Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Giới thiệu phim BI, ĐỪNG SỢ !

Giới thiệu phim BI, ĐỪNG SỢ !

- Nguyễn Ngọc Giao — published 04/01/2011 19:42, cập nhật lần cuối 04/01/2011 21:01
sẽ chiếu 14g chiều thứ bảy 8.1.2011 tại Studio de la Clef, 34 rue Daubenton, Paris 5 (M° Censier-Daubenton, tuyến số 7).


cảm  nghĩ

xem phim
Bi, đừng sợ !
của Phan Đăng Di


Nguyễn Ngọc Giao


Từ ngày chuyển sang "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", điện ảnh Việt Nam sống dở chết dở trong cảnh trên đe dưới búa. Trên cái đe thị trường, hầu hết các phim doanh nghiệp tư nhân sản xuất là phim "tết" kiểu Khi đàn ông có bầu, Nụ hôn thần chết (phim này nắm chắc phần thua, ngày mồng một tết, ai lại đi xem cái phim mang cái tên xúi quẩy như vậy)... Búa liềm nhà nước thể hiện dưới hai dạng : một là ngân sách nhà nước hàng năm chỉ đặt hàng năm ba cuốn phim, chủ yếu là phim "cúng cụ", hai là với hai khâu kiểm duyệt (kịch bản và bản phim cuối cùng), khó có cuốn phim (tư nhân hay nhà nước) dám đi "lề trái".

Trong cái đêm đen như tiền đồ của chị Dậu ấy, chúng ta càng quý trọng những ánh sao lấp lánh, nếu không làm ta lạc quan thì cũng bớt tuyệt vọng.

Hai năm qua, ánh sao đến từ hai cuốn phim rất khác nhau : Đừng đốt ! của Đặng Nhật Minh và Bi, đừng sợ ! của Phan Đăng Di. Đặng Nhật Minh, bước sang tuổi cổ lai hi, là nhà điện ảnh lão thành. Phan Đăng Di, sinh năm 1976, là một trong những đạo diễn trẻ nhất của Việt Nam (Bi, đừng sợ ! của anh là cuốn phim đầu tay). Đừng đốt ! do Nhà nước hoàn toàn tài trợ (11 tỉ đồng, hơn nửa triệu đô-la, một ngân sách rất lớn đối với phim Việt Nam). Bi, đừng sợ ! không có một xu trợ cấp của Nhà nước, kiếm được đầu tư của tư nhân, chủ yếu là nhờ đã được sự tài trợ của các nhà sản xuất nước ngoài đã có con mắt tinh đời khi đọc kịch bản của Phan Đăng Di. Cuốn phim của Đặng Nhật Minh (về  Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật kí của chị) đã được giải Bông sen vàng của Liên hoan phim Việt Nam và đã đi tới rộng rãi công chúng Việt Nam và được giới thiệu ở nước ngoài. Giá trị và thành công của Đừng đốt ! là ở chỗ nó hoàn toàn không phải là một cuốn phim "cúng cụ" xem qua rồi bỏ, mà là một tác phẩm nhân bản, ca ngợi con người, nói lên những trăn trở của con người (Đặng Thùy Trâm, Fred Whitehurst, Nguyễn Trung Hiếu), và không ngại ngùng cho thấy sự ngu xuẩn và bỉ ổi của tên bí thư chi bộ bệnh xá. Một tác phẩm hiện thực, trữ tình có chừng mực, trung thực.

Bi, đừng sợ !, phải nói ngay để khán giả không bị bất ngờ, không phải là một tác phẩm hiện thực. Nó không kể lại một câu chuyện có đầu có đuôi. Nó trước hết là những hình ảnh, cảm giác, ấn tượng, là những bầu không khí, những trạng thái tâm lý, tuy mỗi trường đoạn đều diễn ra trong Hà Nội hôm nay, xô bồ, ồn ào, ngổn ngang. Như chính tác giả đã nói : « Thật ra ba người đàn ông trong phim (Bi, bố Bi, ông nội Bi) chỉ là ba giai đoạn trong cuộc đời của một người đàn ông mà thôi. Một điểm chung của họ là từ bé tới lớn họ đều cần đàn bà. Họ được chăm sóc, vây bọc, yêu thương, rã rời bởi đàn bà, nhưng họ có hiểu đàn bà hay không lại là một câu hỏi khó trả lời. Họ cũng có một điểm chung nữa : luôn có một cái gì đó muốn sở hữu và phải giấu giếm, ngây thơ như Bi là một quả dưa hấu nhỏ. Đơn giản như bố là một cô bồ và bí ẩn như ông nội là một quá khứ đóng kín bao nhiêu năm... Như vậy với những người đàn ông, sự sinh ra, trưởng thành và chết đi của họ phải chăng là sự gia tăng mức độ khó của những câu hỏi mà chưa hẳn họ đã có lời giải đáp. » Nói khác đi, và huỵch toẹt hơn : xã hội đàn ông là một xã hội vô dụng (ngoại trừ Bi, mà bí mật chỉ là quả dưa hấu nhỏ, được cứu rỗi bằng tuổi thơ trinh trắng của mình -- nhân vật Bi làm ta nghĩ tới cậu bé Nhất Nhất trong cuốn phim Yi Yi của Edward Yang / Dương Đức Xương), xã hội Việt Nam đang tồn tại, bươn chải được là dựa trên đôi vai của những người phụ nữ. Bi, đừng sợ ! không phải là phim hiện thực, nó không mang thông điệp xã hội, nhưng rõ ràng nó đã cho người xem cảm nhận được điều ấy. May thay, tác giả là một người nam, để không ai có thể trách đây là tuyên ngôn của một tác giả les(bienne) nữ quyền cực đoan.


bida


Không có câu chuyện, không có nhân vật chính. Hay đúng hơn : có một nhân vật chính, là khối nước đá lạnh, trong suốt. Hiếm có cuốn phim nào mà khối nước đá lạnh cho người xem cảm nhận được cái nóng, ẩm, nhớp nháp trên làn da như Bi, đừng sợ !. Thông điệp của Phan Đăng Di, trước hết, là một thông điệp nhục cảm -- và ở đây phải nói tới vai trò quan trọng của người cầm máy quay, Phạm Quang Minh, và sự ăn ý, đồng cảm giữa đạo diễn và quay phim. Có lẽ phải nhấn mạnh tới yếu tố nhục cảm, để thấy những cảnh "hot" trong phim (nghe nói đã bị kiểm duyệt đòi cắt tàn bạo) hoàn toàn không có mục tiêu "câu khách", mà cần thiết, là tất yếu, để nói lên những tâm trạng đan xen, trái nghịch : ham muốn dục tính, ẩn ức, chán chường, tuyệt vọng, bạo/bất lực...

Ở trên, tôi nói tới Dương Đức Xương (Edward Yang), một trong những nhà điện ảnh lớn của nền điện ảnh Đài Loan (cùng với những Hầu Hiếu Hiền / Hou Hsiao Hsien). Điện ảnh Đài Loan ngày nay được thừa nhận là một trong vài nền điện ảnh lớn của châu Á. Cho đến cuối thập niên 1970, điện ảnh Đài Loan chủ yếu sản xuất phim tuyên truyền cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng, và phim đánh đấm, tình cảm mê li. Sang những năm 1980, Dương Đức Xương, Hầu Hiếu Hiền, tiếp xúc với Làn sóng mới (của điện ảnh Pháp), quyết định "làm điện ảnh thực sự". Một nhóm nhỏ, mỗi tuần gặp nhau hai ba lần, trao đổi ý kiến, giao hẹn "ý nào ai đưa ra, người nào muốn dùng, xin mời"..., giúp đỡ nhau, nương tựa nhau. Nền điện ảnh Đài Loan đã thực sự trỗi lên từ đó.

Tôi nghĩ tới hành trình của Dương Đức Xương, Hầu Hiếu Hiền... khi quan sát ê-kíp Phan Đăng Di, Phạm Quang Minh, Nguyễn Hoàng Điệp trong mấy ngày họ ở Paris làm hậu kỳ cho Bi, đừng sợ ! và chuẩn bị đi Cannes tham dự Liên hoan phim. Đây là thế hệ điện ảnh 25-40 tuổi, được đào tạo ở trong nước trong tình hình điện ảnh xuống cấp, nhưng họ cố gắng học ngoại ngữ, và may mắn hơn hẳn thế hệ anh, cha : họ có thể tiếp cận đủ các dòng điện ảnh "kinh điển" và đương đại của thế giới, ít nhất dưới dạng DVD (còn nhớ sự kinh ngạc của tôi khi được biết mãi đến năm 1980-81, các nhà điện ảnh Hà Nội mới được xem phim của S. Eisenstein). Và, quan trọng hơn cả, là nỗi đam mê và sự thân thiết của họ (đây không còn là những "cán bộ" hay "công chức" được "phân công" làm điện ảnh nữa).

Bi, đừng sợ ! chưa được "duyệt" lần chót để công chiếu ở Việt Nam (khỏi cần nói, bản sẽ chiếu ở Studio de la Clef, 34 rue Daubenton, Paris 5, chiều thứ bảy 8.1 ngày, đúng 14g, sẽ là bản toàn vẹn). Có thể thấy trước là khi/nếu nó được chiếu, sẽ không tìm được sự hưởng ứng và thưởng ngoạn của đông đảo công chúng. Đây là một tác phẩm nghệ thuật kén chọn khán giả của mình. Cũng may là ở Việt Nam hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy đã xuất hiện một công chúng thực sự đam mê điện ảnh, đang tiếp cận với các dòng điện ảnh thế giới.

Cảnh trên đe dưới búa nói ở đầu bài sẽ còn kéo dài. Nhưng với những phim như Bi, đừng sợ !, với manh nha công chúng điện ảnh vừa nói, có lẽ chúng ta có thể tự nhủ : chớ sợ, đừng bi !

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss