sử của nó, hãng Mercedes Việt Nam đã chế tạo lại ba phiên bản của chiếc này, có thể chạy được như nó đã từng chạy. Một tư nhân, một người hâm mộ ô tô, đã mua lại một chiếc và đã trưng bày tại Resort Cham Villas của ông. Xin xem thêm Lịch sử chiếc xe hơi, một lịch sử kỳ thú, của tác giả Nguyễn Xuân Xanh, trong quyển sách NƯỚC ĐỨC THẾ KỶ XIX. CUỘC CÁCH MẠNG GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHIỆP. ZENBOOK và NXB Dân Trí, 2016.
Trong lịch sử cách mạng công nghiệp thế giới có ba chiếc máy nổi tiếng nhất: Máy hơi nước của James Watt, ô tô , và máy tính. Ô tô là chiếc máy ‘sang trọng’ thay đổi thế giới trong thế kỷ 20. Đức là "quê hương" của những chiếc ô tô đầu tiên, của Karl Benz, Gottlieb Daimler và Wihlem Maybach, chưa kể Nicolaus Otto, cha đẻ chiếc máy nổ bốn thì, Rudolf Diesel, cha đẻ của động cơ Diesel. Cho nên quyển sách chuyên ngành Ôtô của Đức lại càng có thêm bề dày uy tín.
Tôi hy vọng điều này: Sự xuất hiện bộ sách học nghề này của anh chị em cựu sinh viên VN ở Đức sẽ "dấy lên" một phong trào dịch thuật công nghiệp và nghề nghiệp cho tuổi trẻ VN. Vâng, chúng ta có thể làm "tinker" trước rồi làm "thinker" sau cũng được, theo phép qui nạp từ dưới đi lên. Phải có ăn, mặc rồi mới có tư duy. Trong các tỉ phú công nghệ cao ở thung lũng silicon cũng có nhiều người xuầt thân từ "tinker": Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg và nhiều người khác. Cuộc cách mạng công nghiệp Anh, Pháp, Đức, Nhật đều do các “tinker” thực hiện từ nền tảng, và như thế cho bất cứ quốc gia nào đi lên. Lịch sử VN thiếu giới "tinker" hữu ích, vì bị khinh rẻ và thiếu kỹ thuật phát triển. Nói chung, khoa học và kỹ thuật là một khoảng trống trong lịch sử Việt Nam. Đất nước này vẫn còn "nhiễm độc" bởi văn hóa "làm quan", "học cao làm quan, làm thầy", và làm biếng lao động. Các quyển sách của Tủ sách Nhât Nghệ Tinh sẽ góp phần làm cho giai cấp công nhân trưởng thành và hiện đại, tiến tới vị trí gần gủi với giai cấp trung lưu tương lai, hay một phần của giai cấp đó.
Cuộc dịch thuật vĩ đại ở châu Âu thế kỷ 12, 13 đã làm nên Đại học châu Âu. Cuộc dịch thuật vĩ đại của các nhà Lan học Nhật Bản thế kỷ 18, 19 đã đưa đến khai sáng và mở cửa. Những quyển sách học nghề cao cấp này sẽ tạo ra hiệu ứng gì? Chưa biết. Nhưng nó sẽ tạo một một không gian cho nghề nghiệp VN, ngày càng hấp dẫn, "cưa bớt" cái chân quá cao của thành kiến về học vấn truyền thống, học làm quan theo kiểu Nho giáo. Ở đây, thanh niên sẽ học để làm được việc, góp phần tích cực, hữu ích vào cuộc chấn hưng đất nước, bớt cách suy nghĩ “duy tâm”, mà trở về miếng đất thực tại của cuộc sống với những đòi hỏi bức thiết: hành động có tay nghề cao và phụng sự xã hội, phát triển công nghiệp trong nước, và phục vụ đầu tư nước ngoài. Nước Đức có Kant mà cũng có Krupp, như Gorki nhận xét. Alfred Krup, được mệnh danh "Vua súng cà nông", phải bỏ dỡ việc học trung học để bước vào nghề đúc thép khi bố ông Friedrich lâm bệnh nặng.
Thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản thuê William S. Clark của Massachussetts, một nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ về nông nghiệp, sang thành lập trường nông nghiệp đầu tiên năm 1876, nay là Đại học Hokkaidō. Trong diễn văn từ biệt khi hoàn thành nhiệm vụ, ông kết luận bằng lời kêu gọi nổi tiếng: "Các chàng trai, hãy có tham vọng" ("Boys, be ambitious"), mà người Nhật vẫn nhớ mãi trong tim.
Bây giờ là lúc cần cất cao lời kêu gọi "Các chàng trai Việt Nam: Nhất nghệ tinh, Nhất thân vinh !"
Các thao tác trên Tài liệu