Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Nathalie Nguyễn : Voyage of Hope

Nathalie Nguyễn : Voyage of Hope

- Nguyễn Đức Hiệp — published 11/07/2007 22:27, cập nhật lần cuối 11/07/2007 22:27
nxb University of Melbourne, 2005

Giới thiệu sách mới của Nathalie Nguyen 



Voyage of Hope: Vietnamese Australian Women's Narratives 

(Hành trình hy vọng:  Truyện kể của các phụ nữ Úc gốc Việt)



Nathalie Nguyễn

Nguyễn Đức Hiệp

 

Cô Nathalie Nguyen ra mắt quyển sách vào năm 2005 về phụ nữ Việt Nam tị nạn, sau chiến tranh, ở Úc và những thăng trầm của họ: Voyage of Hope: Vietnamese Australian Women's Narratives. Sách viết bằng Anh ngữ do Đại học Melbourne (University of Melbourne) xuất bản, và được tuyển chọn vào chung kết cho giải văn chương của thủ hiến New South Wales 2007, thể loại giải của Uỷ ban liên hệ công đồng (2007 New South Wales Premier's Literary Award in the Community Relations Commission Award category). Đây là cuốn sách thứ hai của tác giả sau quyển Vietnamese Voices: Gender and Cultural Identity in the Vietnamese Francophone Novel (Southeast Asia Publications, Northern Illinois University, 2003). Quyển đầu đã được chọn tham dự vào 4 giải thưởng quốc tế, kể cả giải Prix Aldo et Jeanne Scaglione pour les études françaises et francophones của Modern Language Association of America (MLA) và giải Kiriyama của Pacific Rim Voices.

Hành trình hy vọng nói về cuộc đời của 12 phụ nữ Việt Nam tị nạn đến Úc sau 1975, từ những khổ cực sau cuộc chiến, vượt biển với đầy hiểm nguy kể cả gặp phải hải tặc và sau cùng định cư thành công ở Úc. Trong xã hội chiến tranh và sau chiến tranh, người phụ nữ chịu đựng hy sinh nhiều nhất để giử nền tảng gia đình được nguyên vẹn và vì thế vai trò truyền thống của phụ nữ trong xã hội cũng phải thay đổi khi họ phải quán xuyến lo liệu để thích ứng với một môi trường xã hội, kinh tế, chính trị thay đổi nhất là giai đoạn trong thập niên sau 1975, khi người đàn ông bị lưu giữ, học tập hay phải vượt biên. 

Nathalie Nguyen không chỉ thuần túy kể lại cuộc đời của các phụ nữ trong sách mà phân tách về các diễn biến, biến cố xảy ra, nguyên nhân và ảnh hưởng vào hoàn cảnh cũng như sự đối phó, đáp ứng hay hoà nhập giống nhau và khác nhau của các nhân vật. Tác giả cho thấy sự liên hệ của kinh nghiệm cá nhân và sự nhận thức, trí nhớ tập thể của cộng đồng người Việt ở nước ngoài sau 1975. Ta có thể hiểu được sự cảm thông và sự hiểu biết sâu sắc của tác giả vì ngoài tác giả là người gốc Việt trong gia đình mà hoàn cảnh cũng tương tự như các nhân vật trong sách, tác giả còn là người nghiên cứu trong thế giới hàn lâm đã được đào tạo qua những phương pháp và nhãn quan khoa hoc. Tác giả để mỗi phụ nữ kể kinh nghiệm trải qua trong từng chương với chủ đề (theme) khác nhau và sau đó phân tách chỉ rõ những kinh nghiệm này trong bối cảnh chung của tình hình chính trị, xã hội, kinh tế địa phương và quốc tế. Vì thế cuốn sách không những là tư liệu xã hội mà còn có giá trị nghiên cứu nghiêm túc về người Việt ở nước ngoài với rất nhiều tài liệu tham khảo. 

Nội dung chính nói về hành trình vượt biển đầy hiểm nguy ở biển Đông và vịnh Thái Lan (chương 1), và đời sống của người vượt biển phụ nữ ở các trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai, Indonesia và Phi Luật Tân (chương 2 và 3). Và sau cùng là những nỗ lực phấn đấu trong đời sống định cư ở Úc (chương 6).  Sau phần giới thiệu về toàn cảnh và mục đích của sách, chương 1 mở đầu với hành trình vượt biển qua kinh nghiệm của chính các phụ nữ kể mà tác giả trích cùng với phân tích với các tư liệu cho ta thấy và hiểu rõ sự chết sống cận kề và động lực của người vượt biển đầy thảm cảnh tìm cuộc sống khác cho mình và gia đình, một số may mắn đến bờ tị nạn, nhiều người chết mất xác và bị hải tặc cướp, giết và hãm hiếp. Như Phương, một trong 12 phụ nữ trong sách, mà tàu bị hải tặc cướp, hai con trai nhỏ bị quẳng xuống biển chết và bản thân bị bắt và hãm hiếp sau đó cũng bị quăng xuống biển và may mắn được tàu khác cứu vớt. Cuộc sống kế tiếp ở các trại tị nạn ở các nước Đông Nam Á và sau đó ở Úc cũng là những chặng đường phấn đấu cam go lại cuộc đời. 

Mỗi chặng đường là mỗi gian nan phải vượt qua để gây dựng cuộc sống không những chỉ cho bản thân mà nhiều khi trước hết là gia đình, và vì thế vai trò của họ đã có sự thay đổi khác với quan niệm truyền thống về phụ nữ trong xã hội trước kia. Họ phải đi làm và trong nhiều trường hợp là người chính cưu mang về tài chính cho gia đình. Mặc dù trước đây, đa số các phụ nữ này xuất thân từ những gia đình trung lưu, ít cần hay được cho có cơ hội đụng chạm với cuộc đời thay đổi sóng gió mà họ phải đối diện. Trong 16 năm đầu định cư của người Việt ở Úc sau 1975, phụ nữ là thiểu số trong cộng đồng người Việt. Theo thống kê điều tra dân số năm 1991 cho thấy, phụ nữ chiếm 47.7%, tuy vậy đến năm 1996 là 50.2% và năm 2001 là 51.6%. Cho đến năm 1990, phụ nữ Việt có tỉ lệ tham gia vào lực lượng lao động (labour force) đang làm và tìm công ăn việc làm cao hơn phụ nữ Úc. 

Trong số các phụ nữ có những người Việt gốc Hoa phải ra đi sau 1975 vì sự sống làm ăn và chính sách của chính quyền đối với họ (như Thi và Tiên). Trong số 12 phụ nữ trong sách thì 8 người vượt biển từ Việt Nam, 3 được chồng bảo lãnh qua Úc và 1 là chính mẹ của tác giả đến Melbourne cùng với gia đình trên tàu P&O từ Nhật tháng 7/1975 (gia đình Nathalie ở Nhật vì cha của cô là đại sứ của chính quyền miền Nam ở Nhật). Điều này tác giả không nói ra trong sách nhưng trong bài phỏng vấn với báo The Age ở Melbourne, tác giả đã nói rõ về gia đình mình.

Khi rời Việt Nam, các phụ nữ đề cập trong sách có tuổi từ 10 đến 49 với đa số là trong tuổi 25 đến 35 và thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội và từ các khắp các vùng Bắc, Trung và Nam. Tác giả cho thấy trong các năm đầu sau 1975, chính phủ Úc nhận rất ít người Việt di tản từ các trại tị nạn, nhưng sau đó vì áp lực quốc tế và tình hình khủng hoảng làn sóng di tản từ Đông Dương bắt đầu từ các năm 1978-1979, nước Úc đã phản ứng một cách rộng rãi bằng sự nhận vào Úc lớn nhất về số người tị nạn trên dân số so với các nước khác, và chính sách này tiếp tục trong nhiều năm kế tiếp trong đầu thập niên 1980, nhưng cũng đưa đến vấn đề xã hội là trong cộng đồng Á châu ở Úc, người Việt đã chịu sự chú ý nhiều nhất trong báo chí và các phương tiện truyền thông khác nhất là trong những đề tài về sự nhập cư của người Á châu, và vì thế đã là mục tiêu của sự kỳ thị chủng tộc. Tác giả đã trình bày cụ thể qua kinh nghiệm từ một số các phụ nữ được tác giả phỏng vấn trong sách. 

Tác giả cũng phân tách về các giai đoạn và thời kỳ nhập cư khác nhau của người Việt vào Úc với giai đoạn cuối cùng là từ giữa thập niên 1990 đến nay là chủ yếu đoàn tụ gia đình và nhập cư nghề nghiệp. Trong sách tác giả tập trung vào giai đoạn làn sóng 1978-1981 (giai đoạn nhiều người Hoa) và các năm kế tiếp và giai đoạn 1989-1991 (giai đoạn tị nạn “kinh tế“). Những năm mà người Việt vào nhiều nhất 1978-1982 và 1990-1992 cũng là những năm mà nền kinh tế Úc đình trệ nhất từ sau khủng hoảng kinh tế năm 1930. Vì thế công ăn việc làm rất khó khăn nhất là trong giai đoạn đầu lúc mới định cư và giải thích tỉ lệ thất nghiệp cao nhất mặc dầu tỉ lệ người Việt học vào đại học lại rất cao so với nhiều cộng đồng khác. Trong các giai đoạn này, cộng đồng người Việt lại phân cực ra hai nhóm có khoảng cách rất lớn về chuyên nghiệp có học và không tay nghề. Kinh nghiệm của các phụ nữ đã được kể lại trong bối cảnh trên và những cố gắng mà họ vượt qua để tiến thân và nuôi sống gia đình. Như Yến và Tiên đã cố gắng làm việc lúc đầu trong xưởng may (Yến), phụ bếp trong nhà dưỡng lão (Tiên) trau luyện thêm Anh văn sau đó học thêm và nay Yến làm quản lý phòng thí nghiệm trong một trường trung hoc và Tiên hiện là luật sư ở Melbourne. Trong giai đoạn đầu định cư ở Úc, vai trò của các cơ quan chính phủ và phi chính phủ trong việc giúp đở sự định cư của người tị nạn được mô tả và cho thấy rõ những đóng góp quan trọng của các tổ chức phi chính phủ như các tổ chức công giáo, tin lành. 

Kinh nghiệm sống định cư ở Úc khác với những người di dân khác, là tiêu biểu cho những người nhập cư tị nạn trong xã hội mới. Khó khăn hơn nhiều, vì trước nhất là không phải do họ lựa chọn, không sửa soạn trong môi trường hoàn toàn khác, bắt buộc làm nghề tay chân trong xưởng, và các thành kiến, kỳ thị... Dầu vậy họ vẫn lạc quan, một số đã thành công tiến lên vị trí cao trong xã hội, và xác định vị trí của họ như những người Úc gốc Việt trong một xã hội đa văn hóa, đã có những đóng góp về kinh tế, xã hội và làm giàu thêm văn hóa Úc trong nhiều lãnh vực. 

Đọc sách này, ngoài sự kính phục và cảm thông các phụ nữ trong “hành trình hy vọng” của họ, tôi nhận thấy trong các kinh nghiệm của phụ nữ trong sách, hầu như không có đề cập hay nói về hoạt động chính trị của phụ nữ người Úc gốc Việt trong cộng đồng người Việt hay trong xã hội Úc mà hoàn toàn chỉ có trong lãnh vực xã hội. Đây có phải chỉ vì đa số phụ nữ trong cộng đồng người Việt rất thực tế là chỉ lo trước hết chuyện kinh tế, gia đình, xã hội và tác giả cũng vừa là người trong thế giới hàn lâm và cũng là phụ nữ viết về chủ đề phụ nữ nên những chuyện “xa vời” không phải là nỗi quan tâm của họ khi định cư ở vùng đất mới. Nếu đúng vậy thì sách cũng thoát khỏi một nhược điểm thường mắc phải khi người Việt viết về cộng đồng người Việt ở nước ngoài là mang màu sắc chính trị. Đọc sách ta thấy, ngoài tác phong hàn lâm, ngay cả chương về trí nhớ và kinh nghiệm thời chiến (chương 4) và sau 1975 ở Việt Nam (chương 5) của các phụ nữ trong sách mà một số là thành phần gia đình thuộc “nguỵ quyền”, và sự phân tách của tác giả trong bối cảnh trên rất rõ cho người đọc, cũng không thấy chính kiến gay gắt. 

Đây là một cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu và là một nghiên cứu có giá trị về cộng đồng người Việt ở Úc.   

Vài nét về Nathalie Nguyen : qua Úc năm 1975 lúc còn rất trẻ. Tốt nghiệp Đại học Melbourne về văn chương với (BA, Honours). Nathalie sau đó được học bổng Commonwealth qua Anh làm luận án tiến sĩ ở Oxford, chuyên về văn chương Pháp ngữ của người Việt. Sau khi trở lại Úc, Nathalie dạy tiếng Pháp ở Đại học Adelaide và Newcastle trước khi trở lại Đại học Melbourne nghiên cứu với quỹ Australian Research Council (ARC) Fellowship. Trong thế giới hàn lâm, Nathalie đã viết trên nhiều tạp chí khoa học xã hội về đề tài phụ nữ và văn học, như một bài của cô về cuộc đời của hai phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai (xem War through Women'sEyes : Nam Phuong Red on Gold and Yung Krall's A Thousand Tears Falling). Chủ đề về phụ nữ và văn học Pháp ngữ của các tác giả gốc Việt (như Kim Lefèvre, Lý Thu Hồ, Phạm Duy Khiêm, Phạm Văn Ký, Phan Huy Đường) là lãnh vực chuyên môn của Nathalie.

Nathalie hiện là phó hội trưởng Hội Việt học ở Úc (Vietnam Studies Association of Australia, ASAA) và đang viết cuốn sách thứ ba với tựa đề Memory is Another Country: Women of the Vietnamese Diaspora.

Nguyễn Đức Hiệp

 


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss