Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Sách mới :Việt Nam từ năm 2011

Sách mới :Việt Nam từ năm 2011

- Diễn Đàn - Trần Văn Thọ — published 05/04/2011 01:38, cập nhật lần cuối 05/04/2011 18:01

Giới thiệu sách mới



Việt Nam từ năm 2011
Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian



bia-tvt

"Việt Nam từ năm 2011" của Trần Văn Thọ, theo lời giới thiệu của Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức, là "tập hợp các bài viết của tác giả về những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc Việt Nam, phần nhiều ở tầm chiến lược và với những kiến nghị cụ thể, suốt từ thời kỳ cuối thập niên 1990 cho đến, và chủ yếu là năm năm gần đây" (*). Một ưu điểm cần được nhấn mạnh so với nhiều sách "tuyển" thường thấy ở trong nước: dưới mỗi bài viết có ghi xuất xứ và ngày đăng đầu tiên, đôi khi có thêm lời chú cho biết bài đã được đón nhận ra sao khi được đăng lần đầu trên báo chí.

Sách do Nxb Tri Thức, Hà Nội, xuất bản vào quí 1.2011, dày 362 trang, giá bìa 89.000 đồng.

Bạn đọc có thể liên hệ với NXB ở địa chỉ lienhe@nxbtrithuc.com.vn để hỏi thông tin về cách đặt mua sách.

Diễn Đàn sẽ có bài viết đi sâu vào một số vấn đề nội dung của cuốn sách "sinh động và sâu sắc" - và rất dễ đọc này.  

Trước mắt, xin giới thiệu ngay với bạn đọc bài viết "Thay lời tựa" của tác giả, và mục lục cuốn sách.

(*) Trong số đó, có một số bài đã đăng lần đầu trên mặt báo này. 


Cùng một tác giả :

- Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại Châu Á Thái bình dương (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, VAPEC và Saigon Times, 1996), 

- Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2005, NXB Trẻ tái bản năm 2006).

 


Sự nghiệt ngã của thời gian
(Thay lời tựa)


Trần Văn Thọ

tvt


Đối với con người, đối với một đất nước, một dân tộc, có lẽ dòng chảy thời gian là một yếu tố quan trọng, rất quý, nhưng cũng rất nghiệt ngã. Thời gian chỉ chảy xuôi và không có cái gì có thể níu kéo lại hay giảm tốc độ của nó được. Một cá nhân hay một dân tộc biết chạy đua theo thời gian có thể làm nên những kỳ tích đổi đời, thay đổi diện mạo đất nước; ngược lại nếu không có ý chí tranh đua với thời gian, không có nỗ lực vươn lên thì sẽ bị lịch sử bỏ lại đàng sau.

Đó là chân lý ai cũng nhận biết được. Nhưng sự cảm nhận về tốc độ của thời gian, về ảnh hưởng của thời gian thì chưa hẳn giống nhau. Trong sự cảm nhận nầy có tính chủ quan. Mười năm, hai mươi năm là ngắn hay dài?

Đối với những nước còn ở giai đoạn thấp trong quá trình phát triển, cần bao nhiêu năm để mức sống trung bình của người dân tăng gấp đôi bây giờ? Đó là câu hỏi thiết thân đối với bất cứ nước nào còn nghèo hoặc mới ở mức thu nhập trung bình thấp. Tăng gấp đôi mức sống thể hiện rõ trong các điều kiện về ăn, ở, mặc, và nhu cầu về văn hoá, giáo dục. Nếu thu nhập bình quân đầu người theo giá trị thực tăng trung bình mỗi năm 7% thì cần 10 năm để tăng gấp đôi mức sống của người dân, nếu 5% thì cần 14 năm, 3% thì khoảng 23 năm và 1% thì cần tới 70 năm.

Trong phát triển kinh tế, một thế hệ (trên dưới 25 năm) có thể xem như một đơn vị thời gian quan trọng để khảo sát sự thay đổi về chất của xã hội đó. Nếu chỉ phát triển 3% thì phải đợi một thế hệ mới thấy có sự cải thiện đáng kể trong cuộc sống. Ngược lại nếu phát triển 5% thì mức sống con người có thể tăng 3-4 lần trong một thế hệ.

Trên thế giới, khoảng thời gian một thế hệ cũng làm thay đổi hẳn cục diện của một quốc gia, đảo lộn vị trí của từng nước trên bản đồ kinh tế thế giới. Ở Á châu, vào thập niên 1950, Philippines là nước phát triển chỉ sau Nhật, cao hơn cả Hàn Quốc. Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan nhưng đến giữa thập niên 1980 Thái Lan đã theo kịp Philippines và khoảng năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960. Năm 1985, GDP đầu người của Philippines cao gấp 3,5 lần Trung Quốc nhưng sau năm 2000, Trung Quốc đã vượt Philippines.

Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn. Quá trình công nghiệp hoá của nước này bắt đầu từ khi Park Chung-hee nắm chính quyền (năm 1961) nhưng chỉ sau một thế hệ, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp phát triển đáng kể trên thế giới và đến năm 1996 được kết nạp vào Tổ chức hợp tác phát triển (OECD) là tổ chức của các nước tiên tiến.

Nhìn trường hợp Việt Nam ta, từ khi hết chiến tranh, đất nước thống nhất đến nay đã 35 năm, kể từ khi đổi mới đến nay cũng đã qua một thế hệ. Dĩ nhiên thành quả phát triển trong thời gian qua cũng đáng được ghi nhận. Việt Nam đã tách được ra khỏi nhóm các nước nghèo và chen chân vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Nhưng ta đã mất hơn một thế hệ để có thành quả đó. So sánh Việt Nam với Thái Lan, vào thập niên 1950 hai nước xấp xỉ nhau về thu nhập đầu người. Nhưng do bối cảnh lịch sử 20 hoặc 25 năm sau đó, Việt Nam bị tụt hậu trong khi Thái Lan phát triển nhanh và vào năm 1984, thu nhập đầu người Thái Lan cao gấp 4,5 lần Việt Nam. Sau một thế hệ đổi mới, Việt Nam cũng chỉ mới rút ngắn được một tí, Thái Lan còn gấp gần 4 lần nước ta vào năm 2009.

So sánh với Trung Quốc, thời điểm cải cách tại Việt Nam chậm hơn 8 năm nhưng ta đã bỏ mất nhiều thời cơ nên ngày càng tụt hậu so với nước láng giềng lớn nầy. Năm 1984, thu nhập đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30%, nhưng bây giờ (năm 2009) khoảng cách giữa hai nước trên chỉ tiêu nầy là 3,3 lần! Dĩ nhiên cần xét đến chất lượng phát triển nữa, nhưng chất lượng phát triển của ta cũng không hơn Trung Quốc hay Thái Lan nên không cần đặt ra so sánh chi tiết ở đây. Hơn nữa, khoảng cách đáng kể trong thu nhập đầu người giữa các nước thường phản ảnh trình độ phát triển ở nhiều mặt khác như cơ cấu kinh tế, trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường thế giới, v.v. Ta cũng đang tụt hậu xa so với Thái Lan và Trung Quốc trên các lãnh vực nầy.

Nói thêm về khoảng cách phát triển so với Trung Quốc. Vào nửa đầu thập niên 1990, cụ thể là từ năm 1993, tình hình quốc tế rất thuận lợi cho Việt Nam. Cộng đồng quốc tế bắt đầu một cơ chế giúp vốn vay ưu đãi để xây dựng kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp nước ngoài dự định đổ xô vào Việt Nam đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp như điện tử và các loại máy móc. Đồng yen Nhật lên giá mạnh làm phát sinh dòng chảy đầu tư trực tiếp (FDI) lớn đang khao khát tìm cơ sở sản xuất mới. Nhưng Việt Nam đã bỏ mất thời cơ nầy do môi trường pháp lý chậm cải thiện, kéo dài chính sách đối xử phân biệt với nước ngoài và chính sách công nghiệp không rõ ràng, thay đổi thường xuyên. Dòng chảy FDI đó kết cuộc đổ sang các tỉnh ven biển Trung Quốc, sau đó kéo theo hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa đến đầu tư hình thành những cụm công nghiệp lớn ở vùng nầy. Hiện nay, tiền lương ở vùng nầy tăng cao, nhiều công ty đa quốc gia đang nhìn Việt Nam như là nơi co thể chuyển đến những cơ sở sản xuất có hàm lượng lao động giản đơn hoặc những ngành gây ô nhiễm môi trường. Bỏ mất thời cơ 17 năm trước, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển ngang hàng với nhiều tỉnh ở ven biển Trung Quốc để bây giờ phải ở vào vị thế của một nước chậm phát triển so với họ.

Đó là một biểu hiện sinh động về sự nghiệt ngã của thời gian!

Bây giờ ta phải làm gì để tránh một cú sốc khác của thời gian?

Đây là câu hỏi có lẽ quan trọng nhất đối với những người đang và sắp ở cương vị lãnh đạo của Việt Nam.

TRẦN VĂN THỌ

Giáo sư kinh tế học, Đại học Waseda (Tokyo).

Quê ở Quảng Nam, sang Nhật du học năm 1968, học vị tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo).

Từng làm ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, thành viên trong Tổ Tư vấn cải cách kinh tế và hành chánh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Cộng tác với nhiều báo và tạp chí tại Việt Nam.

Qua cuốn sách nhỏ nầy tác giả mong sẽ đóng góp vào việc tìm kiếm những ý tưởng, những chiến lược, chính sách để làm cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, với hy vọng Việt Nam sẽ lấy lại một phần những gì đã mất và rút ngắn được khoảng cách phát triển với các nước chung quanh. Qua những trang trong sách nầy, tác giả đặc biệt nhấn mạnh khí khái, bản lãnh của nhà lãnh đạo, năng lực và đạo đức của quan chức, tinh thần khởi nghiệp và đạo đức kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp, và nỗ lực học tập của xã hội. Nhìn toàn cục, Việt Nam hiện nay đang trực diện hai cái bẫy, một là cái bẫy của trào lưu tự do thương mại, hai là cái bẫy của nước thu nhập trung bình. Những chiến lược, chính sách để vượt qua hai cái bẫy nầy cũng sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Hầu hết nội dung trong sách nầy là những bài viết cho các báo trong 4-5 năm qua. Một số bài khác viết cả mười năm trước nhưng bây giờ tính thời gian vẫn chưa mất, nhất là những bài bàn về giáo dục, chứng tỏ đây là lãnh vực chậm hoặc không được quan tâm cải cách. Cũng vì lý do nầy, có vài ý trùng lặp trong các bài về giáo dục vì có nhiều trường hợp bài viết sau phải nhấn mạnh lại một số ý trong bài viết trước. Ngoài ra, hầu hết những bài in trong sách nầy nguyên là những bài báo tương đối ngắn nhưng cũng có một số bài dài và có tính cách học thuật in trên tạp chí Thời đại mới hoặc trong một số kỷ yếu mừng thọ các học giả tên tuổi. Dưới mỗi bài viết có ghi xuất xứ và ngày đăng đầu tiên, và trong một số bài có ghi thêm phản ứng của độc giả, của các báo khác, v.v.. (trong phạm vi tác giả biết được).

Các bài viết dĩ nhiên xuất phát từ thực trạng Việt Nam và đưa ra các đề nghị về chiến lược, chính sách. Nhưng có những ý tưởng cảm xúc bắt đầu từ lòng tự hào đối với các bậc tiền nhân như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Quang Trung,... ; có những ý tưởng gợi lên từ kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản,...có những suy nghĩ hình thành qua thảo luận, trò chuyện với bạn bè trong và ngoài nước.

Khi lập kế hoạch tập họp các bài viết để xuất bản, tác giả rất hân hạnh có được sự góp ý và trợ giúp chí tình của các anh Chu Hảo (Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức), Võ Như Lanh (nguyên Tổng biên tập Thời báo kinh tế Saigon), Huỳnh Sơn Phước (nguyên Phó Tổng biên tập Tuổi trẻ) và Mai Đức Lộc (Tổng biên tập Báo Đà Nẵng). Chúng tôi đã gặp nhau tại Đà Nẵng cả một buổi chiều thứ bảy vào giữa mùa thu năm nay để trò chuyện về cuốn sách nầy. Tựa đề cuốn sách cũng như tựa đề cho lời nói đầu nầy do cả tập thể 5 người chúng tôi quyết định trong dịp gặp ấy. Các anh cũng là những người bạn đã gợi ý cho nhiều bài viết in trong tập sách nầy. Ngoài ra tác giả cũng xin cảm ơn hai anh Trần Đức Nguyên và Trần Việt Phương (đều là nguyên thành viên Tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chánh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải) đã đọc và góp nhiều ý hay cho những bài viết gần đây.

Cuối cùng tác giả xin cảm ơn Ban biên tập Thời báo kinh tế Saigon, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet, Thời đại mới, Diễn Đàn, Tia Sáng, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Nhân Dân và Báo Đà Nẵng, những nơi đã góp phần quan trọng trong việc hình thành những bài viết in trong tập sách nầy. Tác giả cũng xin cám ơn Nhà xuất bản Tri thức, một địa chỉ tin cậy của những người ham hiểu biết, đã ưu ái đón nhận một viên gạch mới vào trong ngôi nhà ngày càng đồ sộ của tri thức. Đặc biệt cám ơn chị Nguyễn Bích Thủy, biên tập viên của nhà xuất bản, đã có nhiều cố gắng để sách ra đời trong thời gian rất ngắn. Tác giả cũng xin cám ơn Saigon Times Foundation đã tài trợ để việc xuất bản được thực hiện nhanh chóng.


Trần Văn Thọ,

Tokyo, cuối thu 2010

Mục lục


Lời giới thiệu (Chu Hảo)

Sự nghiệt ngã của thời gian: Thay lời nói đầu


Khí khái người xưa và bản lãnh thời nay

1. Từ xuân Quang Trung đến thể kỷ 21

2. Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt Trung

3. Hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển

4. Suy nghĩ về tinh thần Võ Văn Kiệt


Tầm nhìn thời đại và chiến lược phát triển

5. Đã qua rồi một thời đổi mới

6. Từ cải cách tiệm tiến đến xây dựng cơ chế chất lượng cao

7. Bình luận về Dự thảo Chiến lược phát triển 2011-2011

8. Kinh tế Việt nam trực diện hai cái bẫy: Chiến lược từ năm 2011

9. Phân tích thêm về chiến lược phát triển giai đoạn 10 năm tới

10. Việt Nam thời đại mới: Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm

11. Đừng quên nền kinh tế thật: Bài học từ cuộc khủng hoảng toàn cầu

12. Vấn đề xuất khẩu lao động tại Việt Nam

13. Đường sắt cao tốc: Việt Nam ngày nay và Nhật Bản 50 năm trước


Việt Nam và thời đại Đông Á

14. Trung Quốc và Nhật Bản trong trật tự mới ở Á châu

15. Trung Quốc năm 2009 nhìn từ Nhật Bản và Việt Nam

16. Kinh tế Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

17. APEC và vấn đề hội nhập của Việt Nam

18. Việt Nam trước cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do

 

Năng lực xã hội

19. Dịch thuật và tinh thần cầu học: Khởi động quá trình cận đại hóa Nhật Bản

20. Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: Kinh nghiệm Đông Á

21. Chuyện kể về quan chức Nhật Bản thời đất nước khó khăn

22. Shibusawa Eiichi: Nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật

23. Sức sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp làm thay đổi hình ảnh đất nước

24. Thượng tôn pháp luật: Sức mạnh của Nhật thời Minh Trị duy tân

25. Chiếc xe hơi Maybach 62 và Matsushita Konosuke

26. Thiếu gia, đại gia và cống hiến xã hội: Tàu Titanic và Đại học Harvard

Giáo dục: Ý kiến cũ mà vẫn mới

27. Ý kiến về giáo dục đại học ở nước ta

28. Để tăng chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam

29. Một trăm bao gạo vì sự nghiệp giáo dục

30. Tính ưu việt của Đại học Harvard

31. Mùa thi đại học: Bạn trẻ chọn ngành học nào?

32. Suy nghĩ về hội chứng thi vào đại học

33. Về đào tạo và cấp bằng tiến sĩ kinh tế học

34. Bàn lại vấn đề học vị tiến sĩ

35. Vấn đề đào tạo và cấp bằng tiến sĩ

36. Kế hoạch đào tạo tiến sĩ: Cần một cuộc cách mạng chất lượng

37. Một giải pháp dứt khoát cho vấn đề học vị tiến sĩ


Phụ trang: Bút ký thời sự

38. Tưởng nhớ chú Sáu Dân

39. Cuộc cách mạng tháng tư đã cứu đảng LDP

40. Cảm xúc đầu xuân: Nam quốc sơn hà

41. Mùa nhân sự tại một công ty Nhật

42. Đà Nẵng: Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm

43. Thế giới và nước Mỹ sau hai sự kiện lịch sử

44. PMU18 và thể diện quốc gia

45. PMU18 và ODA Nhật Bản

46. Hạn chế hay tự do nghiên cứu

47. Đề khởi một phong cách văn hóa thuốc lá tại Việt Nam


Mục tra chữ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us