Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Đọc Trần Văn Thọ : Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam

Đọc Trần Văn Thọ : Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam

- Hà Dương Tường — published 16/10/2016 12:00, cập nhật lần cuối 15/10/2016 23:47

Đọc Trần Văn Thọ


Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam1


Hà Dương Tường


bia sach tvt

Mặc dầu người vẽ bìa đã viết tên cuốn sách bằng chữ màu ánh sáng vàng trên một nền trời đêm với dải ngân hà đầy sao, đây không phải là một cuốn sách luận về thời gian trong nghĩa vật lý, thời gian của những Stephen Hawking, Trịnh Xuân Thuận và các đồng nghiệp của họ. Thế nhưng, cái thời gian khách quan, thời gian vật lý không ngừng trôi ấy rõ ràng cũng là một ám ảnh xuyên suốt của tác giả, một trí thức luôn đau đáu mong muốn đất nước mình vượt qua được những thách thức, cạm bẫy để mau chóng phát triển, vươn lên thành một quốc gia « thượng đẳng », không thua kém những nước láng giềng chung quanh…

Hơn một lần, người đọc cảm nhận được bức xúc của tác giả trước tình trạng đất nước cứ bỏ lỡ những cơ hội phát triển năm này qua năm khác, thập niên này qua thập niên khác, trong khi các nước khác lần lượt bứt phá tiến xa. Phần I, « Việt Nam 40 năm qua » có 6 chương thì có tới 5 đã được dành để nhìn ra ngoài, nhìn cái dòng chảy của thời gian mà những người Nhật, Hàn, Trung Quốc hay Đài Loan biết lợi dụng để xây dựng đất nước khiến cho chỉ trong vài thập niên họ đã vươn lên thành những nước giàu mạnh trong khi mình thì vẫn ì ạch, lẽo đẽo đi sau. Tác giả không vẽ ra, nhưng người đọc hình dung chắc hẳn trong đầu ông luôn luôn có những đồ hoạ mà trục ngang là thời gian, và trục dọc là những chỉ số kinh tế, GDP, GDP đầu người, số lao động, doanh số xuất khẩu, nhập khẩu, vốn vay mượn từ nước ngoài (ODA) để đầu tư cho nền kinh tế v.v., mỗi đồ hoạ là một chỉ số, với những đường cong nhiều mầu sắc, mỗi màu cho một nước ở Đông hay Đông Nam Á, và dù các đường cong biểu diễn cho chỉ số nào thì Việt Nam cũng ở vị trí hầu như là tồi tệ nhất, sự tiến bộ nếu có thì đều thua kém các nước chung quanh. Nhưng ông không tập trung vào các yếu kém đó trong một tâm thế tự ti, mà bình tĩnh đưa ra những ví dụ, nhấn vào những đức tính đã giúp cho các nước bạn lập được những thành tích thần kỳ mà không có lý gì ta không thể làm được nếu như…

Vâng, nếu như… Nếu được hỏi, hẳn mỗi người chúng ta sẽ đưa ra một số điều kiện (tất nhiên, điều kiện cần, chắc chỉ một số ít dám nghĩ rằng có được dăm ba điều kiện thế này, thế kia là đủ) để lập được những thành tích xây dựng đất nước như Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc2 mà không phải như Phi, một nước chưa hề nằm dưới quyền của một đảng cộng sản ! Người đọc cuốn sách này sẽ gặp lại dấu ấn này của GS Trần Văn Thọ trong rất nhiều bài viết ông đã gửi đăng trên nhiều báo chí trong và ngoài nước (trong đó có Diễn Đàn) : Trong những điều kiện cho phát triển, tác giả nhiều lần nhấn mạnh tới « khát vọng, khí khái của người lãnh đạo », những tố chất thiết yếu của lãnh đạo chính trị khi đất nước khó khăn như bản lĩnh, năng lực, tinh thần dân tộctinh thần trách nhiệm (« Thực hiện cải cách không đi kèm với trách nhiệm cá nhân mà dựa trên nghị quyết tập thể chẳng hạn sẽ không thành công vì không ai chịu trách nhiệm »). Bên cạnh đó, và không hẳn độc lập với những điều kiện về lãnh đạo chính trị nói trên, tác giả cũng nhấn mạnh tới yêu cầu giải phóng ra khỏi những ý thức hệ giáo điều (để có thể giải phóng nội lực của dân tộc, đặc biệt là nhanh chóng hình thành tư bản dân tộc) , yêu cầu tôn trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận để trí thức có cơ hội phát biểu ý kiến của mình, v.v. Hiển nhiên, những yêu cầu chính trị này chỉ có thể thực hiện bởi những nhà lãnh đạo biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phải, phe nhóm của mình, có khí phách và bản lĩnh…, những « anh hùng của thời đại phát triển » như ông mong muốn nước ta có được.

Tôi đã nói về cái ám ảnh xuyên suốt của tác giả trong những bài viết của mình, ám ảnh về đất nước không thắng được những nghiệt ngã của thời gian3 và rơi vào những cạm bẫy không biết làm sao thoát ra được để phát triển. Nhưng đó là tinh thần của các bài viết, chưa phải nội dung cuốn sách. Còn phải đặt ra những câu hỏi cụ thể, đâu là những thách thức lớn nhất đối với chúng ta, đâu là những chiến lược, chiến thuật cần được áp dụng để chiến thắng ? Trả lời những câu hỏi đầu một cách chính xác nhất có thể dĩ nhiên là bước tiên quyết để những câu sau có ý nghĩa. Người ta còn nhớ, và tác giả cũng nhắc lại, cuộc tranh luận diễn ra trong nội bộ ban lãnh đạo ĐCSVN những năm 1994-95 giữa các nguy cơ đặt ra cho đất nước, với một bên (đứng đầu là thủ tướng Võ Văn Kiệt) cho là nguy cơ tụt hậu đối với thế giới và các nước chung quanh là nguy hại nhất, trong khi bên kia lại đặt nặng « nguy cơ chệch hướng », sợ mất chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đã diễn ra như ta biết, « bên thắng cuộc » nắm vững ý thức hệ, đẩy đất nước triền miên đi xuống so với các nước chung quanh trong khi « chủ nghĩa xã hội » chẳng thấy đâu, tham nhũng ngày một hoành hành, người dân phải bỏ nước ra đi lấy chồng ngoại hay làm lao động thủ công ngày càng nhiều, nợ nước ngoài đè nặng lên các thế hệ tương lai. Ý nghĩa của cuốn sách càng nổi lên với 5 chương của Phần II, phân tích « Những thách thức có tính thời đại » mà Việt Nam đang phải đối mặt :

- Nguy cơ « chưa giàu đã già » (ch. 7), với khái niệm giai đoạn cơ cấu dân số vàng (số người ở độ tuổi lao động tăng nhanh hơn số người già và trẻ em, một giai đoạn lý tưởng cho phát triển kinh tế nhưng theo quy luật phổ biến, không kéo dài hơn nửa thế kỷ), và những thống kê khó có thể phản bác cho thấy Việt Nam giai đoạn dân số vàng này bắt đầu từ những năm 1970 và sẽ chấm dứt vào khoảng năm 2020, nghĩa là chỉ còn vài năm nữa tỉ lệ người già và trẻ em sẽ ngày càng tăng, gánh nặng phúc lợi xã hội sẽ đè nặng lên các nguồn lực quốc dân, trong khi đất nước vẫn chưa đạt được mức phát triển kinh tế đủ cao để có thể đáp ứng ;

- Nguy cơ phân hoá của nền kinh tế (ch.8) thành hai khu vực, khu vực có đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và khu vực của doanh nghiệp bản xứ không kết hợp thành một thể thống nhất của nền kinh tế, công nghệ và tri thức kinh doanh của khu vực FDI không lan toả đến toàn bộ nền kinh tế, do các chính sách thu hút FDI chỉ chạy theo số lượng, thiếu sự chọn lựa chiến lược…

- Thách thức trước sự trỗi dậy của Trung Quốc (ch. 9). Từ những dữ kiện về nền kinh tế TQ, đặc biệt là ở vùng biên giới Việt – Trung, tác giả phân tích các chính sách của TQ và mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

- Nguy cơ sập bẫy trung bình thấp (ch. 10), « nếu không sớm chuyển hướng chiến lược cải cách từ tiệm tiến sang giai đoạn cải cách mạnh mẽ đối với các lĩnh vực then chốt như doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế, thị trường các yếu tố sản xuất4 và quá trình hình thành các chính sách lớn ».

- Nguy cơ tụt hậu đối với trào lưu kinh tế Á châu (ch.11), với những phân tích về các chuyển biến gần đây ở Myanmar, Indonesia và Thái Lan (ngành sản xuất ô-tô).

Chính trong phần II này, và tiếp nối lôgic của nó, những chương trong phần III, « Đổi mới tư duy, tầm nhìn và chiến lược cho 20 năm tới », mà tác giả đã vận dụng các tri thức chuyên ngành của mình (phân tích kinh tế vĩ mô, đặc biệt ở các nước Đông Á và Việt Nam) để đưa ra những phân tích thuyết phục và những cảnh báo mà những người cầm quyền hiện nay chẳng nên coi nhẹ (như cảnh báo về nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc, không kém phần nghiêm trọng so với nguy cơ « chưa giàu đã già »). Chương cuối của phần này, chương 16, « Ý tưởng cho giai đoạn mới : Chủ nghĩa phát triển và mũi đột phá » có thể coi như gói ghém những đề nghị của tác giả sau các phân tích một vài khía cạnh của kinh tế Việt Nam trong những chương trước. Khó có thể đọc chương này mà không cảm nhận tấm lòng của tác giả đối với đất nước, như ở đoạn 4, khi ông nhắc lại một yêu cầu đã đưa ra trước đó (trong chương 13, « Dùng ODA như thế nào ») : Cần có kế hoạch để « tốt nghiệp ODA » !

Cuốn sách chấm dứt với một phần Phụ trang gồm 9 bài « Bút ký kinh tế, giáo dục và lịch sử ».

Đối với người đọc bình thường, không chuyên về kinh tế như người viết bài này, cuốn sách cho nhiều bài học bổ ích về nhiều khái niệm kinh tế học vừa đủ thiết thực, cụ thể và dễ nắm bắt, vừa cần thiết để có thể theo dõi tình hình đất nước một cách không quá… thụ động. Như các khái niệm cơ cấu dân số vàng, bẫy thu nhập trung bình, địa kinh tế, sự phân biệt giữa quy mô và trình độ nền kinh tế v.v.. Kinh tế học đâu phải chỉ là một « khoa học buồn thảm »5 chỉ gồm những mô hình toán học cứng nhắc, xa rời thực tế !

Không thể giới thiệu hết nội dung phong phú và bổ ích của cuốn sách nhỏ này, Diễn Đàn chân thành cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại bên đây một chương trong cuốn sách, chương 12, bàn về « chiến lược thoát Trung ».

Hà Dương Tường


Tranvantho

GS Trần Văn Thọ hiện đang giảng dạy và nghiên cứu kinh tế tại Đại học Waseda (Tokyo), Nhật Bản. Ông là một trong ba nhà khoa học nước ngoài từng được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Chính phủ Nhật Bản trong gần 10 năm. Tại Việt Nam ông từng là thành viên trong Tổ Tư vấn Cải cách Hành chính và Kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đối với bạn đọc Diễn Đàn, chắc không cần giới thiệu dài dòng hơn. Tên ông đã thường xuyên xuất hiện trên mặt báo từ nhiều năm nay. Khi gõ « Trần Văn Thọ » vào khung tìm kiếm (ở góc phải, trên đầu trang báo), bạn sẽ gặp hơn 100 kết quả, trong đó có nhiều đường dẫn về những bài mà ông là tác giả, hoặc đăng trên một tờ báo trong nước mà D.Đ. giới thiệu trong mục Thấy trên mạng, hoặc là một bài ông gửi thẳng cho báo (đôi khi đó cũng là những bài đã được đăng trong nước, một cách... không toàn vẹn !). 

Chỉ xin kể sơ vài bài ít nhiều liên quan tới những chủ đề được đề cập trong sách :

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm đối với tương lai Việt Nam

Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước: Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân

Nhân đọc Quyết định 97

Kinh tế Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tái cấu trúc kinh tế trước hết cần một quyết tâm và hành động chính trị

Trí thức Việt - Trung : đối thoại Waseda

Và tất nhiên, không thể quên những lần tên ông xuất hiện trong những ý kiến tập thể, những lời kêu gọi về cải tổ chính trị, kinh tế, giáo dục, v.v., như kêu gọi nhà cầm quyền “dừng việc thông qua dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 2013”, “Thực thi quyền dân sự và chính trị”, hay kiến nghị tập thể phản đối đường lưỡi bò của TQ…



Chú thích :


1. Nxb Tri Thức, Hà Nội 2016, 243 trang. Cuốn sách này đã được trao Giải Sách hay 2016 do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh trao tặng. Đây là lần thứ hai GS Trần Văn Thọ được trao giải này, lần trước là năm 2012 với cuốn "Biến động kinh tế Đông Á".

2. Câu này chỉ nói tới những thành tích kinh tế, số lượng và phẩm chất hàng hoá tạo được, cuộc sống vật chất của người dân – các thành phố được qui hoạch nghiêm chỉnh…, không bàn về chất lượng phát triển của Trung Quốc về những mặt chính trị - xã hội.

3. Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian cũng là tên một cuốn sách khác của cùng tác giả và cùng nxb, năm năm trước (2011). Xem bài giới thiệu của Hải Vân trên mặt báo này.

4. Như vốn, lao động, đất đai.

5. Xem Học và dạy « Khoa học buồn thảm » thời hậu khủng hoảng, nxb Đại học Quốc Gia TPHCM 2015 và bài giới thiệu trên báo này.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us