Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Một mình… trong tập truyện mới của Trần Thuỳ Mai

Một mình… trong tập truyện mới của Trần Thuỳ Mai

- Mai Ninh — published 03/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 21/01/2009 17:33
Mai Ninh đọc "Một mình ở Tokyo" của Trần Thuỳ Mai


Một mình…
trong tập truyện mới của
Trần Thuỳ Mai



Mai Ninh

bia-tokio


tranthuymai

Trần Thuỳ Mai

Không nhớ rõ nhưng dường như ‘‘Thị trấn hoa quỳ vàng’’ là truyện ngắn đầu tiên tôi đọc của Trần Thùy Mai. Không gian và khí hậu truyện đã khiến tôi yêu thích và từ đấy chú ý đến văn chương của chị. Cũng một văn chương vang danh của đất Thần kinh, nhưng khác và xa với thời nào tôi đọc ‘‘Mưa trên cây sầu đông’’ hay ‘‘Tôi nhìn tôi trên vách’’ của những nhà văn nữ quen thuộc trước 75. Dù nếu cố tình thì vẫn còn bắt gặp đâu đó một khoảnh vườn mà hương lá hương cây cho ta biết nó nhất định phải là vườn xứ Huế. Rồi ‘‘Quỷ trong trăng’’ hay ‘‘Trò chơi cấm’’… càng đưa tôi đến gần với cách viết không cầu kỳ nhưng sâu, đậm, phản ảnh tinh tế tâm lý con người - con người thường của đời sống – mà chẳng cần tỏ ra cường điệu táo bạo quá lố để gây chú ý nơi người đọc.

 

Mùa thu này, tôi lại nhận được tập truyện mới nhất vừa được ấn hành ‘‘Một mình ở Tokyo’’* của Trần Thuỳ Mai như món quà tặng cho một chuyến về. Lướt qua mục lục, tựa các truyện ngắn và ghé mắt vào trang này trang kia, thì ngạc nhiên trước một nội dung có thể nói thuộc nhiều đề tài khác biệt. Những tên nhân vật vừa thoáng thấy là Malio, Steeve, Kyoko, Ando Chie…bỗng chuyển qua vua Gia Long, tả quân Lê Văn Duyệt, Cường Để, Tống Thị… hay một Nhụy, một Nhi ẩn nép giữa ngôi vườn Kim Long thâm kín. Cũng chính điều ấy đã phủ dụ tôi vội đọc cuốn sách cầm trong tay.

Mười hai truyện ngắn trong tập có thể tạm chia thành ba loại : truyện hoàn toàn với khung cảnh và nhân vật Việt Nam, truyện có nhân vật người ngoại quốc và truyện dựa trên nền lịch sử. Về loại cuối cùng thì đa số độc giả của Trần Thuỳ Mai hẳn đã nhận ra tài năng của chị trong thể văn này. Tác giả đã nhiều lần sử dụng nhân vật lịch sử lồng vào với nhân sinh quan của mình, tạo nên những câu chuyện nhân bản, mang tính cách phê phán. Một hoàng đế Gia Long chiếm vợ người sau khi phanh thây chồng, đã oai phong lớn giọng trước quần thần : ‘‘Trẫm là vua, cả giang sơn này là của trẫm, tại sao lại không thể định đoạt số phận một người đàn bà?’’, và trong hậu cung thì ngài khoái trá tâm đắc ‘‘…sự sung sướng khi quật mồ kẻ thù (Tây Sơn**) chỉ có một lần. Còn Ngọc Bình (vợ Quang Toản**) là một ngôi mộ sống có thể quật lên bao nhiêu lần cũng được. Những đêm ở bên nàng, vua tận hưởng niềm sướng thoả của mình, ngài cố ý kéo dài nó, lần này sang lần khác.’’ Quyền uy là thế nhưng vẫn phải nghe dèm pha ‘‘Sao đứa con gái này không giống nhà vua, sao mặt nó giống hệt ngụy Toản!’’(truyện ngắn Nàng công chúa té giếng). Triều đình nhà Nguyễn cũng là bối cảnh của một truyện ngắn khác - Thần nữ đi chân không - với một vị vua vừa muốn tỏ ra là người trọng ân nghĩa nhưng không quên tính toán để làm rỡ ràng công đức của mình nên đã cho kiệu về một làng quê nghèo khó rước cố nhân, một người đàn bà lam lũ dẫn một đứa bé và một con chó gầy, vào thẳng nơi ngài ngự. Nhưng chỉ sau một đêm ân ái, khi phát hiện da thịt nõn mướt như lụa của cô nông dân trên chiếc chiếu xô xảm mà ngài từng ôm ấp bên bụi cỏ bờ khe mười năm trước, nay không còn cái mát rượi như xưa dù nó đang nằm trong chăn loan trướng phủ, trên đệm lông chim, thì nhà vua hụt hẫng. Và ngay đêm sau người năm xưa đã bị thất sủng, những chiếc đèn lồng đỏ vẫn xuất phát từ điện Cần Chánh rẽ đi vào nội cung nhưng không dừng lại nơi cư ngụ của nàng cung phi mới. Rồi một ngày, ở thôn nghèo kia người ta lại bảo nhau: ‘‘…con bé Ngoạn đi giang hồ theo mẹ lâu nay, bây giờ lại sinh cái chứng khùng, lâu lâu hái hoa cài đầu, tự xưng là công chúa.’’

Tôi cũng thích không gian trầm mặc phủ lên nhân vật trong hai truyện ngắn Ngày xưa ở Kim LongHải đường tăng với nhân vật hoàn toàn Việt Nam. Một là của khu vườn Kim Long nhìn ra sông Hương có các tán cây măng cụt rộng như một mái nhà, và một thuộc về ngôi chùa nằm giữa các ngọn núi. Một nhắc tôi về những giọt ‘‘Mưa trên cây sầu đông’’ và một vẳng lên tiếng chuông chùa gợi nhớ ‘‘Hồn bướm mơ tiên’’.

Thể loại thứ ba dành cho những truyện mà một trong hai nhân vật của cặp nam nữ là người ngoại quốc. Điều làm tôi chú ý không vì Trần Thuỳ Mai đưa nhân vật ngoại quốc vào tác phẩm - dĩ nhiên thôi, đây là một khía cạnh không thể bỏ qua của thời đại ta đang sống – mà là số truyện loại này chiếm gần sáu mươi phần trăm (bảy trên mười hai truyện) trong cuốn sách. Tất cả là chuyện tình hay manh nha tình cảm giữa một người Việt với một người nước ngoài, và…tất cả cuối cùng đều đổ vỡ, ngậm ngùi. Nếu nghĩ rằng ở mỗi sụp đổ tình cảm đều có một người bị thiệt hơn, bị đau hơn người kia thì trong tập sách này kẻ đau lại đa số là người Việt, trừ trong hai truyện Nơi có những cây tùng xanh biếcBrandy bé bỏng. Ở đó, một cô gái của quân đội Nhật yêu thương, chăm sóc ông hoàng lưu vong Cường Để trong thời gian ông mỏi mòn chờ ngày hồi hương về với đất nước, vợ con (Nơi có những cây tùng xanh biếc), và một ông thuỷ thủ già miền Địa Trung Hải lang thang trong khu phố cổ để tìm tông tích một cô ca sĩ Việt (Brandy bé bỏng).

 

Thật ra không phải chỉ chuyện tình giữa hai người khác nguồn gốc màu da mới tan vỡ, mà mối tình nào trong tập tuyện ‘‘Một mình ở Tokyo’’ cũng đều vậy cả, như thường vẫn thế trong văn chương nhân loại nói chung. Điều đặc biệt trong tác phẩm Trần Thùy Mai là sự nhận chịu số phận của những nhân vật. Nếu là nữ, ta có thể bảo: - thì đấy là bản chất của phụ nữ Á châu, nhất là phụ nữ Huế, có gì lạ đâu! Nhưng sự chịu đựng ở đây có khi lại mang bộ mặt bình thản, sự thản nhiên của một mặt hồ mùa đông lặng lẽ : ‘‘Mười ngày sau Bent làm đám cưới với cô dâu nhỏ hơn chú rể hơn ba mươi tuổi. Miên cũng nhận được thiệp mời. Dù vẫn còn khản giọng, sưng mắt, trán còn chưa hết mùi dầu gió, Miên cũng mặc chiếc áo đầm mới mua đi dự tiệc. Dù sao đi nữa, cũng đến để chúc mừng Bent quả thực đã được ‘‘nhiều hơn mơ ước’’, bởi dù sao, anh đã giữ lời, anh không hề nói dối khi bảo Miên : ‘‘hãy chờ xem tương lai…’’(Lời hứa). Hay là sự trầm tĩnh không ngờ của một cô gái miền cát khô, nơi có những căn nhà xúm xít dưới hàng phi lao gầy guộc. Cô đã bỏ nó để đi nước người sống sung sướng mấy năm với anh chồng ngoại quốc cứ tưởng thuỷ chung, nay đành trở về quê hương xứ cát, một mình : ‘‘Mắt Nhụy vẫn to và rợp bóng như ngày xưa, chỉ có ánh nhìn là khác, ánh nhìn đằm thắm, trầm tĩnh và từng trải, như thể trong ấy có biển, có những miền xa xôi mà Nhuỵ đã đi qua.’’(Vẽ chân trời).

Nói vậy không có nghĩa những người phụ nữ của Trần Thùy Mai không biết xót không biết đau, nhưng nỗi đau của họ đã quắp vào trong, vào da thịt, như trường hợp người tình Nhật Bản của Kỳ ngoại hầu Cường Để : ‘‘Người con trai cả của Cường Để đỡ lấy bình tro di cốt của cha. Mặt ông đầy nước mắt. Ông ngạc nhiên thấy người đàn bà này vẫn bình thản, nét mặt trang nghiêm dịu dàng chỉ hơi phảng phất buồn. Nhưng người con trai thứ hai đứng cách đó vài bước thấy rất rõ đôi bàn tay Chie sau khi trao bình tro. Đôi bàn tay ấy bấu chặt vào nhau, những móng tay quắp vào da thịt.’’(Nơi có những cây tùng xanh biếc). Những người đàn bà quẩn quanh với phần số, những mối tình ngỡ đẹp đẽ thắm thiết cuối cùng như vỏ ve chỉ lung linh phút chốc nhờ ánh mặt trời : ‘‘Chín mười vỏ ve, những cái chân khẳng khiu bám lấy vỏ cây sù sì. Khoang bụng ngực mỏng manh trống rỗng, đọng nước lấp lánh, ánh nắng vừa lên xuyên qua, rạng lên thành bảy sắc long lanh. Trời ơi, Nhi ngây người đứng nhìn, rồi thò tay bắt lấy một cái vỏ, ôi, cầm lên tay thì chỉ còn là một cái vỏ tầm thường màu nâu vàng, không lấp lánh chi hết.’’(Ngày xưa ở Kim Long).

Nếu là nam giới, ngoài nhà sư trong Hải đường tăng biết ngâm thơ, nhìn ra cạm bẫy của cảm xúc, biết chủ động, đủ can đảm ứng xử và nói thật, thì những nhân vật đàn ông trong tập truyện ‘‘Một mình ở Tokyo’’ để lại cho tôi ấn tượng mờ nhạt, ít cá tính. Cho dù đấy là một anh chàng nghệ sĩ tưởng mình rành đời, mình là chiếc phao cho một người đàn bà đang muốn thoát khỏi nhà tù tiền bạc và thống trị của ông chồng bệnh tật :‘‘Và ai có thể là cái phao ấy hơn là anh, một nghệ sĩ tài danh hiểu thấu những cõi thâm sâu của tâm hồn?’’, nhưng ngờ đâu chính nàng sẽ cho anh ta nhìn tỏ sự thật : ‘‘..nàng nhìn anh mỉm cười : - Thầy ạ, với em sex là món quà lớn của tình yêu, nó không thể lớn hơn chính tình yêu.’’ (Chiếc phao cứu sinh). Người chồng trong truyện Chiếc phao cứu sinh hay truyện Dịu dàng như cỏ được miêu tả như người biết thương yêu và hi sinh cho vợ đến mức cam nhận, nhưng sự ‘‘cao thượng ’’ ấy, dẫu chỉ là một chọn lựa, lại không đem đến xúc động bao nhiêu. Tôi đã đọc, lướt qua tâm tình của họ dễ dàng, họ nhạt hơn những người đàn bà trong văn chương Trần Thuỳ Mai.

Nhưng dù nữ hay nam thì nhân vật của chị đều là những con người cô đơn, khắc khoải, phải tự lặng lẽ săn sóc vết thương, như chàng lính kiểm lâm một mình giữa rừng vọng tưởng bóng Sao la :‘‘Gió thổi. Không có người mà vẫn có mùi da thịt gây gây phả vào ngược gió. Huân bất giác đưa tay lên môi, bắt chước tiếng chim. Tiếng chim gọi bạn, từng hồi tha thiết trong khoảng vắng. Cũng là tiếng anh gọi Lisa, cô đã hứa sẽ quay về.’’

 

Mai Ninh

(tháng 12, 2008)

 

* Tập truyện ngắn, tác giả Trần Thuỳ Mai, nxb Văn Nghệ, TPHCM, VietNam, 2008.

** Chú thích của người viết.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us