Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Vài suy nghĩ chung quanh quyển sách của giáo sư Yoshiharu Tsuboi

Vài suy nghĩ chung quanh quyển sách của giáo sư Yoshiharu Tsuboi

- Nguyễn Xuân Xanh — published 10/09/2011 18:00, cập nhật lần cuối 10/09/2011 17:26

VÀI SUY NGHĨ CHUNG QUANH QUYỂN SÁCH
CỦA GS
YOSHIHARU TSUBOI


Nguyễn Xuân Xanh



LTS. Bài viết dưới đây không hẳn là một bài điểm sách. Từ một buổi toạ đàm chung quanh một quyển sách sử, do một nhà nghiên cứu Nhật viết về Việt Nam, tác giả đã để dòng suy tư của mình vượt không gian và thời gian bay sang Nhật thế kỷ 19, để liên hệ tới những vấn đề nóng bỏng của nước ta hiện nay...
Diễn Đàn chân thành cảm ơn tác giả cho phép đăng lại bài, vốn là một bức thư tác giả gửi nhóm bạn "Humboldt" tập hợp trên Internet từ khi chung sức làm cuốn sách "Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm".



tsuboi_bia


Hôm qua, 9 tháng 9, có một buổi tọa đàm thú vị tại Đại học Hoa Sen về một cuốn sách tựa đề

NƯỚC ĐẠI NAM ĐỐI DIỆN VỚI PHÁP VÀ TRUNG HOA, 1847 – 1885

của Giáo sư YOSHIHARU TSUBOI (Nhà xuất bản Tri Thức – Nhã Nam, 2011).

Gs Nguyễn Đình Đầu và Bùi Trân Phượng là hai trong ba dịch giả. Nhà văn Nguyên Ngọc viết lời bạt.

Có mặt trong buổi tọa đàm và giao lưu là tác giả Tsuboi, GS Nguyễn Đình Đầu, nhà văn Nguyên Ngọc và chị Bùi Trân Phượng. Căn phòng chật ních. Người ta thấy nhiều trí thức quen thuộc của TP có mặt. Điều này nói lên sự quan tâm những vấn đề, bài học lịch sử vào thời điểm này đã tăng cao.

Hiện Tsuboi, như mọi người gọi ông trong buổi hội thảo, là Giáo sư Lịch sử chính trị và xã hội Đông Nam Á, Đại học Waseda, Tokyo (chỗ anh Trần Văn Thọ đang làm việc).

Cuốn sách này là công trình nghiên cứu luận văn tiến sĩ tại Paris của Tsuboi, được xuất bản năm 1987 bằng tiếng Pháp, và hai năm sau, 1989/90, nó đến Việt Nam trong thời bao cấp. Tuy nhiên nó vẫn được xuất bản tổng cộng ba lần, và bây giờ là lần thứ tư, và lần nào trước đây, như GS Nguyễn Đình Đầu thuật lại, cũng có “dư luận cho rằng quyển sách có vấn đề”. Nhưng quyển sách được những người như GS Trần Văn Giàu, nhà báo Trần Bạch Đằng ủng hộ.

GS Nguyễn Đình Đầu và chị Bùi Trân Phượng đã trình bày sống động sự du nhập khó khăn thời bao cấp của cuốn sách vào Việt Nam thế nào. Thật là cảm động. Một chút tri thức như chút ánh sáng muốn lọt vào bầu không khí Việt Nam quả là rất gian nan. Việt Nam sau chiến thắng 75 hoàn toàn tách rời khỏi thế giới về mọi mặt, là một thế giới đóng kín từng câu chữ.

Tsuboi cho rằng vào thời điểm mấu chốt của lịch sử, Việt Nam đã thiếu đoàn kết để tìm ra một con đường mới. Ông nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại sự mất đoàn kết của người Việt Nam trong giai đoạn thời bình.

Và hôm nay cũng thế, sau 36 năm hòa bình. Hơn nữa, ông cũng nói đến “lợi ích cục bộ” của người Việt Nam, từ nhân dân đến giai tầng lãnh đạo. Người dân thì chỉ biết “làm giàu ngắn hạn” bằng đầu cơ địa ốc hay chứng khoáng chẳng hạn (nếu có tiền). Giai tầng lãnh đạo thì chia rẻ nhau, không đặt quyền lợi lâu dài của dân tộc lên ưu tiên. Các quốc gia xung quanh là một “công xưởng” cung cấp hàng cho thế giới. Việt Nam 20 năm đổi mới vẫn chưa làm được điều đó, chưa đưa nhiều mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao để chiếm lĩnh thị trường thế giới. Người Việt Nam suy nghĩ lợi ích cá nhân nhiều hơn. Và người tài không được sử dụng cho nền kinh tế; có rất nhiều người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài, tại sao họ “quay lưng” lại đất nước (ý nói chính sách không thu hút được họ)? Người Việt Nam tuổi 40 trở xuống chiếm tỉ lệ hơn 60%, nhưng họ chưa thật sự phát huy tài năng để phục vụ đất nước.


tsuboi

Tsuboi nhấn mạnh, Nhật Bản không có tài nguyên, “không giàu có” vì tài nguyên như Việt Nam, nhưng bù lại đặt nặng việc phát triển nguồn nhân lực, đó là nguồn tài nguyên duy nhất quý hiếm.

Việt Nam phải không vì mục đích cá nhân, mà cần nhìn cao hơn, xa hơn. Hơn nữa, không phải đất nước to hay nhỏ, mà phải biết cách tồn tại bên cạnh các thế lực to lớn. Phải biết trân trọng những giá trị văn hóa, đừng vì “miếng ăn” mà quyên đi văn hóa. Hồ Chí Minh là con người văn hóa. Giá trị cao nhất của Việt Nam theo ông là VĂN HÓA. Và văn hóa này cần phát huy đi ra thế giới. Không phải chỉ nghĩ đến giàu có về vật chất, mà phải nghĩ đến giàu có về văn hóa.

***

Giở lại các trang sử của Nhật Bản, tôi cũng thấy điều tiên quyết của người Nhật là ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, đúng như Tsuboi nói. Có lẽ vì thế GS Tsuboi dưới góc nhìn của người Nhật mới nhấn mạnh điểm này rõ ràng hơn, và mới thấy đó là điều yếu cơ bản của Việt Nam. Người Nhật đã nghĩ gì, làm gì để tạo sự đoàn kết dân tộc buổi chấn hưng đất nước trước hiểm họa lệ thuộc phương Tây? Tinh thần đoàn kết dân tộc này đã được truyền đạt lại trong một tài liệu có tiêu đề “Năm điều cấp bách nhất của Nhật Bản” được viết bởi một học giả Hà lan học, Kanda Kōhai, đêm trước của cuộc Cải cách. Đó là

1.    Nhật Bản của chúng ta phải vĩnh viễn độc lập. Nhật Bản không bao giờ được phép lệ thuộc một quốc gia nào khác.

2.    Nếu chúng ta muốn có độc lập, chúng ta phải tạo ra sức mạnh quốc gia thích ứng.

3.    Nếu chúng ta muốn có sức mạnh quốc gia, nhân dân phải (được) đoàn kết lại trên phạm vi toàn quốc.

4.    Nếu chúng ta muốn có sự đoàn kết (thống nhất) cho cả quốc gia, chúng ta phải tạo ra sự tuân thủ phổ quát trước chính quyền.

5.    Nếu chúng ta muốn nhân dân đi theo chính quyền, chính quyền phải áp dụng những lý thuyết lấy từ tất cả các tầng lớp của quốc gia. Không được phép trung thành với những cách lý luận một chiều. [Nói nôm na: phải làm sao cho các chính sách của chính quyền đại diện được quyền lợi chung rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, chứ không được tự tiện thực hiện những lý thuyết xa lạ, một chiều. Người viết.]

Những điều khôn ngoan này chưa thấy ở Việt Nam trong thời bình. Ngược lại. Đoàn kết không thể diễn ra dưới sự độc tôn ý tưởng, đặc biệt khi ý tưởng đó không đáp ứng nguyện vọng đích thực của các tầng lớp nhân dân, mà cần phải có sự chia sẻ với nhân dân. Bao lâu không có sự chia sẻ này, những lời hô hào đoàn kết sẽ vô hiệu. Vì lý do: đoàn kết dưới một sự độc tôn ý tưởng vô hình trung chấp nhận sự độc tôn ý tưởng đó, trong khi người khác không được lắng nghe, cho nên họ sẽ không mặn mòi. “Một khi một cái nhìn lịch sử trở thành giáo điều mệnh lệnh, thì con người sẽ mất đi tự do tư duy và tự do hành động” như một học giả Nhật Bản viết (Nagai Michio). Nói khác đi, dưới sự độc tôn của tư tưởng có tính cách giáo điều, xã hội và con người bị tê liệt.

Thực tế Nhật Bản đã tạo ra một bộ máy hành chánh mạnh cho cuộc canh tân, gồm những người có tinh thần khai sáng, am hiểu thời cuộc và nhiệm vụ tối cao của quốc gia để tránh sụp đổ như các nước lâng bang. Họ không áp dụng những lý thuyết xa lạ, mà đáp ứng quyền lợi thiết thân của các tầng lớp rộng rãi của nhân dân, đặt quyền lợi quốc gia lên thành tối thượng. Điều này cũng giống Phổ: Phổ có bộ máy hành chánh gồm những người có học, có tinh thần khai sáng; cuộc cải cách của Phổ được mệnh danh là “cuộc cách mạng từ trên”. Ở Nhật Bản cũng thế. Cuộc canh tân Nhật Bản là một cuộc khai sáng vĩ đại của lịch sử quốc gia này.

Về mặt tri thức. Năm 1869, Itō Hirobumi (1841-1909), xuất thân từ giai cấp samurai, người có công lớn nhất trong việc xây dựng nhà nước hiện đại đầu tiên của Nhật Bản, và là thủ tướng đầu tiên (và ba nhiệm kỳ sau, không liên tiếp), đã nộp cho triều đình một bản đề cương cho chính sách phát triển đất nước, cũng là một bản thiết kế sáng sủa cho một đại học quốc gia mới. Điều 5 trong đó nói như sau:

Điều 5:

Chúng ta phải đưa dân tộc Nhật tiếp xúc với học thuật của mọi quốc gia của thế giới, và tăng thêm tri thức về các ngành khoa học tự nhiên một cách đáng kể …Chúng ta đang có một cơ hội hiếm hoi để đổi mới các khái niệm lỗi thời cho đến nay là di sản của quốc gia vĩ đại chúng ta từ nhiều thế kỷ qua; và mở rộng sự hiểu biết chúng ta về thế giới hiện đại. Nếu chúng ta thất bại trong thời điểm quyết định này của lịch sử trong việc trang bị chúng ta toàn diện với ghệ thuật và khoa học ứng dụng của thế giới còn lại, chúng ta sẽ bị cầm tù trong một sự ngu dốt vô hình không nghe thấy. Vì thề chúng ta phải thiết lập một đại học và thay đổi quyết liệt các phương pháp của sự học mà chúng ta đã tán thành và theo đuổi cho đến nay. Hoàn toàn phù hợp với tinh thần đại học, chúng ta phải biến các thị dân cũng như nông dân thành những công dân hiểu biết.

Xin được kể tiếp câu chuyện. Itō ý thức sâu sắc rằng Nhật Bản đang lạc hậu rất xa so với thế giới, trước nhất về các môn khoa học, kỹ thuật. Đại học sẽ có nhiệm vụ lấp lỗ hổng đó. Nhưng nhìn quanh ông thấy Nhật Bản không có một cơ sở nào có thể phục vụ các mục đích của đại học, trừ cái văn phòng dịch thuật các tài liệu học thuật tiếng nước ngoài: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan. Đầu tiên văn phòng đó được thành lập năm 1684 dưới thời Mạc phủ, chủ yếu dịch các tài liệu về thiên văn (để làm lịch) và y khoa. Viện dịch thuật này liền được xây dựng thành đại học Tokyo Kaisei Gakko, bây giờ là đại học Tokyo. Nhiệm vụ cốt lõi của giới trí thức Nhật Bản là đưa tri thức của phương Tây vào Nhật Bản. Đại học có quy chế độc lập tự chủ tương đối để hoạt động hữu hiệu. [Sau thế chiến thứ II, tự do hàn lâm Nhật Bản mới có bước phát triển qui mô hơn]

Lãnh đạo Nhật Bản đã đặt tri thức và học hỏi tri thức đó từ phương Tây lên hàng đầu trong cuộc canh tân đất nước. Việt Nam đã không may rơi vào thái cực khác. Cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc để giành độc lập từ từ tiến hóa thành cuộc chiến tranh chống cả phương Tây. Cho nên lãnh đạo Việt Nam không mặn mòi với văn hóa phương Tây, và cũng không mặn mòi với tri thức có hiểu biết văn hóa phương Tây. Đó là bi kịch của Việt Nam. Việt Nam đã đi lộn cửa. Cái gì có hơi hám học thuật phương Tây đều bị từ chối, hay nặng hơn: lên án. Trí thức, những người tiếp thu khoa học và ít nhiều văn hóa phương Tây vì thế không được trọng dụng là hệ luận tất yếu. Lãnh đạo Việt Nam không ý thức được nguồn gốc sức mạnh phương Tây như các giới lãnh đạo bushi (võ sĩ) và thượng lưu của Nhật Bản đã ý thức. Các giai tầng này cũng muốn bảo vệ vị trí xã hội của mình, nhưng không phải bằng những ý thức hệ trái chiều, mà bằng cuộc canh tân đất nước theo hình ảnh phương Tây. Các nước phong kiến châu Âu sau khi bị Napoléon đánh sập cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 cũng phải đứng dậy canh tân đất nước theo mô hình của cách mạng Pháp. [Trừ Nga là kẻ thắng trận, và tự hào không thấy nhu cầu cải cách, làm cho căn bệnh nội tại của xã hội dây dưa kéo dài đến đầu thế kỷ 20.] Những nhà cải cách Nhật Bản, đặc biệt Fukuzawa Yukichi, đã nhìn thấy chính khoa học và kỹ thuật, máy hơi nước, điện tín, bưu điện, kỹ thuật in…, và lực lượng sản xuất lành nghề, đã thay đổi dòng lịch sử của lục địa châu Âu, đã biến đổi cả phương Tây căn bản. Nhật Bản không thể đi khác. [Và ngày nay Trung Quốc cũng không đi khác] Không có khoa học, kỹ thuật, không thể có sự phồn vinh cho quốc gia.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay chưa am hiểu vai trò cực kỳ to lớn của cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ đã từng diễn ra và làm thay đổi căn bản bộ mặt thế giới. Đó là những cuộc cánh mạng không đổ giọt máu nào mà chỉ đem lại sự phồn vinh cho xã hội. Cho nên, không thể có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững, sự phồn vinh quốc gia hãy còn xa vời. Trí thức, khoa học công nghệ, không được đầu tư để tác động, hay làm đầu tàu cho một cuộc chuyển biến. Giới trí thức mà bị buộc chân, không được nuôi dưỡng và sử dụng đúng chỗ, thì cỗ xe kinh tế sẽ ì à ì ạch, con đường dẫn đến phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc sẽ dài ra vô tận.

 

***

Trở lại cuốn sách của Tsuboi. Nhà văn Nguyên Ngọc có viết Lời Bạt, tôi xin đăng lại phần dưới đây (trích từ thông báo của ĐH Hoa Sen):

“Cuốn sách này, xuất phát từ một luận án tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi bảo vệ tại Đại học Paris năm 1982, được dịch ra tiếng Việt lần đầu năm 1990, tái bản ở Việt Nam đến nay là lần thứ tư. Ở nước ta trường hợp tái bản khá dày của một cuốn sách nghiên cứu lịch sử như vậy không phải là nhiều. Cho nên tự nhiên có một câu hỏi: Tại sao? Chắc có nhiều cách trả lời.

Cách chọn thời điểm để nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam của tác giả hẳn là một trong những lý do. Đấy là thời điểm có thể nói nghiêm trọng nhất trong số phận tồn vong của các dân tộc phương Đông khi phải đối mặt với một thế giới trước đó hoàn toàn xa lạ: phương Tây của chủ nghĩa tư bản đang lên. Đúng ra, không chỉ “chủ nghĩa tư bản”, còn là một nền văn minh, một nền văn hóa, thậm chí một thời đại hoàn toàn khác lạ. Trong cuộc giáp mặt quyết liệt ấy, chỉ duy nhất có Nhật Bản thành công, trong khi tất cả các dân tộc khác, theo nhiều kiểu khác nhau, đều thất bại, tất cả đều ê chề, và hậu quả của thất bại ấy cũng theo kiểu này kiểu khác vẫn còn dấu vết trong các xã hội đó cho đến tận bây giờ. Vì vậy việc người ta muốn chăm chú lắng nghe tiếng nói của một người Nhật là đương nhiên. Đấy là người có đủ tư cách, có chỗ đứng cao và xứng đáng hơn cả để có thể, qua so sánh toàn thể và cụ thể, tức tại thời điểm lúc bấy giờ và cả từ quá khứ sâu thẳm lâu dài, nhìn thấy nguồn gốc của tai họa mà các dân tộc khác đã không thể tránh được. Riêng đối với Việt Nam, tôi nghĩ, câu hỏi này vẫn còn đau đáu, thậm chí có thể còn rất thời sự.

Bởi hình như có một, hay một số điều gì đó trong những nguyên nhân nguồn gốc kia mà cho đến nay ta vẫn còn lướng vướng chưa vượt qua được hẳn. Ta muốn lắng nghe Tshuboi, để mà nghĩ lại, nghĩ lại nữa, và tiếp tục suy ngẫm tới, cả cho hôm nay, và ngày mai.

Và Tshuboi đã không phụ lòng người đọc. Khác với tất cả các tác giả trước đó, và cả sau này nữa, như chính ông nói, ông không nhìn Việt Nam “với tính chất một thực thể chính trị mà là một bản thể xã hội”. Nói một cách hình ảnh, ông cố tìm hiểu cái đất nước và xã hội này đến trong nội tạng sâu xa và cơ bản nhất của nó, ông tìm đến cái “tạng” của nó, từ bên trong, cái bên trong ấy với tất cả cấu tạo cơ bản và lịch sử lâu dài của nó, tất yếu phải phản ứng lại với các thách thức đến từ bên ngoài nhất thiết theo cách như thế, chứ nhất thiết không thể khác; và kết quả, hậu quả như đã diễn ra cũng nhất thiết đương nhiên là thế, như “định mệnh”.

Và Tshuboi đã thành công tuyệt vời trong công việc giải phẫu và mô tả cơ bản này. Đọc cuốn sách này thậm chí nhiều lúc có thể nghĩ không biết mình đang đọc một thiên lịch sử, một công trình nghiên cứu khoa học, hay một cuốn tiểu thuyết? Sự chính xác lịch sử là mẫu mực. Phân tích khoa học chặt chẽ, tinh vi, tinh tế, đầy thuyết phục. Mà cũng lại sinh động, chân thực biết bao, cụ thể, chân thực biết bao những chân dung con người, như những nhân vật tiểu thuyết, vừa là những sản phẩm tất yếu của thời đại mình, xã hội mình, vừa là những tính cách cá biệt, rõ rệt, sừng sững, mạnh mẽ, với số phận riêng, khát khao, ước vọng, và tham vọng riêng. Cả đến nhân vật đứng đầu trong những nhân vật anh hùng và bi đát ấy, Tự Đức, người tù vùng vẫy tuyệt vọng với số phận riêng đã bi đát lắm của mình, lại phải vùng vẫy càng tuyệt vọng với số phận bi đát nghìn lần hơn của xã hội mình. Có lần, tôi đã có dịp tìm hiểu về thái độ của triều đình Huế trước cuộc tấn công của quân Pháp vào Đà Nẵng hồi 1858. Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng thái độ ấy, đặc biệt của Tự Đức, không hề là một thái độ bạc nhược, hèn yếu như trước đó – và cả cho đến nay – ta vẫn thường nghĩ. Trái lại, rất cương quyết. Mỗi trận thua, mỗi vị trí bị mất, mỗi tổn thất không đáng có, mỗi hành động trù trừ, giao động, cho đến đại tướng anh hùng như Lê Đình Dương, cả đến vị tướng tài năng nhất và sáng suốt nhất thời bấy giờ là Nguyễn Tri Phương, và tất cả các cấp tướng sĩ đều nhất loạt bị trừng trị nặng nề, thay thế, bổ sung kịp thời. Tiếp tế, hậu cần, cùng tất cả các chính sách và các biện pháp hộ trỡ cho tiền tuyến đều hết sức năng nổ. Cuộc chiến đấu thật sự anh hùng và sự chỉ đạo, chỉ huy của triểu đình hết sức tích cực …Vậy mà vẫn thất bại và thất bại tất yếu là ở trong cái mà Tshuboi gọi rất chính xác là “bản thể” của cái xã hội ấy. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà tác giả viết công trình nghiên cứu này của mình gần như dưới dạng một tiểu thuyết. Chỉ một cách viết như vậy mới bộc lộ được hết cái căn bệnh thâm căn và chí tử của xã hội và đất nước đã triệt tiêu hết mọi sức đề kháng của nó, dẫn nó đến cái chết bi tráng không thể khác. Có lẽ phải chờ cho đến một đầu óc sáng chói như Phan Châu Trinh mới là người đầu tiên thấy ra và gọi đúng tên căn bệnh ấy. Hoàng Xuân Hãn nói rằng Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và đã tìm ra nguyên nhân mất nước thê thảm không phải ở đâu khác mà là “trong văn hóa”. Nghĩa là, nói cách khác, trong cái ý thức hệ cầm tù xã hội, trói chặt hết mọi năng lượng của nó, đánh gục nó không phương cứu chữa. Cái ý thức hệ đã khiến xã hội Việt Nam lạc hậu hơn đối thủ của mình cả một thời đại. Những người đã đổ gục xuống lúc bấy giờ là những người anh hùng đã lạc thời đại. Phan Châu Trinh thống thiết kêu gọi Khai dân trí, Chấn dân khí, để rồi Hậu dân sinh. Ông kêu gọi một cuộc vượt thoát ý thức hệ, một cuộc chấn hưng dân tộc, một cuộc cách mạng văn hóa theo nghĩa sâu nhất và đúng nhất của nó.”


10.9.2011

Nguyễn Xuân Xanh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us