Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Tự truyện sâu với J. J. Rousseau

Tự truyện sâu với J. J. Rousseau

- Bùi Văn Nam Sơn — published 23/10/2012 23:05, cập nhật lần cuối 23/10/2012 23:34
Bài dẫn nhập cho buổi giới thiệu cuốn Les Confessions của J.J. Rousseau tại TP HCM ngày 20.10 vừa qua

Tự truyện sâu với J. J. Rousseau


Bùi Văn Nam Sơn


Đây là bài dẫn nhập của triết gia Bùi Văn Nam Sơn cho buổi giới thiệu cuốn sách Les Confessions của Jean Jacques Rousseau tại TP HCM, qua bản dịch tiếng Việt của dịch giả Lê Hồng Sâm, hôm 20.10 vừa qua. Tác giả cho chúng tôi biết bài cũng được báo Sài Gòn Tiếp thị đăng sáng hôm nay (23.10). 


Một món quà tuyệt đẹp kịp mừng sinh nhật 300 năm gửi đến Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) từ Việt Nam: bản dịch tiếng Việt Những lời bộc bạch của ông vừa được NXB Tri Thức cho ra mắt bạn đọc.

Một món quà khác không kém thi vị: đúng ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2012, nữ dịch giả, GS Lê Hồng Sâm đích thân dành cho bạn đọc phía Nam một buổi giới thiệu danh tác này tại trung tâm Văn hoá Pháp (IDECAF), TP.HCM, sau khi đã có một buổi như thế cách đây một tháng tại IDECAF Hà Nội.

Là dịch giả đặc sắc của Emile hay là về giáo dục (cũng của Rousseau), cùng với dịch giả Trần Quốc Dương, được tặng giải Tinh hoa giáo dục quốc tế năm 2008 của quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, GS Lê Hồng Sâm không chỉ là một cây đại bút trong lĩnh vực dịch thuật Pháp – Việt, mà còn là một tấm gương lao động văn hoá miệt mài, mẫu mực và say mê cho nhiều thế hệ độc giả, nhất là thế hệ trẻ.

Chúng ta từng biết đến Rousseau của Khế ước xã hội, một tên tuổi “Lư Thoa” như ngọn cờ hiệu triệu, vẫy gọi khát vọng “tự do – bình đẳng – bác ái” của phong trào Duy Tân 100 năm trước đây ngay trong đêm tối của chế độ thuộc địa. Chúng ta lại được biết đến một Rousseau của Emille, người tiền phong của nền “tân–giáo dục” hiện đại, khai phóng và nhân bản. Và hôm nay, cũng nhờ GS Lê Hồng Sâm, chúng ta được biết thêm một Rousseau của Những lời bộc bạch, người khai sinh thể loại tự truyện “sâu”, cha đẻ của trào lưu lãng mạn trong nền văn nghệ thế giới. Quá nhiều tài hoa, quá nhiều công đức dồn tụ lại nơi một con người! Nhưng, “con người” ấy – qua những lời bộc bạch – lại là một kẻ đa sầu, đa cảm, đa đoan, đa mang và cả đa sự nữa!

Có thế ta mới được đọc ngót 800 trang tâm sự lai láng của ông: “chẳng ỉm đi một điều gì xấu, cũng chẳng thêm một điều gì tốt”, kể “điều hay và điều dở cùng trung thực như nhau”, “có thế nào phô bày thế ấy; hèn hạ đáng khinh khi hèn hạ đáng khinh; nhân hậu, hào hiệp, cao thượng khi là như vậy”. Vâng, “cái tôi là đáng ghét”, nếu cái tôi ấy tự tô vẽ để loè đời, loè người. Nhưng cái tôi ấy cũng có thể rất đáng thương, đáng trọng, đáng chia sẻ, đáng kết bạn. Rousseau đã dũng cảm đi một mình trên đường đời, được yêu thương đôi bận, nhưng cũng bị bủa vây lớp lớp bởi những nghi ngờ, ngộ nhận, xua đuổi, truy bức. Ông đã chọn một cách chống trả thật độc đáo: không ẩn nấp, tránh né, biện hộ, trái lại, tự bộc lộ chính mình, không khác gì dám phơi trần ngực áo, đón nhận mọi mũi tên, hòn đạn để… vô hiệu hoá chúng!

Cách chọn lựa ấy, thiết tưởng, không phải ngẫu nhiên. Hãy thử so sánh Những lời bộc bạch của Rousseau với tác phẩm cùng tên cũng nổi tiếng không kém của một bậc tiền bối: Thánh Augustino trước đó ngót 13 thế kỷ. “Tự thú” của Augustino (354 – 430) là hành trình “tâm linh”, nhưng cũng chủ yếu là một phương tiện, một cỗ xe hướng đến mục tiêu cao vời là vinh danh lòng lành đầy tha thứ của Chúa Trời. Augustino quả đã khai mào cho truyền thống tự phê phán của Tây phương, nhưng trong Tự thú, ta chưa thấy nổi bật sự “tự trị” của con người hiện đại, dám phơi bày chân tướng của một tạo vật yếu đuối, đồng thời cũng dám “tôn vinh” những giá trị tự tại của bản thân. Nơi Rousseau thì đã khác nhiều! Mục đích của ông là thế tục, chứ không phải tôn giáo. Rousseau theo đuổi hai điều: tự giải thoát mình khỏi những nỗi tủi hổ bằng cách phơi bày sự yếu đuối, đồng thời sáng tạo nên một cái “tự ngã” để khẳng định trước chính mình, trước những người khác và trước trật tự xã hội thù địch. Michel Foucault, trong Lịch sử của tính dục đã giải thích thật tinh tế hiện tượng lịch sử ấy: “cần có một lao động khổng lồ (…) để tạo ra được tính chủ thể của con người: sự cấu tạo nên chủ thể (“sujet”) theo cả hai nghĩa của từ này”. “Sujet/subject” vừa là con người tự trị, vừa là kẻ phải biết phục tùng những sức mạnh xã hội. “Con người hiện đại đã trở nên sinh vật biết bộc bạch (…) Bộc bạch là một nghi thức diễn ngôn, trong đó “chủ thể” (subject) phát ngôn cũng đồng thời là “đối tượng” (subject) được phát ngôn”. Biết phân đôi là khởi điểm của hành trình hiện đại: giữa trí óc và con tim, giữa lý trí và cảm xúc, giữa tự nhiên và xã hội, giữa ta và người. Đúng như Rousseau đã viết: ông bộc bạch chính ông như một nhà thực vật học, còn làm gì với cái cây ấy, cái lá ấy là chuyện của nhà dược học! Con người hiện đại đích thực không có thói quen “vừa đá bóng, vừa thổi còi”! Nói khác đi, biết phân ly, biết giữ khoảng cách với chính mình, đồng thời biết đặt mình trước sự phán xét công khai của xã hội, của người khác không chỉ là sự “phục tùng”, mà còn là kháng cự lại sự “phục tùng” ấy, hướng đến sự giải phóng, giải thoát của “chủ thể” tự do.

J. J. Rousseau không triết lý chỉ bằng đầu óc mà còn bằng con tim: “Tôi xúc động, vậy tôi tồn tại”, chứ không chỉ: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Tư tưởng của ông hình thành từ những cơn “chấn động tâm tư”, hơn là từ nọa tính của giáo điều. Kỳ cùng, tinh thần đích thực của Rousseau là ngọn lửa tự do và bình đẳng bất diệt của Đại cách mạng Pháp. Vượt qua khoảng cách 300 năm, Những lời bộc bạch đưa Rousseau đến gần với chúng ta hơn bao giờ hết.


Bùi Văn Nam Sơn



Những bài "liên quan":  Chúng tôi được biết Diễn đàn Talk&Think (Chia sẻ & Suy ngẫm), một diễn đàn chia sẻ tri thức phi lợi nhuận do Trường PACE, Viện IRED, Dự án IPL và Dự án Sách Hay phối hợp tổ chức, đã đưa lên mạng Youtube (thành 4 phần) bài nói chuyện về Khai sáng và Trưởng thành của Bùi Văn Nam Sơn trong tháng 7.2011, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc :


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us