Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Những khía cạnh điện ảnh của "Bi, đừng sợ!"

Những khía cạnh điện ảnh của "Bi, đừng sợ!"

- Marcus Vũ Mạnh Cường — published 21/03/2011 18:10, cập nhật lần cuối 21/03/2011 18:10
...Nấp trong vỏ bọc của xanh lá cây, lý trí và tình cảm được che chắn, nhưng cũng đầy bất an. Chỉ đợi những dịp có sự xuất hiện của màu đỏ, là sự bung phá có thể diễn ra ngay lập tức, như quả táo đỏ được đẩy lên mang tính biểu tượng trong nhiều tình huống...


Những khía cạnh điện ảnh
của "Bi, đừng sợ!"


Marcus Vũ Mạnh Cường.



Bi, đừng sợ! (2010) - kịch bản và đạo diễn: Phan Đăng Di; quay phim: Phạm Quang Minh; diễn viên: Hoa Thúy, Kiều Trinh, Huỳnh Anh, Phan Thành Minh, Hà Phong, Trần Tiến, Mai Châu. Khởi chiếu ngày 18/3/2011 tại Việt Nam. Tôi có theo dõi báo chí trong nước những ngày qua nói về Bi, đừng sợ! Đại đa số đều nhấn mạnh về nội dung và về khía cạnh tình dục của phim. Tôi viết bài này, với mục đích không gửi báo chí, để bàn về các khía cạnh khác của bộ phim, những vấn đề điện ảnh thật sự đáng được nói đến.

(Diễn Đàn đăng lại từ blog cá nhân, với sự đồng ý của tác giả).



Trước hết, Bi, đừng sợ! có một câu chuyện kể được kết cấu chặt chẽ. Người đàn ông trong phim được thể hiện qua ba nhân vật chính trong một gia đình, một đứa trẻ (Bi), Bố nó và Ông Nội. Đó cũng là ba giai đoạn phát triển của một đời người. Ở giữa chúng là hình ảnh thời thanh niên trẻ trung của Cậu Học Sinh và Trung - chủ thầu xây dựng. Người đàn ông, dù ở độ tuổi nào, dù ở tình trạng nào, cũng là sức hút đối với đàn bà. Phan Đăng Di đã tài tình lật ngửa mối quan hệ phụ thuộc giữa đàn ông và đàn bà trong bộ phim này. Đồng thời, lột tẩy bản chất của đàn ông: dù ở lứa tuổi nào, đàn ông cũng chỉ là một đứa trẻ. Và đứa trẻ ấy luôn cần sự chăm sóc của đàn bà. Có thể thấy luận điểm chính này của Phan Đăng Di xuyên suốt từ kịch bản phim Chơi vơi cho đến Bi, đừng sợ!

Kết cấu chặt chẽ ấy được chuyển tải một cách dịu dàng bởi phong cách dựng phim tiết chế của Julie Beziau. Cô ráp nối những hình ảnh lặng lẽ, để chúng tự bùng nổ bởi nội tâm, thi thoảng ngăn chúng bằng cái gục đầu của nhân vật Ông Nội. Để có được hiệu ứng dựng phim xuất sắc như vậy là nhờ vào hai yếu tố mạnh mẽ đóng góp phần lớn thành công của Bi, đừng sợ!: quay phim và âm thanh.

Những hình ảnh được bố cục gần như hoàn mỹ, như những bức tranh. Một toàn cảnh khu nhà rêu đen xám, với ban công chòi ra ngoài, nơi nhân vật Bố Bi đứng gần như bất động. Một toàn cảnh lối đi nối giữa hai khu tập thể ở tiệm gội đầu thư giãn, nơi nhân vật Bố Bi và cô gái gội đầu đi xuống từ bên phải sang bên trái màn hình. Cũng hai người ấy trong một trung cảnh, vừa thổi bóng bay vừa giễu lại lời chào mời với nhau, ánh sáng xanh hắt vào từ khung cửa sổ, máy hất chéo từ một góc. Có rất nhiều hình ảnh đóng vào trí nhớ như thế trong Bi, đừng sợ! Đặc biệt, cách chọn tông màu xanh lá cây xuyên suốt toàn bộ phim làm toát lên sự lạnh lẽo, sự thiếu từng trải, sự bị động, và sự hiện hữu bao trùm của tính Âm. Màu xanh lá cây được tạo thành từ sự kết hợp màu xanh dương của trí óc và màu vàng của tình cảm ấm áp. Nấp trong vỏ bọc của xanh lá cây, lý trí và tình cảm được che chắn, nhưng cũng đầy bất an. Chỉ đợi những dịp có sự xuất hiện của màu đỏ, là sự bung phá có thể diễn ra ngay lập tức, như quả táo đỏ được đẩy lên mang tính biểu tượng trong nhiều tình huống. Hình ảnh quả táo cũng gợi nhắc đến Poetry của Lee Chang-dong, một bộ phim rất đáng chú ý khác của năm 2010.

Một bước đột phá trong kỹ thuật điện ảnh tại Việt Nam cần được công nhận ở Bi, đừng sợ! chính là phần âm thanh. Nếu như những nhân vật người trong phim có suy nghĩ, số phận riêng của mình, thì âm thanh trong phim là nhân vật làm nên cái hồn Hà Nội. Bi, đừng sợ! đặc biệt tiết kiệm những cảnh quay đặc trưng cho Hà Nội, ta không thấy Hồ Gươm, không thấy Khuê Văn Các, không thấy Hồ Tây. Thế nhưng cái tinh thần Hà Nội, cái cảm giác Hà Nội thì hiện hữu khắp nơi. Đó là nhờ vào âm thanh, thứ âm thanh rất khó lẫn của Hà Nội, thứ "âm nhạc" làm nên Hà Nội. Bộ phim sử dụng chính nền âm thanh ấy để làm âm nhạc cho phim. Từ tiếng mài đá như xiết vào tim, đến tiếng gió lao xao ngoài bờ sông, từ tiếng kèn đám ma ai oán, đến tiếng rên rỉ hoan lạc. Tiếng còi xe, tiếng rao,... đó chính là âm thanh của Hà Nội!

Với tất cả những điều kể trên, Bi, đừng sợ! là một bộ phim đầu tay thành công. Tuy vậy, tôi vẫn thấy ở bộ phim thiếu một điểm để có thể trở thành tác phẩm kinh điển: đó là tính đương đại (contemporain). Bộ phim, xét trong hoàn cảnh điện ảnh Việt Nam, có thể đột phá về nhiều mặt. Nhưng tính đương đại của bộ phim, rất tiếc, lại chưa đủ quyết liệt. Tôi có thể yêu bộ phim vì nhiều lẽ, nhưng cái hơi thở, nhịp đập làm nên giá trị lâu đời của bộ phim, thì vẫn chưa thật sự mạnh mẽ.


(c) marcus 18.3.2011


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss