Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Thời gian người trong tiểu thuyết

Thời gian người trong tiểu thuyết

- Phan Huy Đường — published 23/11/2011 00:00, cập nhật lần cuối 23/11/2011 00:00
Giới thiệu "Những ngã tư và những cột đèn", tiểu thuyết của Trần Dần


Thời gian người
trong tiểu thuyết


Phan Huy Đường



biaLâu rồi tôi lại được đọc một tiểu thuyết đáng mê từ Việt Nam.

Những ngã tư và những cột đèn. Trần Dần. Xuất bản năm 2011, theo bản thảo hoàn tất năm 1965-1966, và bản chép lại có sửa đổi năm 1989 của tác giả.

Nội dung "cụ thể" ? Tâm trạng của một con người đang bị quyền lực toàn trị vây hãm, nghiền nát.

Nội dung "trừu tượng", văn học và nghệ thuật ? Thời gian. Thời gian ở một "thời điểm" đặc biệt, – lúc quá khứ rã rời, chẳng còn nghĩa lý gì cả, nhưng vẫn đậm tình bạn, tình người, khát khao yêu cuộc sống dung tục nhất, thực nhất, – lúc tương lai hoang mang không còn ý hướng vì hoàn toàn lệ thuộc tha nhân, và tha nhân hoặc chỉ biết đố kỵ, căm thù, thủ đoạn, hoặc chỉ tin "khoa học", không tin con người. Lúc hiện tại đột ngột biến thành một hạt cát vu vơ bật ra ngoài dòng vận động của thời gian chung của loài người, độc lập, tự tại, cô đơn.

Suy luận về thời gian không có gì mới lạ, ngoài nỗi kinh hoàng khám phá hiện tại điên đảo của chính mình. Nhưng đó là thời gian sống của con người, là nguồn gốc của sáng tác nghệ thuật.

Kỹ thuật dựng truyện phục vụ triệt để và khéo léo mục tiêu trên. Qua lời người kể vô danh, nhật ký của nhân vật chính, ký ức của những nhân vật khác, độc giả buộc phải nhảy loạn xạ giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, để cảm nhận một thân phận làm người trong một bối cảnh lịch sử đặc thù. Đây là lối kể chuyện của lý thuyết gia, quá khéo, quá rõ, do đó, với tôi, không tác dụng.

Còn lại hành-văn. Trong lĩnh vực này, Trần Dần đã thành công.

Người ta thường nói : tình yêu là nội dung cơ bản của tiểu thuyết, thơ văn. Không sai. Nhưng con người thực yêu thực trong không gian và thời gian, trong một cộng đồng người ở một thời điểm nhất định. Không gian ấy có thể là Hà-Nội những năm 50 hay bất cứ nơi nào khác những năm nào khác, mỗi nơi đều đặc thù. Thời gian yêu còn đặc thù hơn : chỉ là thời gian của một cá nhân, trong một bối cảnh. Đồng thời, nó có thể là thời gian của mọi người, khắp nơi, chí ít trong một thời gian lịch sử nào đó. Khi hai thời gian ấy đồng nhất trong cảm nhận áng văn của một độc giả, có tác phẩm văn chương, nghệ thuật đang hình thành. Trần Dần, qua văn phong của mình, đã thành công ở điều này. Quyển sách hoàn thành năm 1965-1966, cách đây gần nửa thế kỷ đã có những thay đổi nhanh chóng, vũ bão, tận gốc, trong lịch sử nhân loại. Thế mà hôm nay ta đọc, ta vẫn cảm nhận được thân phận làm người, mặt nào đó, của chính ta hôm nay. Điều ấy gọi là văn chương.

Một chi tiết kỹ thuật hành-văn. Trần Dần sử dụng dấu phẩy rất đặc biệt, không phổ biến trong văn chương Việt Nam, rất giống cách viết của một số nhà viết kịch ở Pháp : dùng dấu phẩy để điều khiển nhịp đọc, nhịp thở, cảm xúc của độc giả, kịch sĩ, khán giả. Tuỳ độc giả cảm nhận.

Lâu rồi, thời gian đểu cáng cứ ám ảnh tôi.

Trong đời thực, đương nhiên, nó là em. Hè hè.

Và trong văn chương, mà tôi có dịp đọc.

Trong văn chương Pháp, Tây con mà, có Camus (L'Étranger), Linda Lê và vài vị khác.

Trong văn chương thế giới, di dân đầy vấn đề căn cước mà, không có tác phẩm nào ám ảnh tôi hơn Trăm năm cô đơn của Marquez và La danse immobile, không nhớ của ai ở Châu Mỹ Latinh.

Trong văn chương Việt mà tôi có dịp đọc, chí ít có Nguyễn Tuân, Bảo Ninh… Hôm nay có thêm Trần Dần.

Mong rằng, thời gian trôi đi, nữa, mãi mãi, tác phẩm này còn tồn tại trong văn chương, văn học Việt Nam.

Cho tới ngày thời gian không đáng cho ai quan tâm nữa.

Hè hè…


PHĐ

2011-11-12





Những ngã tư và
những cột đèn – trích



6 giờ 20, không có gì quan trọng xảy ra. Nhưng có một cái gì không quan trọng nữa, đang xảy đến. 6 giờ 21, Thời gian không trôi, vì thời gian có trôi, thì cũng không còn í nghĩa. 6 giờ 21, một ngày khác vừa mới bắt đầu bên ngoài thời gian. 6 giờ 21, tôi đã đứng ngoài thời gian, bởi vì tôi không biết làm gì, mò đi đâu, sờ vào đâu. Sau bao nhiêu toan thử và thất bại, lo sợ và chờ đợi, chỉ nhờ vô tình, mà tôi đã tác động thành công, vào thời gian. Tôi không phụ thuộc vào nó nữa. 6 giờ 21, tôi đứng bên ngoài thản nhiên, ngắm đường tuyến tính của thời gian, chạy về hai nhà ga vô định. Thời gian dù có chạy về đâu, cũng không quan trọng nữa. Hôm nay, hôm qua, một tuần sau, không có gì khác cả. Rất đơn giản : đồng hồ cửa tôi đã dừng lại, quyển lịch cũng dừng lại. Và cũng rất đơn giản: tôi tồn tại, hay không tồn tại, cũng giống nhau. 6 gì 21, tôi đi đi lại lại. Ngoài cửa sổ vươn láo nháo gió, nháo lá. Gió và lá cùng láo nháo, để vườn càng thêm iên tĩnh, buổi sáng càng thêm iên tĩnh. 6 giờ 21 tôi cho đường, vào càphê. Không có gì xảy ra. Tôi nguẩy càphê. Tôi châm thuốc hút, điếu thứ hai. 6 giờ 21 tôi chỉ biết, trước mắt rất quan trọng, nhưng cũng có thể chả quan trọng tí nào, bởi vì, tôi đang ở một ngày không thời gian, bởi vì, không có chương trình, và dự đinh gì. Cứ để tôi đứng, ngoài thời gian như thế này, để không phải đến trụ sở, nhận đòn trừng phạt, của ông Trung trố và khu phố. Gặp lại ông Trung trố, thà tôi xung phong về một ngã tư súng đạn, còn thích hơn. Sống kéo dài, trong vụ án kéo dài, giống như con muỗi, nằm trên mạng nhện. Con muỗi không sống được, cũng không chết được. 6 giờ 21 tôi uống cạn cốc càphê. Không có gì xảy ra, nhưng càphê làm bụng tôi cồn cào. 6 giờ 21 tôi khóa cửa. Không có gì xảy ra, tôi sang thằng Ngỡi ăn phở.


Một ngày bên ngoài thời gian. Hàng phở của Ngỡi, lúc 6 giờ 21 đông người: đũa bát, chân tay, tíu tít. Tôi làm một gầu. Rồi tiếp một nạm. Khách hàng phản đối: "Ông này đến sau?" Ngỡi phải trình bày: "Xin các vị thông cảm, ông anh của tôi hôm nay hưởng chế độ đặc biệt. Nếu không, chính phủ sinh ra luật ưu tiên làm gì? "Khách hàng có người thông cảm, có người không. Nhưng tôi cứ ăn iên tĩnh. Tôi lấy hai bát phở, để nhồi vào mọi chỗ hẫng, trong người. Dần dà, chỗ hẫng đầy, đầy mãi, đầy lên, sau bát nạm thì hết hẫng, tôi vẫn gọi thêm một bát mỡ. 6 giờ 21, tôi rỉ tai Ngỡi: "Ông Trung trố có nói gì không?" Ngỡi nói: "Có", rồi để tôi ngồi chờ. Vì Ngỡi bận, phục vụ khách hàng, nên phải chờ, không mấy thú vị. Những chỗ hẫng trong tôi, vừa rồi đã lấp đầy, bây giờ lại hao đi. Tốn tiền với ông Trung trố thật. Lát sau. Ngỡi bưng phở đến cho tôi. Nó đặt bát phở lên bàn. rồi ghé tai tôi thì thầm. Nó nói: "ông Trung trố vừa bảo em, phải đề phòng đàn anh trốn". Tôi nói: "Trốn?" Nó nói: "Vâng, trốn. Đàn anh tự tử, để trốn đấu tranh. Sắp tới, ông Trung trố sẽ đưa đàn anh ra đấu tố. Sáng sớm nay, ông đi vòng lối vườn, để nhòm, vào cửa sổ nhà anh. Ông thấy cái dây thừng, treo giữa nhà. ông sợ anh tự tử, trốn đấu tranh". Tôi suýt bị sặc phở, vì buồn cười. Tôi về, miệng huýt sáo. tuýt tuýt. Qua ngõ xóm, iên tĩnh. Tôi vào nhà, nhà tôi như cái nhà mồ. Rồi đến bên cái dây thừng, tôi nhìn nó. I như trong thánh kinh: sống chết gần nhau thế này, cho nên sống chết chả nghĩa lí gì. 6 giờ 21, tôi nhìn, vào đường tuyến tính của thời gian, thấy tất cả, ngày, tháng, mùa đông, mùa hè, mùa xuân, đang trôi rất nhanh, về cả hai hướng vô định. 6 giờ 21, bên cái dây thừng thả từ trần nhà chạm đất, tôi nghĩ, chết là như thế nào? Là tôi bắc ghế để chui đầu, vào thòng lọng. Là tôi đạp ghế. Như thế là cái chết. 6 giờ 21, bên cạnh tôi, trên đường tuyến tính, thời gian vẫn trôi vèo. Tôi nghĩ, lát nữa khi chị Hòa ban bảo vệ khu phố, đập cửa vào. đã thấy tôi lơ lửng giữa nhà. Mặt tôi nở to, màu tím, như một bông hoa tím. Chị Hòa lục tìm thư tuyệt mệnh. Chị tìm không thấy. Vụ án của tôi chưa kết thúc, sẽ không bao giờ kết thúc. Nghĩ vậy, tôi kéo bàn lại, dưới sợi dây thừng, tôi kê thêm chiếc ghế, trên mặt bàn. Tôi trèo lên bàn. Rồi lên ghế. Tôi nhìn đồng hồ, là 6 giờ 21 . Tôi làm một cái thòng lọng. Tôi chui cổ vào trong. Cảm giác lúc này thật tuyệt vời. Đứng trên ghế, tôi nhìn xuống. Bên dưới là cả một thế giới, chả ai để í đến tôi. Bên dưới là chị Hòa. đang lục tìm thư tuyệt mệnh. Bên dưới có thêm một vệt nắng iên lặng. Tôi thè lưỡi giễu cợt. Tôi nghe có con chim hót ầm ĩ, ngoài vườn. Đứng thế này mãi cũng được, vì tôi không run chân, không chóng mặt. Tôi 23 tuổi, còn đứng được, cho tới lúc chị Hòa đến tìm tôi, mà không mất thăng bằng. 6 giờ 21, chị Hòa không đến. Tôi chui ra khỏi thòng lọng. Tôi cuộn dây thừng, xung quanh cái thòng lọng, được một búi, rồi ném lên trần nhà, qua lỗ hổng. Vì nghĩ thế nào cũng có lúc dùng đến. Xong, tôi tụt xuống bàn, rồi từ bàn xuống đất. Tôi xếp bàn và ghế, về chỗ cũ. Sọ tôi thấy việc vừa làm lạ lắm, cứ hỏi thế là thế nào. Tôi nói, đùa thế thôi, để biết mùi cái chết. Chết thì chả có gì cả, nếu có. thì có suối vàng, ngắm mãi vàng cũng chán. Sống dù sao vẫn thích hơn. Sống còn có vườn hoa, phòng trà, có gà, vịt, lợn quay, có bản đồ nội ngoại thành tấp nập nam nữ. Tôi đồng í sẽ gặp lại ông Trung trố, để lúc nào ông cũng muốn đưa ra đấu tố. Tôi sẽ ra đấu tố, để ông iên tâm. Tô sẽ lái ôtô. Sẽ dẫn vợ con tôi đi phố. Gặp ông Trung trố tôi chào. Tôi bảo con tôi: "Con chào bác đi". Con tôi nói: "Cháu chào bác ạ". Ông Trung trố khen: "Cháu ngoan quá. Bác cho cháu cái kẹo". Rồi ông nói với tôi: "Buổi chiều, anh nhớ ra trụ sở đấu tố. Không được trốn đấu tranh". Tôi nói vâng. Vâng, cuộc sống tôi là như thế, sẽ là như thế, với những ngày những đêm không trôi, đi đâu nữa, và kim đồng hồ lúc nào cũng chỉ, 6 giờ 21. Sáng nay, lúc 6 giờ 21, không có gì quan trọng xảy ra nữa. Buổi sáng quả là iên tĩnh. 6 giờ 21, tôi dắt xe ra sân. Tôi chuẩn bị ra phố mua quà cho Cốm. Trên đường sẽ vào xem ông Phúc, đã về chưa. Ông Phúc chưa về, tôi sẽ lên bệnh viện thăm Cốm. Ông Phúc mà về rồi, tôi cũng lên bệnh viện đã. Rồi sẽ quay lại nhà ông Phúc sau. 6 giờ 21, tôi khóa cửa. Không có gì quan trọng xảy ra.


Trần Dần


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us