Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Ngẫu nhiên và tất yếu

Ngẫu nhiên và tất yếu

- Hà Dương Tuấn & Đặng Xuân Thảo — published 10/04/2017 22:50, cập nhật lần cuối 19/04/2017 16:27

Ngẫu nhiên và tất yếu :
giới thiệu tác giả và tác phẩm


Dịch giả : Hà Dương Tuấn & Đặng Xuân Thảo



Tác giả


Nhà sinh vật học Jacques Monod (1910-1976) là một trong những nhà tiên phong trong nghiên cứu sinh vật học phân tử. Năm 1965, cùng với các đồng nghiệp François Jacob và André Lwoff, ông nhận giải thưởng Nobel về công trình nghiên cứu các hệ điều khiển sự tổng hợp gien.

Jacques Monod, Jean-Pierre Changeux và Jeffries Wyman đã sáng tạo khái niệm "biến cấu" (allostérie), để mô tả chức năng điều hoà hoạt tính của các enzym, sau khi họ công bố (1965) khái niệm lập tức được sử dụng rất rộng rãi trong sinh học phân tử.

Năm 1945, ông nhận huy chương Kháng chiến về những hoạt động của ông trong đại chiến thứ hai.

Ông đã là một người tích cực vận động xoá bỏ luật trừng phạt như tội phạm hành động phá thai tại Pháp.

Jacques Monod là giáo sư của Học Viện Pháp (Collège de France, 1967-1973), và viện trưởng viện Pasteur (1971-1976).



Tác Phẩm


biaTác phẩm "Ngẫu nhiên và tất yếu" (Le hasard et la nécessité) được xuất bản năm 1970. Từ những khám phá mới nhất về sinh vật học phân tử, tác giả Jacques Monod đề xuất một cách nhìn triết học mới về sự tiến hoá của con người và xã hội.

Có thể phát biểu niềm tin vững chắc nhất của tác giả và của đại đa số các nhà khoa học thời nay như một định đề cơ bản : Tự nhiên là khách thể và không mang dự phóng. Tự nhiên hiện hữu bên ngoài ý thức con người, và sự hiện hữu đó không mang theo bất cứ mục đích nào. Từ đó, khác với các học thuyết được ông đánh giá là “hữu linh”, vì đều dựa trên giả thuyết (hiển ngôn hay nằm sâu trong nền tảng của chúng) cho rằng tự nhiên có “ý chí” hay “dự định” (như của Hegel, Marx, Engels, Bergson, Teilhard de Chardin, v.v.), Monod quan niệm rằng sự sống, cũng như con người, xuất hiện là do ngẫu nhiên thuần tuý. Nhưng trong khi đó toàn thể tự nhiên bị chi phối bởi tính tất yếu trong các quy luật vật lý.

Tại sao sự tiến hoá của sinh quyển trên trái đất rõ ràng là hướng thượng và tiến tới những hình thức ngày càng phức tạp ? Với các học thuyết cổ điển, dự phóng hướng thượng là hiển nhiên. Nhưng với tác giả câu hỏi cơ bản đó là một vấn đề triết học hoàn toàn mới và rất nan giải. Đây là vấn đề mà tác giả phải giải quyết trong tác phẩm này, tuyệt đối chỉ bằng những quy luật vật lý của tự nhiên, khách thể và không mang dự phóng. Nội dung khoa học của tác phẩm chiếm phần trọng tâm qua hơn nửa số chương, trình bày cả một quá trình tiến hoá từ những phân tử sinh học đơn giản nhất cho tới ý thức con người và cuối cùng là ý thức xã hội. Đây cũng là một giải thích khoa học rất phong phú về sự kết hợp tinh tế của hai yếu tố ngẫu nhiên và tất định.

Với quan niệm như thế về tự nhiên, con người và xã hội, làm sao chúng ta có thể đặt nền tảng cho đạo lý ? Để kết thúc tác phẩm, tác giả nói tại sao vấn đề còn mở ngỏ : những niềm tin siêu hình đã nảy sinh qua nhiều thế kỷ đang mất dần, để chỉ còn lại nhận định sau : "đạo lý của hiểu biết cũng là sự hiểu biết về đạo lý". Từ nay sẽ không có một đấng cứu rỗi nào, con người chỉ có thể lấy thái độ khách quan khoa học làm nền tảng cho văn hoá hiện đại để có thể đứng trước sự chọn lựa hoàn toàn có ý thức và tự do giữa "Vương quốc của thiên đường và địa ngục".


Dưới đây chúng tôi xin trích đăng một số đoạn trong chương 9, "Thiên đường và địa ngục", đây cũng là chương kết luận của "Ngẫu nhiên và tất yếu", trong đó tác giả tóm tắt những luận điểm học thuật và kết luận đạo lý của mình.



Trích đoạn : 

Thiên đường và địa ngục



(...)

Sự chọn lọc các ý tưởng


Đối với một nhà sinh vật học, so sánh sự tiến hóa của các ý tưởng với sự tiến hóa của sinh quyển là điều thật hấp dẫn. Bởi vì, nếu Vương Quốc của trừu tượng vượt lên trên sinh quyển còn cao hơn độ siêu việt của sinh quyển trên giới vô cơ, các ý tưởng vẫn bảo tồn một số đặc tính của các sinh vật. Như các sinh vật, các ý tưởng cũng có khuynh hướng lưu truyền cơ cấu của chúng và bội biến thêm lên; như các sinh vật, chúng có thể hợp nhất, tái tổ hợp, hay phân tách nội dung của chúng; cuối cùng, như các sinh vật, các ý tưởng cũng tiến hóa, và trong quá trình tiến hóa này, sự chọn lọc chắc chắn đóng một vai trò quan trọng. Tôi sẽ không phiêu lưu đề xuất một lí thuyết về sự chọn lọc của các ý tưởng. Nhưng người ta ít ra có thể thử xác định một vài nhân tố chính có những vai trò nhất định. Sự chọn lọc này nhất thiết phải tác động trên hai bình diện: bình diện của bản thân tâm trí, và bình diện tác dụng.

Giá trị tác dụng của một ý tưởng nằm ở sự thay đổi hành xử mà nó mang đến cho cá nhân hoặc cho nhóm người chấp nhận ý tưởng đó. Ý tưởng nào trao cho nhóm người thủ đắc nó sự tăng cường tính cố kết, tham vọng, lòng tự tin, sẽ vì thế làm cho nhóm đó tăng thêm khả năng bành trướng; điều này cũng sẽ bảo đảm cho chính ý tưởng được khuyến khích. Giá trị khuyến khích đó không tất yếu có quan hệ với phần sự thực khách quan của bản thân ý tưởng. Ý thức hệ tôn giáo, cái cơ sở mạnh mẽ cho một xã hội, không tùy thuộc mảy may nào vào cơ cấu của nó, mà vào thực tế là cơ cấu đó được chấp nhận, và thành đương nhiên. Bởi vậy người ta rất khó có thể tách biệt năng lực xâm chiếm của một ý tưởng như thế, với năng lực có tác dụng của nó.

Năng lực xâm chiếm, trong bản thân nó, là điều khó phân tích hơn nhiều. Cứ hãy cho rằng năng lực này tùy thuộc những cơ cấu đã có sẵn trong tâm trí, trong đó có những ý tưởng đã truyền tải qua văn hóa, nhưng chắc chắn cũng còn một số cơ cấu bẩm sinh mà kể ra thì chúng ta thực khó xác định. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ ràng rằng, những ý tưởng được phú cho năng lực xâm chiếm mạnh nhất, chính là những ý tưởng giải thích con người, khi chúng cung cấp một vị trí cho hắn trong cái định mệnh thuộc về hắn, định mệnh trong đó tiêu tan nỗi lo sợ của hắn.

*
*    *

Sự đòi hỏi giải thích


Trong hàng trăm nghìn năm, định mệnh của một con người được hòa nhập vào định mệnh của nhóm, của bộ lạc, mà nếu ở bên ngoài thì hắn không thể sống còn. Về phần mình, bộ lạc chỉ có thể sống còn và tự bảo vệ nhờ vào tính cố kết của nó. Từ đó dẫn đến sức mạnh chủ quan tột cùng của các luật lệ dùng để tổ chức và bảo đảm tính cố kết này. Một người nào đó đôi khi có thể vi phạm các luật lệ ấy, nhưng không ai nghĩ đến việc phủ nhận chúng. Do tầm quan trọng về mặt chọn lọc vô cùng lớn mà những cấu trúc xã hội như thế tất yếu đảm nhiệm, trong những khoảng thời gian dài như thế; thực khó có thể nghĩ rằng các cấu trúc xã hội đó không có ảnh hưởng đến sự tiến hóa về mặt di truyền của các phạm trù bẩm sinh trong não bộ con người. Sự tiến hóa đó chắc hẳn đã không chỉ làm cho người ta dễ chấp nhận luật lệ của bộ lạc, mà còn tạo ra nhu cầu có được lời giải thích bằng huyền thoại để làm nền tảng cho luật lệ đó bằng cách ban cho nó tính tối thượng. Chúng ta là hậu duệ của những con người ấy. Chính là từ họ mà chúng ta chắc chắn đã thừa hưởng sự đòi hỏi phải có một giải thích, thừa hưởng nỗi lo âu đã thúc đẩy chúng ta đi tìm một ý nghĩa cho sự tồn tại. Chính nỗi lo âu đó sáng tạo nên mọi huyền thoại, mọi tôn giáo, tất cả các triết thuyết, và bản thân nền khoa học.

Nhu cầu khẩn thiết nói trên là bẩm sinh, ghi lại ở nơi nào đó trong ngôn ngữ của mã di truyền, để sẽ tự động triển khai; đó là điều mà về phần tôi không có một mảy may nghi ngờ. Ngoài giống người ra, người ta không thấy ở bất cứ đâu trong giới động vật những tổ chức xã hội có phân hóa rất cao, nếu không là các côn trùng: các loài kiến, mối, hay ong. Nơi những côn trùng bầy đàn nói trên, sự ổn định của các thể chế gần như hoàn toàn không phụ thuộc vào một thừa kế văn hóa nào, mà tất cả là do di truyền. Tập tính có tính xã hội của chúng là hoàn toàn bẩm sinh, tự động.

Nơi loài người, những định chế xã hội hoàn toàn có tính văn hóa, nên sẽ không bao giờ đạt đến mức độ ổn định như vậy; mà có ai lại mong muốn điều ấy? Việc sáng tạo các huyền thoại và các tôn giáo, việc xây dựng những hệ thống triết lí bao la, là cái giá mà con người đã phải trả để sống còn dưới tư cách động vật xã hội mà không cúi đầu hành xử một cách tuyệt đối tự động. Nhưng nếu chỉ kể riêng nó, di sản thuần văn hóa sẽ không đủ chắc chắn, không đủ mạnh mẽ, để làm nòng cốt cho các cấu trúc xã hội. Di sản đó phải được di truyền hỗ trợ để làm chất dinh dưỡng mà tinh thần đòi hỏi. Nếu không phải như thế, làm sao có thể giải thích được hiện tượng lấy tôn giáo làm nền tảng cho các cấu trúc xã hội, phổ quát trong loài người? Thêm nữa, làm sao có thể giải thích rằng: trong vô vàn khác biệt của những huyền thoại, những tôn giáo, những tư tưởng triết học; người ta thấy cùng một “mô thức”1 chủ yếu?


Sự sáng tạo bản thể trong huyền thoại và trong siêu hình học


Người ta dễ dàng nhận thấy rằng tất cả các “giải thích” nhằm đặt nền tảng cho luật lệ trong khi xoa dịu nỗi lo âu, đều là những “chuyện kể lịch sử"2, hay, chính xác hơn, là những phép sáng tạo bản thể3. Gần như tất cả các huyền thoại sơ khai đều liên quan đến những anh hùng ít nhiều thần thánh. Các kì tích của họ vừa giải thích nguồn gốc của nhóm người vừa đặt nền tảng của cấu trúc xã hội trên những truyền thống không thể đụng đến: người ta không thể viết lại lịch sử. Các tôn giáo lớn cũng đồng một dạng, dựa trên câu chuyện về cuộc đời của một nhà tiên tri thần cảm, người này, nếu không phải là đấng sáng lập ra vạn vật, thì cũng đại diện đấng ấy, phát ngôn thay ngài và kể lại lịch sử, cũng như định mệnh, của loài người. Trong tất cả các tôn giáo lớn, đạo Do thái-Kitô giáo chắc chắn là “nguyên thuỷ nhất”, do cấu trúc có tính quyết định luận lịch sử4 rất cao của nó, trực tiếp gắn liền với sử thi của một bộ lạc Bedouin, sau đó được một nhà tiên tri thần thánh làm giàu thêm. Đạo Phật, ngược lại, đã tách biệt rất xa, trong dạng thức nguyên thuỷ của mình đạo Phật chỉ gắn chặt với quan niệm về nghiệp (karma), một quy luật siêu nghiệm, ngự trị số phận của từng cá nhân. Đó là truyện kể lịch sử của các linh hồn, thay vì là của những con người.

Từ Platon đến Hegel và Marx, mọi hệ thống triết học lớn đều đề xuất những sự sáng tạo bản thể vừa mang tính giải nghĩa vừa mang tính quy phạm. Hẳn rồi, ở nơi Platon, sự sáng tạo bản thể là đi ngược chiều. Ông chỉ thấy trong lịch sử sự thoái hóa từ từ của những mô thức lí tưởng, và, tóm lại là trong tác phẩm Nền cộng hòa, ông quả thực muốn đưa vào vận hành một cỗ máy đi ngược thời gian.

Với Marx cũng như với Hegel, lịch sử diễn ra theo một bố cục nội tại, tất yếu và được bảo vệ. Ảnh hưởng tinh thần vô cùng lớn của chủ nghĩa Mác không chỉ nhờ vào lời hứa hẹn giải phóng Con Người mà, trước hết, chắc chắn còn nhờ vào cơ cấu sáng tạo bản thể, vào lời giải thích do chủ nghĩa này đề xuất, vừa trọn vẹn vừa chi tiết, cho lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật lịch sử, ngay cả khi được tô điểm bằng những xác tín “khoa học”, vẫn không đầy đủ. Cần phải thêm vào đó hệ tư tưởng duy vật biện chứng, chính hệ tư tưởng này mới đem lại sự giải thích toàn diện mà tinh thần con người đòi hỏi: trong đó lịch sử loài người và lịch sử vũ trụ liên kết chặt chẽ với nhau như thể cùng tuân theo những quy luật vĩnh cửu.


(...)


Các giá trị và sự hiểu biết


Bấu víu vào đâu? Phải chăng cần chấp nhận, một lần cho mãi mãi, là chân lí khách quan và diễn ngôn về các giá trị vĩnh viễn hiện ra như những lĩnh vực xa lạ với nhau, không thể xâm nhập lẫn nhau. Đó là thái độ của hầu như đa số những tư tưởng gia hiện đại, dù cho họ là những nhà văn, triết gia, hay những nhà khoa học. Tôi cho rằng thái độ ấy không chỉ không thể chấp nhận được, đối với tuyệt đại đa số con người, vì nó chỉ có thể duy trì và hằn sâu thêm sự lo sợ, mà còn vì thái độ ấy là tuyệt đối sai lầm, bởi vì hai lí do cốt yếu:

- trước hết, và thật rõ ràng, bởi vì các giá trị và sự hiểu biết là luôn luôn và cần thiết phải thế, liên kết với nhau trong hành động cũng như trong ngôn từ;

- sau nữa, và nhất là bởi vì, sự xác định thế nào là hiểu biết “đích thực”, khi phân tích đến cùng, dựa trên một định đề thuộc phạm trù đạo lí.

Mỗi điểm nói trên cần được triển khai thêm, ngắn gọn thôi. Đạo lí và sự hiểu biết liên kết với nhau một cách không thể tránh khỏi, vừa trong hành động, vừa do bởi hành động. Hành động là vận dụng, cũng là chất vấn, cùng một lúc, hiểu biết và các giá trị. Hành động nào cũng mang ý nghĩa của một đạo lí, phục vụ hay phản bác một số giá trị nào đó; hoặc là tạo thành, hay nhằm tạo thành, một sự chọn lựa giá trị. Nhưng mặt khác, trong bất kì hành động nào cũng cần thiết có một hiểu biết nào đó, đồng thời trong chiều ngược lại, hành động là một trong hai nguồn gốc cần thiết của hiểu biết.

Trong một hệ tư tưởng hữu linh, sự giao thoa giữa đạo lí và sự hiểu biết không đưa đến xung đột, bởi vì tư tưởng hữu linh tránh né mọi sự phân biệt triệt để giữa hai phạm trù đó: nó coi chúng như hai bộ mặt của một hiện thực. Ý tưởng về một đạo lí xã hội đặt nền tảng trên những “quyền” giả định như “tự nhiên” của con người, biểu thị một thái độ như thế, và thái độ ấy cũng thể hiện trong những cố gắng giải thích nền đạo đức tiềm ẩn trong chủ nghĩa Mác, nhưng với một cách thức có hệ thống và khẳng định hơn nhiều.

Kể từ khi người ta coi định đề khách thể như một điều kiện cần cho mọi chân lí trong hiểu biết, một sự phân biệt triệt để, không thể thiếu trong cuộc truy tìm bản thân chân lí, đã được thiết lập giữa hai phạm trù đạo lí và hiểu biết. Bản thân sự hiểu biết loại trừ tất cả những phán đoán về giá trị (ngoài phán đoán về “giá trị khoa học luận"); trong khi đạo lí, mà bản chất là không khách quan, đã bị vĩnh viễn loại ra ngoài phạm vi hiểu biết.

Cuối cùng thì chính sự phân biệt triệt để đó, đặt ra như một tiên đề5, đã sáng tạo nên khoa học. Tôi muốn lưu ý ở đây rằng, nếu sự kiện này, duy nhất trong lịch sử văn hóa, đã xảy ra tại Tây phương Kitô giáo thay vì tại một nền văn minh khác, thì một phần nào có thể là vì Nhà thờ đã chấp nhận một sự phân biệt cơ bản giữa phạm vi thiêng liêng và phạm vi thế tục. Sự phân biệt này không chỉ cho phép khoa học đi tìm những con đường riêng của nó (với điều kiện là không lấn bước sang địa hạt thiêng liêng), mà còn chuẩn bị cho tâm trí đi đến sự phân biệt triệt để hơn rất nhiều, được nguyên lí khách thể đặt ra. Người phương Tây có thể có ít nhiều khó khăn để hiểu rằng, đối với một số tôn giáo, không có, và không thể có, bất kì một phân biệt nào giữa cái thiêng liêng và cái thế tục. Với Ấn Độ giáo thì tất cả đều thuộc địa hạt thiêng liêng; ngay cả khái niệm “thế tục” cũng là điều không thể hiểu nổi.

Trên đây chỉ là một điều để trong ngoặc. Chúng ta trở lại thực tại. Định đề khách thể, bằng cách tố cáo “giao ước cổ xưa”(*), đã đồng thời ngăn chặn mọi sự lẫn lộn giữa những phán đoán của hiểu biết và những phán đoán giá trị. Nhưng điều còn lại vẫn là: không thể tránh khỏi việc hai phạm trù này kết hợp với nhau trong hành động, kể cả hành động diễn ngôn. Vậy thì, để trung thành với nguyên tắc, chúng ta sẽ phán định rằng mọi diễn ngôn (hay hành động) chỉ có thể được coi là có ý nghĩa, là chân xác, khi (hay trong mức độ mà) nó biểu lộ rõ, và duy trì sự phân biệt hai phạm trù được nó liên kết. Khái niệm chân xác, được định nghĩa như vậy, trở thành một vùng đất chung, nơi cùng hiện hữu đạo lí và hiểu biết: nơi mà các giá trị cùng với chân lí, liên kết với nhau nhưng không bị lẫn lộn, biểu lộ toàn bộ ý nghĩa của chúng trước những người chăm chú nghe sự cộng hưởng của chúng. Ngược lại, một diễn ngôn không chân xác, trong đó hai phạm trù kia bị đun chảy và lẫn lộn, chỉ có thể đem lại những cái vô nghĩa nguy hại nhất, những dối trá tội phạm nhất, cho dù qua con đường vô thức.

Chúng ta thấy rõ rằng, chính trong luận văn “chính trị” (tôi vẫn hiểu “luận văn” trong nghĩa của Descartes) mà sự hòa tan đó được áp dụng một cách thường xuyên và có hệ thống nhất. Và hành xử này không phải chỉ do những người có thiên hướng chính trị. Bản thân các nhà khoa học, khi ra khỏi phạm vi của họ cũng thường tỏ ra không thể phân biệt giữa hai phạm trù hiểu biết và giá trị, một cách nguy hiểm.

Nhưng trên đây lại là một điều để trong ngoặc nữa. Chúng ta trở lại nguồn gốc của hiểu biết. Chúng tôi đã phát biểu rằng tư tưởng hữu linh không muốn và không thể xác lập sự phân biệt tuyệt đối giữa những đề xuất của hiểu biết và của sự phán định giá trị: Bởi vì nếu Vũ trụ có một ý định, dù được nguỵ trang kĩ lưỡng đến đâu đi nữa, thì sự phân biệt như thế đâu còn ý nghĩa gì nữa? Trong một hệ khách thể, ngược lại, mọi hòa đồng giữa hiểu biết và giá trị đều bị cấm đoán. Nhưng (và đây là điểm cốt yếu, khớp nối logic kết hợp hiểu biết và giá trị ở tận gốc rễ) sự cấm đoán này, “giới luật đầu tiên” đặt nền móng cho hiểu biết khách quan, bản thân nó không phải và không thể khách quan: đó chính là một quy tắc đạo đức, một kỉ luật. Sự hiểu biết chân chính không biết đến các giá trị, nhưng để đặt nền móng cho nó cần đến một phán đoán, hay chính xác hơn, một tiên đề về giá trị. Hiển nhiên là việc đặt ra định đề khách thể như điều kiện của hiểu biết chân chính đặt ra một chọn lựa đạo lí chứ không phải một phán đoán của hiểu biết, bởi lẽ, theo bản thân định đề đó, không thể có hiểu biết “chân chính” trước khi có sự chọn lựa mang tính trọng tài này. Để xây dựng chuẩn mực cho hiểu biết, định đề khách thể xác định một giá trị, tức là chính bản thân sự hiểu biết khách quan. Cho nên, việc chấp nhận định đề khách thể chính là phát biểu mệnh đề cơ bản của một đạo lí: đạo lí của sự hiểu biết.


Đạo lí của sự hiểu biết


Trong đạo lí của sự hiểu biết, chính sự chọn lựa đạo lí một giá trị nguyên thuỷ, lấy sự hiểu biết làm nền tảng. Qua điểm này, đạo lí ấy khác biệt triệt để với những đạo lí hữu linh, vốn đều muốn xây dựng nền tảng trên “sự hiểu biết” những quy luật tự tại, tôn giáo, hay “tự nhiên”, mà đáng nhẽ con người phải khuất phục. Đạo lí của sự hiểu biết không áp đặt lên con người; mà ngược lại, chính con người tự áp đặt nó cho mình khi đặt ra như tiên đề về điều kiện của sự xác tín đối với mọi diễn ngôn hay mọi hành động. Bản Luận văn về phương pháp đề nghị một nhận thức luận chuẩn mực, nhưng cũng cần phải đọc luận văn ấy trước hết như sự trầm tư về đạo đức, về sự khổ hạnh của tinh thần.

Đến lượt nó, diễn ngôn chân xác ấy đặt nền tảng cho khoa học, và trao cho con người những quyền lực vô biên mà, ngày nay, vừa làm cho hắn phong phú hơn vừa đe doạ hắn, vừa giải phóng hắn lại vừa có thể nô lệ hóa hắn. Các xã hội hiện đại, được đan dệt bằng khoa học, sống bằng những sản phẩm của khoa học, trở nên phụ thuộc vào nó như người nghiện phụ thuộc vào ma tuý. Các xã hội hiện đại thủ đắc quyền lực vật chất nhờ vào đạo lí nền tảng của hiểu biết, và mang sự yếu kém đạo đức do việc các hệ thống giá trị, mà các xã hội đó vẫn cố gắng quy chiếu vào, lại đã bị chính những hiểu biết tàn phá. Mâu thuẫn này có tính huỷ diệt. Chính nó đang đào sâu cái vực thẳm chúng ta thấy đang mở ra dưới chân. Đạo lí của sự hiểu biết, cái sáng tạo nên thế giới hiện đại, là đạo lí duy nhất tương thích với thế giới này, đạo lí duy nhất có khả năng hướng dẫn sự tiến hóa của nó, một khi được hiểu rõ và chấp nhận.

*
*    *

Hiểu rõ và chấp nhận, có thể chăng? Nếu đúng, như tôi tin thế, rằng sự lo âu về nỗi cô độc và sự đòi hỏi một giải thích toàn bộ và bức thiết, là bẩm sinh; rằng di sản để lại cho chúng ta, từ quá khứ sâu thẳm, không chỉ có tính văn hóa, mà còn chắc hẳn là di truyền; người ta có thể nghĩ rằng cái đạo lí khắc khổ, trừu tượng, và kiêu hãnh đó có thể xoa dịu lo âu, thoả mãn những đòi hỏi? Tôi không biết trả lời. Nhưng, cuối cùng thì có lẽ cũng không phải là hoàn toàn không thể. Phải chăng, còn hơn là một sự “giải thích”, mà đạo lí của sự hiểu biết không mang lại được, con người còn cần đến việc vượt qua chính mình, và cần đến sự siêu việt số phận? Sức mạnh của giấc mộng xã hội chủ nghĩa vĩ đại, vẫn luôn sống trong các tâm hồn, hình như làm bằng chứng cho điều ấy. Không một hệ thống giá trị nào có thể mang tham vọng trở thành một nền đạo lí chân chính nếu không đề xuất một lí tưởng siêu việt lên trên các cá nhân, đến mức độ có thể làm cho sự hi sinh trở thành chính đáng, khi cần thiết.

Do tham vọng cao của nó, đạo lí của sự hiểu biết có lẽ có thể thoả mãn yêu cầu tự vượt qua mình. Đạo lí ấy xác định một giá trị siêu việt, sự hiểu biết chân chính, và đề xuất cho con người, không phải sử dụng nó, mà chọn lựa phục vụ cho nó, một cách có cân nhắc và có ý thức. Tuy nhiên đạo lí ấy cũng là một chủ nghĩa nhân bản, vì nó tôn trọng trong con người tính sáng tạo và sự gìn giữ tính siêu việt ấy.

Đạo lí của sự hiểu biết, trong một nghĩa nào đó, cũng là sự “hiểu biết về đạo lí”, về những xung động, những đam mê, những đòi hỏi, và những giới hạn của tồn tại sinh học. Trong con người, đạo lí ấy biết nhìn ra loại động vật, không phi lí, nhưng lạ kì, quý giá chính ở tính kì lạ đó, một tồn tại mà, do đồng thời thuộc về cả hai lĩnh vực: sinh quyển và vương quốc của tư tưởng, nên vừa bị lưỡng tính xâu xé đó dằn vặt vừa được nó làm cho phong phú thêm; lưỡng tính này được thể hiện qua nghệ thuật và thi ca, cũng như trong tình yêu của con người.


(...)




1 [ND] Từ "forme" có rất nhiều nghĩa, ở đây dùng theo nghĩa của Platon, mà thuật ngữ triết học quen thuộc là "mô thức".

2 [ND] Ở đây tác giả dùng cả hai nghĩa của từ histoire, vừa là một câu chuyện, vừa là lịch sử, chúng tôi dịch bằng cả hai nghĩa để trung thành với ý tưởng của tác giả: một câu chuyện tưởng tượng về lịch sử, nhưng được tin tưởng là lịch sử thực sự.

3 [ND] Thông thường người ta coi hai thuật ngữ ontogenèse ontogénie là những thuật ngữ sinh học đồng nghĩa. Tác giả đã sử dụng ontogenèse như thuật ngữ sinh học (sự phát sinh cá thể); nhưng ở đây ông sử dụng ontogénie trong một ý nghĩa hoàn toàn mới để bàn về triết học như là: sự sáng tạo ra (khái niệm, ý tưởng về) bản thể.

4 [ND] dịch từ historiciste, thuộc chủ thuyết historicisme, quyết định luận lịch sử, cho rằng lịch sử quyết định toàn bộ thực tại và tương lai xã hội.

5 [ND] Trong đoạn này chúng ta gặp hai từ postulataxiome, mà thực ra trong khoa học ngày nay không còn phân biệt, chúng tôi dùng "định đề" và "tiên đề" theo cách dịch đã có. Chúng đều là những điểm bắt đầu không thể chứng minh mà phải yêu cầu chấp nhận trước khi xây dựng khoa học. Ở đây hai thuật ngữ này được tác giả mở rộng sang khoa học luận. Theo từ nguyên thì "postulat" có từ thời cổ đại, còn "axiome" chỉ có từ giữa thế kỉ 16, khi ý thức về sự phân biệt giữa thế giới khách quan và sự nhận thức về nó đã rõ ràng. Axiome "cụ thể" hơn postulat ở chỗ nó được định nghĩa như "sự thực hiển nhiên" của thế giới khách quan mà không chứng minh được. Còn postulat bao hàm cả thế giới khách quan lẫn những nguyên tắc về nhận thức luận.

*  Do trích dẫn nên từ ngữ này bị tách ra khỏi khung cảnh, chúng tôi xin chú thích thêm: "Giao ước cổ xưa" nói về việc con người tin tưởng vào Thượng Đế (đổi lại việc thờ phụng Thượng Đế như là đấng sáng thế và tuân thủ mười điều răn, con người sẽ được sống an lành và khi chết được lên thiên đường), đây cũng là "cựu ước" theo nguyên nghĩa và trong khung cảnh Kitô-giáo. Nhưng chúng tôi không dùng từ này vì trong tác phẩm tác giả đã mở rộng ý nghĩa cho mọi niềm tin vào một đấng siêu nhiên.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss