Phạm Toàn trong Công nghệ giáo dục
Phạm
Toàn trong
Công nghệ Giáo dục
Đặng Tiến
Hợp lưu tâm lý giáo dục sưu tập « tiểu luận chuyên đề », nhà xuất bản Tri Thức, 2008, đứng tên tác giả Phạm Toàn là một tác phẩm giầy cộm, hơn 600 trang, trông phát ớn. Cầm lên cân thử : nặng hơn nửa ký lô. Nhưng khi mở ra xem thì nhận ra sách hay, hấp dẫn, thậm chí hào hứng.
Tác phẩm trình bày quan niệm Công nghệ giáo dục (CNGD), một thử nghiệm đã được thực thi tại Việt Nam, từ 30 năm nay (tr. 364). Sách hào hứng nhờ lối trình bày : các chương lý thuyết xen với thực hành kèm theo nhiều văn kiện, tư liệu, bài giới thiệu, điểm sách do nhiều người viết soi sáng chủ đề, dưới dạng « phụ lục ».
Như vậy tác phẩm là một hồ sơ do nhiều người đóng góp mà Phạm Toàn trách nhiệm chủ biên. Nói vậy cho chính danh và dễ thảo luận về sau.
Hồ sơ gồm ba phần :
Phần một giới thiệu ngành tâm lý học như một khoa học thực nghiệm áp dụng vào công tác giáo dục. Qua ba tác giả : người Đức Wundt, thế kỷ 19, người Mỹ Thorndike, đầu thế kỷ 20, và người Thụy Sĩ Piaget sau đó, được gọi là ba đầu máy.
Phần hai giới thiệu khoa tâm lý học nửa sau thế kỷ 20, qua các tác giả Nga Vygotsky, Luria, Davydov và Mỹ Gardner, đã ảnh hưởng đến Hồ Ngọc Đại, nhà tâm lý học được đào tạo tại Liên Xô. Ông là người đề xướng và thực thi chương trình công nghệ giáo dục năm 1978-1979 tại Hà Nội, được thừa nhận trên toàn quốc 1985 và được phổ biến trên 43 tỉnh. Hiện nay hình như đang bị đình chỉ (tr.184).
Phần ba quan trọng nhất, chiếm nửa số trang. Gồm năm phụ lục, lược thuật sách cơ bản của Hồ Ngọc Đại, một phụ lục điểm sách Công nghệ dạy Văn của Phạm Toàn. Phần còn lại trình bày khái niệm CNGD được xây dựng trên tâm lý trẻ em và những phương tiện kỹ thuật hiện đại và tiên tiến. CNGD nhắm vào tương lai : « sự nghiệp hiện đại hóa hay là chết của dân tộc » (tr.360). Từ « công nghệ » tương đương với chữ Pháp technologie, khác với công nghiệp, industrie và kỹ thuật, technique. Trước đây anh Lê Thành Khôi đã có sách với nhan đề « Kỹ nghệ giáo dục. (Industrie de l’enseignement, nxb Minuit, 1969). Các tác giả quan niệm « công nghệ là sự gắn bó giữa khoa học và cuộc sống…CNGD coi giáo viên là người thiết kế còn học sinh là bên thi công, ở đây có sự hợp tác lao động giữa hai người có trách nhiệm khác nhau trong xã hội » (tr.363).
Bài này không thể nào tóm tắt được lý thuyết Công nghệ giáo dục, vốn phức tạp và những mô hình thực hành đa dạng. Nên chỉ lảy ra một đề tài nhỏ, dễ theo dõi, là cách dạy Văn.
Phương pháp CNGD đòi hỏi đối tượng thuần khiết, dạy Toán khác với dạy Văn, đã đành. Mà dạy Văn còn khác với dạy ngôn ngữ. Phạm Toàn yêu cầu tách rời hai đối tượng này (tr.496) thậm chí anh còn viết : «có một cách thức xác định đối tượng nghệ thuật, ấy là đặt nó vào thế đối lập với đối tượng khoa học » (tr.517). Nếu hiểu « thế đối lập » theo nghĩa ngôn ngữ học, là những đơn vị đối lập (unités oppositives) thì được ; nhưng dựng thành hai sinh hoạt khác nhau của loài người, như Phạm Toàn đã làm cho người đọc mơ hồ, thì không ổn.
Chúng ta đồng ý với Phạm Toàn, nghệ thuật là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, như con người tự ngắm nhìn mình (tr.519), trong khi khoa học dùng ngôn ngữ làm phương tiện để truyền đạt một thông tin. Tuy nhiên trong việc dạy học hàng ngày, ta khó bề phân biệt rạch ròi như thế. Học sinh « chiếm lĩnh » thông tin trước rồi mới tiếp thu nghệ thuật sau.
Về phương pháp, Phạm Toàn nói đúng : « muốn tổ chức học sinh chiếm lĩnh đối tượng, thì đối tượng đó phải thuần khiết, không lai tạp » (tr.496). Trong thực tiễn cuộc sống, khó có đối tượng nào là thuần khiết. Mà giáo dục, kiểu gì đi nữa, vẫn là cuộc sống.
Anh nói đúng : nghệ thuật là một ngôn ngữ lệch so với lời nói thông thường. Như muốn đo độ lệch ấy thì phải dạy các em ngôn ngữ chuyên chính. Bằng không thì lệch so với cái gì ?
Ngoài ra nghệ thuật không nhất thiết « có sức sống ở tính cách bối rối » (tr.519) đối lập với « tư duy sáng sủa, logic, mạch lạc của khoa học ». Có người xem định lý Archimède, Newton như là một hình thức của thi ca, thì anh tính sao ? Có ai đó, nói giải đáp một bài toán đẹp là một bài thơ toàn bích, thì anh nghĩ sao ?
Trong cùng trang 519 anh lập thuyết : « khoa học như một nhu cầu thực dụng của cộng đồng, trong khi đối tượng của nghệ thuật chỉ tồn tại như một nhu cầu tự ngắm mình ». Chắc không ? Biết đâu, ở khởi điểm, nghệ thuật cũng thực dụng ?
Trang 256 anh viết : « Tác phẩm khoa học mang tính cách thời đại. Tác phẩm nghệ thuật có tính cách phi thời gian và cả phi không gian ». Chắc không ?
Trang 525 « nghệ thuật tạo những con người bớt đi lối sống bầy đàn, do chỗ nó làm tăng lối sống nội tâm ». Thế những vũ điệu quanh bếp lửa thời tiền sử, những đêm kịch tại Hy lạp, những buổi hòa tấu nhạc hiện đại trên thế giới ngày nay… không phải là nghệ thuật sao ?
Tôi có thể hầu chuyện với bạn hiền suốt hàng trăm trang như thế này, nhưng làm vậy là bất công. Phạm Toàn viết câu nọ câu kia là theo khuôn khổ (khuôn và khổ). Công nghệ giáo dục, mô phạm đòi duy lý. Trong nhu cầu thời sự, anh cũng không kịp phân biệt lý luận đồng đại và lịch đại.
Ngoài ra, vô hình trung, anh còn phản ứng với những định kiến nghệ thuật lỗi thời, thô thiển và thô bạo, còn « chiếm lĩnh » (!) chung quanh anh.
Tôi hiểu hai động cơ đó và biết anh là người thâm trầm và uyên bác. Khi không lý sự, anh có thể hạ những câu đơn giản và sâu sắc về nghệ thuật : « thế là từ thế yếu, ngôn từ trở thành có thế mạnh ».
Thế yếu là tư thế dụng cụ. Từ đó ngôn từ đã thăng hoa thành nghệ thuật, đạt được thế mạnh, khi biết tự lấy mình làm cứu cánh.
Con người cũng vậy thôi : nghệ sĩ là những cá nhân yếu đuối và đơn lẻ, từ thế yếu, bằng nghệ thuật đã tiến lên chiếm lĩnh thế mạnh, mạnh hơn vua chúa, mạnh hơn thời đại, mạnh hơn lịch sử.
Nghệ thuật có định mệnh của nó, mạnh hơn cả định mệnh.
Đặng Tiến
Orléans, Tết dương lịch 2009.
Các thao tác trên Tài liệu