Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Chiếu phim VN tại Paris

Chiếu phim VN tại Paris

- Kiến Văn — published 21/04/2007 19:36, cập nhật lần cuối 21/04/2007 19:36
16g chủ nhật 13.5.2007


ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

Ba cuốn phim tài liệu đáng xem

Kiến Văn

 

KIÊN

37’, phim của Đào Thanh Tùng, 2006, © Varan Vietnam, tiếng Việt phụ đề tiếng Pháp

Diễn Đàn thân mời bạn đọc đến xem ba cuốn phim này

chủ nhật 13 .5.2007, lúc 16g

tại Foyer Vietnam, 80 rue Monge, PARIS (5e)

Buổi tối (19g) có thể ở lại dự bữa cơm thân mật (15€). Xin ghi tên trước :  01 45 35 52 54

      Kiên, ra đời tại một trại tị nạn Hồng Kông (cha mẹ vượt biển), hiện sống tại Hà Nội sau một lần vượt biển (cha mẹ vượt biển lần thứ nhì). Học Đại học mĩ thuật, ma tuý, bị đuổi bì nhiềm ma tuý. Tranh của Kiên là tiếng gào thét của một cá nhân bị nhiều lần ruồng bỏ, phương tiện sinh tồn của bản thân, và của những trẻ em mồ côi (cha mẹ chết vì SIDA) mà Kiên nhận làm cha đỡ đầu.

      Đào Thanh Tùng, nguyên giáo viên Hán ngữ, là biên kịch ở Xưởng phim tài liệu & khoa học Hà Nội.

 



TRONG PHƯỜNG THÀNH CÔNG CÓ LÀNG THÀNH CÔNG

33’, phim của Phan Thị Vàng Anh, 2004, © Varan Vietnam, tiếng Việt phụ đề tiếng Pháp

 congnhan

     

Thành Công là một phường ở Hà Nội (phía nam Giảng Võ, phía tây đường Láng Hạ). Đã là, và về nhiều mặt, còn là một làng (ngoại thành). Cái loa phát thanh sáng sớm tinh mơ và chiều tối còn « đấm » vào tai người dân : cái đó, người dân trong nước và cả Việt kiều có dịp về nước vào những năm 70, 80, còn nhớ, như nhớ những bữa ăn bo bo của một « thời xa vắng ». Ở phường Thành Công giữa thủ đô Hà Nội, ít nhất cho đến năm 2004, khi phố phường Hà Nội đã tràn lan những quán internet, « đài phát thanh Thành Công » vẫn hoạt động. Trong ống kính camera của Phan Thị Vàng Anh, sắc sảo, tinh tế và dí dỏm như ngòi bút của tác giả Khi người ta trẻ, Nhân trường hợp chị thỏ bông… cuộc sống hàng ngày của một làng thôn Việt Nam « thời @ còng », quan hệ con người với con người, người dân với chính quyền…

 



GIẤC MƠ LÀ CÔNG NHÂN

52’, phim của Trần Phương Thảo, 2006, © Varan Vietnam, tiếng Việt phụ đề tiếng Pháp

 

      Ở các nước công nghiệp phát triển, toàn cầu hoá được cảm nhận trước hết như là một tai hoạ với sự « chuyển cục » (délocalisation), đóng cửa các nhà máy ở phương Tây, di chuyển sang những nước nhân công rẻ hơn như Đông Âu, Viễn Đông (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…). Và tại những nước này, « đầu kia » của sự « chuyển cục », đó lại là « thời cơ vàng », ít nhất là người phương Tây nghĩ như vậy.

dinhtoan

      Với Giấc mơ là công nhân, Trần Phương Thảo (sinh năm 1976) đưa chúng ta tới « đầu kia » của dây chuyền « chuyển cục ». Cụ thể là khu Bắc Thăng Long, gồm toàn những nhà máy lắp ráp của Nhật Bản. Mấy vạn công nhân ở đây đều là những thanh niên từ nông thôn ra, hầu hết dưới 25 tuổi, 90 % là phụ nữ. Một số nhỏ được tuyển dụng trực tiếp, phần đông thông qua những « công ti dịch vụ » (cuốn phim không cho biết, nhưng qua báo chí, người ta có thể hiểu đó là những con bạch tuộc tủa ra từ Công đoàn, từ Bộ lao động, xã hội, thương binh) ăn xén 30, 40% tiền lương của công nhân : công nhân « dịch vụ » ăn lương 800 000 đồng, thay vì 1 200 000, 1 300 000 đồng, và có thể bị sa thải bất cứ lúc nào, vì bất cứ lí do gì.

     Camera không đi vào các nhà máy, mà ngừng ở cổng vào. Cuốn phim khiêm tốn mà hiệu quả dài non một giờ này không có tham vọng « minh hoạ » cho một cuốn Tư Bản Luận của đầu thế kỉ XXI. Nó đi theo ba cô gái ở trọ chung, từ nhà trọ đến cổng xí nghiệp, từ nhà trọ về quê, từ nhà trọ, ngày chủ nhật, đi tới một « thương xá » (kiểu Mall ở Mĩ, Centre Commercial ở Pháp), đối với ba cô gái nông thôn là cả một cuộc « Tây Du » dẫn tới tương-lai-giấc-mơ-tiêu-thụ. Nhưng trước hết, nó trao lời cho họ. Và người xem được hiểu, một phần nào, hoàn cảnh, ước mơ, thất vọng, vui buồn của họ, và nghị lực phi thường toát ra từ mỗi con người.

 

      Trần Phương Thảo (du học sinh, tốt nghiệp Học viện Chính trị Paris, về nước) tình cờ đi vào điện ảnh (hình như cô đi phiên dịch cho một khoá đào tạo điện ảnh của Xưởng Varan). Chừng nào cũng giống như Phan Thị Vàng Anh, nhà văn, nhà báo, hay Đào Thanh Tùng, bắt đầu bằng nghề dạy học (Trung văn, từ cái thời Hoa ngữ mất giá ở Việt Nam). Có lẽ vì vậy mà họ có một « cái nhìn khác », họ không làm điện ảnh « do phân công » (như phần đông các nhà điẹn ảnh Việt Nam của thời bao cấp). Lại thêm một sự gặp gỡ may mắn : nhóm Varan. Đây là hiệp hội của những nhà điện ảnh chuyên nghiệp, tự nguyện bỏ một phần thời gian để đi đào tạo tai các nước thế giới thứ ba. Gọi là trường phái thì không đúng, nhưng họ chia sẻ quan niệm của Jean Rouch, nhà dân tộc học « viết bằng camera », hay đúng hơn, « viết » hộ những con người bốn phương. Phim của họ thường không có lời bình, lời nói trong phim là lời nói, tự nhiên, tự phát, tự bạch, của các nhân vật. Varan bắt đầu mở « xưởng » từ năm 2004. Thường thì họ chỉ đi mỗi nước một lần. Với Việt Nam, Varan có « duyên nợ » sâu nặng : từ đó đến nay, họ đã mở ba khoá, và sẽ còn tiếp tục.

 

        Ba cuốn phim giới thiệu trong bài này là bằng chứng sống động về « cung cách Varan », cho phép chúng ta lạc quan về phim tài liệu Việt Nam, trong khi, bình thường ra, có thể nghĩ là nó phải chết, hoặc đã chết rồi (cũng như ở nhiều nước khác).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss