Vũ trụ huyền diệu
Giới thiệu sách mới
Vũ
trụ huyền diệu
của Nguyễn Quang Riệu
Chúng tôi vừa nhận được tác phẩm mới của nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu (nhà xuất bản Thanh Niên, 2008, 186 trang). Để bạn đọc nắm rõ nội dung cuốn sách, xin đăng dưới đây toàn văn lời giới thiệu của cố giáo sư Nguyễn Văn Đạo (1937-2006). Đây có lẽ là một trong những bài viết cuối cùng của ông trước khi tử nạn.
Lời giới thiệu
Cuốn sách mà bạn đọc đang
cầm trên tay nói về một lĩnh vực
rất lý thú của khoa học – thiên
văn học – ngành khoa học chuyên
nghiên cứu các quy luật về chuyển
động, cấu tạo và sự phát
sinh, phát triển của các vật thể
vũ trụ.
Thiên văn học rất gần gũi với đời sống của chúng ta. Mỗi con người, ngay từ thuở ấu thơ đã tò mò tìm hiểu về vũ trụ xung quanh mình : quan sát Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao, các hiện tượng tự nhiên như nhật thực, nguyệt thực... Vũ trụ rộng mênh mông, tới mức khoảng cách giữa các điểm của nó phải được đo bằng đơn vị là năm ánh sáng. Như ta biết, tốc độ truyền ánh sáng là 300 000 km/giây. Thời gian một năm là vào khoảng 31 triệu rưỡi giây. Do vậy, khoảng cách một năm ánh sáng là chừng ngót 9 461 tỷ km, dài gấp hơn 63 nghìn lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời và gấp gần 25 triệu lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng ! Tác giả của cuốn sách giới thiệu ở đây đã từng tham gia nghiên cứu một vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus) ở cách xa Trái đất của ta tới 30 000 năm ánh sáng.

Để nghiên cứu những thiên hà
xa xôi, người ta phải dùng các
kính thiên văn lớn nhằm thu được
ánh sáng rất yếu phát ra từ
những thiên thể. Ánh sáng này
chỉ tương đương với ánh
sáng của một ngọn nến thắp trên
Mặt trăng nhìn từ Trái đất.
Còn Ngân hà là một trong hàng
trăm tỷ thiên hà trong Vũ trụ,
nhưng là một thiên hà đặc
biệt vì trong đó có Mặt trời
và Trái đất, nên cũng được
gọi là “ Thiên hà của chúng
ta ”. Những thiên thể trong Ngân hà
là những đối tượng nghiên
cứu lý tưởng vì chúng không
quá xa Trái đất. Tuy vậy, từ
trung tâm Ngân hà, ánh sáng và
tín hiệu vô tuyến phải mất 3 vạn
năm mới truyền được tới Trái
đất...
Trong cuốn sách này, Vũ trụ bao la hàm
chứa biết bao điều bí ẩn kỳ
thú đã được trình bày
một cách dễ hiểu, hấp dẫn qua
ngòi bút tài hoa của nhà thiên
văn học nổi tiếng gốc Việt, giáo
sư Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc
nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu
Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), làm việc
tại Đài Thiên văn Paris, người
được giải thưởng của Viện
Hàn lâm khoa học Pháp về các
công trình nghiên cứu thiên văn
học và đã có thâm niên
ngót 50 năm trong lĩnh vực khoa học này.
Cuốn sách còn kèm theo những giai
thoại và hồi ký sinh động của
tác giả trong hành trình nghiên cứu
thiên văn học và những chuyến đi
dã ngoại đầy lý thú, chẳng
hạn như câu chuyện Những nhà
thiên văn kiêm hiệp sĩ nếm rượu
vang, Thiên nga ngắc ngoải hay phượng
hoàng tái sinh ?, Những nhà vật lý
lĩnh giải Nobel, Bầu trời Nam Bán cầu,
Tàn dư của những vụ nổ sao khủng
khiếp trong Vũ trụ, Nghe lỏm tín hiệu
vô tuyến của những nền văn minh
trong dải Ngân hà...
Sống xa Tổ quốc đã trên 50 năm,
nhưng giáo sư Nguyễn Quang Riệu vẫn
luôn luôn gắn bó với quê hương,
đất nước với nền khoa học
Việt Nam. Giáo sư vẫn đều đặn
trở về nước, cuốn hút theo nhiều
nhà khoa học nổi tiếng nước ngoài
để mở các lớp bồi dưỡng
kiến thức thiên văn cho thế hệ trẻ
Việt Nam và tổ chức các hội
thảo khoa học. Giáo sư còn giúp
đỡ cho nhiều sinh viên Việt Nam được
đến học tập về thiên văn học
ở Paris. Tháng 6 năm 1997 trong chuyến đi
công tác tại Pháp, tôi cũng đã
có vinh dự được Giáo sư
hướng dẫn thăm Đài Thiên văn
nổi tiếng Paris – cái nôi của
nền văn minh khoa học Pháp. Điều
gây ấn tượng đặc biệt cho tôi
không chỉ ở các công việc nghiên
cứu và các trang thiết bị hiện
đại của Đài, mà còn ở
chỗ nơi đây có một giáo sư
gốc Việt đang làm Giám đốc
Nghiên cứu, được sự trân
trọng, kính mến của các đồng
nghiệp người Pháp – giáo sư
Nguyễn Quang Riệu.
Tôi được quen biết và thân
thiết với giáo sư Nguyễn Quang Riệu
từ nhiều năm nay. Có thể nói rất
vắn tắt về ông như một nhà
khoa học uyên bác, đồng thời là
một con người rất nhân hậu, luôn
luôn sống, nghĩ về mọi người,
luôn luôn gần gũi với người
dân, gắn bó với quê hương
đất nước, “luôn luôn giữ
gìn được cốt cách phương
Đông và ý thức dân tộc”
như người dân quê Hải Phòng
của ông đã nhận xét rất
chính xác.
Xin cám ơn giáo sư Nguyễn Quang Riệu
và xin trân trọng giới thiệu cùng
bạn đọc.
Hà Nội, tháng 10 năm 2006
Giáo sư Nguyễn Văn Đạo
Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài
Các thao tác trên Tài liệu