Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989
Đọc sách
Tư
Duy Kinh tế Việt Nam
Chặng
đường gian nan
và ngoạn mục 1975-1989 (*)
Hoà Vân
Cuốn sách gần 400 trang này đầy ắp những tư liệu, sự kiện. Những trích dẫn từ báo chí, văn kiện chính thức của Đảng CS hay của nhà nước VN, những tác phẩm của các nhà mác-xít « kinh điển » cũng như những nhà nghiên cứu kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa, từ Đông sang Tây. Và nhất là rất nhiều cuộc nói chuyện với những chứng nhân quan trọng, những nhà lãnh đạo cũng như các trợ tá của họ, những cố vấn nước ngoài (chủ yếu là Liên Xô cũ) cũng như một số trí thức miền Nam ở lại sau 1975 được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt tạo điều kiện đóng góp ý kiến của mình trước thời cuộc. Tác giả dùng lại thuật ngữ « think tank » để chỉ những nhóm trợ tá, chuyên gia được phân công tìm hiểu từng vấn đề học thuật hay kỹ thuật liên quan tới việc hoạch định và theo dõi các chính sách kinh tế, xã hội.
Sách được « kể » như một cuốn biên niên sử kinh tế, chuyện gì đã xảy ra, các nhân vật suy nghĩ ra sao, làm gì v.v., không hoàn toàn là tuyến tính, song dòng thời gian vẫn rõ và người đọc, nếu đã sống và/hoặc đã theo dõi tình hình đất nước những năm tháng ấy, dễ dàng nhớ lại những nét chính cũng như những sự kiện đáng kể của chặng đường đã qua. Và tất nhiên là hơn thế. Vì mấy ai đã có thể nắm được đằng sau những quyết định lớn của giới cầm quyền – những quyết định có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống của cả nước, của địa phương mình, thậm chí tới đời sống của bản thân, gia đình mình -, những cuộc tranh luận đã nổ ra như thế nào, tại sao, vai trò của từng tác nhân trong đó ra sao v.v. Mấy ai đã có thể vượt qua cuộc sống riêng của mình – nhất là trong những thời kỳ cuộc sống đó quá khốn khó, đòi hỏi mỗi người bỏ hết tâm tư và sức lực đôi khi chỉ để sống được qua ngày -, để có thể nhìn thấy những ràng buộc vô lý, những nút thắt như thế nào, nhìn thấy chỉ để hiểu chứ chưa nói chuyện tháo gỡ ? Tình hình chính trị sau chiến tranh, với sự thống trị tuyệt đối của một đảng cầm quyền mà bộ máy đã quen vận hành hàng chục năm đấu tranh trong một thứ kỷ luật sắt, một tổ chức quen với bảo mật, « cảnh giác » hơn là với sự đối thoại cởi mở với xã hội – một xã hội mà nó nghi ngờ hầu như toàn diện -, tình hình chính trị đó dĩ nhiên cũng chẳng cho phép ai, từ người dân thường cho tới những cán bộ trung, cao, trừ một số nhỏ ở chóp bu bộ máy, có đủ thông tin để chỉ ra những ràng buộc vô lý ấy. Nhất là khi những ràng buộc đó gắn liền với một niềm tin đầy tính ý thức hệ về con đường phải đi để « dẫn dắt » dân tộc tới một tương lai « tươi sáng », một tương lai trong mơ ước, tương lai « đổi đời » so với cuộc sống của người dân thuộc địa mà không ít những cán bộ của Đảng đã trải qua.
Trong điều kiện đó, dễ hiểu là những tác nhân trong quá trình lịch sử mà tác giả chọn thuật lại hầu hết là những cán bộ lãnh đạo ở chóp bu, hay những cộng tác viên của họ, như nói trên. Xã hội, dù với tư cách tập thể hay những cá nhân, bị đẩy hoàn toàn vào thế phải im lìm chịu đựng, mỗi người tìm đường sống riêng cho mình – dù là bất hợp pháp, hoặc bỏ đi… Không có tiếng nói phản biện, tranh luận với những chọn lựa của nhà cầm quyền để đề ra những chính sách khác. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của quá trình đó đối với những ai muốn tìm hiểu lịch sử một cách khách quan. Dù là hiểu chỉ để hiểu hay để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Trước hết, vì chuyện « hậu trường » của các chính khách cao cấp dù ở thể chế nào cũng vẫn là một tham số quan trọng cần được soi xét, bởi đơn giản là nó góp phần cắt nghĩa những quyết định, chính sách được đưa ra – dù tham số này tất nhiên là bị cạnh tranh nhiều hơn bởi những tham số bên ngoài, nếu tồn tại một xã hội dân sự mạnh. Điều này hiển nhiên chưa có ở Việt Nam hôm nay - dù không phủ nhận những tiến bộ to lớn trong hai thập kỉ vừa qua. Việc quyết định các chính sách lớn vẫn tuỳ thuộc chủ yếu vào các mối quan hệ, nếu không muốn nói là các so sánh lực lượng, giữa những nhóm nhỏ các cá nhân giữ những trọng trách trong Bộ chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng v.v. Chẳng khác bao nhiêu so với thời kỳ mà cuốn sách đề cập - có chăng là những con người, hình như có sự xuống cấp, nhưng đó lại là chuyện khác...
Ba giai đoạn
Một cách tương đối dễ hiểu, « chặng đường » được chia làm ba giai đoạn :
1/ Chương 1, giai đoạn 1975-1979, với cao điểm là « Đại hội IV » năm 1976, trong men say của chiến thắng, đã quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành đảng CSVN, áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho cả nước – dù chính tổng bí thư Lê Duẩn, trong bài phát biểu tại hội nghị TƯ thứ 24 (khoá III), ngày 13.8.1975, đã có ý kiến phê phán những sai lầm có tính quy luật của mô hình này, và đề nghị không áp dụng ngay hợp tác hoá ở miền Nam, cho phép tư sản kinh doanh… (tr.69-70). Tác giả không nói rõ tại sao quan điểm của người đứng đầu đảng, đang có uy tín ngất trời vì đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, lại không trở thành đường lối chính thống ở đại hội Đảng. Người đọc chỉ lờ mờ cảm thấy, qua một vài mô tả sự say sưa, « tâm đắc » với tư tưởng « làm chủ tập thể » của chính ông, con người có tư duy rất « độc lập », « sắc sảo », « thông thoáng » này rất có thể đã rơi vào tình trạng « chủ quan », « duy ý chí », mồi ngon của những cận thần bám sát hơn vào những giáo điều khó bỏ. Và thực tế là nghị quyết Đại hội IV, là hợp tác hoá miền Nam « cơ bản hoàn thành » trong những năm 1979-80, là « cải tạo công thương nghiệp », là nhà nước « thống nhất quản lý kinh doanh » cho đến cây kim, sợi chỉ, vở viết, phụ tùng xe đạp v.v., với hệ quả nhãn tiền là sản xuất đình đốn, giảm sút, khủng hoảng trầm trọng trên mọi lĩnh vực…
2/ Chương 2, giai đoạn 1979-1986, một « thời kỳ rất đặc biệt » theo đánh giá của tác giả : thực tiễn kinh tế thì như một « cuộn chỉ rối », còn tư duy kinh tế thì « bị đặt trước những gay gắt của thực tiễn, không trả lời được » nhưng « quán tính của nó thì vẫn rất mạnh », « tư duy mới chưa thể ra đời ». Đây cũng là thời kỳ mà nhiều cơ sở kinh tế phải "phá rào" "bung ra" để có thể tồn tại, mà nhiều cán bộ có trách nhiệm cao trong đảng bắt đầu "trăn trở" tìm đường. Là thời kỳ của "khoán 100", "ba kế hoạch", của "hội nghị 6" (hội nghị trung ương khoá IV, lần thứ 6, tháng 9 năm 1979), với sự phê phán những "lệch lạc tả khuynh" trong việc cải tạo công thương nghiệp cũng như nông nghiệp v.v., với một số kết quả khởi sắc nhanh chóng đạt được, và cũng nhanh chóng bị "siết lại" (ngay từ hội nghị trung ương 3 – khoá V -, cuối năm 1982) với lý do "lập lại kỷ cương" trước những phát triển vượt tầm kiểm soát của chính quyền. Tuy nhiên, các đợt sóng ngầm vẫn diễn ra ngay trong bộ phận lãnh đạo cao nhất của đảng, với sự chuyển biến tư duy khá ngoạn mục của Trường Chính, nhân vật vẫn bị coi là giáo điều hàng đầu trong giới lãnh đạo đảng (ông đã từng phê phán nặng nề chính sách khoán của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú cuối những năm 1960) . Những trang viết về sự "phản tỉnh" của Trường Chinh trong quá trình thâm nhập thực tế, về bài phát biểu 10 điểm của ông ở hội nghị TƯ 6 (khoá V, tháng 7.1984), gián tiếp đáp lại bài báo cáo chính trị "10 quy luật của nền kinh tế VN" của tổng bí thư Lê Duẩn, là những trang sử khá hấp dẫn, với nhiều trích dẫn từ các văn kiện gốc của ĐCS, cũng như nhiều lời chứng mà tác giả ghi lại được trong quá trình chuẩn bị cho cuốn sách. Trong bài phát biểu này, ông Trường Chinh phê phán mô hình đang thực hiện là một mô hình "phi kinh tế, không thể chấp nhận được" (tr.239). Có lẽ đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của đảng đưa ra khái niệm "mô hình phi kinh tế"? Cũng chính ông Trường Chinh, với tư cách người đứng đầu đảng đã dẫn Bộ chính trị (tháng 11.1986) đến kết luận về tính chất của những sai lầm đã qua: không phải chỉ là ở chỗ "chưa cụ thể hoá đường lối" (một đường lối đúng!) và "trong việc tổ chức thực hiện đường lối" mà là ngay ở "chỉ đạo chiến lược", "tả khuynh" (tr.269), cũng có nghĩa là thừa nhận đường lối sai !
Sau hết, giai đoạn khép lại với cuộc "tổng điều chỉnh giá – lương – tiền" năm 1985. Được quyết định trong hội nghị TƯ 8 (tháng 6.1985), nhằm "xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp", thực hiện cơ chế một giá, "đảm bảo tiền lương thực tế, thực sự đảm bảo cho người ăn lương sống chủ yếu bằng tiêng lương, tái sản xuất được sức lao động" v.v., tóm lại là một cuộc cải cách lớn, lẽ ra là có "tính chất đột phá", đưa nền kinh tế vào quỹ đạo kinh tế thị trường, nhưng cuộc "tổng điều chỉnh" rút cục là một thất bại nặng nề, đào sâu thêm khủng hoảng. Tiếc rằng những trang phân tích thất bại này quá sơ sài.
3/ Chương 3, giai đoạn 1986-1989, mở đầu với cuộc khủng hoảng toàn diện ("tất cả các lĩnh vực kinh tế") sau cuộc "tổng điều chỉnh giá – lương – tiền" như đã nói. Sức ép của tình hình và sự thay đổi người cầm đầu đảng (ông Lê Duẩn bệnh nặng, tới tháng 7.1986 thì qua đời, người thay thế là ông Trường Chinh) đã mở rộng những tranh luận trong đảng, nhiều nhóm nghiên cứu được thành lập với sự tham gia của cả một số chuyên gia Việt kiều, đẩy tới sự thay đổi hoàn toàn về quan điểm ngay trong báo cáo chính trị của đại hội Đảng lần VI (tháng 12.1986)..., bắt đầu thời kỳ "đổi mới". Tác giả dành nhiều trang thuật lại những tranh luận đó, và những chuyển biến quan trọng trong chính sách kinh tế sau Đại hộ VI (với tổng bí thư mới là ông Nguyễn Văn Linh), cho tới năm 1989, "năm bước ngoặc" đối với đất nước, theo ông. Với những sự kiện như việc chặn đứng lạm phát phi mã bắt đầu sau cuộc đổi tiền, sự chấm dứt nạn thiếu đói kinh niên – năm 1989, lần đầu tiên VN xuất khẩu gạo -, việc xoá bỏ chế độ tem phiếu, chuyển quan hệ phân phối hiện vật sang quan hệ hàng hoá – tiền tệ, và một sự kiện chính trị - ngoại giao vô cùng quan trọng: việc VN rút hết quân khỏi Cămpuchia, mở đầu một thời kỳ mới trong quan hệ với cộng đồng thế giới nói chung, với các nước láng giềng ASEAN nói riêng. Về toàn cảnh tình hình quốc tế, ông cũng nhắc lại, 1989 còn là năm của vụ Thiên An Môn tại Bắc Kinh, năm của "sự kiện thế kỷ" với sự sụp đổ của bức tường Berlin v.v.
Một điều ước
Dĩ nhiên có nhiều điều có thể nói về cuốn sách phong phú và hấp dẫn này. Khái niệm về "tư duy kinh tế" chẳng hạn. Sự "đột phá" lớn nhất người ta có thể thấy trong cả một "chặng đường" dài mười mấy năm trời rút cục có thể tóm tắt khá gọn: đó là sự từ bỏ những ảo tưởng về một nhà nước "xã hội chủ nghĩa" có thể lo cho dân từ cây kim, sợi chỉ, từ bỏ các giáo điều về một nền kinh tế chỉ huy, kế hoạch hoá toàn bộ chỉ dựa trên những tính toán về các "giá trị sử dụng" của hàng hoá v.v., và bước đầu chấp nhận những quy luật của kinh tế thị trường. Cả từ bỏ và chấp nhận đều đau đớn, vì thực chất là do sức ép của thực tiễn nhiều hơn sức mạnh của lý luận... Nhưng điều này lại dẫn đến một tiếc nuối khác cho người đọc, ít ra là đối với người viết bài này: những cuộc đấu tranh gay gắt về quan điểm kinh tế rất khó có thể độc lập với những đấu tranh về chính trị - tối thiểu là để giành quyền điều hành kinh tế theo quan điểm của mình -, song ở đây chúng lại rất ít khi được soi sáng bằng những sự kiện của chính trường. Chỉ lấy một ví dụ, chuyện ba ông Trường Chinh, Phạm Đồng, Lê Đức Thọ đồng loạt rút lui trước Đại hội VI, hiển nhiên có ảnh hưởng tới nhân sự lãnh đạo đảng và từ đó, tới đường lối sau đại hội, nhưng chỉ được nói tới trong một câu nhỏ.
Thật ra, trong điều kiện hiện nay, khi mà Đảng còn kiểm soát nặng nề các phương tiện báo chí, xuất bản, cũng khó mà trách cứ tác giả. Xin mở ngoặc để nói thêm: người viết bài này đồng ý với chọn lựa của tác giả, kể chuyện hơn là tìm cách "đánh giá". Nhiều sự kiện và quá trình còn rất nhiều tranh cãi. Người đọc đủ trưởng thành để suy nghĩ riêng cho mình. Đóng ngoặc.
Vậy, để kết luận bài viết đã dài này, chỉ xin nêu lên một điều ước: mong sao sớm có một (hay nhiều) cuốn sách khác, bổ sung cho nó, để toàn cảnh lịch sử "chặng đường gian nan" này của dân tộc được hiện lên, đầy đủ và rõ nét hơn.
Hoà Vân
(*) Nhà
xuất bản Tri Thức, Hà Nội 2008
392
trang, giá bán 75.000 đồng
Các thao tác trên Tài liệu