Giấc mơ triệu phú thời toàn cầu hóa
Giấc mơ triệu
phú thời toàn cầu hóa
Châu Diên
Nghĩ sau khi xem bộ phim mới nhận giải OSCAR
“Triệu phú khu nhà ổ chuột”
Thời đại mới. Mới ở chỗ nào? Người ta bảo đó là thời thế giới phẳng. Phẳng khác với lồi lõm ở chỗ nào? Khác ở chỗ nó là thời hội nhập. Hội nhập vào đâu? Ai hội nhập với ai? Hội nhập rồi làm gì? Và câu hỏi cuối cùng trốn không thoát: “Hội nhập thì có lợi gì?” “Và có lợi cho ai?”
Ở khu nhà ổ chuột tại thành phố Mumbai chẳng hạn, hội nhập có lợi cho ai? Bộ phim bắt đầu bằng giấc mơ triệu phú. Toàn dân dõi theo trò chơi trên TiVi “Ai là triệu phú”. Cũng gào lên “xin cám ơn xin cám ơn”. Cũng dứ nhau những câu hỏi với bốn phương án trả lời.
Lần này người chơi là một
thiếu niên ở khu ổ chuột. Tên
Jamal Malik, diễn viên Dev Patel đóng. Thất
học. Nghèo. Thế thì tại sao cậu
ta lọt tất cả các câu hỏi hóc
búa chứ? Lọt tất cả để đoạt
giải 10 triệu ru-pi Ấn Độ. Và chờ
đợi hôm sau lọt nốt câu hỏi
cuối cùng để nhận 20 triệu ru-pi.
Chắc là 10 triệu hoặc 20 triệu ru-pi cũng
to1.
Chắc là cũng đủ để đổi
đời kẻ sống ở khu ổ chuột.
Và đủ gây tức giận cho những
kẻ xấu. Kẻ xấu đây, tính cả
người dẫn chương trình. Hắn
ta phối hợp với cảnh sát để
ngay sau cuộc thi liền giao nộp cậu thiếu
niên cho bọn này tra tấn để tìm
cho ra có phải kẻ thắng cuộc vì
được lọt đề thi. Hoặc giả,
có thể có con chip nào đó gắn
dưới da thằng bé ấy?
Phim chưa mở đầu ngay bằng cuộc chơi “Ai là triệu phú”. Phim mở đầu bằng cảnh tra tấn thằng bé. Và một câu hỏi với bốn phương án trả lời: “Cậu ta đã trả lời đúng tất cả các câu hỏi để được 10 triệu ru-pi. Còn một câu nữa thì được 20 triệu. Vì sao nó trả lời được hết?”. Đáp án: A- vì nó lừa đảo. B- vì nó gặp may. C- vì nó thiên tài. D- vì số Giời định thế. Rồi đến ngay đoạn cảnh sát quay điện tra tấn nó. Nó chẳng có gì để khai ra cả. Vì những câu trả lời đúng của nó đều là những kiến thức tự nhiên nó có. Ngay cả với thân phận sống trong khu ổ chuột này, nó cũng có nổi các kiến thức đó.
Thí dụ kiến thức đầu tiên
hỏi tên một diễn viên nam nổi
tiếng, Amitabh Bachchan. Nó nhớ lại khi còn
bé tí bị tranh chấp nhà xí.
Nó đang ngồi ị trong nhà xí.
Chủ nhà xí đập cửa đuổi
ra bắt nó nhường cho khách mới.
Cơ mà nó chưa xong! Chủ nhà xí
thế là mất toi một khách. Đứa
bé tinh nghịch kia đã chốt chặt
cửa nhà xí lại. Đúng lúc
ấy, máy bay trực thăng chở người
diễn viên nổi tiếng đến thăm
khu ổ chuột. Thằng bé chỉ còn
một cách thoát ra khỏi nhà xí
để được đón người
hùng cả nước tôn thờ. Nó
bịt mũi nhắm mắt, nhảy xuống thùng
phân, và cứ thế ngập ngụa phân
chạy đi xin chữ ký. Một kỷ niệm
đẹp đến thế, làm sao quên?
Tấm hình có chữ ký sau đó
bị thằng anh đem bán lấy mấy xu
cho một “nhà sưu tập”. Tiếc
chưa? Một sự mất mát lớn lao đến
thế, làm sao quên? Kiến thức ấy,
các ông cảnh sát làm sao hiểu
nổi! Một sự thật thế ấy, làm
cách gì nó trả lời cặn kẽ?
Lại đánh. Lại quay điện. Lại
im lặng.
Gì nữa? Đây là câu hỏi về kiến thức tiền tệ. “Tờ một trăm đô-la Mỹ in hình ai?” Đáp án A, B, C, D. Nó làm gì có nổi tờ một trăm đô-la Mỹ trong tay? Chỉ được cầm tờ bạc trong tay lát giây, nó cũng chưa có cơ hội. Thậm chí nó cũng chẳng dám ước mơ được cầm một tờ bạc đó. Thế mà nó trả lời đúng! Có gì đâu? Trong đám con trẻ cùng lứa ở khu ổ chuột, có đứa bạn bị lừa đi theo “nhà từ thiện”, vì nó có giọng hát quá hay. Nó bị đổ dầu đã đun sôi cho mù mắt, rồi nó phải đi hành khất kiếm tiền cho nhà từ thiện. Nó có giọng hát hay của người mù, và nó có cái mũi ngửi được những điều người mắt sáng nhìn bằng mắt. Có lần nó được tờ một trăm đô. Bạn bảo nó thế. Nó hỏi bạn “mày không trêu tao chứ?” “Không, tờ một trăm đô thật mà!” “Thế nó in hình gì bên trên?” “Tao không biết. Một ông nhiều tóc, nhưng trên đỉnh đầu thì hói”. “Benjamin Franklin”. Sau này, thằng bạn khi đi thi “Ai là triệu phú” chỉ việc nhắc lại cái đáp án có cái tên ấy. Khó gì! Nhưng ai hiểu nổi?
Câu hỏi cuối cùng, đúng là nó gặp may. Hỏi về “Ba chàng ngự lâm” của Dumas. Đó là sách nó thích nhất trong đoạn đời đi học ngắn ngủi. Nó và thằng anh trai Salim vẫn nhận là hai chàng ngự lâm Athos và Porthos. Chàng ngự lâm quân thứ ba là cô bạn gái mồ côi Latika. Ba chàng ngự lâm rơi vào tay tên côn đồ có tên là Maman. Rồi chúng rủ nhau đi trốn. Chỉ có hai chàng ngự lâm thoát. Chàng thứ ba bị bắt lại, phải sống và phục dịch một tên triệu phú thứ thiệt. Khi lớn lên, nó cố tìm cô bạn gái. Lại rủ nhau trốn. Và lại lạc nhau. Nó cố tình dự thi “Ai là triệu phú” hy vọng cô bạn gái sẽ nhìn thấy mặt nó và tìm đến được với nó… Chợt nghĩ, sao các nhà làm phim Việt Nam không chịu khai thác chuyện “Cải ơi” của Nguyễn Ngọc Tư để mà tranh giải Oscar?
Phim diễn ra trên cái nền khu nhà ổ chuột. Ngay cả khi những tòa nhà cao tầng mọc lên thay thế, thì cái bản sắc ổ chuột vẫn cứ còn bám chặt ký ức con người. Thời thế đổi thay cũng chẳng xóa nổi những cuộc xung đột Hồi giáo và Ấn độ giáo. Chẳng xóa nổi những câu hỏi chua chát khi đứng trước ngôi đến thiêng Taj Mahal đẹp như hòn ngọc, “Liệu ta có đến được Thiên đường không?”
Bộ phim buộc con người, dù đang bị bắt buộc phải sống trong thế giới phẳng, sống trong thời đại toàn cầu hóa, sống trong thời đại giả định là mũi tên trong các biểu bảng vẫn cứ nhích lên cao thì chắc là ai ai cũng có thể trở thành triệu phú, trong thời đại của giấc mơ đồng tiền, câu hỏi bằng những hình ảnh đơn giản nhưng lại lớn lao về HẠNH PHÚC thực sự vẫn là điều day dứt nhất. Sao các nhà làm phim Việt Nam không đặt ra những câu hỏi như thế, mà cứ luẩn quẩn với những chân ngắn chân dài, với những cảnh nóng cảnh nguội, để truội mất biết bao là Oscar…?
Hà Nội, 24-02-2009
Châu Diên
1 D.Đ. : 100 Roupi bằng khoảng 1,53 Euro
Nếu bạn chưa đi xem phim này thì nên đi xem ngay.
Tại hạ vốn không có cảm tình gì đặc biệt với các phim được giải Oscar, nói chung dĩ nhiên đều là những phim hấp dẫn, tài từ diễn xuất hay, đạo diễn dàn cảnh giỏi... nhưng về chiều sâu thì... hơi bị hiếm.
Lần này tại hạ bị phim chinh phục hoàn toàn.
Khía cạnh “Hollywood” thì khỏi nói rồi, chỉ nhìn vào 8 Oscars cũng biết, ngoài Oscar sáng giá nhất là Oscar của phim hay, 7 giải còn lại đều là về kỹ thuật làm phim. Bảo đảm bạn sẽ không chán một giây nào, âm thanh, hình ảnh, tình tiết đều biến đổi qua đủ các gam “màu” một cách lôi cuốn. Kể cả đoạn “générique” cuối phim, nháy mắt với “Bollywood” một cách rất trẻ trung.
Bạn sẽ cười, bạn sẽ giận, bạn sẽ cay đắng, bạn sẽ ghê sợ... và ra về sẽ suy nghĩ miên man.
Và chính điều đó chinh phục tôi : tất cả những kỹ thuật ấy, thủ pháp ấy, phục vụ hữu hiệu cho một chủ đề xã hội rộng, rất hiện thực, gợi nhiều suy nghĩ về một nước Ấn Độ (và không chỉ Ấn Độ) đang chuyển mình, mà Châu Diên đã phác hoạ ở trên.
Và phim được làm với một ngân quỹ có thể đoán là khá nhỏ (nhưng cũng không nghèo nàn đâu) nếu nhìn kỹ về cảnh trí và nếu biết là đạo diễn đã chỉ dùng các diễn viên nghiệp dư.
Một phim tác giả mà chinh phục được Hollywood bằng chính vũ khí của Hollywood. Đấy phải chăng cũng là một khía cạnh của “thế giới phẳng” ?
Hàn Thuỷ
Tên phim : Slumdog Millionnaire
Đạo diễn : Danny Boyle
8 Oscars về : Phim hay nhất, đạo diễn, chuyển thể loại từ tiểu thuyết, hình ảnh, nhạc, bài hát mới, dàn dựng hình ảnh, dàn dựng âm thanh.
Vẫn chiếu liên tục tại rất nhiều rạp ở Pháp từ 14.01 tới nay.
Các thao tác trên Tài liệu