Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Syngué sabour

Syngué sabour

- Châu Diên — published 02/01/2009 17:30, cập nhật lần cuối 02/01/2009 21:35
Theo niềm tin của con người trong khu vực văn hóa Ba-tư, có tồn tại đâu đó một hòn đá, nếu con người cứ ngày ngày nói với đá mọi nỗi niềm của mình, những đau khổ, những chịu đựng, những chất chứa không biết thổ lộ cùng ai, đá sẽ thấm hút mọi điều và đến lúc nào đó hòn đá kia sẽ vỡ tan thành những mảnh vụn, và con người được giải thoát.

Điểm sách giải Goncourt 2008 (*):


“Kiên nhẫn” còn có nghĩa là
“nổi loạn”


Châu Diên


DL

Nếu cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ được dịch sang tiếng Việt, nghĩ rằng có lẽ không nên dịch sát đúng nghĩa đen cái tên nó (Syngué sabour, tiếng Persan) là “Hòn đá kiên nhẫn” mà làm mất đi chất thơ thấm đượm cuốn sách. Nếu dịch là Hòn đá Sabour thì có vẻ như hơi “đánh đố”, nhưng Thơ thì bao giờ chẳng như là đánh đố? Vả chăng, đến cuối sách, ta sẽ thấy cái ông thánh cuối cùng người đàn bà phải đọc to tên ông ta lên, cái ông thánh chứng sống cho lòng kiên nhẫn của con người, đó là ông thánh Al-Sabour.

Tác giả cuốn sách là một người đàn ông Afghanistan bốn mươi lăm tuổi. Cuối những năm 1980, ông bỏ thủ đô Kaboul để tị nạn chính trị tại Pháp. Ông viết tiểu thuyết và làm phim. Ông đã viết Đất và tro tàn (Terre et cendres, 2000), Ngàn ngôi nhà trong mơ và kinh hoàng (Les mille maisons du rêve et de la terreur, 2002), Trở về trong mơ (Le retour imaginaire, 2005). Các tập sách trước, ông viết bằng tiếng persan, rồi được dịch sang tiếng Pháp. Riêng cuốn thứ tư này, Hòn đá Sabour, cậu cựu học sinh trường trung học Pháp-Afghanistan ở Kaboul này đã viết thẳng bằng tiếng Pháp, và viết liền một mạch tại một phòng khách sạn ở Hàn Quốc nhân dịp ông đem phim của mình đi dự liên hoan tại nước này.

Cuốn sách được viết mê mải, một mạch, như tâm tư được trút ra cho hết trong một lần. Mà đúng thế: đây là tâm tư của một người đàn bà được trút ra cho kỳ hết trước một kè thù rất khó nhận diện của Afghanistan. Kẻ thù đó không phải là quân chiếm đóng nước ngoài (trong đó có cả quân Liên Xô); kẻ thù đó không phải những kẻ ngày ngày đêm đêm xả súng vô tội vạ vào nhau và vào đầu người dân; éo le thay, tên kẻ thù giấu mặt rất kín không mang súng đó lại là người đàn ông Afghanistan! Một kẻ thù với đầy đủ sự xấu xí gớm ghiếc và lúc nào cũng dương dương tự đắc.

Synghé sabour trong tiếng persan (“Ba-tư”) có nghĩa gì? “Synghé” là “hòn đá”, còn “sabour” có nghĩa là “kiên nhẫn”. Theo niềm tin của con người trong khu vực văn hóa Ba-tư, có tồn tại đâu đó một hòn đá, nếu con người cứ ngày ngày nói với đá mọi nỗi niềm của mình, những đau khổ, những chịu đựng, những chất chứa không biết thổ lộ cùng ai, đá sẽ thấm hút mọi điều và đến lúc nào đó hòn đá kia sẽ vỡ tan thành những mảnh vụn, và con người được giải thoát.

Nhân vật người đàn bà trong truyện của Atiq Rahimi không có hòn đá đó, nhưng lại có một “hòn đá” là người chồng mình để chị ta trút hết nỗi niềm. Người chồng đó đi “chiến trận” năm này qua năm khác, chẳng rõ anh ta đi để chiến đấu chống cái gì, và lần cuối cùng thì bị găm một viên đạn vào gáy. Anh ta rơi vào hôn mê, nằm đó như chết, nằm đó đã mười sáu ngày rồi, sống thực vật nhờ được vợ tiếp nước mặn pha đường và được “chữa chạy” bằng cầu nguyện! Theo lệnh của viên giáo sĩ, công việc trông nom chồng hàng ngày của người vợ phải bao gồm cả việc lần tràng hạt và đọc tên các thánh tử vì đạo, và nếu người đàn ông không sống lại được, ấy là do người đàn bà hoặc là đã không khấn vái đầy đủ, hoặc là có khấn vái đấy nhưng không thành tâm.(Trang 22).

Người đàn bà vô cùng thành tâm! Ngày của em không còn chia thành giờ, giờ thành phút, phút thành giây … một ngày của em là chín mươi chín lần vòng tràng hạt… Em có thể nói chắc với anh, rằng em còn phải lần năm vòng nữa thì sẽ nghe thấy tiếng giáo sĩ gọi mọi người cầu nguyện buổi trưa… Lần đến tràng thứ hai mươi thì có tiếng người cấp nước gõ cửa các nhà hàng xóm. Bà hàng xóm ho sù sụ khàn khàn sẽ ra mở cửa cho anh ta. Lần đến tràng thứ ba mươi, sẽ có chú thanh niên đạp xe qua và hát ghẹo cô bé nhà bên “Laïli, Laïli, Laïli djân, djân, djân, em làm tim anh tan nát…” (Trang 21-22). Thế rồi, người đàn bà vừa đặt tay lên ngực chồng vừa lần tràng hạt miệng lẩm nhẩm cầu tên vị thánh tử vì đạo của ngày đó, với hy vọng người chồng tai qua nạn khỏi.

Tất cả các nhân vật nam giới trong truyện họp lại thành một nhân vật đàn ông; và ở phía bên kia, có một người đàn bà đương đầu với tất cả. Người đọc nhận dạng được tất cả các gương mặt đàn ông qua những lời lẽ người đàn bà ấy khi chăm sóc người chồng hôn mê như để thổ lộ cho hết mọi điều với viên đá nhẫn nhục của đời mình.

Trước hết có gương mặt kẻ đàn ông hôn mê. Tình yêu của hắn ta là cây súng AK. Hắn suốt đời “ra đi” và “chinh chiến”, nhưng không ai hiểu và chắc hẳn chính hắn cũng không hiểu hắn ra đi vì cái gì và chinh chiến cho cái gì. Tác giả dùng một kẻ thoi thóp vô cảm để vẽ nên “chàng dũng sĩ” ấy đã thành “hòn đá nhẫn” của người vợ; chị ta nói “Anh không đau đớn chút nào ư?! … Anh không bao giờ đau đớn cả! Đời anh chưa từng khi nào được biết đến cái đau đớn! … Em chưa từng thấy có ai bị đạn găm vào gáy mà vẫn sống! Lại không chảy máu nữa chứ! Không có mủ nữa chứ! Không đau! Không một chút đớn đau! … Ngay cả khi bị thương, anh cũng vẫn không thấy đau! … (Trang 34) Lý giải thêm cho cái vô cảm mang tính “chính nghĩa” của kẻ hôn mê đang nằm đó là cảnh lục soát ban đêm của các “chiến binh” bịt mặt chẳng biết thuộc phe phái nào, mà sự phi lý chỉ hiện ra khi các “chiến binh” hỏi người đàn bà đơn độc đã kịp che giấu kẻ bị thương hôn mê đi “nhà chị thuộc phe nào?” và hoàn toàn yên tâm khi nghe được câu trả lời “nhà em thuộc phe các ông”(!)…

Rồi lại có gương mặt người đàn ông là cha đẻ của chị ta. Người đàn ông vô tích sự đó cả đời chỉ chơi chim cút. Nhưng với con người, ngay cả với cô con gái của mình, thì người cha đó tỏ ra là hoàn toàn vô nhân! May mà bên cạnh ông bố đẻ ấy, cũng có ông bố chồng: một con người giầu cái gọi là tính minh triết. Ông bố chồng đã giúp con dâu hiểu về hòn đá kiên nhẫn. Ông bố chồng còn giúp cô con dâu nhận ra ý nghĩa của câu hỏi mang tính tìm đường trong câu chuyện huyền hoặc về ông vua giết con gái rồi vô tình lại loạn luân với chính con gái mình. Điều đáng thương đối với những nhà “hiền triết” kia, ấy là họ chỉ biết say sưa với ý tưởng, chứ không say sưa tìm đường thực hiện ý tưởng; tác giả không nói ra, nhưng người đọc thấy rõ ở đó cái gốc bi kịch trong tâm hồn và trong đời sống đương thời của người dân những nước như Afghanistan, những nạn nhân của ý tưởng!

Cũng đáng thương là cái thằng thiếu niên chiến binh bị cấp trên cặp kè cột vào như kẻ nô lệ, thằng bé nói lắp, giành được đồng nào là đi tập tành với cô điếm bất đắc dĩ – chính là người đàn bà đang chăm sóc người chiến binh hôn mê – và được người đàn bà đó thương hại “vỡ lòng” cho. Và một kẻ “đàn ông” như thế ấy cũng vẫn cứ có quyền tự cho mình cái quyền khinh bỉ nghề gái điếm!

Nhưng phải có sự mâu thuẫn đó thì mới thấy hết tiềm năng khinh bỉ của người đàn bà mưu mẹo trút lên người đàn ông hôn mê ngay cả khi anh ta chưa bị viên đạn găm vào gáy. Hắn thích đàn bà còn trinh, thì hắn được hưởng máu tháng của vợ và hiểu đó như là máu trinh! Hắn thèm con, thì hắn được con, nhờ các ông thầy tu kiêm lang băm đã chữa chạy cho vợ hắn bằng liều thuốc là những đàn ông thật sự, mắt bị bịt kín và cũng hành động để hai lần đem lại hai đứa con cho vợ hắn.

Đọc sách, ta có cảm giác tác giả bị thôi thúc viết ra một điều gì đó để trả thù cho một người đàn bà được ông thực sự yêu quý. Ngay trang đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả viết “Truyện này được viết để tưởng nhớ N.A. – nhà thơ nữ của Afghanistan đã bị chồng sát hại dã man – để tặng cho M.D.” Ngay cả lời đề tựa đó, cùng với lời cảm ơn đột ngột cuối sách, cũng hợp thành tác phẩm, như những lời thơ mang ý thơ, “Cảm ơn [kể ra bảy tên người] vì đã ủng hộ tác giả viết nên câu chuyện này, và vì con mắt thơ của họ”.

M.D. là ai và có ảnh hưởng tới đâu đến tác giả thì chưa rõ. Nhưng N.A. thì chính là Nadia Anjuman, người có cuộc sống vô cùng ngắn ngủi, sinh năm 1980 và chết năm 2005 sau mười lăm tháng ở với chồng, người có những bài thơ mà chỉ đọc tên đã cảm thấy được những tiếng não lòng: “Đừng chào bóng đêm” (1999), “Hỏi mưa” (2000), “Tiếng khóc không thành lời” (2002), “Nụ cười giả tạo” (2004), Bối rối (2004), …

Vài lời đầu năm điểm cuốn sách quý, và chợt nghĩ đến một chừng nào đó ta sẽ cùng được đọc toàn bộ tác phẩm của nhà thơ Nadia Anjuman, để thấy thêm một nửa còn nằm khuất trong tâm sự nhà văn Atiq Rahimi, và để cho cả hai nửa cùng vụn tan trong hòn đá kiên nhẫn, thực ra là hòn đá của sự nổi loạn âm thầm.


Hà Nội, 02-01-2009

Châu Diên



(*) Atiq Rahimi, Syngué sabour,

P.O.L. xuất bản, 157 trang, giá 15 euro.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us